Điểm Báo Pháp – 5-9-2015
Vụ các nhà sư, trong đó có một nhà sư đi máy bay riêng, đang gây xì căng đan tại Thái Lan (nguồn: Youtube)
Theo RFI – Thu Hằng – 05-09-2015
Phật giáo Thái Lan: Ngành kinh doanh hốt bạc
Nhiều vụ tai tiếng tài chính và chi tiêu quá đáng trong giới sư sãi tại Thái Lan là chủ đề được tuần báo L’Express đề cập trong bài phóng sự có tựa đề: “Những ‘hiền sư’ áo vàng ‘xa xỉ’ “.
Tờ báo nhắc lại những vụ tai tiếng lớn trong giới tăng lữ Phật giáo tại Thái Lan. Trước hết là vụ tai tiếng tài chính vào đầu năm 2015 của nhà sư Phra Dhammachayo, một trong những nhà sư nổi tiếng nhất Thái Lan, trụ trì đền Dhammakaya, cũng là một trong những ngôi đền lớn nhất đất nước, nơi có hơn 3.000 nhà sư sinh sống. Vụ việc bị phanh phui khi một lãnh đạo ngân hàng Klongchan Credit Union (Bangkok) bị cáo buộc đánh cắp 20 triệu euro để chuyển cho ngôi đền. Để xoa dịu những lời chỉ trích phản đối, sư trụ trì Phra Dhammachayo buộc phải hoàn trả một phần số tiền trên để tránh bị truy tố.
Trước đó, vào tháng Giêng, một vụ tai tiếng khác liên quan tới sư trụ trì chùa Wat Saket (còn gọi là Núi vàng), một trong những ngôi chùa cổ kính nhất vương quốc. Ông bị cáo buộc biển thủ số tiền tương đương 50.000 euro nằm trong ngân quỹ tổ chức tang lễ cho vị sư trụ trì đã mất. Hai tháng trước đó, vào cuối năm 2014, tại miền bắc Thái Lan, một nhà sư cũng đã bị bắt giam vì đầu tư gần 1 triệu euro vào thị trường chứng khoán. Số tiền này là một phần tiền công đức của người dân. Chưa hết, hẳn mọi người vẫn chưa quên được hình ảnh nhà sư Phra Wiraphol Sukphol đeo kính đen thời thượng, dùng túi Vuitton, chụp hình trong máy bay trực thăng riêng. Hiện đang bỏ trốn, ông bị cáo buộc đã biển thủ hơn 24 triệu euro được giữ trong nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Các sự kiện trên khiến người dân Thái Lan khó xử. Làm thế nào mà các nhà sư lại để “Mâra” (hay «Quỷ sứ cám dỗ» trong Phật giáo) dụ dỗ tham nhũng ? Bài phóng sự nhận xét rằng khó lòng cưỡng lại được trước số tiền công đức tại các nhà chùa, nhiều đến nỗi khiến các linh hồn trần tục bị mờ mắt.
Trăm cách «kiếm tiền» của nhà sư
Trên thực tế, để có một kiếp sau tốt hơn, hay để được cầu phúc trong ngày hôn lễ trọng đại, người Thái luôn mang lễ vật lên chùa, một nghi thức được hình thành từ cuối thế kỷ thứ XVIII, dưới triều vua Rama I, người sáng lập ra vương triều hiện nay. Chỉ riêng với khoản công đức này, hàng năm các chùa đã thu về hơn 3 tỉ euro, theo số liệu của Viện Phát triển Hành chính quốc gia tại Bangkok (National Institute of Development Administration). Người Thái Lan thậm chí còn đứng hàng thứ 3 trên thế giới về sự hào phóng đóng góp cho các tổ chức tôn giáo hay thiện nguyện, theo tổng kết mới nhất (2014) của World Giving Index.
Một nhà sư đấu tranh vì sự minh bạch của đền chùa Phật giáo khẳng định trên trang Facebook của mình: «Rất nhiều nhà sư muốn có chức vụ cao hơn đã không ngần ngại ”hối lộ” các đấng bề trên của chùa». Vì vậy, bất chấp một trong 227 điều luật của Phật giáo (Patimokkha) cấm nhận tiền mặt, nhiều sư sẵn sàng thuyết phục Phật tử cởi hầu bao: Tiền công đức càng lớn, Phật tử càng nhận được nhiều lộc.
Gần đây, một nhà sư già đã bị bắt tại Udon Thani, phía đông bắc Thái Lan, vì đã ăn trộm sọ người chôn tại một nghĩa trang. Nhà sư này định dùng những chiếc sọ đó trong một nghi lễ huyền bí để đoán các số trúng thưởng độc đắc và sau đó sẽ bán với «giá cắt cổ» cho Phật tử. Câu chuyện có vẻ buồn cười, nhưng cho thấy giới tăng lữ Thái Lan đã sa đà đến mức nào.
