70 năm cách mạng tháng 8-1945 và sự phản bội của đảng cộng sản Việt Nam
Trần Quang Thành (Danlambao) – Lời giới thiệu: Cách đây 70, những người cộng sản Việt Nam đã tổ chức cướp chính quyền mở đầu bằng cái họ gọi là “Cuộc cách mạng tháng Tám”. Và ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà họ tự hào khoe là nhà nước công nông đâu tiên ở Đông Nam Á.
70 năm nhìn lại, có nhiều cách đánh giá khác nhau về Cách mạng tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khách 2/9. Bên cạnh sự khoe khoang của những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mà cho là những thành tựu to lớn không thể phủ nhận được. Trong dư luận lại có sự đánh giá khác. Từ sau Cách mạng tháng Tám những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản bội lợi ích của dân ộc để phục vụ cho lợi ích của chủ nghĩa cộng sản, của Đệ tam quốc tế, cam tâm làm chư hầu cho Nga Xô và Trung Cộng, đưa đất nước Việt Nam vào môt thảm kịch mới. Thay vì đưa đất nước đi vào con đường thịnh vượng sánh vai cùng năm châu, những người cộng sản đã cai trị đất nước bằng bạo lực của nền chuyên chính vô sản, hơn 30 năm trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Ngày 2/9/1945 đã trở thành ngày quốc hận.
Từ thành phố Huế, linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi đã cs cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành qua chủ đề: “70 năm Cách mangjthangs Tám 1945 – Sự phản bội của Đảng Cộng sẩn Việt Nam”.
Nội dung như sau – Mời qúi vị cùng nghe
https://www.youtube.com/watch?v=DEx77IOJ3As#action=share
Trần Quang Thành (TQT): Cuộc cách mạng tháng 8 do những người Cộng sản tiến hành đã được 70 năm. Sau 70 năm nhìn lại, có nhiều cách đánh giá về cuộc Cách mạng tháng 8 này. Những người CS cho đây là một cuộc cách mạng long trời lở đất và họ tự hào đã làm nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngược lại cũng có nhiều người nói rằng: từ CM tháng 8, VN đã bước vào một thảm họa mới, thảm họa do chủ nghĩa CS và những người CS đã gieo rắc trên đất nước VN. Linh mục đánh giá sao về cuộc CM tháng 8 sau 70 năm nhìn lại?
Phan Văn Lợi (PVL): Kính thưa Quý vị, đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại một biến cố quan trọng của lịch sử VN đã xảy ra cách đây 70 năm. Biến cố này không phải xảy ra một cách đơn lẻ nhưng đã có những biến cố đi trước nó. Cho nên trong phần trình bày của chúng tôi, chúng tôi sẽ điểm qua 4 mục:
– Diễn tiến các biến cố lớn năm 1945.
– Những gì tân chính phủ của Việt Nam đã làm được trước khi có cái gọi là “CM tháng 8”.
– Các yếu tố nào đã giúp CS và Việt Minh (VM) thành công trong việc cướp chính quyền.
– Các yếu tố nào đã giúp đảng CS và VM thành công trong việc giữ chính quyền.
1- Diễn tiến các biến cố lớn năm 1945
Các biến cố này đều mang những tiềm năng quan trọng cho tương lai đất nước. Tuy nhiên một số đã phát huy tiềm năng và một số đã bị tiêu diệt tiềm năng. Xin điểm qua.
– 09-03: Nhật đảo chính Pháp khắp toàn cõi Việt Nam
– 11-03: Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam. Hoàng đế Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặt tên nước là Đế quốc Việt Nam
– 17-04: Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập
– 15-08: Nhật đầu hàng Đồng Minh sau khi hai quả bom nguyên tử thả xuống đất Nhật.
– 17-08: Việt Minh cướp chính quyền.
– 19-08: Việt Minh tổ chức biểu tình.
– 23-08: Chính phủ Trần Trong Kim giải tán.
– 24-08: Bảo Đại tuyên bố thoái vị.
– 02-09: Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập thứ 2.
2- Những gì tân chính phủ của Việt Nam đã làm được trước khi có CM tháng 8
Chúng ta cần phải nói đến điều nầy để đánh giá cho đúng về cái gọi là CM tháng 8.
a- Bảo Đại đã làm được
Bốn bước tiến đã được Vua Bảo Đại thực hiện trong thời gian này gồm có:
Bước thứ nhất: Công bố Tuyên ngôn Độc lập và ban hành dụ “Dân vi Quý”
Tuyên ngôn Độc lập được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự. Nguyên văn như sau:
Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung. Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.
