Việt Nam nếu đa đảng sẽ đổ máu?
Wed, 08/26/2015 – 20:00 — ledienduc
Lê Diễn Đức Khi nói đến tiến trình tiến tới dân chủ hoá của Việt Nam, mặc dù còn mờ mịt, xa vời, có ý kiến cho rằng, xã hội Việt Nam nếu có đa đảng sẽ đổ máu. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) luôn tuyên truyền rằng, khi họ là lực lượng duy nhất giữ độc quyền cai trị thì xã hội ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều này đánh trúng vào tâm lý của dân chúng vốn sợ chiến tranh, xung đột sau một cuộc chiến đã qua dài và tổn thất sinh mạng và vật chất quá lớn. Cách nguỵ biện trên rõ ràng là bóp méo hoặc thiếu hiểu biết về khái niệm dân chủ. Dân chủ về bản chất không chỉ là một mô hình nhà nước, cũng không hoàn toàn giống như người ta viết trong các bản hiến pháp. Dân chủ là quan điểm sống, dựa trên lòng tin vào con người, vào nhân loại và chủ nghĩa nhân đạo. Dân chủ là một cuộc thảo luận. Nhưng cuộc thảo luận chỉ thực sự có ý nghĩa nơi mà con người tin cậy lẫn nhau và tìm kiếm sự thật một cách lương thiện. Dân chủ có nghĩa là cuộc nói chuyện giữa những người bình đẳng, sự suy nghĩ của những công dân tự do trước con mắt quan sát của toàn xã hội. Wiston Churchil, cựu Thủ tướng Anh, đã có lần nói đùa nhưng rất chính xác rằng, “Dân chủ là mô hình nhà nước tệ nhất, ngoại trừ tất cả các mô hình nhà nước được biết cho đến nay”. Có nghĩa rằng, Dân chủ không phải là phuơng thức hoàn hảo, nhưng là tốt nhất, phục vụ cho nhân loại trong lịch sử. Chính trị Dân chủ gìn giữ hài hoà giữa sự thống nhất và đa dạng, cũng như sự xung khắc, dựa trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Chính trị dân chủ không phân chia bạn-thù. Vinh quang của nó không phải là chiến tranh, và mục tiêu của nó không phải là tiêu diệt kẻ thù. Trong xã hội dân chủ có ba nhóm người: ủng hộ/dao động/đối thủ. Mục tiêu của Dân chủ là kéo về phía mình những người dao động để nhận được đa số. Chính trị Dân chủ không phải là vấn đề sống và chết. Dân chủ không cho phép sử dụng các phương tiện chiến đấu, xung đột vũ trang, giết chết đối thủ. Dân chủ tìm cách thuyết phục các chương trình của mình để tìm kiếm sự ủng hộ mới nhằm đạt được đa số, mà nhờ đó sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dân chủ là một hệ thống chính trị duy trì và phục hồi sự đồng thuận của xã hội và đồng thời giữ gìn, điều chỉnh sự khác biệt và tranh cãi miễn là nó nằm trong khuôn khổ pháp luật. Dân chủ tìm kiếm điểm cân bằng giữa hai xu hướng tương phản, một trong số đó là sự thống nhất, và hướng kia – những khác biệt và mâu thuẫn. Một điểm cân bằng – tức là một sự thỏa hiệp, nhượng bộ, tuy nhiên không loại trừ việc giữ lập trường của mình và thuyết phục các khuynh hướng khác chấp nhận. Trong ý nghĩa này – thỏa hiệp là linh hồn của nền dân chủ. Từ ngày ra đời đến khi cướp được chính quyền, rồi cưỡng chế miền Nam, giữ vai trò thống trị duy nhất trên đất nước Việt Nam, ĐCSVN luôn luôn chủ trương đàn áp, thủ tiêu mọi lực lượng chính trị khác quan điểm với mình. Một chế độ công an trị được thiết lập. Các nhà bất đồng chính kiến bị tù đày, cô lập. Báo chí truyền thông trở thành công cụ tuyên truyền phục vụ cho mục đích cầm quyền. Sự thống nhất của dân chúng mà như ĐCSVN nói, ví dụ như đi theo đảng và tin chọn đảng làm lãnh đạo, đều là sự áp đặt. Bởi vì cấu trúc