Một cách kiếm tiền khác của giới sư sãi Thái Lan được nhà thần học Mano Laohavanich, hiện giảng dạy tại đại học Thammasat (Bangkok), trước đây là người thân cận và giúp sư trụ trì Phra Dhammachayo đạt tới đỉnh cao danh vọng hiện nay, cho biết: «Để được ưu tiên ngồi cạnh sư (Phra Dhammachayo) trong một buổi lễ, cần phải chi vài nghìn euro. Những Phật tử làm công đức được chia theo địa vị xã hội trong một núi cơ sở dữ liệu khổng lồ, chỉ sau mỗi kho dữ liệu của chính phủ. Ngày nay, Phra Dhammachayo có thể đã trở thành tỉ phú. Nhà sư thành lập các công ty bất động sản, xây dựng, khai thác mỏ và buôn vũ khí».
Minh bạch trong quản lý tài chính
Để hy vọng chấm dứt những tai tiếng trên và để vấn đề quản lý tài chính của các chùa được minh bạch, cách đây vài năm, giới tăng lữ Phật giáo Thái đã thành lập một đội «sư cảnh sát», đặt trụ sở tại đền Sunwannaram, nằm ở trung tâm Bangkok, dưới sự điều hành của nhà sư Phra Rachapariyat Wethi. Nhờ các chuyến đi tuần và đặc biệt là tố cáo qua điện thoại với đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ, đội «sư cảnh sát» đã phát hiện nhiều chuyện thường nhật như một chú tiểu đi bán bùa, hay sư chèo kéo người qua đường, tới chuyện “tày đình” là các nhà sư ngủ với phụ nữ.
Còn sư Phra Buddha Issara, nổi tiếng vì có khuynh hướng làm chính trị và được cho là thân với Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha, đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách sâu rộng Phật giáo trong nước. Trước hết, các đền chùa buộc phải minh bạch trong vấn đề tài chính; cụ thể là mỗi đền chùa phải có sổ kế toán riêng. Tiếp theo, chấm dứt tập trung quyền lực vào giới tăng lữ, mà đại diện là khoảng 20 cao tăng thuộc ban lãnh đạo Tăng đoàn (Sangha). Thế nhưng, ban lãnh đạo này là nỗi sợ hãi của nhiều nhà sư và ngay cả chính phủ cũng không có quyền giải thể. Nhà sư Phra Buddha Issara cáo buộc những vị «Hiền sư» này không bao giờ cho điều tra các nhà sư tham nhũng, vì chính họ cũng nhận tiền hối lộ.
Thế nhưng, các đề xuất trên có nguy cơ bị loại bỏ vì giới tăng lữ Phật giáo tại đây vẫn có tiếng nói và mức ảnh hưởng mạnh mẽ, mặc dù, theo kết quả điều tra của đại học Khon Kaen vào năm 2013, chỉ còn 14% người Thái Lan vẫn giữ niềm tin tuyệt đối vào giới tăng lữ. Song, theo như lời nhà nghiên cứu thần học Sinchai Chaojaroenrat, «Giới tăng lữ Thái Lan muốn trở thành trung tâm Phật giáo của toàn thế giới». Nhà sư tai tiếng Phra Dhammachayo, hiện đã thu hút được hơn 3 triệu tín đồ, muốn dùng «thiền» để chinh phục toàn thế giới. Khoảng 60 “chi nhánh” đã được mở ở nước ngoài và một trong những trung tâm này nằm ở thành phố Strasbourg, phía đông nước Pháp.
Nhập cư: Châu Âu chống lại Châu Âu
Làn sóng nhập cư vẫn tiếp tục là chủ đề chính trên các số báo Pháp ra ngày hôm nay. Trang nhất của Le Monde đưa tin: «Mặt trận Pháp-Đức chống lại một pháo đài Châu Âu». Hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande đã đứng về phía Thủ tướng Đức để bảo vệ ý tưởng phân bổ hạn ngạch bắt buộc người tị nạn chính trị đối với các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Trong một bức thư chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định «Đức và Pháp kiên quyết bảo vệ khối Schengen».