Dụ Dân Vi Quý được ban hành ngày 17 tháng 3 năm 1945, nguyên văn như sau:
Dương Lịch ngày 17 tháng 3 năm 1945
Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình xây nền thịnh vượng chung ở Đại-Đông-Á đã giải phóng cho nước Nam ta, và Trẫm tuyên bố Việt Nam độc lập rồi.
Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và thần dân, nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ lấy quyền lợi cho Tổ-quốc và giáng dụ rằng
1) Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu “DÂN VI QUÍ’
2) Trong chính giới sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng Quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại-Nhật-Bản trong công cuộc kiến thiết Đại-Đông-Á.
3) Trẫm sẽ tái định và tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện vọng của Quốc dân.
Bước thứ hai: Đích thân tham khảo ý kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính phủ mới. Chính phủ này gồm toàn những trí thức, học giả danh tiếng thời đó: nhà sử học Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Bác sĩ Trần Đình Nam (Bộ Nội vụ) Ts luật Trần Văn Chương (Bộ Ngoại giao) ông này là thân sinh bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Như sau này. Ts luật Trịnh Đình Thảo, Bộ trưởng Tư pháp. Ts luật Vũ Văn Hiền, Bộ trưởng Tài chính. Gs Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục. Lưu Văn Lang, Kỹ sư bách nghệ Bộ trưởng Công chính, Nguyễn Hữu Thi, Bác sĩ, đại thương gia, Bộ trưởng Tiếp tế. Phan Anh, Luật sư, Bộ trưởng Thanh niên.
Ngoài ra còn có nhiều nhà trí thức có tiếng tăm cùng tham gia chính quyền như : Phan Kế Toại (Khâm sai Bắc bộ), Bác sĩ Trần Văn Lai (Thị trưởng Hà Nội), Giáo sư Nguyễn Lân (Thị trưởng Huế) Phó bảng Đặng Văn Hướng (Tỉnh trưởng Nghệ An), Phó bảng Hà Văn Đại (Tỉnh trưởng Hà Tĩnh), Giáo sư Đặng Thai Mai (Tỉnh trưởng Thanh Hóa)… Ngoài ra còn có các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Vũ Văn Cẩn, Ngụy Như Kontum.
Bước thứ ba: Thành lập các hội đồng chuyên môn để mọi người có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các sinh hoạt quan trọng của quốc gia. Các nhân vật kể trên và nhiều vị khác làm thành 4 hội đồng: Hội đồng Dự thảo Hiến pháp, Hội đồng Cải cách Cai trị, Tư pháp và Hành chánh, Hội đồng Cải cách Giáo dục và Hội đồng Thanh niên.
Bước thứ tư: Ban hành các đạo dụ liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân. Dụ số 73, ngày 5 tháng 7 về tự do lập nghiệp đoàn. Dụ số 78, ngày 9 tháng 7 về tự do lập hội. Dụ số 79, cũng ngày 9 tháng 7 về tự do hội họp. Cả ba đạo dụ này đã được ban hành trong một thời gian ngắn là thượng tuần tháng bảy năm 1945 nên lịch sử đã gọi đó là “Tuần lễ của các Tự Do.”
b- Chính phủ Trần Trọng Kim làm được
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong những điều kiện khó khăn về chính trị, an ninh và kinh tế. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người thiệt mạng, chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm:
1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chính cho các viên chức Việt Nam.
2. Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.
4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.
5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
6. Thiết lập các Ủy ban tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chính và giáo dục.
Cải tổ chính trị bằng cách thành lập đủ các bộ, nhưng tiếc thay lại thiếu Bộ Quốc phòng, do đó không có quân đội quốc gia (khiến cho Đế Quốc Việt Nam sau đó sụp đổ chỉ bởi một nhóm cơ hội CS…). Cải tổ hành chính bằng việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ. Cải tổ giáo dục bằng việc chuyển chương trình học bằng tiếng Pháp sang học bằng tiếng Việt.
