Vấn đề bạo lực ở Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vấn đề bạo lực ở Việt Nam

Theo VOA blog – Sun, 09/06/2015 – nguyenvubinh

     Bạo lực là hành động của một cá nhân hay một nhóm người sử dụng sức mạnh của cơ thể hoặc vũ khí tác động vào một cá nhân hoặc nhóm người khác. Bạo lực có nguồn gốc từ thời sơ khai của nhân loại trong việc tranh giành thức ăn và phụ nữ để duy trì sự tồn tại của giống nòi. Trải qua thời gian, cho tới trước khi con người được tự do, xã hội có dân chủ, bạo lực luôn là phương thức ứng xử cơ bản để giải quyết các xung đột và tranh chấp. Chỉ đến khi con người chấp nhận sự khác nhau và khác biệt của các cá nhân hoặc nhóm người, thì phương thức giải quyết mâu thuẫn mới chuyển từ bạo lực sang đối thoại.
     Ở các xã hội châu Á, phương thức ứng xử bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp rất nặng nề và dai dẳng. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chính đặc tính này của người châu Á và Việt Nam đã giúp cho việc du nhập chủ thuyết cộng sản diễn ra thuận lợi và kéo dài sự tồn tại của thực thể cộng sản đến ngày hôm nay. Phương thức ứng xử bạo lực, hay chính sách khủng bố là cốt lõi, trụ cột của các chế độ cộng sản. Trải qua thời gian, cùng với sự thay đổi bối cảnh quốc tế, và nhận thức của người dân, tính chất tàn ác và mật độ sử dụng bạo lực cũng giảm dần. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề bạo lực vẫn là điều nhức nhối, đáng lên án và cần loại bỏ.
     Trước hết, có thể nhận thấy bạo lực tràn lan ở khắp nơi, được sử dụng ở hầu hết các thành phần, đối tượng, đáng lo nhất là bạo lực học đường. Hàng ngày, hàng giờ những vụ việc đâm chém, ẩu đả diễn ra khắp mọi miền đất nước. Số người bị chết, bị thương do sử dụng vũ lực, đánh nhau chưa bao giờ thuyên giảm. Nhưng đau đớn nhất là chúng ta phải chứng kiến các cháu học sinh cấp hai liên tiếp đá vào người, vào mặt một bạn học cùng lớp trong một videoclip mới lan truyền trên mạng. Việc sử dụng bạo lực đã ngấm vào các thiếu niên mới 12-15 tuổi là thành tựu nổi bật của thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử. Đối với người dân, việc sử dụng bạo lực là sự kết hợp của văn hóa ứng xử tồn tại sẵn trong tính cách với những bức xúc, dồn nén vì hoàn cảnh khó khăn, vì những trái ngang, tiêu cực tràn lan trong xã hội hiện tại. Nhưng đối với nhà cầm quyền Việt nam, mà đại diện là các cơ quan công quyền, cùng với những người thực thi pháp luật, bạo lực là cách thức trấn áp, là phương pháp làm việc, là thủ đoạn đối phó với những người đấu tranh dân chủ.
     Sử dụng bạo lực là phương pháp làm việc chính là quá trình điều tra, thẩm vấn của ngành công an. Đã có nhiều người tử vong khi công an sử dụng việc tra tấn, bức cung trong quá trình thẩm vấn của họ. Không những vậy, việc đánh người còn được sử dụng để trục lợi khi người thân của những bị can, bị cáo phải hối lộ, đút lót để con em mình không còn bị đánh đập, tra tấn.
     Một vấn đề rất đáng được quan tâm, đó là việc nhà cầm quyền Việt nam sử dụng bạo lực, vũ lực đối với những người đấu tranh dân chủ, hoạt động nhân quyền và hoạt động dân sự. Theo dõi quá trình ứng xử của ngành an ninh đối với giới bất đồng chính kiến, chúng ta ghi nhận, việc sử dụng vũ lực xuất hiện từ khi có tập trung đông người, biểu tình và khi giới bất đồng chính kiến tập hợp, gặp gỡ. Đã có rất nhiều người bị đánh, có những người bị đánh nhiều lần, có người bị đánh rất dã man như gãy chân, gãy tay, gãy xương…nhà cầm quyền Việt nam đã sử dụng côn đồ, và phần lớn là công an mặc thường phục để thực hiện việc đánh đập, đàn áp người dân và giới bất đồng chính kiến.
     Việc sử dụng bạo lực nhắm vào những người đấu tranh chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã không còn chính nghĩa, bất lực hoàn toàn về mặt luật pháp và lý lẽ. Họ đã không thể khuất phục được những người đấu tranh dân chủ bằng phương pháp này. Mặc dù bị người dân phản đối, quốc tế lên án nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng bạo lực. Nhưng chúng ta, những người đấu tranh và phản tỉnh cũng không phải e ngại và lo lắng quá về điều này. Bởi lẽ, trong quy trình tiến tới dân chủ của các chế độ độc tài, Việt Nam đang đi những bước cuối cùng của quy trình đó: Giết – Giam cầm (tù đày) – Đánh đập – Đối thoại./.
Hà Nội, ngày 06/9/2015
N.V.B