Việt Nam cần cách mạng hay cải cách?
Triết học Đường phố 29-08-2015
Tôi không bất ngờ khi nhiều nhà hoạt động dân sự có tiếng ở Việt Nam cần những cải cách chính trị hơn là một cuộc cách mạng. Đó là một sự chọn lựa vừa an toàn, vừa ít gây xáo trộn lớn trong xã hội. Đứng trên góc nhìn cá nhân sự chọn lựa của mỗi người đều có những lý lẽ thuyết phục riêng, và tôi cũng sẽ có những lý lẽ riêng cho vấn đề “cải cách hay cách mạng” ở Việt Nam.
Tại sao phải bàn tới cải cách hay cách mạng?
Cải cách hay cách mạng dù khác nhau về mức độ thay đổi thì nó có một điểm chung là hướng tới sự phát triển. Cải cách là sửa đổi một cái cũ nào đó để phù hợp hơn với thời cuộc, còn cách mạng là xoá bỏ hẳn cái cũ để xây dựng nên một cái mới. Hai chọn lựa dù khác nhau về tính triệt để trong thay đổi nhưng vẫn nhìn nhận rằng cái đang tồn tại có vấn đề. Vấn đề của chủ thể cần cải cách hay cách mạng là nguyên nhận tạo ra hậu quả xấu cho chính chủ thể và những thứ xung quanh.
Nói cụ thể thì vấn đề của Việt Nam là thể chế chính trị độc đảng. Vì vấn đề trên mà Việt Nam bây giờ từ kinh tế, giáo dục, y tế trở nên quá lạc hậu, quá yếu kém so với mặt bằng chung thế giới và các nước trong khu vực. Đứng trước vận mệnh của dân tộc nhiều người có tâm có tài không thể khoanh tay đứng nhìn, bàng quang như không phải chuyện của mình, vì thế mà mới có chuyện là nên cải cách hay cách mạng.
Cải cách có thật sự là phương án hiệu quả cho Việt Nam.
Nếu Việt Nam cải cách thì sẽ tránh được những bất ổn không đáng có trong xã hội. Không còn trường hợp trả thù như đã và đang xảy ra, không còn chuyện lịch sử sẽ được viết bởi kẻ thắng nếu có cách mạng thành công. Và hơn hết là sẽ không làm hao tốn nhiều tài lực của đất nước như một cuộc cách mạng. Đó có lẽ là lập luận của những người ủng hộ cải cách hơn là cách mạng. Tôi nghĩ để có thể đưa ra quyết định cải cách hay cách mạng, chúng ta không chỉ dựa vào những mặt tiêu cực của từng phương án để rồi chọn lựa mà nên có một cái nhìn vừa bao quát, vừa chuyên sâu vấn đề của vấn đề.
Nếu xã hội Việt Nam yếu kém do những nguyên nhân khách quan, do sự kém cỏi của con người, do những quyết định, những chính sách sai lầm của chính quyền mà chọn lựa cách mạng để thay đổi thì đó là một quyết định sai lầm. Nhưng nếu những gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam do bản chất của chính quyền, do chính cái chủ thể đang tồn tại gây ra mà chọn cải cách thì đó là một quyết định ngu dốt.
Vậy nguyên nhân tạo ra một Việt Nam như ngày hôm nay là do đâu?
Chỉ khi trả lời được câu hỏi này chúng ta mới biết được Việt Nam cần cải cách hay cách mang.
Tôi nghĩ Việt Nam tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực nguyên nhân là do bản chất chính trị và thế chế độc đảng mà ra. Chính nó là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước từ kinh tế, giáo dục, y tế đến cả tôn giáo và đạo đức xã hội.
Bản chất chính trị ở Việt Nam là “xã hội chủ nghĩa” theo học thuyết Mác-Lê nin, nó là một nguyên nhân gây ra sự yếu kém, thêm vào đó là thể chế độc đảng đặt quyền lợi của đảng cầm quyền lên trên hết nên những quyền lợi chính đáng của phần đông dân chúng còn lại đều bị tước đoạt là hai nguyên nhân tạo ra một Việt Nam như ngày hôm nay.
Nếu lúc này bàn tới cải cách tức là vẫn nhất quyết duy trì chế độ XHCN và thể chế độc đảng, thì thiết nghĩ nó chỉ làm Việt Nam sớm chết hơn là một cuộc cách mạng.
Bây giờ Việt Nam có làm thêm trăm lần cải cách trong các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế hay y tế mà vẫn nhất quyết duy trì bản chất của chính trị và thể chế độc tài thì đều vô ích. Bởi “tất cả mọi chuyện trong đời sống đều là chuyện chính trị. Chuyện tiền mất giá là chuyện chính trị, chuyện giá gạo, giá xăng, giá điện tăng là chuyện chính trị. Chuyện môi trường tệ hại là chuyện chính trị. Chuyện giáo dục tồi tệ là chuyện chính trị…v.v….” (Hoàng Ngọc Diêu).