Tóm lại, những gì Hoàng Đế Bảo Đại và vị thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim cùng với các bộ trưởng của ông, đã làm để xây dựng một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho người dân từ cách nay ngót 70 năm bằng những đạo luật không phải là không tiến bộ. Đây là một việc làm mà 70 năm sau với ít nhất ba thế hệ đã qua đi một cách uổng phí, với hàng triệu sinh mạng đã bị hi sinh cùng với máu và nước mắt của người dân lành vô tội, người ta vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.
Thế nhưng số phận đã không ưu đãi cho dân tộc. Chỉ hơn 4 tháng sau, mọi mầm mống tốt đẹp, tiềm năng đầy triển vọng cho dân chủ ở VN như thế bị sụp đổ tan tành vì cái gọi là Cách mạng tháng 8.
3- Các yếu tố giúp đảng CS và Việt Minh thành công trong việc cướp chính quyền:
a- Giỏi tuyên truyền: Chúng ta biết Việt Minh là tên gọi tắt của Việt Nam Độc lập Đồng minh, một liên minh chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1941 như cơ cấu ngoại vi của nó với mục đích “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Đó là một hứa hẹn đáp ứng lại kỳ vọng của toàn dân VN lúc ấy. Ngoài ra, sau khi chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, tập hợp được những trí thức có trí tuệ uyên bác và mặn nồng ái quốc, Cộng sản và Việt Minh liền vu cho chính phủ hợp pháp đó là tay sai của giặc Nhật rồi kích động bạo lực nhân dân cướp quyền của chính phủ này. Chính ông Hoàng Minh Chính, một người tham gia VM lúc đó nhưng sau đã phản tỉnh, đã khẳng định đó là sự vu khống vô liêm sỉ. Theo Đèn Cù của Trần Đĩnh, ông Chính cho biết: “Trước ngày 19-8, không muốn mang tiếng đem con bỏ chợ, Tổng tư lệnh Nhật vào Huế gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim, nói: “Nếu các vị yêu cầu, Nhật với 50.000 quân tinh nhuệ có thể dẹp Việt Minh trong vòng một đêm, Việt Minh có quá lắm là 5.000 người còn súng ống lại càng quá ít”. Thế nhưng hai ông này đã từ chối”.
b- Giỏi tổ chức: từ Bắc chí Nam, CS và VM có người hoạt động, trong lúc đó các đảng phái khác như Việt Nam Quốc Dân đảng và Đại Việt thì không được như thế. VM thậm chí còn gài được người bên cạnh hoàng đế, đó là Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền Đổng lý văn phòng Bảo Đại. Ông này liên tục thi hành lệnh từ Hà Nội và luôn dọa dẫm Hoàng đế và Hoàng gia theo kiểu thổi lỗ tai tung tin vịt. Theo cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” thì ông ta cứ kể cho Bảo Đại về việc vua Louis thứ 16 và hoàng hậu Marie Antoinette bị Cách mạng Pháp chặt đầu. Nhất là ông ta lợi dụng việc đánh bài với hoàng thái hậu Từ Cung và hoàng hậu Nam Phương để kể cho họ về cái chết đẫm máu của hai vợ chồng vua Pháp này khiến hai bà yếu bóng vía này càng áp lực lên nhà vua. Thế là trong khi chẳng có ai bên Cách mạng đến gõ cửa thành Ngọ Môn thì Hoàng đế Bảo Đại qua cận thần Phạm Khắc Hòe đã gửi điện mừng và mời phái đoàn chính phủ ở Hà Nội vào Huế để nhận ấn kiếm và sự thoái vị của ông. Sau này Bảo Đại có viết trong hồi ký “Con rồng An Nam” rằng tất cả chúng ta đã bị một bọn du côn lừa bịp. Nói tóm là từ ngày 19-8-1945, tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh tiến hành đảo chính cướp chính quyền, buộc nhà nước Đế quốc Việt Nam chuyển giao quyền lực, một sự kiện mà sau đó được gọi là ‘Cách mạng tháng Tám’.
– Giỏi lợi dụng thời cơ: khoảng trống quyền lực. Cách mạng tháng 8 là một cuộc cách mạng không có xung đột vũ trang, chẳng có tên thực dân Pháp hay phát xít Nhật nào trên đường phố Hà Nội cả, ngay cả một người chết vì giao tranh cũng không. Việt Minh đã cướp chính quyền dễ như trở bàn tay, bằng cách lợi dụng được tình thế giao thời hỗn loạn của lịch sử, khi phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh vô điều kiện và đang lúng túng chờ quân Đồng minh tới giải giáp, khi các tướng lãnh Pháp, kể cả toàn quyền Decoux thì đang bị giam trong ngục, còn chính phủ mới Trần Trọng Kim chẳng hề có trong tay một lực lượng quân đội nào.
