Quốc khánh và ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quốc khánh và ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’
Image copyrightAFP Getty

 

Nguyễn Lê Nam

Gửi tới BBC từ Hà Nội

  • 2 tháng 9 2015


Theo dự báo thời tiết thì chiều tối nay 02/09 Hà Nội sẽ có mưa. Hình như mỗi năm cứ đến quốc khánh là ông trời lại làm mưa như xót thương bao nỗi thống khổ mà dân tộc tôi đã phải chịu đựng.

Nếu ví số phận của mỗi dân tộc như cuộc đời của mỗi con người thì trong cuộc đời mình, dân tộc tôi đã chịu đủ chiến tranh, thiên tai, loạn lạc, chia ly.

Tôi tin rằng những người đứng trên quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9 của 70 năm về trước đều là người Việt, dù ít dù nhiều cũng đều yêu nước. Tất cả đều mong đất nước này phát triển, hùng mạnh và độc lập.

Tôi cũng ngưỡng mộ bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn của Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình năm đó. Bản tuyên ngôn dường như đã chắt lọc được những tinh hoa của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ.

Nhưng tiếc thay nói hay mà làm dở!

“Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Trong khi con em nông dân được ưu ái, được coi là “giai cấp cách mạng” thì “Trí, phú, cường, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”.

Có sự bình đẳng nào lại chia dân tộc mình thành “cách mạng” và “phản cách mạng” không?

Ở thế hệ cha mẹ tôi, con em những người làm nghề buôn bán (từng bị dán cho cái nhãn “con buôn”) không được học đại học.

Ở thế hệ tôi thì những người bạn cùng thế hệ của tôi không được vào đại học vì họ là con em của những người lính, viên chức “ngụy”.

Chủ nghĩa lý lịch mặc sức tung hoành. Xét giới tính, xét tôn giáo, xét cha mẹ, nghề nghiệp của cha mẹ, đi đâu, làm gì trước năm 1975.

Vâng, “bình đẳng” là như thế đó!

Còn “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” thì sao?

‘Hoành tráng’

Image copyrightAFP GETTY

Tôi đã đọc về đánh tư sản, về Z30… và tự hỏi buôn bán, làm giàu cũng là có tội thì tự do và mưu cầu hạnh phúc bằng cái gì?

Ngày xưa, cần đánh thì là tư sản mại bản, bán nước. Giờ cần dùng thì nào là hợp tác quốc tế, nào là doanh nhân. Còn ngày mai thì sao?

Tôi cũng đã đọc về cuộc đời của Nguyên Hồng, của Hữu Loan, của Văn Cao.. và tự hỏi những nghệ sỹ tài hoa mà rắn rỏi đó đã làm sai điều gì?

À, mà họ sai thật. Họ không hiểu được điều đơn giản “Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của họ là làm theo những yêu cầu của “cách mạng”. Họ sai rồi, quá sai rồi!

Chuyện cũ qua rồi, thôi thì cho qua! Hôm nay lại là một Ngày Quốc khánh nữa, nhưng to hơn mọi năm.

Một số người thì háo hức xem duyệt binh, xem pháo hoa. Một số người thì như tôi, họ dửng dưng.

Duyệt binh dù hoành tráng. Vũ khí dù hiện đại. Nhưng lòng người không theo thí có ích gì? Pháo hoa dù đẹp, nhưng chóng tàn và chẳng thế nào qua cơn đói.

Quốc khánh dẫu to cũng không thể nâng cao vị thế đất nước bằng những hợp đồng xuất khẩu lao động sang các nước Đông Á và Trung Đông, và nay sang cả Lào và Campuchia.

Tôi không mong duyệt binh hoàng tráng, khí tài hiện đại. Chỉ mong hòa bình lâu dài, làm bạn với những nước văn minh Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… và học hỏi cách họ vươn mình thành “rồng” thành hổ”.

Tôi không mong quốc khánh hoành tráng mà ngân khố thì cạn kiệt, bộ tài chính phải đi vay ngân hàng nhà nước. Chỉ mong mỗi đồng ngân sách đều dùng để xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất.

Tôi không mong mỗi quan chức đều giống như Friedrich đại đế của Phổ, đến lúc mất không có một chiếc áo sơ mi lành lặn, phải táng bằng chiếc áo của một người hầu. Chỉ mong họ tận tâm, tận lực làm tròn bổn phận của mình.

Nếu không, sau những quốc khánh hoành tráng như vậy đất nước này sẽ đi về đâu?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.