Tin Thế Giới – 19/8/2015
Đánh bom Bangkok: ‘Việc làm của một mạng lưới’
Vụ đánh bom làm ít nhất 20 người chết tại đền Erawan ở Bangkok vào hôm thứ Hai do một “mạng lưới” thực hiện, Cảnh sát trưởng Quốc gia Thái Lan nói.
Cảnh sát Thái vừa công bố hình vẽ nghi phạm vụ đánh bom hôm 17/8.
Giới điều tra đang truy lùng nghi phạm chính, mặc áo thun vàng, đã bỏ lại chiếc ba lô ngay tại nơi phát ra vụ nổ ở ngôi đền này.
Cảnh sát sau đó nói hai người khác cũng được thấy trong CCTV đang bị coi là nghi can.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mô tả đây là vụ tấn công tồi tệ nhất xảy ra ở Thái Lan.
‘Thuê để đặt bom’
Viên cảnh sát trưởng, ông Somyot Poompanmoung, nói với hãng thông tấn Associated Press vào hôm thứ Tư rằng vụ tấn công này là việc làm của không phải chỉ một người.
“Anh ta không làm việc này một mình thì là rõ rồi,” ông nói khi được hỏi về nghi phạm chính. “Đây là một mạng lưới,” ông nói thêm mà không cung cấp thêm chi tiết.
Mặc dù nghi phạm chính trong đoạn hình ghi được chưa được xác định danh tính, lệnh truy nã ông này đã được Tòa Hình sự Nam Bangkok đưa ra. Lệnh này cáo buộc một “người nước ngoài không rõ danh tính” đã âm mưu thực hiện “vụ giết người có chủ định” và tội sử dụng vũ khí.
Phát ngôn viên của cảnh sát, ông Prawut Thawornsiri, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình là người đàn ông này có thể “có nguồn gốc pha trộn”.
Một khoản tiền thưởng một triệu bath (tương đương 28.000 đô) được đưa ra để thưởng cho những ai có thông tin dẫn tới việc bắt giữ ông này.
Ông Prawut cũng nói hai người đàn ông ghi hình trong CCTV cũng đang bị truy tìm. “Người mặc áo đỏ và người mặc áo trắng cũng là hai nghi phạm,” ông nói.
Phóng viên BBC tại Bangkok, Steve Evans, cho biết các thông tin mới ám chỉ đây có thể là một hoạt động tội phạm quốc tế, có lẽ với động cơ tôn giáo.
Thủ tướng Thái thúc giục nghi phạm chính hãy ra đầu thú với cảnh sát vì ông này có thể “bị giết để bịt miệng ông ta”
Ông Prayuth nói với các phóng viên rằng người đàn ông đó chẳc hẳn đã được thuê đặt quả bom đó.
Tuy nhiên phóng viên BBC nói có những chỉ dấu rằng nghi phạm chính đã được đưa bằng xe hơi tới sân bay sau vụ nổ và có thể đã bay ra khỏi đây.
Đề phòng khi tới Thái Lan
Nhiều nước khuyến cáo công dân đề phòng khi tới Thái Lan sau vụ đánh bom làm 20 người thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Thái Lan nói 12 nước ra khuyến cáo “Mức độ 2” về việc công dân cần cẩn trọng hơn khi đi tới Thái Lan, theo báo Bangkok Post.
12 nước này gồm Áo, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên 9 nước khuyến cáo mức độ thận trong cao hơn (Mức độ 3) gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Đức, Italy, Ireland, New Zealand, và Vương Quốc Anh.
Hong Kong là nơi duy nhất khuyến cáo người dân tránh tới Thái Lan nếu không cần thiết phải tới (Mức độ 4).
Hà Lan là nước duy nhất duy nhất khuyến cáo dân ở mức độ 1, tức là cảnh giác để ý tình hình. Hiện chưa nước nào cấm công dân thăm Thái Lan.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại Việt Nam khuyến nghị công dân Việt Nam tại Bangkok Thái Lan và các công dân đến Bangkok trong những ngày tới “không nên đến khu vực xảy ra đánh bom.”