4- Các yếu tố giúp đảng CS và Việt Minh thành công trong việc giữ chính quyền:
Có hai yếu tố là chiến lược và chiến thuật.
a- Chiến lược:
Chiến lược này có những bước như sau:
– Thứ nhất là đưa ra nguyên tắc chính trị căn bản: đảng CS độc quyền cai trị. Ngày 11-9-1945, tức chỉ gần 10 ngày sau khi chính phủ VNDCCH ra mắt tại cuộc mít-tinh ở quảng trường Ba Đình, hội nghị Trung ương đảng CSĐD (lúc đó chưa gọi là đảng CSVN) tại Hà Nội đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền điều khiển mặt trận VM, và một mình thực hiện cách mạng. Đảng CSĐD nắm độc quyền mặt trận VM. Mặt trận VM đang nắm chính quyền, cai trị đất nước. Như thế có nghĩa là đảng CSĐD độc quyền cai trị đất nước.
– Thứ hai là tiêu diệt mọi thành phần đối lập, theo chủ nghĩa dân tộc. Kế hoạch tiêu diệt thành phần đối lập này được VM gọi là “giết tiềm lực”. Chỉ những ai chịu sự điều động của VM, thì được tồn tại. Còn những ai có năng lực nhưng không hợp tác với VM, dầu không chống đối VM, cũng bị tiêu diệt để loại bỏ những khả năng tiềm ẩn, có thể bất lợi về sau cho VM. Cho đến nay chưa có thống kê đầy đủ tổng cộng số người bị VM sát hại vì lý do chính trị và tôn giáo từ cấp cao nhất ở trung ương và các thành phố lớn, đến cấp thấp ở các làng xã trên toàn quốc, trong giai đoạn từ khi VM nắm quyền năm 1945. Con số phỏng chừng không dưới một trăm ngàn người trên toàn quốc trong cuộc giết tiềm lực của CS. Đây đa số là nhân tài của đất nước, nhưng CS cho là nguy hiểm đối với quyền lực độc tôn của họ.
– Thứ ba là nắm hết ngay tất cả những phương tiện truyền thông, đài phát thanh, các nhà máy in, các cơ sở sản xuất giấy và buôn bán giấy. Báo Cứu Quốc của mặt trận VM trước đây phát hành bí mật, nay ra công khai từ ngày 24-8-1945. Báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của nhà nước VM, xuất bản số đầu ngày 5-12-1945. Việt Minh thành lập ban chỉ đạo báo chí và văn sĩ, huấn luyện cán bộ tuyên truyền cho chế độ để hướng dẫn quần chúng.
– Thứ tư là áp đặt tính chính danh cho mình. Ngay khi vừa được thành lập, tuy chưa có quốc hội để quyết định, chính phủ VNDCCH vẫn đặt thủ đô tại Hà Nội. Ngày 5-9-1945, bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký văn thư quy định quốc kỳ là “Cờ đỏ sao vàng”, vốn là cờ của mặt trận Việt Minh (lấy tại cờ của tỉnh Phúc Kiến bên Trung Cộng) và bài “Tiến quân ca” của quân đội VM do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác làm quốc ca. Đây là một trong 3 quốc ca man rợ nhất trên toàn thế giới, trong đó có những câu nghe lạnh người, đầy thù hận: “Đường vinh quang xây (bằng) xác quân thù”.
Nền đỏ và sao vàng trên cờ nầy là nằm trong truyền thống cờ của các đảng CS trên khắp thế giới, từ Liên Xô, Trung Hoa đến Đông Âu. Theo tài liệu của CSVN, quốc kỳ và quốc ca của nhà nước VM đã được quyết định tại Đại hội đại biểu quốc dân ngày 16-8-1945 ở Tân Trào.
– Thứ năm: xây dựng nền hành chánh mới. VM ban hành sắc lệnh ngày 5-9-1945 dẹp bỏ toàn bộ hệ thống quan lại cũ ở thành thị cũng như hào lý ở nông thôn, và lập ra những Uỷ ban nhân dân trên toàn quốc theo các cấp xã, huyện, tỉnh, bộ (kỳ). Uỷ ban nầy gồm những cán bộ VM và những người thân VM, trong đó đa số chưa thông thạo công việc hành chánh.
