Lo ngại mới tái tục về tăng trưởng ở TC lại ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu, với các chỉ số chính sụt giảm mạnh.Phố Wall mở cửa với các chỉ số thấp hơn nhiều, trong đó chỉ số Dow Jones giảm hơn 300 điểm, tương đương 1,9%, ở mức 16.215. Thị trường châu Âu cũng được giao dịch với chỉ số thấp hơn, trong đó FTSE 100 của Anh giảm 3% và CAC 40 của Pháp và Dax của Đức thấp hơn khoảng 2,5%. Trước đó, các số liệu của tháng Tám cho thấy hoạt động sản xuất ở các nhà máy TC giảm tốc nhanh nhất trong vòng ba năm qua. Chỉ số quản lý sản xuất và thu mua chính thức (PMI) giảm xuống 49,7 điểm từ mức 50 điểm hồi tháng Bảy. Con số dưới 50 điểm là chỉ dấu về sự sụt giảm sản xuất. Nó theo sau những biến động trên thị trường do những lo ngại về tình trạng nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang tăng trưởng chậm lại. “Tầm quan trọng của tuyên bố hôm nay là tăng trưởng chậm lại đang gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lớn hơn do nhà nước hậu thuẫ, các công ty mà thường phải mất nhiều thời gian hơn mới cảm nhận được những ảnh hưởng đó,” ông Josh Mahony thuộc công ty kinh doanh trực tuyến IG Index cho biết. “Có vài dấu hiệu quý giá rằng TC đang bắt đầu phục hồi, và trong khi hành động của [Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa] có thể giúp tạm thời trì hoãn các ảnh hưởng thì chúng ta còn chưa được thấy bất kỳ bằng chứng nào là nó đang có tác dụng tốt cho nền kinh tế,” ông nói thêm. Các công ty năng lượng đi đầu các doanh nghiệp có chỉ số Dow sụt giảm, với hãng Chevron và Exxon Mobil giảm khoảng 3%. Điều này diễn ra sau khi dầu sụt giá, giảm hơn 4% xuống mức 51,89 đô la Mỹ. Trước khi giá chứng khoán sụp đổ hôm thứ Ba, giá dầu đã tăng khoảng 25% trong ba phiên giao dịch vừa qua. Chỉ số S & P 500 cũng giảm khoảng 2% ở mức 1.934,18 điểm, trong khi chỉ số công nghệ cao Nasdaq giảm 1,6% ở mức 4.699,21 điểm. Rủi ro Thị trường thế giới trải qua những tổn thất nặng nề hồi tháng Tám – kể cả chỉ số FTSE 100 của Anh và chỉ số S & P 500 của Mỹ – và đây là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng năm 2012. Thị trường hồi phục chút ít vào cuối tuần trước khiến người ta hy vọng sự khởi đầu của của một tháng mới có thể báo trước một giai đoạn ổn định trên thị trường quốc tế. Các con số từ các nhà máy của TC dường như đã làm tiêu tan những hy vọng đó. “Mặc dù các thị trường đã yên ổn trở lại trong thời gian gần đây và một số người thở phào nhẹ nhõm nhưng những vấn đề tiêu cực tiềm ẩn vẫn còn nguyên,” Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng của IHS nói. “Kết quả là, những rủi ro sụt giá đối với hầu hết hàng hóa, tỷ giá ngoại hối và thị trường chứng khoán có khả năng sẽ còn tồn tại thêm một thời gian nữa, trong khi tăng trưởng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, có thể sẽ xấu đi hơn nữa.”