‘Phân biệt đối xử’ trong đặc xá ở VN?

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Phân biệt đối xử’ trong đặc xá ở VN?

Luật sư Trần Thu Nam cho rằng có yếu tố bất bình đẳng và bất hợp lý trong tiêu chí và quy định luật pháp trong đặc xá ở Việt Nam và các đợt đặc xá năm nay.

Theo BBC – 4 tháng 9 2015
Đợt đặc xá hơn 18 nghìn tù nhân đợt 2-9 và năm nay bộc lộ một số vấn đề ‘phân biệt đối xử’, ‘không công bằng’ và ‘kém tiến bộ’ trong quan điểm và chính sách của nhà nước Việt Nam, theo ý kiến một luật sư và khách mời tại Bàn tròn Trực tuyến tuần này của BBC Việt ngữ.
Trao đổi với Bàn tròn với chủ đề “2-9 và đặc xá, câu lưu” hôm thứ Năm, luật sư Trần Thu Nam từ Văn phòng Luật sư Tín Việt & Cộng sự nêu nhận xét:
“Tôi có theo dõi trường hợp đặc xá của năm 2015 và đợt đặc xá của ngày 2-9 vừa rồi và cũng thấy rằng không có trường hợp nào liên quan đến những tù nhân mà thuộc chương an ninh chính trị được đặc xá.
“Và tôi có biết lá thư của vị dân biểu Mỹ (Alan Lowenthal) bày tỏ quan ngại, bày tỏ chính kiến của mình liên quan cái thất vọng trong quá trình đặc xá vừa rồi.
“Đứng về khía cạnh luật pháp và những người làm luật, tôi thấy rằng đợt đặc xá năm nay có những cái gọi là sự không công bằng.”
Và luật sư nêu lý do:
“Bởi vì luật không quy định rằng là những đối tượng nào được đặc xá, hay những đối tượng nào không được đặc xá mà chỉ quy định những trường hợp nào đủ điều kiện đặc xá, thì họ sẽ được hưởng chính sách đặc xá của nhà nước…
“Tuy nhiên trong trường hợp của năm nay, có một hướng dẫn của hội đồng xét đặc xá mà tôi cho rằng nó có một điều lạ trong đó, ghi rõ ràng trong hướng dẫn số 91 của hội đồng xét đặc xá là những trường hợp thuộc tội danh liên quan đến an ninh chính trị, an ninh quốc gia mà thuộc trường hợp ‘rất nghiêm trọng’ và ‘đặc biêt nghiêm trọng’, thì sẽ không được xét đặc xá.
“Như vậy thì trường hợp xét đặc xá năm nay có một sự phân biệt đối xử giữa các nhóm tội và đặc biệt nhóm tội liên quan đến chương an ninh quốc gia là không được xem xét đến, thì đó là một sự không công bằng.
Theo ông Trương Duy Nhất, trong số 4 tiêu chí để xét ‘đặc xá’, yêu cầu ‘nhận tội’ xếp cao nhất và là then chốt. 
“Và việc vị dân biểu thể hiện sự thất vọng của mình thì tôi nghĩ rằng họ có cơ sở, bởi vì không một đối tượng nào trong số hơn 18 nghìn người, thuộc tội mà liên quan đến an ninh quốc gia được đặc xá.”

‘Kém tiến bộ’