Ngày 8-9-1945, VM lại ra nghị định quy định tổ chức phổ thông đầu phiếu trong vòng hai tháng để bầu cử Quốc dân đại biểu đại hội (Quốc hội lập hiến). Tuy nói là hai tháng, nhưng VMCS tìm cách trì hoãn bầu cử. Mãi đến khi các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc, từ Trung Quốc trở về Việt Nam sau thế chiến thứ hai, đòi hỏi quyết liệt, quốc hội lập hiến mới được bầu ngày 6-1-1946. Do sự chỉ định và áp đặt của VM, đa số đại biểu VM và thân VM đắc cử. Chỉ có một thiểu số nhân vật các đảng phái được đưa vào quốc hội. Cựu hoàng Bảo Đại cho biết trong hồi ký Con rồng An Nam: sau khi ra Hà Nội, ông bị đưa đi “nghỉ mát” ở Thanh Hóa. Việt Minh cho người đến mời ông ứng cử. Ông không tranh cử, nhưng lạ lùng là ông vẫn được đắc cử ở Thanh Hóa với số phiếu là 92% cử tri đi bầu. Trong Quốc hội này, Hồ Chí Minh đã cho các lực lượng đối lập 70 ghế.
– Thứ sáu: Biên soạn luật lệ mới có lợi cho đảng CS. Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua bản hiến pháp mới, hiến pháp đầu tiên của một nước VN độc lập, gồm 7 chương và 70 điều. Hiến pháp này, so với các HP sau đó, được coi là có phần tiến bộ, bởi lẽ có nhiều đảng phái trong Quốc hội trong thời gian nó được dự thảo. Tuy nhiên, khi nó được thông qua thì các lãnh tụ đối lập với VM bị khủng bố đã rút lui hay bỏ chạy qua Trung Quốc, do đó không còn ai đối lập với VM nữa. Vì vậy, Hiến pháp chưa được chính phủ ban hành, thì ngày 14-11-1946 quốc hội gồm đa số đại biểu VM còn lại, tuyên bố đình chỉ thi hành hiến pháp vừa thông qua.
Thật ra, trong chế độ cộng sản đảng trị, nhà nước chỉ là cánh tay nối dài của đảng và Quốc hội chỉ là công cụ của đảng, chỉ tuân theo những nghị quyết của đảng, thường được gọi là đảng ủy các cấp, từ trung ương xuống địa phương, chứ không theo luật pháp quy định. Nghị quyết là quyết định của một nhóm người (tức các đảng bộ) đưa ra trong một hội nghị, theo từng hoàn cảnh, chủ quan chính trị và quyền lợi của nhóm người đó. Vì vậy, để độc tôn quyền lực, nhà nước VM đã không cần đến hiến pháp 1946 nhằm tránh bị hiến pháp ràng buộc. Còn các HP sau thì luôn khẳng định đảng CS độc quyền cai trị, nên dù trong nội dung có nói đến bộ máy chính quyền thì cũng chỉ là công cụ của đảng, có nói đến nhân quyền và công quyền thì cũng chỉ là bánh vẽ của đảng.
– Thứ bảy: chính trị hóa nền giáo dục. VMCS ngay từ đầu luôn rêu rao rằng nền giáo dục của chế độ nhằm mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ công nhân lao động, nhưng đó là trên lý thuyết. Trên thực tế, nó phục vụ chính trị, tức phục vụ chế độ do đảng CSĐD lãnh đạo. Chính sách nầy do thứ trưởng Giáo dục lúc ấy là Nguyễn Khánh Toàn nhập cảng từ Liên Xô. Trong nền giáo dục nầy, chương trình học tập cho học sinh theo đúng lập trường đảng CSĐD, nhất là các môn nhân văn (quốc văn, sử địa, công dân hay chính trị). Chỉ những người có thẩm quyền trong đảng mới được soạn sách giáo khoa và sách giáo khoa được xem là pháp lệnh, không giáo viên nào được giảng dạy ra ngoài sách giáo khoa. Giáo viên, học sinh đều phải “hồng” hơn “chuyên”, tức phải mang tính đảng hơn là khả năng chuyên môn. Với một nền giáo dục như thế, CSVN chỉ đào tạo được những người biết vâng lời hơn là biết suy nghĩ, những thần dân hơn là những công dân. Cộng sản chỉ cần như thế để áp đặt chế độc độc tài toàn trị. Tuy nhiên, chính đó là nguyên nhân suy thoái của Việt Nam ngày nay.
