Chính phủ Venezuela chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tiền mặt
Có phải một bi hài kịch “tiến nhanh tiến đại lên CNXH” ở châu Mỹ la tinh đang rơi vào thời kỳ “quá độ” trong đó giữa lòng dân và chủ nghĩa ai thắng ai? BBT
Bị thiếu tiền mặt trầm trọng do thu nhập từ dầu lửa giảm xuống quá nhiều, Venezuela tuyệt vọng tìm kiếm nguồn tiền bằng mọi giá. Thậm chí còn xóa những món nợ khổng lồ cho khách hàng nếu chịu trả tiền mặt, hoặc cầm cố những tài sản quý giá của đất nước, như trữ lượng vàng chẳng hạn.
Trong những tháng gần đây, chính phủ của Tổng thống phe xã hội Nicolas Maduro đã giảm những món tiền nợ hàng tỉ đô la, đổi lấy việc chi trả ngay lập tức bằng tiền mặt.
Đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng đang chìm trong khủng hoảng, đã phải chấp nhận xóa đến 2 tỉ đô la nợ tiền dầu lửa cho Jamaica, và 1,5 tỉ đô la – cũng là tiền bán dầu – cho Cộng hòa Dominica. Bên cạnh đó, còn giảm 38% trên tổng số nợ 400 triệu đô la mà công ty nhà nước Ancap của Uruguay còn thiếu.
Ngoài ra, chính quyền Caracas còn cầm cố trữ lượng vàng của Venezuela lấy 1,5 tỉ đô la ; cho phát hành trái phiếu và thương lượng vay 2,5 tỉ đô la thông qua Citgo, chi nhánh lọc dầu đặt tại Hoa Kỳ của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA – nguồn tài chính hàng đầu của đất nước.
«Điều này trông giống như một vụ tự sát! Đơn giản là chính phủ của ông Maduro đang phung phí của cải để trụ lại đến năm 2016, mà không hề có một kế hoạch cải cách kinh tế nào». Nhà kinh tế Orlando Ochoa nhận xét như trên, và còn nêu thêm « các giao dịch khá mờ ám với những cổ phiếu dầu lửa».
Sau nhiều tháng do dự, rốt cuộc chính quyền cũng ấn định ngày 06/12 cho kỳ bầu cử Quốc hội, mà đối lập lần đầu tiên được dự báo sẽ chiến thắng. Bất chấp tình trạng kinh tế đen tối, chính phủ từ chối thực hiện bất kỳ biện pháp nào dù nhỏ nhoi để giảm chi tiêu, vì rất sợ mất lòng dân trước cuộc bầu cử sắp tới.
«Nhưng đến năm 2016, Venezuela chẳng còn gì để bán nữa ngoài Citgo» – ông Ochoa cảnh báo. Nhà kinh tế nhắc nhở, trong năm nay Caracas đã bán lại công ty lọc dầu Chalmette ở Hoa Kỳ do PDVSA và Exxon Mobil cùng hùn vốn, đem lại cho mỗi bên 330 triệu đô la.
Các vụ bán mua vội vã và phát hành trái phiếu đi kèm với việc siết chặt nhập khẩu (-50% từ 2013 đến 2015), trong khi chính phủ phải chi trả nhiều triệu đô la cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, như các công ty hàng không chẳng hạn. Và trong thời điểm giá dầu lao dốc vùn vụt, thu nhập từ bán dầu lửa chủ yếu dành cho việc trả nợ cho các chủ nợ quốc tế – một ưu tiên lâu nay kể từ thời Chavez.
Theo các định chế tư nhân, Venezuela cũng phải thanh toán 6 tỉ đô la vốn và lãi trong năm 2015. Ông Asdrubal Oliveros, giám đốc cơ quan tư vấn Ecoanalitica nhấn mạnh, với giá trung bình một thùng dầu thô là 47 đô la trong năm nay, Venezuela thiếu mất 23 tỉ đô la để quân bình cán cân thanh toán. Trong khi đó dự trữ ngoại hối của đất nước giảm 25% so với năm ngoái.
Ông Oliveros khẳng định: «Năm 2015, chính phủ Venezuela chỉ giật gấu vá vai được có 8 tỉ đô la từ Citgo, các món nợ đã được ‘‘đại hạ giá’’ của Petrocaribe (liên minh dầu lửa giữa Venezuela và các nước vùng Caribê), và cầm cố trữ lượng vàng».
Đối với chuyên gia này, Venezuela phải «thương lượng với các đối tác dầu lửa để bán các phần hùn trong các công ty trực thuộc Orénoque (nơi có mỏ dầu trữ lượng lớn nhất thế giới), để cải thiện bối cảnh kinh tế cho lãnh vực tư nhân». Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục cầm cố số vàng có được, và vay mượn tiền của TC.
Nhưng Bắc Kinh, trước tình trạng chứng khoán sụp đổ, đồng nhân dân tệ mất giá, xuất khẩu sụt giảm…liệu có tỏ ra phóng khoáng trước một đối tác đang trên đà xuống dốc hay không? Hiện số tiền thu được từ số lượng 600.000 thùng dầu mỗi ngày mà Venezuela cung ứng cho Bắc Kinh, hơn phân nửa lại phải dùng để trả nợ cho các ngân hàng TC. Tính thực dụng của chính quyền Bắc Kinh thì mọi người đều biết rõ.
Và thế là đất nước dầu lửa quyết tâm đi theo con đường «xã hội chủ nghĩa» tiếp tục lao dốc không hãm phanh…