nhà nước được hình thành qua sự sắp đặt của các đại hội đảng, chứ không qua bầu cử tự do. Trong một tư duy dùng bạo lực để tiêu diệt đối thủ/kẻ thù ấy, nói rằng, nếu có đa đảng, ở Việt Nam sẽ đổ máu không có gì là lạ. Vào năm 1989, khi người dân Ba Lan tập trung trong Công đoàn Đoàn Kết, biểu tình, bãi công dồn dập, làm tê liệt đời sống đất nước, có nghĩa rằng, Đảng Cộng Sản Ba Lan đã nhận thấy một tín hiệu khác. Sự đàn áp cao độ của nhà cầm quyền trong giai đoạn ban hành tình trạng thiết quân luật 1981-1983 với gần 10 ngàn người đối lập dân chủ bị bắt giam và xét xử, đã không mang lại kết quả nào, ngược lại, càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa của cao trào cách mạng. Đảng Cộng Sản Ba Lan, lúc bấy giờ, chấp nhận ngồi vào bàn tròn đàm phán với lực lượng đối lập và kết quả là chấp nhận sự hoạt động của các tổ chức xã hội và tiến hành bầu cử tự do (hạn chế) vào ngày 3 tháng 6 năm 1989. Thắng lợi toàn diện của phe đối lập trong cuộc bầu cử này, đã dẫn đến những thắng lợi tiếp theo trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1990 và bầu cử quốc hội toàn phần năm 1991. Cuộc chuyển hoá từ chế độ độc tài qua dân chủ đã diễn ra êm ả, hoà bình và không đổ giọt máu nào. Tất cả ai vào sân chơi dân chủ đều tôn trọng một nguyên tắc khắt khe, bất di bất dịch của nó là không triệt hạ nhau bằng bạo lực. Chỉ lá phiếu của người dân là vũ khí duy nhất để loại bỏ nhau trong cuộc tranh đua quyền lực. Các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ cũng làm nổi bật sự khác biệt giữa hai khuynh hướng Cộng hoà cvà Dân chủ. Trong mỗi kỳ bầu cử, nước Mỹ gần như bị chia thành hai phần tương đương màu xanh (Dân Chủ) và đỏ (Cộng hoà). Người đắc cử Tổng thống thường cũng chỉ nhích hơn người thua cuộc 1-3% số phiếu, điều này cho thấy cuộc tranh đua hết sức quyết liệt. Cộng đồng người Việt ở Mỹ như người ta nhận xét khá phức tạp và chia rẽ. Trong các kỳ bầu cử địa phương, người ta sôi nổi công kích nhau trên các phương tiện truyền thông, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là sự lựa chọn của dân chúng. Không có bất kỳ mâu thuẫn nào dẫn đến xung đột bạo lực. Dân chủ là phải biết thất bại, biết nhìn nhận nó một cách sòng phẳng, nhưng có trách nhiệm. Vì thế, người thua trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ luôn gọi điện chúc mừng người chiến thắng. Rất tiếc, Việt Nam hiện nay chưa có một lục lượng đối lập có tổ chức đủ mạnh để buộc ĐCSVN phải ngồi vào bàn thương lượng. Nhưng những người bất mãn với chế độ và có ý thức phản kháng không ít. Các tổ chức dân sự đang nhen nhóm hoạt động là hạt nhân cần thiết cho sự phát triển xã hội dân chủ tương lai. Một khi tạo được áp lực mạnh mẽ của quần chúng, nhà cầm quyền ắt sẽ thay đổi. Và nếu ĐCSVN can đảm nhận rằng, sân chơi dân chủ là nơi bình đẳng nhất cho cuộc tranh đua, thì chắc chắn chẳng thể nào có đổ máu. Mặc dù xã hội Việt Nam tồn tại những bất đồng sâu sắc do chính sách của ĐCSVN gây ra, nhưng thiết nghĩ, khi đã chấp nhận dân chủ, đồng ý với luật chơi, tất cả các tổ chức khác sẽ bình đẳng với ĐCSVN trong việc tranh giành lá phiếu của người dân. Như vậy, đổ máu hay không chẳng phụ thuộc vào việc xã hội Việt Nam có đa đảng mà hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ hành xử của ĐCSVN. © Lê Diễn Đức – RFA