Khuyến cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nói “Khi đi lại tại Bangkok cần chú ý tới khuyến cáo của cơ quan chức năng tại Băng Cốc và tuân thủ chỉ dẫn của chính quyền sở tại.”
Trả lời BBC ngày 18/8, ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư Thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, cho biết:
“Trước mắt căn cứ tình hình hiện nay và qua liên lạc với các cơ quan sở tại thì chúng tôi có khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến khu vực xảy ra vụ đánh bom.”
“Trong những ngày tới, đại sứ quán sẽ tiếp tục liên lạc các cơ quan sở tại, cụ thể là Bộ Ngoại giao Thái Lan, và nếu có diễn biến gì mới thì sẽ kịp thời đưa ra thông cáo với bà con.”
“Từ sau khi xảy ra vụ việc thì người du lịch bên này và thân nhân trong nước gọi đến đường dây nóng của đại sứ quán liên tục. Mọi người rất lo lắng”.
“Các đoàn du lịch cũng rất lo lắng vì việc này ảnh hưởng đến các đoàn khách đang có mặt ở Thái Lan của họ, cũng như những đoàn khách trong tương lai”. – BBC
Bà Suu Kyi và ông Shwe Mann lập liên minh
Lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, vừa tuyên bố bà sẽ lập liên minh với ông Shwe Mann, nguyên chủ tịch đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) mới bị truất quyền.
Bà lên tiếng khi Quốc hội tái họp vào thứ Ba, phiên cuối cùng trước khi diễn ra tuyển cử toàn quốc vào tháng 11 tới đây.
Tuần trước ông Shwe Mann đã bị truất chức. Việc truất chức ông được xem như một hành động dứt khoát của Tổng thống Thein Sein nhằm nắm chặt quyền lực chính trị trước khi có tuyển cử.
Phát biểu vào khi các đại biểu Quốc hội tụ họp, bà Suu Kyi nói việc Tổng thống truất quyền ông Shwe Mann hôm thứ Tư tuần trước đã cho thấy rõ “ai là kẻ thù, ai là đồng minh”.
Bà nói Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) sẽ làm việc với “đồng minh”.
Bà Suu Kyi, người từng được tặng giải Nobel về Hòa bình, đã cùng với Anh và Mỹ bày tỏ quan ngại về việc truất chức ông Shwe Mann ngay trước khi diễn ra tuyển cử, cuộc tuyển cử đầu tiên kể từ khi có cải cách dân chủ bắt đầu từ năm 2011.
“Đây không phải những gì bạn chờ đợi tại một nền dân chủ có hiệu lực,” bà nói về hoàn cảnh dẫn tới việc truất chức ông Shwe Mann, và nói thêm rằng những chia rẽ trong đảng cầm quyền USDP có lẽ sẽ đem lại thêm hậu thuẫn cho đảng NLD tại cuộc bầu cử sắp tới.
Các phóng viên cho biết liên minh giữa bà Suu Kyi và ông Shwe Mann rất có ý nghĩa vì ông vẫn có vai trò quan trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, và ông được nhiều người nhìn nhận có thể là một ứng viên Tổng thống có thể thỏa hiệp.
Chính bà Suu Kyi không thể ra tranh cử thể theo các điều khoản trong Hiến pháp do chính phủ quân nhân soạn thảo.
Bà không cho biết cụ thể liên minh của bà với ông Shwe Mann sẽ làm việc ra sao nhưng một lĩnh vực có thể hợp tác đó là sửa đổi Hiến pháp để cho phép bà có thể ra tranh cử chức vụ Tổng thống.
