Ba Lan lo ngại về thái độ của Nga

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ba Lan lo ngại về thái độ của Nga

Tổng thống Bronislaw Komorowski của Ba Lan thăm căn cứ không quân Lask trong tuần

Adam Easton – BBC News từ Warsaw, Ba Lan – 10:34 GMT – thứ tư, 12 tháng 3, 2014

Việc Nga chiếm giữ một phần của Ukraine đã khiến các nước láng giềng là Ba Lan và ba quốc gia Baltic cảm thấy bị đe dọa.

Các lãnh đạo của Ba Lan đã phải nỗ lực trấn an dư luận trong thời gian qua.

Vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày Ba Lan gia nhập Nato, Thủ tướng Donald Tusk nói rằng ông không nhìn thấy hiểm họa an ninh trực tiếp nào cho Ba Lan. Tổng thống Bronislaw Komorowski cũng chung quan điểm.

Tuy vậy, vẫn có một làn sóng bất an trong xã hội Ba Lan.

Trong một thăm dò dư luận tuần trước, 59% người tham gia cho rằng chính sách đối ngoại của Nga đe dọa đến an ninh của Ba Lan.

“Tôi thấy lo ngại bởi mục tiêu tiếp theo là chúng tôi. Ukraine trước tiên, sau đó là các nước Baltic, rồi sớm hay muộn gì Putin cũng sẽ làm gì đó ở đây,” Michal, một thủ thư 30 tuổi nói với tôi.

Ám ảnh lịch sử

“Bây giờ họ chỉ muốn tấn công Ukraine, nhưng Ba Lan nằm sát bên cạnh nên chúng tôi sẽ không an toàn được. Bởi Ba Lan cũng có những khúc mắc lịch sử với Nga, và họ luôn là những kẻ gây hấn,” cô Dominika Ziolka, dạy môn đua ngựa cho biết.

Nói vậy không có nghĩa hầu hết người Ba Lan lo sợ về một cuộc tấn công quân sự từ Nga.

Nhưng các vấn đề lịch sử khiến cho họ luôn ngờ vực Kremlin.

Vào thế kỷ 18, Catherine Đại đế đã chiếm và đưa vùng Đông Ba Lan nhập vào Nga.

Thủ tướng Donald Tusk có các hoạt động ngoại giao tích cực từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Ba Lan chỉ giành lại được độc lập từ sau Thế chiến thứ nhất.

Nhưng sau đó hai thập kỷ, Liên Xô đã xâm lược vùng Đông của Ba Lan, hai tuần sau khi Đức Quốc Xã đánh vào phía Tây tháng 9/1939.

Hồng Quân Liên Xô giải phóng Ba Lan khỏi Đức Quốc Xã vào năm 1945 để rồi Stalin thiết lập chế độ cộng sản tại đây.

Người lính Hồng Quân cuối cùng rời khỏi Ba Lan vào năm 1993.

“Tôi nghĩ có một tâm lý ‎chung rằng nước Nga đã vượt qua giới hạn, và họ đã tạo ra một tiền lệ để hành động sau này. Người ta cũng không rõ khi nào Putin sẽ dừng lại,” Marcin Zaborowski, giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế Ba Lan, cho biết.

“Hành vi gây hấn của Nga rõ ràng vi phạm luật quốc tế. Vậy nên sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng Putin sẽ không dám tiến xa hơn.”

Các quốc gia Baltic, vốn thuộc Liên Xô sau khi Thế chiến 2 kết thúc, cũng chia sẻ mối lo ngại an ninh với Ba Lan.

Tuần trước, Tổng thống Lithuania, Dalia Grybauskaite cảnh báo rằng Nga đang cố vẽ lại bản đồ châu Âu sau Thế chiến. Đầu tiên là Ukraine, tiếp đến là Moldova, các nước Baltic, và sau đó là Ba Lan.

Estonia và Latvia cũng có đông dân thiểu số người Nga. Bảo vệ kiều dân Nga là l‎ý lẽ của Putin để chiếm đóng Crimea.

Hoa Kỳ gửi các phi đội F-16 sang để trấn an dư luận Ba Lan lo ngại về Nga

Một vài người đã so sánh lý lẽ đó với Hitler, vốn đã sáp nhập Áo và vùng Sudetenland của Tiệp Khắc vào năm 1938 với cái cớ ‘bảo vệ thiểu số người Đức’.

“Người Ba Lan nói riêng và các dân tộc Xô Viết nói chung phải trả giá quá đắt trong thế kỷ 20 cho một cuộc chiến bắt đầu với l‎ý do bảo vệ người thiểu số.”

“Hi vọng chúng ta đều tiếp thu được những bài học từ đó. Phải nói rằng, lặp lại lịch sử là điều rất nguy hiểm,” Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu trong chuyến thăm London vào thứ Hai 10/03.

‘Hoa Kỳ tăng quân’

Hoa Kỳ vừa tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Theo đó, Mỹ sẽ gửi thêm 6 máy bay chiến đấu F-15 và một máy bay chở nhiên liệu KC-135 để hỗ trợ Nato tuần tra vùng biển Baltic.

Khoảng 300 lính không quân Mỹ và 12 máy bay chiến đấu F-16 sẽ đến Ba Lan để tham gia một cuộc diễn tập chung. Đây là một bước tiến khổng lồ so với con số chỉ vỏn vẹn 10 lính Mỹ hiện đang có mặt tại Ba Lan.

Và phản ứng không chỉ giới hạn về mặt quân sự.

“Thủ tướng vàTổng thống Ba Lan đều nói rằng chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để độc lập về năng lượng. Đây là điều tối quan trọng, bởi mối đe dọa không chỉ đến từ nguy cơ quân sự, mà còn là nguồn cung khí đốt,” ông Zaborowski.

Các quốc gia như Ba Lan đã từng trải vụ Nga đột ngột cắt nguồn năng lượng.

Hầu hết đường cung cấp khí đốt của Nga qua châu Âu đi qua Ukraine từ cửa ngõ phía Tây. Vào năm 2009, tranh cãi về giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đã khiến cho nguồn cung năng lượng tới nhiều quốc gia châu Âu bị tạm ngưng.

Gazprom có vai trò quan trọng trong việc cung ứng khí đối cho Ba Lan

Các nước Baltic và Ba Lan vẫn phụ thuộc năng lượng rất lớn vào Nga. Năm ngoái, Ba Lan nhập khẩu 60% khí đốt của mình từ tập đoàn nhà nước Nga Gazprom.

Sau nhiều lần tuyên bố thay đổi, nay Ba Lan đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của mình.

Quốc gia này sẽ hoàn thành một kho cảng để nhập khí đốt hóa lỏng từ Qatar từ cuối năm nay.

Đường ống dẫn khí nối với Đức và CH Czech cũng sẽ được nâng cấp để tăng nguồn cung từ các thị trường này.

Ba Lan cũng hi vọng sẽ sản xuất được khí đốt từ các mỏ đá phiến của mình trong tương lai không xa.

Sự phụ thuộc của Trung và Đông Âu vào khí đốt Nga giúp ông Putin có quá nhiều đòn bẩy, Thủ tướng Ba Lan Tusk nói vào thứ Hai.

Ông cho biết sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm ngày 12/3 này của bà Merkel sang Warsaw về mối đe dọa chính trị nảy sinh từ sự lệ thuộc nguồn năng lượng này.

“Không nghi ngờ gì nữa, việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền của châu Âu,” Thủ tướng Tusk nói.