– Thứ tám: Nắm mọi tài lực trong đất nước vào tay đảng. Chúng ta biết rằng trước và sau khi nắm chính quyền hoàn toàn trên miền Bắc năm 1954, đảng Cộng sản đã thực hiện Cải cách Ruộng đất vô nhân đạo làm chết oan hàng trăm ngàn người, bắt nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, thực thi chính sách kiểm duyệt, quản lý hộ khẩu, phân phối lương thực. Cuộc Cải cách ruộng đất này có 3 mục tiêu: một là thu hết mọi đất đai tài nguyên vào tay đảng, hai là tiêu diệt hết mọi ảnh hưởng bên ngoài đảng, vì trong vụ đó không những có các địa chủ, nông dân tài giỏi mà ngay cả những con người có uy tín ở địa phương cũng bị trừng trị hay giết chết, ba là phá vỡ luân lý ngàn đời của dân tộc, truyền thống văn hóa của Đất nước, để chỉ còn hiện hữu “đạo đức cách mạng”. Đạo đức này tóm gọn trong hai nguyên tắc: 1- mọi cái có lợi cho cách mạng đều là tốt, là thiện (học từ Lê-nin) và 2- cứu cánh biện minh cho phương tiện.
b- Chiến thuật:
Chúng ta thấy đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam –qua chiến lược trên- đã đưa đất nước vào chỗ bế tắc từ vấn đề này sang vấn đề khác và đã dẫn dắt nhân dân đi hết từ thảm họa này tới thảm họa khác, nhưng lại không hề gặp một sự phản kháng nào đáng kể. Điều đó cho thấy Cộng sản có những chiến thuật tinh vi khủng khiếp, một nghệ thuật cai trị vô tiền khoáng hậu.
– Trước hết, đó gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân. Phải khẳng định rằng sự tàn bạo của chế độ và của đảng cộng sản là vô giới hạn. Nhưng điều này không đơn giản có được mà là kết quả của cơ chế khủng bố được áp dụng hay được cho phép của các đảng cộng sản nói chung và đảng cộng sản Việt Nam nói riêng. Cơ chế khủng bố được thực hiện trước hết trong nội bộ đảng ở tất cả các cấp, không giới hạn, kể cả cấp cao nhất. Theo tác giả Nguyễn Vũ Bình, chúng ta thấy nội bộ Quốc tế Cộng sản, nội bộ các đảng cộng sản các nước đều cho phép và duy trì sự khủng bố ngay trong nội bộ. Từ sự cho phép và khuyến khích khủng bố trong nội bộ, tức là những đồng chí với nhau như vậy, khi ra thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài, như thực hiện khủng bố đối với người dân và kẻ thù (hoặc đảng đối lập), những lãnh đạo và cán bộ cộng sản không hề run tay và động tâm. Chính sự khủng bố từ trong nội bộ ra tới bên ngoài như vậy khiến người dân nhìn thấy hoặc nghe nói tới cộng sản, đã không còn hột máu nào, nói gì tới phản kháng.
– Hai là thiết lập sự lệ thuộc. Làm cho người dân sợ chưa đủ, các chế độ cộng sản còn thực hiện việc thiết lập sự lệ thuộc hoàn toàn của người dân vào chế độ. Họ thực hiện điều này bằng hai bước. Bước một, bần cùng hóa nhân dân, như bằng cải cách ruộng đất, bằng cải tạo công thương nghiệp (tức đánh tư sản ở miền bắc và miền nam), bằng cách chỉ cho dân có quyền sử dụng chứ không có quyền tư hữu đất đai. Bước hai, xây dựng nền kinh tế kế hoạch, ép người dân vào các nhà máy, xí nghiệp và hợp tác xã. Ép người dân lệ thuộc về kinh tế vào nhà nước là mục tiêu của chế độ để dễ bề cai trị và sai khiến. Điều đó đã xảy ra tại VN trước khi có cái gọi là “đổi mới” vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhưng dù vậy, tàn dư của kinh tế kế hoạch này vẫn còn nằm trong cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế quốc doanh là chủ đạo.