Về phần mình thì chính phủ Miến Điện hôm thứ Ba đã tìm cách giảm nhẹ việc truất chức ông Shwe Mann mà họ miêu tả là “một phần công việc bình thường” của một đảng chính trị. – BBC
Trung Quốc bơm gần 100 tỷ đôla để kích thích kinh tế — Thị trường chứng khoán TQ dao động mạnh sau vụ phá giá đồng Nguyên
Trung Quốc đã bơm gần 100 tỷ đôla, lấy từ kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của nước này, vào hai ngân hàng đặc trách việc cấp các khoản cho vay theo các chính sách của chính phủ. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm kính thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Theo Tân Hoa Xã, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua đã đúc kết kế hoạch hỗ trợ 48 tỷ đôla cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và 45 tỷ đôla cho Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc. Biện pháp này nhằm nâng cao mức vốn của hai định chế tài chính đặc trách việc thực hiện các chính sách của chính phủ, để qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Chính phủ Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng 7% cho năm 2015, mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua, nhưng ngay cả mục tiêu này cũng khó mà đạt được.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong những tháng qua đã thi hành nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ, cụ thể là đã bốn lần hạ các lãi suất từ tháng 11 đến nay và nhiều lần giảm mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để khuyến khích họ cho vay nhiều hơn. Nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không đạt kết quả mong muốn.
Theo nhận định của một kinh tế gia Trung Quốc thuộc Barclays Capital được hãng tin AFP trích dẫn, những biện pháp nói trên không giúp kích thích nền kinh tế thật, mà chỉ làm căng phồng các thị trường chứng khoán. Chỉ trong vòng một năm, chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng đến 150%, vì các nhà đầu tư được khuyến khích vay thêm tiền để mua các cổ phiếu.
Nhưng với nền kinh tế thật đang tăng trưởng chậm lại, không khí hồ hởi phấn khởi này đã chấm dứt từ giữa tháng 6. Trong vòng ba tuần lễ từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, chỉ số các thị trường chứng khoán đã giảm đến hơn 30%.
Sau khi đã sụt 5% điểm vào giữa phiên giao dịch, chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng được 1,23% vào giờ đóng cửa hôm nay. Theo một số nhà phân tích, kết quả này có được là nhờ có sự can thiệp của chính phủ vào các thị trường. Nói chung, giới đầu tư vẫn lo ngại viễn cảnh bong bóng đầu cơ bị vỡ và chính điều này ngăn cản các thị trường chứng khoán Trung Quốc trở lại bình thường, nhất là trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay. – RFI
***
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị dao động mạnh sau khi giới hữu trách Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng Nguyên còn gọi là Nhân dân tệ hồi cuối tuần trước. Theo tường thuật của thông tín viên Bernard Shusman của đài VOA, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vụ phá giá đồng Nguyên tạo ra những tác động trên trường quốc tế, nhất là ở một số nước Phi Châu mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải ở Trung Quốc hôm thứ ba bị sụt hơn 6%, làm cho các thị trường khác ở Á Châu bị sụt điểm theo. Diễn tiến đó rõ ràng là một phản ứng đối với những loan báo hồi cuối tuần trước, trong đó có những gợi ý là Bắc Kinh có lẽ sẽ ngưng những hành động can thiệp mạnh tay để hỗ trợ cho thị trường tài chánh.
Hôm thứ hai, ông Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, cho biết Washington lâu nay vẫn hối thúc Trung Quốc để cho các thị trường tiền tệ tự ấn định lấy tỉ giá hối đoái mà không có sự can thiệp của chính phủ.
“Tỉ giá của đồng tiền của Trung Quốc đã gia tăng rất đáng kể bởi vì nó bị cột chặt vào đồng đô la và điều đó tạo ra sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, đây là một sự tự do hoá, một diễn tiến thật sự hướng tới chỗ để cho tỉ giá được định đoạt nhiều hơn bởi thị trường, một việc mà Hoa Kỳ thật sự mong muốn và đã yêu cầu cách đây rất lâu.”
Tuy nhiên, giáo sư David Denoon, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Đại học New York, cho biết việc này cũng tạo ra nhiều vấn đề.