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, cựu tù nhân, người bị kết án tù giam vì ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ tuyên truyền, chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam’ theo điều 258 của Bộ luật hình sự, chia sẻ thêm với bàn tròn của BBC về vấn đề đặc xá và đợt thả tù 2/9/2015, ông nói:
“Tôi biết nhiều trường hợp tù thuộc dạng xâm phạm an ninh quốc gia nhưng thi hành án rất lâu rồi, thậm chí chỉ còn thời gian rất ngắn, nhưng cũng không được đặc xá trong đợt này.
“Họ cũng có nhận tội, chứ không phải là không nhận tội, tức là hội đủ điều kiện nhưng vẫn không được đặc xá, đó là cái thứ nhất.
“Có những nhân vật đặc biệt, ví dụ như chị Tạ Phong Tần và những nhân vật đặc biệt khác, dưới những sức ép của nước ngoài thì khi Việt Nam tham gia ký kết những cái này, TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), chẳng hạn, hoặc dưới những sức ép như thế.
“Thì thay vì thả vào những đợt khác, đợt này họ không nhận tội, nhưng đặc xá vào dịp này thì đó là một cách lựa chọn khôn ngoan của nhà cầm quyền, nhưng tiếc rằng người ta đã không làm lựa chọn đó.”
Và blogger Trương Duy Nhất nêu câu hỏi: “Tại sao phạm nhân đặc biệt nguy hiểm khác, ví dụ phạm tội ma túy, giết người cũng được đặc xá trông dịp này, thậm chí tội phạm giết người mà họ chỉ chấp hành xong vừa đúng một phần ba bản án thôi.
“Cho nên để nói rằng tư duy về tội phạm, tư duy về nhận biết thế nào là độ an ninh, độ nguy hiểm đối với xã hội, đối với an ninh quốc gia, không lẽ những tội phạm đó lại ít nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, ít nguy hiểm đến an toàn xã hội trong đợt này, so với tội phạm an ninh hay không?
“Cho nên tôi đoán đó là điểm yếu, mà còn là một tư duy kém tiến bộ trong cách nhìn nhận đặc xá, nhìn nhận tội phạm về chính trị và hình sự.”
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân chính trị, đưa ra bình luận về đặc xá. Thông điệp của luật sư có đoạn viết:
“Tù nhân chính trị là thành phần không thể kiếm chác ở họ, mà chỉ có thể dùng để đổi chác cho mục đích khác, nên họ không thuộc diện đặc xá bình thường. Do vậy, xin đừng ngạc nhiên hay buồn bã vì không tù nhân chính trị nào được trả tự do trong dịp này,” ông Lê Công Định viết.

Hăm hở, chờ đợi

Tù chính trị là ‘tài sản quý hiếm’ mà nhà nước để dành cho các dịp ‘đổi chác’ chín trị khác, theo ý kiến các nhà hoạt động xã hội ở VN được nghệ sỹ Kim Chi nhắc lại.
Bình luận về đặc xá cũng như quan điểm của Luật sư Lê Công Định trên Facebook, bà Kim Chi, nghệ sỹ điện ảnh, nhà hoạt động xã hội dân sự nói:
“Vì tôi không hiểu những điều như là nhà báo blogger Trương Duy Nhất nói đầy đủ như thế, cho nên lúc đầu tôi hăm hở lắm. Tôi nghĩ là 18.200 người thì nhất đình là trong đó có Tạ Phong Tần, có anh em hay là Bùi Minh Hằng này kia, thì tôi rất là chờ đợi.
“Khi không có chuyện đó xảy ra, thì tôi rất buồn, rất thất vọng. Nhưng mà sau đó tôi có được đọc bài ở trên Facebook của Luật sư Lê Công Định viết thì tôi mới hiểu ra.
“Và thôi thì tôi hiểu rồi, bởi vì anh em trong xã hội dân sự có bình luận là những tù nhân chính trị là những hàng quý hiếm mà quốc gia cần phải giữ lại, để có những sự đổi chác nó quan trọng hơn.”
Cũng hôm thứ Năm, một trong các trường hợp được đặc xá trong đợt 2/9 năm nay của Việt Nam, ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ với Bàn tròn Trực tuyến về cảm tưởng của ông khi đoàn tụ với gia đình.
Ông Đoàn Văn Vươn, người vừa ra tù sau hơn 3 năm, 7 tháng do chống lại quan chức và chính quyền địa phương cưỡng chế đất đai và cơ sở sản xuất trong vụ án ở Cống Rộc, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng gần bốn năm trước, nói:
“Khi tôi được đặc xá về với gia đình đợt này, tôi rất là hạnh phúc và cảm thấy xúc động,” kỹ sư Đoàn Văn Vươn chia sẻ với bàn tròn của BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm tại đây: http://bit.ly/1Jzkg23