– Ba là kiểm soát tư tưởng của người dân bằng cách xây dựng cơ chế tự giám sát và tố cáo lẫn nhau của chính người dân. CS làm điều này bằng cách xây dựng các tổ chức đoàn thể, các tổ chức ngoại vi, hệ thống mạng lưới an ninh, đặc tình, vv…người dân bắt buộc phải giám sát và tố cáo lẫn nhau. Với cơ chế này, bất kể sự phản kháng nào của người dân đều dễ dàng bị phát hiện và vô hiệu hóa ngay từ trứng nước.
Với sự vận hành và hoạt động của 3 chiến thuật quan trọng này, chế độ cộng sản đã nghiền nát, ngay từ trong suy nghĩ, tới lời nói và hành động phản kháng của người dân để duy trì sự thống trị. Để duy trì một hệ thống khổng lồ bảo đảm sự vận hành của chế độ và sự thống trị như thế, CS phải cần một nguồn lực vô tận. Thế nhưng nhà nước cộng sản đã không thể xây dựng được một nền kinh tế đúng nghĩa tạo ra của cải vật chất, một nền giáo dục tạo ra những công dân tài năng và thiện chí, một nền an sinh tạo ra một xã hội thanh bình hòa hợp.
Trái lại từ 70 năm qua, Cộng sản đã chỉ xây dựng một nền chính trị ngày càng nghẹt thở, một nền kinh tế ngày càng bết bát, một nền văn hóa ngày càng suy đồi, một nền giáo dục ngày càng xuống cấp, một nền an sinh ngày càng tồi tệ và một nền quốc phòng ngày càng bấp bênh. 70 năm qua, CS đã tạo ra những đảng viên cán bộ lộng hành tác oai tác quái, một hệ thống hành chánh tham nhũng đòi hối lộ, những lực lượng công an và quân đội áp bức dân lành một cách thản nhiên, nhiều thầy cô, nhiều học sinh chỉ biết nhắm mắt theo Đảng mà thôi.
Đó là những gì tồi tệ mà đảng CS đã gây ra cho dân tộc VN 70 năm qua, từ CM tháng 8 tới tận ngày hôm nay.
TQT: Thưa Lm Phan Văn Lợi, từ mồng 2 tháng 9 năm 1945, theo Tuyên ngôn Độc lập mà ông Hồ Chí Minh đã đọc, thì nước ta dân ta được độc lập, tự do và hạnh phúc. Vậy thì 70 năm qua dưới chế độ CS, nước ta có được độc lập, dân ta có được tự do hạnh phúc không thưa linh mục?
PVL: Thưa Quý vị, những diễn biến đã xảy ra trong 70 năm qua cho chúng ta thấy nhân dân VN không hề được hạnh phúc. Ngay từ năm 1954, hàng triệu người đã bỏ miền Bắc để vào miền Nam. Ngay từ năm 1975, cũng hàng triệu người, đặc biệt ở miền Nam, đã băng rừng vượt biển liều chết để ra đi tìm một quê hương mới. VN có độc lập hay không? Chúng ta thấy rằng kể từ khi HCM lập ra đảng CS dưới sự chỉ đạo, phù trợ và ảnh hưởng của CS Nga rồi CS Tàu, đất nước VN chúng ta, dù thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, lại sa vào một ách đô hộ còn nặng nề hơn, đó là ách đô hộ của CS, nhất là sự khống chế ngày càng siết chặt của đảng CS Tàu. Sự độc lập của VN không bao giờ có cả dưới chế độ CS. Đất nước đã không độc lập, nhà cầm quyền và đảng CS lại càng không độc lập, nhất là bị ràng buộc ngày càng gắt gao và trên mọi phương diện bởi đảng CS Tàu (người Tàu) vốn là kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc VN. Chúng ta thấy ảnh hưởng của Tàu cộng càng lúc càng lớn lao trên đất nước, và người ta sợ rằng một ngày nào đó mảnh đất mang tên VN này sẽ không còn nữa, mà trở thành một tỉnh ở trong nước Trung Hoa vĩ đại, có thể phải trở lại với tên quận Giao Chỉ như trước thời Hai Bà Trưng. Còn tự do ư? 70 năm qua, CS đã tước bỏ mọi tự do của con người và mọi tự do của công dân. Những thứ tự do mà quốc tế, nhân loại văn minh công nhận qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, hai Công ước LHQ về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thì không hề có trên đất nước VN. Nếu có thì chỉ là những cái mà CS ban cho người dân với điều kiện mà thôi. Người dân không có tự do chính trị để bầu ra những người mình mong muốn. Người dân không có tự do ngôn luận để có một nền báo chí độc lập, để có những đảng phái phi cộng sản. Người dân không có tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, không thể có một nền giáo dục độc lập, khỏi bị CS khống chế. Mọi tôn giáo tại VN đều bị đảng CS tìm cách lũng đoạn, biến thành công cụ. Người dân thậm chí không có tự do đi lại. Ai có vấn đề với chế độ, những ai dám lên tiếng phản kháng những bất công, vạch trần những sai lầm và tố cáo tội ác của nhà cầm quyền thì luôn luôn bị rình rập, bị ngăn cản trong việc đi lại, thậm chí bị ngăn cản trong việc làm ăn. Rồi bao nhiêu tự do khác của người VN cũng không có cho tới ngày hôm nay. Rõ ràng đất nước VN trở thành một nhà tù lớn trong đó có rất nhiều nhà tù nhỏ giam các tù nhân chính trị.