“Vấn đề là hệ thống ngân hàng của họ có rất nhiều những khoản nợ xấu. Họ có một thị trường trái phiếu rất hạn chế, và thị trường chứng khoán của họ, cả thị trường cổ phiếu lẫn thị trường trái phiếu, cũng rất nhỏ.”
Ông Denoon cho rằng vụ phá giá đồng Nguyên đang tạo ra những tác động quốc tế, nhất là ở những nước Phi Châu mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
“Ảnh hưởng trực tiếp đối với Phi Châu sẽ là các mặt hàng tiêu thụ. Nó sẽ làm cho hàng tiêu thụ của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn, cho nên người dân Phi Châu sẽ mua những mặt hàng đó nhiều hơn. Và đồng thời, những sản phẩm mà Phi Châu bán sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn, cho nên Trung Quốc sẽ mua ít hơn.”
Bắc Kinh nhiều lần nói rằng họ muốn đồng Nguyên trở thành một chỉ tệ tiêu chuẩn toàn cầu, tương tự như đô la Mỹ, đồng Euro và đồng bảng Anh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Bernanke, cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, hiện giờ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để bước lên vũ đài thế giới. – VOA
Cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” Bắc Cực|
Bắc Cực đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu trên toàn thế giới, và là nguồn tài nguyên giành cho tương lai. Song, Bắc Cực còn là khu vực giàu nguồn hải sản và tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, các nước lận cận, như Nga, Đan Mạch, Canada, Na Uy và Hoa Kỳ, đều có tham vọng mở rộng lãnh thổ bao trùm lên khu vực này. Nhật báo La Croix đăng trên trang nhất trong số hôm nay dòng tựa: “Tranh chấp quyền lợi xung quanh Bắc Cực”. Vậy các quốc gia tranh chấp chủ quyền tại Bắc Cực là những nước nào?
La Croix mở đầu với trường hợp của Nga. Mới đây, Nga đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một đơn yêu cầu mở rộng chủ quyền lãnh thổ của nước này lên một phần Bắc Băng Dương. Như vậy, Moscow cũng đã thể hiện rõ quyết tâm khai thác nguồn tài nguyên biển và khoáng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đòi chủ quyền tại Bắc Cực. Năm 2002, Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ yêu cầu đầu tiên của Nga. Năm năm sau, vào năm 2007, một tầu ngầm của Nga lặn sâu dưới lòng cực Bắc và cắm mũi khoan dưới lớp băng dầy, sâu tới 4.200 m, để chứng minh rằng hai dãy núi ngầm dưới đáy biển Lomonossov (chạy dài trên 2.000 km từ vùng Siberia tới đảo Ellesmere của Canada) và Mendeleiev là những dãy núi kéo dài của mảng lục địa Siberia. Và dĩ nhiên là Moscow có quyền đòi hỏi chủ quyền theo công ước quốc tế về Luật Biển. Khu vực mà Nga đòi hỏi có diện tích lớn gấp hai lần nước Pháp, nhưng lại nằm chồng lấn lên các khu vực mà các nước Na Uy (với hòn đảo Spitzberg) và Đan Mạch (với hòn đảo Greenland) cũng đòi chủ quyền.
Trong khi đó, hai đối thủ của Nga, là Canada và Đan Mạch, đưa ra lập luận rằng các dãy núi ngầm dưới Bắc Cực là phần nền tiếp nối của đảo Greenland và Canada. Năm 2014, Đan Mạch cũng đã đệ đơn đòi chủ quyền 900.000 km2, tới tận đường giới hạn 200 hải lý của Nga. Theo nhận định của một giảng viên địa chính trị tại đại học Saint-Denis (Paris), “Trên thực tế, cả ba đối thủ tranh chấp chính (Nga, Canada, Đan Mạch) đều thỏa thuận ngầm với nhau để cùng chia Bắc Cực. Thế nhưng, họ cần đỏi hỏi chủ quyền rộng nhất có thể để còn thương lượng với ủy ban phán xét về chủ quyền biển đảo”.