Còn Le Figaro đánh giá trên trang nhất: «Đối mặt với làn sóng nhập cư, Châu Âu chia rẽ về vấn đề áp đặt quota». Bài xã luận trên trang nhất của tờ báo nhận định việc Tổng thống Pháp đứng về phía Thủ tướng Đức chứng tỏ Pháp không còn giải pháp nào hiệu quả hơn, đặc biệt là từ khi hai nước tuyến đầu là Ý và Hy Lạp tỏ ra hiểu rõ và xích lại gần nhau trước số lượng người xin nhập cư quá lớn, hàng ngày vẫn cập bờ hai nước này. Tờ báo nhận xét hành động của «Hungary đã chia rẽ toàn châu Âu». Trong khi đó, theo Libération, trước sức ép của Liên Hiệp Châu Âu, Thủ tướng Anh hứa sẽ tiếp nhận một số người nhập cư, song không đưa ra con số cụ thể.
Trước sự lưỡng lự của các nhà lãnh đạo Châu Âu, nhiều tình nguyện viên đã tự đứng ra tổ chức tiếp nhận, giúp đỡ và cung cấp thực phẩm cho người nhập cư. Theo Le Monde, hôm nay, tại Paris, một số người tình nguyện tiếp đón người tị nạn chính trị xuống đường thể hiện mong muốn của họ. Còn tại Berlin, sau nhiều cuộc phản đối căng thẳng, một trung tâm đón tiếp đã được người dân thành lập trong một khu phố tại đây. Thế nhưng, trên đảo Lesbos, Hy Lạp, khoảng chục tình nguyện viên nước ngoài bị quá tải trước sự bùng nổ người nhập cư không ngừng cập bến hòn đảo này, trong khi đó, tình hình nhân đạo tại đây ngày càng xấu đi.
Chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo: Liên quân Ả Rập-phương Tây thất bại
Cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra hiện nay là hậu quả của tình trạng chiến tranh tại khu vực Trung Đông và một số nước khác cũng bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoành hành. Theo bài xã luận trên Le Figaro, để có thể chấm dứt thảm họa nhân đạo trên, chỉ còn cách tấn công vào nguồn gốc của mọi đau khổ.
Tờ báo cho rằng, «ổ» đau khổ nằm ở thế giới Ả Rập, trải từ Syria tới Irak và tại Libya. Sau hơn một năm oanh kích các khu vực chiến lược của các tổ chức Thánh chiến, liên quân của Hoa Kỳ không thu được kết quả như mong đợi. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chịu 6.500 cuộc không kích, mất khoảng 10.000 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, nhưng vẫn đủ khả năng chống cự.
Sĩ số của các tổ chức khủng bố vẫn không suy chuyển nhờ những tân binh liên tục được chiêu mộ từ khắp nơi trên thế giới. Chúng vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh bằng các cuộc phản công ngay sát sườn thủ đô Damas và Bagdad, hành quyết nhiều thường dân và ngang nhiên phá hủy các công trình được xếp hạng di sản văn hóa nhân loại tại Palmyra.
Liên minh giữa Ả Rập và phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo coi như bị thất bại. Đây chính là dòng tựa trên trang nhất của Le Figaro. Các nước liên minh buộc phải xem xét lại chính sách của mình và vấn đề tấn công trên bộ từ giờ được đưa ra thảo luận, vì khó có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến hay chiếm lại các vùng đất đã mất nếu như không triển khai các lực lượng bộ binh.
Năm 2014, có 18 triệu ha rừng biến mất
«Năm 2014, có 18 triệu ha rừng biến mất» là lời cảnh báo được Le Monde đưa ra trong số ra ngày hôm nay. Với tổng diện tích gấp hai lần nước Bồ Đào Nha, các khu vực rừng mới bị tàn phá nằm tập trung tại vùng châu thổ sông Mê Kông, tại Tây Phi hay tại vùng Gran Chaco ở Nam Mỹ.
Diện tích rừng bị tàn phá năm 2014 được đánh giá là tồi tệ nhất từ đầu thế kỷ XXI, chỉ sau năm 2012. Như vậy, cứ mỗi phút, có khoảng 2.400 cây bị đốn hạ và hơn một nửa số diện tích rừng bị tàn phá nằm tại các đất nước nhiệt đới.
Theo Le Monde, tình trạng phá rừng là do nhu cầu nông nghiệp ngày càng tăng tại Châu Á cũng như tại Nam Mỹ hay Châu Phi, như để phát triển các đồn điền cao su, trồng và sản xuất giá đỗ, dầu cọ và chăn nuôi bò.
Quản lý rừng là một yếu tố cần thiết để đạt được các mục tiêu về giảm hiệu ứng nhà kính; 20% lượng khí thải CO2 là do việc phá rừng gây ra. Còn tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, FAO, đánh giá rằng 60% dân địa phương phụ thuộc gần như hoàn toàn vào rừng. Ngoài ra, khoảng 300 triệu người sống trong hay tại các khu vực xung quanh rừng và hơn 1,6 tỉ người sống phụ thuộc vào rừng.