Điểm Báo Pháp – 26-8-2015
Ngôi làng Việt Nam ở Noyant-d’Allier, miền trung nước Pháp – DR
Theo RFI – Anh Vũ – 26-08-2015
Ngôi làng Việt Nam giữa lòng nước Pháp
Cách đây 60 năm, 1.500 người xứ Đông Dương là những quân nhân hay công chức phục vụ cho chính quyền thuộc địa Pháp đã được «hồi hương» về sinh sống trong một khu làng nhỏ Noyant-d’Allier nằm giữa miền trung nước Pháp. Những người Pháp gốc Việt đó đã dựng nên một khu làng Việt độc đáo, nay trở thành điểm thu hút du khách đến thăm.
Nhật báo Công giáo La Croix đưa độc giả đến vùng miền trung nước Pháp, vùng Auvergne. Nơi đây có một khu làng Việt có 700 con người sinh sống trong một khung cảnh bình yên và đặc biệt là mang dấu ấn lịch sử của một thời thực dân đã nhạt nhòa.
Ngược dòng thời gian La Croix cho biết: Sau hiệp định Genève năm 1954 trả lại độc lập cho xứ thuộc địa Đông Dương, chính quyền Pháp đã cho các công chức, quân nhân người bản xứ mang quốc tịch Pháp hoặc con lai được trở về chính quốc. Khi đó có khoảng 5.000 nghìn người đã được «hồi hương» về chính quốc. Họ được đưa đến định cư ở hai nơi: một nằm ở xã Saint Livrade sur Lot, trong tỉnh Lot et Garonne, khu tập trung thứ hai chính là Noyant-d’Allier, nằm giữa cánh đồng thôn quê, trong khu làng của các thợ mỏ bỏ trống sau khi khu mỏ đóng cửa từ năm 1943.
Với những người đến từ Đông Dương này, đa phần là người gốc Việt, chuyến «hồi hương» này quả là không dễ dàng gì nếu không muốn nói là một sự hy sinh mất mát. Họ đến nơi định cư mới với gần như hai bàn tay trắng, trong khi trước đó không lâu, ở xứ sở của mình họ là những gia đình giàu có, sống trong các dinh cơ lớn, trong nhà có kẻ hầu người làm. Trong mắt họ, trước đó nước Pháp chỉ có Paris. Thế rồi cuộc sống cứ vẫn phải trôi đi, họ phải tìm kiếm việc làm trong các khu công nghiệp trong địa phương các đó vài chục cây số.
Qua các nhân chứng kể lại với La Croix thì, chính quyền địa phương đã phải sửa sang lại nhiều khu nhà của xã làm trường học để đón nhận các con em những người hồi hương. Ban đầu người dân địa phương không mấy cởi mở với những người hồi hương Đông Dương này. Vẫn có một ranh giới vô hình giữa những người dân gốc sống xung quanh nhà thờ và đám «dân hồi hương» quy tụ ở dưới vùng đất thấp. Nhưng giờ đây thì sự phân cách này dường như đã bị xóa bỏ.
Xã trưởng của Noyant cho biết có một bầu không khí rất khác biệt trong khu làng người Việt, nó «cởi mở hơn tất cả những khu làng khác trong vùng». Cộng đồng người hồi hương đó đã xây dựng khu làng của mình thành một địa điểm độc đáo mang đậm bản sắc quê hương xứ sở gốc của họ. Giữa khu làng có một ngôi tượng Phật cao được dựng lên trở thành điểm thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan mỗi năm.
Tuy nhiên, giờ đây đã có nhiều thay đổi. Theo la Croix, một nửa số nhà trong làng để không hoặc được dùng làm nhà phụ dùng để nghỉ cuối tuần. Phần đông những người «hồi hương» xưa kia đã qua đời hoặc chuyển đi nơi khác. Con cái họ cũng đến các thành phố lớn sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ khi nghỉ hưu đều muốn trở lại nơi đây sinh sống như là để trở lại cội nguồn. Kết thúc bài viết, la Croix dẫn lời ông Edouard Brassecasse, một người gốc Việt 63 tuổi, sau thời gian đi lập nghiệp tại vùng phụ cận Paris nay nghỉ hưu nói: «Tôi vẫn gắn bó với Việt Nam và nước Pháp. Noyant d’Allier chính là gạch nối giữa hai».
Bão chứng khoán gây hoảng loạn thị trường tài chính
Trở lại với dòng thời sự trong ngày với tâm điểm là cơn bão chứng khoán được đánh dấu bằng ngày «thứ Hai đen» vừa qua đang gây hoang mang không ít cho thị trường tài chính thế giới. Một số nhà bình luận cảnh báo về một cuộc khủng quy mô thế giới mới giống như đã xảy ra hồi năm 2008.
