TC cam kết cắt giảm quân số trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II

Cac Bai Khac

No sub-categories

TC cam kết cắt giảm quân số trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II
Đoàn xe tăng TC chạy ngang màn ảnh chiếu hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi cuộc duyệt binh kỷ niệm lần thứ 70 ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ II, ngày 3/9/2015.

Theo VOA – 03.09.2015

Hôm nay, Chủ tịch TC Tập Cận Bình loan báo các kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ thuộc quân lực lớn nhất thế giới, tại một cuộc duyệt binh khổng lồ để kỷ niệm chiến thắng Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai.

Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, một luồng xe tăng, phi đạn đạn đạo, máy bay không người lái và binh sĩ đã diễu hành trước một tập hợp các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội, mà Tập Cận Bình gọi là một cuộc biểu dương sự thành tâm cống hiến của TC đối với hòa bình.

Chủ tịch TC nói: “Vì lợi ích của hòa bình, Trung Quốc sẽ cam kết phát triển một cách ôn hòa. Người Trung Quốc chúng tôi yêu hòa bình. Cho dù có trở nên hùng mạnh đến đâu, Trung Quốc cũng không bao giờ mưu tìm bá quyền hay bành trướng.”

“Chúng ta phải học những bài học lịch sử và hiến thân cho hòa bình.” Ông nói thêm rằng cách tốt nhất để tuyên dương những người đã hy sinh tính mạng trong Thế chiến thứ Hai là ngăn chặn những thảm kịch lịch sử xảy ra thêm nữa.

Cuộc diễu hành, với 70 phát đại bác chào mừng và hàng ngàn chim bồ câu được phóng sinh cùng với những quả bóng bay, vừa là một sự nghiêm trang nhắc nhở đến nỗi đau khổ đã qua, vừa là một sự tán dương các thành quả của TC. Tuy nhiên, cảnh tượng công khai phô trương quân lực một lần nữa nêu ra những nghi vấn về sự trỗi dậy của TC và vai trò mà TC mưu tìm trên thế giới.

Phô trương sức mạnh quân sự

Nữ quân nhân Trung Quốc diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Nữ quân nhân TC diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Hơn 12.000 binh sĩ diễu hành tiến vào Thiên An Môn, theo sau là một dàn xe tăng, máy bay không người lái, phản lực cơ chiến đấu và các phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng hạt nhân. Trước cuộc diễu hành, các cơ quan truyền thông nhà nước đã nói 84% thiết bị được phô trương sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên.

Trong số các vũ khí nổi bật nhất được trưng bày là Đông Phương – 21 D, một phi đạn với một đầu đạn được radar hướng dẫn và được coi là một vũ khí hữu hiệu chống lại các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong khu vực. Truyền thông nhà nước TC gọi vũ khí này là “sát thủ hàng không mẫu hạm.”

Thông điệp mà cuộc diễu hành gửi đi mang tính hơi mâu thuẫn, theo ông Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu TC tại trường Đại học Sydney.

Một mặt cuộc diễu hành hướng vào một cử tọa trong nước và nhắm mục tiêu cho thấy chính phủ vững mạnh và đang bảo vệ các quyền lợi của đất nước. Mặt khác, ông Brown nói TC muốn nói với phần còn lại của thế giới chớ nên lo ngại về TC như một mối đe dọa.

Ông Brown lập luận, “Điều Tập Cận Bình muốn nói với nhân dân trong nước và phần còn lại của thế giới là, TC có đủ sức mạnh để không bị thúc ép, nhưng ông ta không nói là TC sẵn sàng thúc ép phần còn lại của thế giới.”

TC đã không chứng kiến vụ xung đột quân sự nào kể từ năm 1979, và vì lý do đó không có kinh nghiệm chiến trường trong việc sử dụng các thiết bị được trưng bày.

Ông Michael Raska, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Sách lược ở Singapore nói: “Vấn đề lớn nhất của Quân đội Nhân dân TC là chiến tranh phối hợp, mà họ chưa hề kinh qua trước đây. Phối hợp là điều cấp thiết trong chiến tranh hiện đại.”

Quân đội TC “có vấn đề về phối hợp giữa hải và không lực bởi vì hệ thống cấp bậc cứng nhắc, những sự đối đầu giữa các lực lượng và tình trạng thiếu quyền đưa ra quyết định ở cấp chỉ huy,” theo nhận định của ông Raska.

Chạy đua vũ trang

Xe quân sự FK103 của Trung Quốc trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ II, 3/9/2015.

Xe quân sự FK103 của TC trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ II, 3/9/2015.

