Tin Việt Nam – 20/8/2015
Nguyên tham tán Campuchia tại VN ra tòa vì làm giả giấy tờ nhập khẩu gỗ
Cựu phó tổng lãnh sự Campuchia tại TP. HCM trong phiên tòa hôm 17/8 đã phủ nhận việc làm giấy tờ giả để cho phép xuất khẩu gỗ cao cấp cho các công ty Việt Nam.
Ông Taing Sok Ngy, 38 tuổi, đã bị bắt tại Phnom Penh vào tháng 6 năm ngoái với cáo buộc làm giấy tờ giả để cho phép xuất khẩu hơn 100 tấn gỗ quý một cách bất hợp pháp vào Việt Nam từ năm 2012 đến 2014, và nhận hối lộ của các công ty Việt Nam.
Ông Sok Ngy thú nhận trước tòa là ông đã gửi một công hàm ngoại giao yêu cầu Bộ Thương mại và Bộ Công thương Việt Nam cho phép một công ty Campuchia tên là Heng Le vận chuyển gỗ cao cấp đến 11 công ty tại Việt Nam.
Nhưng trong phiên tòa hôm 17/8, ông Sok Ngy khăng khăng nói ông đã bị lừa làm giấy tờ giả. Trước tòa, ông Sok Ngy khai rằng đại diện của Công ty Đầu tư Heng Ly là ông La On, đã chuyển đến ông một lá thư vào tháng 11/2013 và nói là của Bộ Thương mại Campuchia cho phép xuất khẩu 1.000 met khối gỗ. Ông Sok Ngy nói ông đã email cho trưởng ban pháp lý của bộ này là ông Mak Osaphea để xác minh về lá thư và đã được “bật tín hiệu xanh” để gửi đến Bộ Thương mại Việt Nam một công hàm ngoại giao cho phép giao dịch.
Ông Osaphea đã không có mặt tại tòa, nhưng thư ký tòa án đã đọc một thông báo từ giới chức Bộ Thương mại Campuchia phủ nhận lời khai của ông Sok Ngy.
Ngoài ra, tờ Khmer Times cho biết ông Sok Ngy nói ông gửi công hàm ngoại giao đi là vì ông nhận được 6 lá thư từ 6 công ty xuất khẩu gỗ của Campuchia.
Nhưng tòa án đã công bố thông báo của cả 6 công ty, tất cả đều nói họ không biết ông Sok Ngy và ông La On. Một số thậm chí còn nói họ không hề kinh doanh về gỗ. Cảnh sát cũng xác nhận không có mối liên hệ giữa các công ty trên với ông Sok Ngy hay công ty Heng Ly.
Vụ việc bị phanh phui sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia yêu cầu Bộ Thương mại nước này xác minh lá thư và Bộ này cho biết đã không đưa ra lá thư trên. Ngoài ra, Bộ Thương mại Campuchia cũng cho biết công tu Heng Ly có thể là một “công ty ma” vì không hề có đăng ký với chính quyền sở tại nước này.
Cuộc điều tra ông Sok Ngy được tiến hành sau khi Bộ trưởng Thương mai Sun Chan Thol báo cáo về những dấu hiệu bất thường trong các vụ vận chuyển gỗ đến Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã bị đặt câu hỏi tại sao một số công ty được phép nhập khẩu gỗ trong khi các công ty khác lại không. Ông Sun Chanthol sau đó đã phát hiện ra bộ ba trên đã giả chữ ký của ông và làm các bức thư giả của bộ này để cho phép xuất khẩu gỗ lậu.
Cảnh sát Campuchia cho biết công ty Heng Ly không nhận tiền trực tiếp từ các công ty nhập khẩu của Việt Nam, mà chuyển tiền vào tài khoản hiện có của một công ty tại Campuchia nhưng không tiết lộ tên của công ty.
Bốn đồng phạm trong vụ này đều vắng mặt trong phiên tòa hôm 17/8 mà không có sự giải thích lý do.
Phiên xử vụ này sẽ tiếp tục vào ngày 3/9. – VOA
‘Xử nghiêm báo đăng tin vụ án giật gân’
Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam cảnh báo sẽ ‘xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật’.
Hôm 19/8, báo VietnamNet dẫn công văn số 2673/BTTTT-CBC do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký về việc ‘xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí’.
Theo đó, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ ‘xử lý lãnh đạo tòa báo nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong thời gian tới’.
Bộ Thông tin & Truyền thông nêu rõ, “thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã khai thác và cho đăng tải liên tiếp nhiều tin bài về cùng một vụ án, tường thuật theo thời gian và diễn biến vụ việc, mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rùng rợn hoặc khai thác thông tin giật gân”, báo Vietnamnet viết.
Việc này được cho là ‘đã vô tình hoặc cố ý xâm phạm quyền riêng tư của công dân, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình điều tra, gây hiệu ứng xấu cho xã hội’.
VietnamNet cho biết Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu các cơ quan báo chí ‘thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, hạn chế những hành vi đưa tin giật gân, câu khách gây phản cảm’.