Tuy nhiên, Le Monde nhận thấy là nếu nhìn kỹ thì thấy quả bom chứng khoán lần này dù có làm hoảng loạn thị trường không phát nổ lớn được như hồi năm 2008 với vụ Lehman Brothers. Các nhà đầu tư nghi ngại về độ bền vững tăng trưởng của kinh tế TC, nhưng nền tảng của Mỹ và châu Âu vẫn cơ bản là khỏe. Kinh tế thế giới vẫn «đủ vững vàng» để chống chọi với cơn bão lần này. Kinh tế thế giới chỉ có thể chao đảo đôi chút nếu nhịp độ tăng trưởng kinh tế TC giảm tốc mạnh hơn dự liệu.
Một dấu hiệu khả quan được nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận «Bắc Kinh đã phải rút vũ khí tiền tệ để trấn an thị trường tài chính (…) Ngân hàng trung ương TC hôm qua đã thông báo hạ lãi suất chỉ đạo, lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái. Đồng thời hệ số dự trữ bắt buộc của các ngân hàng cũng được giảm để tạo điều kiện phát hành tín dụng đối với các doanh nghiệp». Đây là hai biện pháp khẩn cấp của chính phủ để làm dịu thị trường tài chính. Chính vì thế mà ngoại trừ Tokyo và Thượng Hải, thị trường chứng khoán ở phương Tây hầu hết đều hồi phục dần.
Tuy nhiên, báo Le Figaro cũng cảnh báo: tương lai có vẻ vẫn ảm đạm, nhất là trong những tuần tới khi có thể ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định nâng lãi suất chỉ đạo và tình hình chính trường Hy Lạp sau bầu cử vào giữa tháng 9 sẽ còn nhiều bất trắc.
TC: Kinh tế xuống dốc làm suy yếu chính trị
Trong đợt khủng hoảng chứng khoán, bắt đầu từ TC nhiều tờ báo chú ý đến khía cạnh chính trị của chế độ Bắc Kinh. Le Monde nhận thấy vụ «sập sàn chứng khoán lần này là một thử thách cho chế độ TC» trong đó vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình bị suy yếu.
Le Monde chạy tựa bài viết: «vận xấu cho Tập Cận Bình». Tờ báo khẳng định «những yếu kém của kinh tế TC có thể làm suy yếu Chủ tịch Tập Cận Bình, lên nắm quyền từ hơn hai năm nay. Cuộc thập tự chinh được nhân vật số 1 TC phát động nhằm vào các «nhóm lợi ích», bị quy kết là làm sai lệch quy luật thị trường, cũng như là công cuộc chống tham nhũng trong cán bộ đảng đã tạo cho ông nhiều thêm kẻ thù. Thêm vào đó, những rủi ro của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ là mối đe dọa cho tính chính đáng của đảng Cộng sản Trung Hoa». Bởi vì nền móng cho tính chính đáng của đảng cộng sản là sự ổn định xã hội.
Le Monde nhắc lại các cuộc thanh trừng nội bộ mang nhãn hiệu chống tham nhũng từ khi Tập lên nắm quyền với hàng loạt vụ kết án mạnh tay vào các quan chức cao cấp của bộ máy. Gần đây chính quyền dường như đang bắt đầu đưa vào tầm ngắm các cựu lãnh đạo chế độ. Dù cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình được dân ủng hộ thì nó lại làm rạn nứt cơ sở ủng hộ trong giới trí thức, họ vẫn lo sợ các cuộc đàn áp như kiểu Cách mạng văn hóa quay trở lại.
Tiếp tục với báo le Monde và vẫn liên quan đến nhân vật lãnh đạo số 1 của TC nhưng trong một bài viết khác mang tiêu đề «Thiên Tân hay những giới hạn quyền lực tối cao của Tập Cận Bình». Tờ báo trở lại với vụ tai nạn khủng khiếp, hai vụ nổ nhà kho ở Thiên Tân hôm 12/08 cùng với những hậu quả lớn về người,vật chất và môi trường.
Le Monde điểm lại những tai nạn công nghiệp, môi trường, hầm mỏ ở TC không thiếu từ trước đến nay, cho dù từ khi lên nắm quyền Tập Cận Bình có cố gắng lập lại trật tự trong guồng máy lãnh đạo mới nhằm đưa TC ra khỏi sự phát triển hỗn loạn. Nhưng có vẻ như đường lối của ông đang đi vào ngõ cụt.