TQT: Vậy phải chăng từ mồng 2 tháng 9 năm 1945, một thảm họa mới đã đến với VN, thảm họa của chủ nghĩa CS, thảm họa của đảng CS cai trị đất nước VN trong Đệ Tam Quốc Tế theo chuyên chính vô sản. Và từ ngày đó nhiều người đã nói đó đúng là Ngày Quốc hận của VN, thưa Linh mục?
PVL: Kính thưa Quý vị. Đó không phải là ngày Quốc khánh, ngày toàn dân vui mừng, nhưng đó là Ngày Quốc hận thật sự. Bởi lẽ toàn thể Đất nước bị lâm vào tròng ách của chế độ CS. Lúc ấy mới là một nửa, nhưng rồi tròng ách đó tiếp tục được mở rộng. Qua cuộc xâm lăng VNCH, tròng ách đó đã khoác lên toàn bộ dân tộc VN. Kể từ ngày đó, lịch sử VN đã chuyển hướng, đi vào một khúc quanh, một khúc quanh bi thảm, để lại bao nhiêu hậu quả tai hại về mọi mặt: tinh thần lẫn vật chất, làm cho số phận dân tộc VN điêu đứng và tiền đồ dân tộc VN vẫn còn mờ mịt.
TQT: Để xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị này, phải chăng chúng ta nên tin vào một lực lượng nào đó trong đảng CS có thể giúp cho việc đó hay là toàn dân phải đứng lên để làm công việc của mình?
PVL: Hiện nay, có những người đặt vấn đề là mong rằng có những thành phần nào đó trong đảng CS sẽ ý thức về tình tự dân tộc, ý thức lại công lý để trả lại mọi quyền cho người dân. Kinh nghiệm của gần một thế kỷ CS trên khắp thế giới cho chúng ta thấy đó là một ảo tưởng. Tất cả các chế độ CS không bao giờ từ bỏ quyền lực độc tài của họ cả. Họ đã nắm được quyền lực và nhờ đó họ đã có được quyền lợi, có được quyền lợi một cách bất chính. Nếu bỏ quyền lực thì quyền lợi của họ cũng mất và có thể bị người dân đưa ra trước công lý. Cho nên người CS sẽ không bao giờ trả lại mọi quyền cho dân. Người ta nói rằng đảng CS không thể sửa đổi, một phải bị thay thế mà thôi. Cho nên bổn phận của người dân chúng ta, ý thức của người Việt chúng ta là phải làm sao giải thể hoàn toàn cái chế độ CS này, làm cho đảng CS không còn có thể thực quyền lực tung hoành trên đất nước. 70 năm qua chứng tỏ đảng CS hoàn toàn bất lực, hoàn toàn bất nhân, hoàn toàn bất công. Cho nên đảng CS phải ra đi, để đất nước chúng ta có một bộ dạng mới, tự do hơn, dân chủ hơn, đầy các quyền con người và quyền công dân hơn.
TQT: Xin cảm ơn Linh mục Phan Văn Lợi.
PVL: Xin cảm ơn Anh và Quý khán thính giả đã lắng nghe chương trình. Xin được nói thêm rằng của chúng tôi hôm nay có tham khảo bài nghiên cứu của học giả Trần Gia Phụng cũng như của anh Nguyễn Vũ Bình. Tôi xin cảm ơn hai vị đó.