Ngoài ba quốc gia trên, Na Uy, thành viên của khối NATO, cũng có một phần khu vực mà quốc gia này đòi chủ quyền chồng lấn với Nga. Quốc gia Bắc Âu này đang bị kẹt trong thế giữa từ khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng, khiến rất nhiều dự án công nghiệp lớn giữa hai nước bị ngừng lại.
Iceland cũng muốn có phần bánh của mình. Sau khi quyết định không gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Reykjavik muốn chơi lá bài Bắc Kinh khi đề xuất với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình các nhà máy luyện nhôm và cảng nước sâu. Ngoài ra, Iceland còn có trữ lượng hải sản dồi dào vì với tình trạng trái đất nóng lên, các nguồn cá lui về sinh sống tại khu vực biển bắc.
Cuối cùng là Hoa Kỳ cũng đòi hỏi chủ quyền một phần Bắc Cực nhờ Alaska. Trong lúc, chờ đợi phê chuẩn, công việc khai thác tại đây được tăng cường. Tập đoàn dầu khí Shell của Anh và Hà Lan, hôm qua, đã được chính quyền Mỹ cho phép khoan sâu hơn ở ngoài khơi Alaska, trong bối cảnh các đợt khoan thăm dò vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Bắc Băng Dương giầu nguồn tài nguyên năng lượng và chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% khí tự nhiên còn chưa được khai thác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn trữ lượng này còn chưa được kiểm chứng và có thể không hẳn đã sinh lợi khi khai thác chúng.
Ngoài ra, còn phải kể tới các mỏ quặng (đồng, nickel, chì, uranium, paladi, đất hiếm), nguồn trữ lượng cá hay các tuyến đường vận tải hàng hải từ Đông Bắc sang Tây Bắc. Theo số liệu thẩm định, tới năm 2050, sẽ có khoảng 850 tầu vận tải hàng năm sử dụng thường xuyên tuyến đường này.
Nam Cực thoát được “nanh vuốt” tranh giành cho tới năm 2048
Trái ngược với Bắc Cực, lệnh cấm mọi hoạt động khai thác tại châu Nam Cực còn có hiệu lực tới năm 2048.
Thường được so sánh là “hai anh em sinh đôi”, song Nam Cực và Bắc Cực hoàn toàn khác nhau. Nếu như cực Bắc, về mặt địa lý, tương xứng với Bắc Băng Dương bị băng tuyết bao phủ cả mùa đông lẫn mùa hè, thì Nam Cực là một châu lục.
Cho tới hiện nay, ngoài các hòn đảo có chủ quyền, Bắc Băng Dương là khu vực biển quốc tế, không đi lại được do lớp băng dầy và vẫn chưa bị khai thác, kể cả do đánh bắt, hay do vận tải hàng hải hoặc khai thác các nguồn khoáng sản.
Còn châu Nam Cực có một vị thế khác hẳn nhờ công lao của các nhà khoa học, buộc chính phủ của nước họ phải tuyên bố “đó là vùng đất hòa bình và khoa học” và cấm mọi hoạt động khai thác và quân sự tại đây (như thành lập căn cứ quân sự, thử vũ khí nguyên tử, kho chứa chất thải hạt nhân…)
Đây là thành công đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Năm 1959, có 12 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước Nam Cực tại Washington và có hiệu lực từ năm 1961. Tới năm 2015, con số này lên tới 52 nước. Hiệp định này chỉ làm lắng dịu tạm thời mọi tuyên bố chủ quyền giữa các nước tham gia, tuy nhiên, không có nghĩa là các nước từ bỏ quyền lợi và chủ quyền của mình trên châu lục này. Hiệp định xác lập khuôn khổ trao đổi thông tin, nhân sự và các dữ liệu khoa học và thiết lập hệ thống kiểm tra các hoạt động của con người tại các vùng đất nổi và các khu vực đóng băng ở phía nam vĩ tuyến 60. – RFI