Vụ tai nạn Thiên Tân còn gây một hệ quả tiêu cực khác về mặt chính trị cho chế độ đó là khủng hoảng lòng tin của dân chúng. Điều này thể hiện qua hàng loạt các chỉ trích phê phán của các cư dân mạng TC rộ lên trong những ngày qua.
Le Monde nhận thấy «vụ tai nạn Thiên Tân là một thất bại của cách lãnh đạo của Tập Cận Bình và vị hoàng đế đỏ này sẽ phải suy nghĩ về một phương pháp lãnh đạo khác nếu không muốn rơi vào tình cảnh gậy ông đập lưng ông vào thời điểm kinh tế đang chao đảo, bất bình dân chúng bị dồn nén cao độ không có chỗ xả».
Thái Lan ngày càng bất ổn dưới chính quyền quân sự
Vẫn là chủ đề liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos nhìn qua Thái Lan, trở lại vụ tấn công khủng bố giữa thủ đô Bangkok cách đây hơn một tuần. Les Echos ghi nhận: «Vụ khủng bố Bangkok làm suy yếu tập đoàn quân sự cầm quyền».
Theo Les Echos «vậy là gần chục ngày sau vụ đánh bom giữ trung tâm thủ đô Bangkok làm 20 người thiệt mạng và 125 người bị thương, chính quyền quân sự cầm quyền vẫn bất lực. Cuộc điều tra giậm chân tại chỗ, cảnh sát cho biết bị mất dấu vết của nghi phạm. Giờ đây, các hướng điều tra đặt vào mọi khả năng từ Hồi giáo miền nam đến các phần tử ủng hộ gia đình nhà Shinawatra, hay phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ hoặc khủng bố đơn lẻ… thế nhưng không một giả thuyết nào đứng vững».
Sự bế tắc đó có thể được lý giải bởi tình hình nội tình Thái Lan đang ngày càng trở nên rối rắm, chờ chực bùng nổ hỗn lọan. Từ sau cuộc đảo chính tháng 5 năm 2014, chính quyền quân sự đang phải đối mặt với những bất bình phẫn nộ trong xã hội ngày càng lớn do cách lãnh đạo phản dân chủ.
Nền kinh tế Thái đã ảnh hưởng nặng nề bời những biến động chính trị liên miên trong nước, giờ đây lại bị bồi thêm vụ tấn công khủng bố, dự tính sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch, trụ cột chính của kinh tế Thái Lan. Chính quyền quân sự hiện nay ngày càng mất uy tín và tính chính đáng của mình.
Pháp: Vụ khủng bố tàu Thalys vẫn làm đau đầu các giới chức
Chuyển qua thời sự nước Pháp. Dư luận Pháp vẫn chưa hết hoang mang với vụ tấn công khủng bố trên chuyến tàu Thalys từ Amsterdam đến Paris, cho dù cuộc thảm sát đã may mắn được ngăn chặn kịp thời bởi các hành khách can đảm.
Dù nghi phạm chính, hôm qua (25/08) đã bị khởi tố chính thức với nhiều tội danh trong đó tội chính là tấn công khủng bố, nhưng còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ khủng bố với cách thực hiện rất mới như làm thế nào để ngăn chặn được những âm mưu tấn công như thế này ?
Libération đặt vấn đề kẽ hở trong theo dõi những phần tử nằm trong hồ sơ đặc biệt của an ninh. Tờ báo ghi nhận: nhân thân không xác định nổi của kẻ nổ súng trên tàu Thalys đang là vấn đề đau đầu đối với tình báo trong việc phòng trước các hành động khủng bố. Mặc dù bị ghi tên trong số theo dõi của ba đơn vị cảnh sát chống khủng bố, nhưng nghi phạm Ayoub Al Khazzani vẫn đi lại tự do khắp châu Âu và thậm chí còn xóa được dấu vết di chuyển. Libération đã lật lại các phương pháp giám sát theo dõi của các cơ quan chức năng để cho thấy sự kém hiệu quả và kẽ hở của phương pháp cũ này giúp cho các mưu đồ khủng bố vẫn có thể thực hiện được.
Libération đặt vấn đề: «Có nên chăng trục xuất tất cả những phần tử Hồi giáo cực đoan có tên trong số theo dõi như đề xuất của một số người, chủ yếu thuộc đảng cực hữu Mặt trận quốc gia?» Tờ báo trả lời ngay là không đồng thời đưa ra giải pháp: «tăng cường giám sát, xử lý nhanh và xác đáng thông tin thu được, gia tăng phương tiện thâm nhập, đẩy mạnh hợp tác trên quy mô châu lục để tìm hướng chung chống khủng bố…» hành động nóng vội thái quá là không có hiệu quả, xã luận của Libération kết luận.