Trong ba vụ thảm sát xảy ra tại tỉnh Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái vào tháng 7 và giữa tháng 8/2015, hầu hết các báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Pháp Luật TP HCM, VnExpress… đều có những loạt bài và clip khai thác chi tiết gia cảnh nạn nhân, lời khai của nghi can, hung thủ, thủ đoạn gây án, hung khí, thực nghiệm hiện trường…
Đề cập đến chuyện các báo trong nước có nguy cơ bị Bộ Thông tin & Truyền thông phạt vì đăng tin vụ án quá đà, hôm 20/8, từ TP Hồ Chí Minh, nhà báo Hoàng Linh chia sẻ ý kiến cá nhân trên Facebook:
“Vấn đề này bắt đầu manh nha từ vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ngộ sát rồi ném nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang với các tình tiết dị biệt đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của công chúng.
Truyền thông từ đây manh nha bê nguyên tình tiết tội ác và trở nên ăn khách với thủ pháp đó”.
Nhà báo này cho rằng việc xử phạt các báo đăng mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rung rợn hoặc khai thác thông tin giật gân chung quanh vụ án là kịp thời, ngăn chận xu hướng hết sức nguy hiểm dẫn dắt và chạy theo sự tò mò bản năng của một bộ phận truyền thông hiện nay”.
Trao đổi với BBC qua mạng xã hội, ông Linh phủ nhận chuyện một số báo chính thống, ‘chiếu trên’ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên gần đây cũng phải chạy theo tường thuật chi tiết các vụ án như các báo thuộc ngành công an vốn thường bị xem là ‘chiếu dưới’.
Bên dưới bài trên VietnamNet có ý kiến phản hồi của một bạn đọc tên Nguyễn Thị Tình.
Người này viết: “Tôi rất đồng tình với việc xử phạt. Vừa qua báo Thanh niên còn đăng các tít giật gân về nạn hiếp dâm để câu khách nữa. Những bài báo không hề có tác dụng gì tốt cho xã hội mà chỉ làm cho thanh niên hư hơn mà thôi. Xin phải có biện pháp để ngăn chặn và phạt thật nặng để răn đe”. – BBC
Lãnh đạo TP HCM ‘có thiếu sót’
Một tờ báo trong nước đăng bài về ‘sai phạm’ của Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân và thực trạng ‘thất thoát tài chính’.
Báo Một Thế Giới trong hai ngày đăng các bài dẫn nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ mô tả về điều họ gọi là “ít tiếp dân, thanh tra sơ sài, để thất thoát tài chính,” và rằng “cần làm rõ hơn những hạn chế, thiếu sót trong điều hành của ông Quân”.
Bản Kết luận thanh tra được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình ký ngày 17/8 được báo này dẫn lại viết:
“Nhiều vụ việc thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố chưa quyết liệt xử lý hoặc đã chỉ đạo thực hiện nhưng các sở ngành, quận huyện còn viện dẫn nhiều lý do, chậm triển khai thực hiện, nên người khiếu nại còn bức xúc kéo dài.”
Báo này còn đề cập đến việc một số dự án chậm triển khai hoặc giao đất, cho thuê đất thuộc trường hợp phải đấu giá, nhưng không tố chức đấu giá.
“Để xảy ra tình trạng sai phạm, hạn chế, thiếu sót trên, Ủy ban Nhân dân thành phố phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng trên địa bàn”, báo Một Thế Giới viết.
Một loạt báo khác như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vnxpress …cũng đã đưa tin về nội dung trong bản kết luận của thanh tra.
‘Sai phạm khó tin’
Trước đó, hôm 19/8, Một Thế Giới có bài ‘Những sai phạm khó tin ở TP Hồ Chí Minh dưới quyền Chủ tịch Lê Hoàng Quân’.
Bài báo nhấn mạnh ông Quân ‘đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các giải pháp, quy định về phòng chống tham nhũng’.
Bài báo điểm qua một số sai phạm cụ thể từ kết luận thanh tra: 3.390 tỷ đồng tiền thuê, sử dụng đất có nguy cơ không thu được, việc mua sắm, sử dụng tài sản cũng như việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số sở ngành, quận huyện không công khai, không báo cáo Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân thành phố.
“Hầu hết các kết luận thanh tra hành chính đều có phát hiện vi phạm. Kiểm tra một số kết luận và xử lý sau thanh tra còn cho thấy một số kết luận xử lý chậm, hoặc chưa được xử lý nghiêm túc.
“Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Ủy ban Nhân dân thành phố và cá nhân các chức danh liên quan,” báo Một Thế Giới viết.
Ông Lê Hoàng Quân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội.
Ông được Hội đồng Nhân dân TP HCM bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố vào giữa tháng 7/2006.
Tháng 5/2015, trong bài ” Vietnam’s Leadership Transition in 2016: A Preliminary Analysis”, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên Khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, đã bàn về nhân sự cấp cao trong đại hội Đảng vào năm sau.
Trong phần kết luận tác giả cho rằng quá trình chuẩn bị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho sự chuyển tiếp lãnh đạo sắp tới vẫn còn dang dở.
“Những đua tranh và mặc cả về quyền lực sẽ tiếp tục gay gắt, ít nhất là đến trước thềm đại hội. Hiện nay cục diện trận đấu có vẻ như đang có lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tỉ số chung cuộc còn lâu mới được quyết định,” tác giả nhận định. – BBC