Cải cách mà chưa thay đổi bản chất chính trị thì một là để mĩ dân, hai nữa là tạo thêm cơ hội cho nạn tham nhũng phát triển. Bởi làm sao có thể cải cách hiệu quả khi vẫn nhất quyết duy trì quyền lợi của giới cầm quyền và tiến lên xã hội chủ nghĩa, một học thuyết đã bị chứng minh là sai lầm trên thế giới. Tôi nghĩ phương án cải cách của nhiều người hoạt động dân sự không thuộc đảng cộng sản giống như suy nghĩ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng về đề xuất tiêu diệt tham nhũng: “giết chuột những không được làm vỡ bình”. Mong muốn Việt Nam phát triển nhưng không muốn xoá bỏ tận căn nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, thì chỉ còn một cách là cầu trời khấn phật cho những con chuột trong bình đừng có sống đúng với bản chất của chúng.
Điều Việt Nam cần lúc này là một cuộc cách mạng toàn diện.
Đối với người dân Việt Nam nhắc tới cách mạng là nhắc tới máu và máu. Máu đổ do lý tưởng, máu đổ do lòng hận thù, máu từ đấu tố, từ sự yêu ghét mù quáng…tất cả những điều đó từ quá khứ đã làm cho phần lớn người dân Việt Nam không mấy thiện cảm với hai từ “cách mạng”. Vẫn biết không có cuộc cách mạng nào mà không trá giá dù là cách mạng bạo động hay bất bạo động, nhưng không phải cuộc cách mạng nào cũng sinh ra thù hận và hận thù. Việt Nam cần lúc này là một cuộc cách mạng toàn diện, cách mạng con người đến xã hội, cách mạng từ bên trong lẫn bên ngoài theo phương thức bất bạo động. Cách mạng chứ không phải cải cách.
Xin hỏi xã hội Việt Nam cần lúc này là độc tài hay dân chủ? Và xã hội chuyển từ độc tài sang dân chủ tự do là một cuộc cách mạng hay là cải cách?
Tôi vẫn biết có hai cách để chuyển từ một xã hội độc tài sang dân chủ, một là bằng cải cách hai là bằng cách mạng.
Nếu chọn cải cách thì yếu tố bên ngoài là thứ yếu mà phần lớn là từ những con người trong thể chế độc tài. Có thật sự những người cộng sản sẽ từ bỏ quyền lực của họ vì lợi ích dân tộc? Có khả năng nào Việt Nam sẽ có một Gobachev như thời Liên Xô trước đây? Quan chức cộng sản Việt Nam càng lên chức vị cao càng đầy những tội ác với đất nước với đồng bào, ai có thể đảm bảo họ sẽ được an toàn khi từ bỏ quyền lực? Và ai sẽ là nhà thuyết giảng về đạo đức để những con người trên thay đổi? Và ai sẽ là người đảm bảo những con người trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay, lòng hận thù đang chất đầy trái tim họ sẽ không ăn tươi nuốt sống những kẻ đã mang trong mình bản án “bán nước hại dân” đây? Nếu là các vị khi bàn tay nhuộm đầy tội ác, khi cuộc sống đang như một bậc đế vương, các vị có dám từ bỏ vị trí an toàn trên để đặt cược mạng sống của mình và gia đình vào một thay đổi chính trị tận căn chăng?
Với những gì đang trình bày tôi vẫn không ủng hộ cải cách vì tôi không tin nó có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam. Tôi ủng hộ một cuộc cách mạng ôn hoà nhưng phải có tính chủ động, kế hoạch và tổ chức.
Cuộc cách mạng phải đi từ bên trong lẫn bên ngoài, một mặt khai dân trí, mặt khác đánh vào chính hệ thống quyền lực của thể chế độc tài từ niềm tin của dân chúng, đến những lực lưỡng nòng cốt của họ như công an và quân đội. Sự thay đổi phải là thành quả của toàn xã hội như vậy mới có tính bền vững và ổn định. Và nó còn là yếu tố để không còn cơ hội cho một thể chế độc tài mới xuất hiện. Cải cách dù tốt đến mấy vẫn là trò chơi may rủi, bởi đặt cược vào một nhóm người nào đó, thì trước sau gì cũng dễ sinh ra một thể chế độc tài khác tinh vi và xảo quyệt hơn. Nước Nga thời Putin là minh chứng cho điều đó.
Cải cách hay cách mạng vẫn là sự chọn lựa của mọi người, ở đây chẳng ai lên án ai về chọn lựa của riêng mình. Những người có học thức, có tâm huyết biết đâu chọn lựa cải cách lại là bước đi khôn ngoan và chắc chắn hơn chọn lựa làm cách mạng của một người trẻ như tôi, vừa thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sống. Nhưng dù sao tôi vẫn không ủng hộ cải cách không phải vì tôi quá ghét cộng sản tới mức muốn lật đổ họ, đơn giản là tôi không tin vào họ, không tin rằng giết chuột không làm vỡ bình nuôi chuột là phương án khả thi. Cách tốt nhất để diệt chuột là đập vỡ bình nuôi chuột. Vừa nhanh, vừa hiệu quả lại ít tốn kém so với dành hết thế hệ này, đến thế hệ khác chỉ việc giết chuột.