Sự cắt giảm quân số của TC được nhiều người coi là nằm trong khuôn khổ nỗ lực lâu nay muốn hiện đại hóa quân đội.

Ông Kerry Brown nhận xét: “Qua những gì chúng ta thấy hôm nay, khả năng của họ đã gia tăng khủng khiếp và họ thực sự là một lực lượng quân đội nghiêm túc. Cần phải thừa nhận điều đó trong các chính sách giao tiếp và các cuộc đối thoại với TC.”

Theo ông Brown, chuyến đi Washington sắp tới của chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một cơ hội tốt để hai nước đào sâu cuộc đối thoại chính trị và quân sự để không hiểu lầm nhau.

Ông Brown nói, “Tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất là sự hiểu lầm. Các vấn đề thực sự nằm ở đó.”

Nhà khảo cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Sách lược tại Singapore, ông Raska nói sự cắt giảm quân số là một dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đang khởi xướng một vòng cải cách quân đội mới.

Ông Raska nói, “Ông ta muốn có một quân đội nhỏ hơn và thông minh hơn. Trọng điểm sẽ là thay đổi cơ chế lực lượng tổ chức. Vũ khí sẽ chỉ là khối thép chói sáng nếu không được sử dụng một cách hữu hiệu. TC cần phải cải tiến mặt nhu liệu của mọi thứ.”

TC đang ở giữa một nỗ lực đang diễn tiến nhằm chuyển trọng tâm từ phòng vệ trên bộ hướng nhiều hơn qua sức mạnh hàng hải và hải quân.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy cuộc diễu hành có thể châm ngòi thêm cho một cuộc chạy đua vũ trang vốn đã diễn ra trong khi TC tìm cách đương đầu với điều mà họ tin là những khẳng định chủ quyền trong vùng Biển Đông và Hoa Đông. TC cũng đang tìm cách xây dựng một thị trường vũ khí và cuộc diễu hành có thể có lợi cho việc ấy.

Ông Dipankar Banerjee, một vị tướng hồi hưu của quân đội Ấn Độ, và là một cố vấn cho Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi, nói: “Mục tiêu số 1 của TC là hăm dọa Nhật Bản. Họ cũng muốn phô trương thành quả của chương trình hiện đại hóa quân đội.”

Tại Nhật Bản hôm nay, chánh văn phòng nội cách Yoshihide Suga đã phản ứng đối với cuộc diễu hành bằng lời kêu gọi tất cả các bên hãy nhìn về phía trước.

Ông Suga nói: “Tôi muốn TC chứng tỏ thái độ hướng về tương lai là hợp tác về các vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế đang đối diện, chứ không tập trung quá đáng và lịch sử không may đã qua.”

Tranh chấp chủ quyền

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở Bắc Kinh, ngày 3/9/2015.

Chủ tịch TC Tập Cận Bình nói chuyện với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở Bắc Kinh, ngày 3/9/2015.

Bắc Kinh không chỉ căng thẳng với Nhật Bản. Các hành động của TC trong những năm gần đây, cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng khác, và theo một cuộc thăm dò mới đây, đã làm phương hại đến hình ảnh của TC trong khắp khu vực.

Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở Hoa Kỳ tuần này vừa công bố một cuộc thăm dò nói rằng trong khi 57 phần trăm những người được thăm dò ở khắp châu Á có quan niệm tốt đẹp về TC, thì những người ở các nước như Việt Nam và Nhật Bản lại có một quan điểm rất khác.

Tại Nhật Bản, 9 phần trăm có quan điểm tán thành và tại Việt Nam tỷ lệ đó là 19 phần trăm. Những người trả lời thăm dò ở 6 trong số 9 quốc gia gần TC đều viện dẫn những quan ngại về tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Tại Philippin, 91 phần trăm tỏ ý quan ngại, tiếp theo sau là Nhật Bản và Việt Nam với 83 phần trăm.

Các vị nguyên thủ của gần như toàn bộ các nước có tranh chấp chủ quyền với TC đều không dự cuộc duyệt binh. Việt Nam là một trong những nước nổi bật.

Chủ tịch Tập Cận Bình và vợ bà Bành Lệ Viên đã đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo thế giới đến dự buổi lễ. Một số trong những khách tham dự nổi bật là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye. Tổng cộng có khoảng 30 nhà lãnh đạo đến dự, nhiều người là ở các nước được thành lập sau Thế chiến thứ Hai. Nga là nhà lãnh đạo của nước đồng minh duy nhất trong thời chiến đến dự lễ.

Hình ảnh duyệt binh ở TC: