Điểm Báo Pháp – 11-8-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11-8-2015

Binh sĩ TC thao diễn cho ngày lễ kỷ niệm 70 quân Nhật đầu hàng quân Đồng minh trong Đệ Nhị Thế Chiến. – REUTERS

Theo RFI – Anh Vũ – 11-08-2015

TC: Gợi lại quá khứ đau thương, phô trương sức mạnh hiện tại

Trong những ngày này TC đang chuẩn bị kỷ niệm rầm rộ sự kiện 70 năm quân Nhật đầu hàng đồng minh, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tại sao chính quyền cộng sản TC, khi quân Nhật đầu hàng còn chưa ra đời, giờ đây lại muốn làm rùm beng sự kiện? Nhật báo Le Monde ra ngày 11/08/2015 có bài phân tích mang tiêu đề «Bắc Kinh trộn lẫn đau thương của ngày hôm qua và phô trương sức mạnh hiện nay».

Tác giả bài phân tích, Harold Thibault thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh nhận thấy sự nhập nhằng trong các lễ kỷ niệm 70 năm Nhật đầu hàng đồng minh (02/09/1945) đang được TC chuẩn bị tổ chức thể hiện rõ nét nhất trong hình biểu tượng sự kiện vừa được giới thiệu. Đó là một bức trường thành mang hình chữ «V», biểu trưng cho chiến thắng, được 5 con chim bồ cầu nâng lên trời. Bắc Kinh diễn giải ý nghĩa rằng logo tượng trưng cho hòa bình, nhưng đồng thời cũng nói lên rằng «dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, dân tộc Trung Hoa bay tới một tương lai đại phục hưng».

Theo Le Monde, «ý tưởng pha trộn nội dung ý nghĩa của dịp kỷ niệm như vậy bắt nguồn từ thượng tầng chính quyền, mà cụ thể là đích thân ông Tập Cận Bình». Mục tiêu là cốt sao «đặt lại đảng Cộng sảng TC vào giữa chiến thắng của quân Đồng minh.Tán dương sự đóng góp vào hòa bình quốc tế trong quá khứ để khẳng định tính chính đáng vai trò của đảng trong tương lai». Trước một cuộc họp Bộ chính trị chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm sự kiện này, Tập Cận Bình đã tuyên bố, «là xương sống của cuộc kháng chiến (chống Nhật), đảng Cộng sản TC đã đóng vai trò chủ chốt» trong thắng lợi của cuộc chiến tranh này.

Tác giả bài viết nhận định, về quan điểm này cần phải xem xét lại vì khi đó, đội quân của cộng sản TC còn quá yếu làm sao có thể đóng «vai trò chủ chốt» để đánh bại quân Nhật. Về phía TC, các trận đánh lớn đều do quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tham chiến và chính việc sử dụng vũ lực nguyên tử của Mỹ là đòn quyết định khiến đế chế Nhật Bản quỵ hẳn. Theo Le Monde, ngoài những chi tiết như vậy thì kỷ niệm thất bại của Nhật của ngày hôm qua chính là dịp để Bắc Kinh phô trương sức mạnh của TC ngày nay.

Tờ báo trích dẫn nhà sử học Tô Trí Lương, Đại học Thượng Hải, đánh giá dịp kỷ niệm này là để «cho thấy TC đang ở trung tâm các cường quốc thế giới. Giờ thì TC đã có thể chơi ván bài lịch sử». Để phục vụ mục đích đó, nhân dịp này, các hoạt động tuyên truyền cũng bung ra rất đa dạng từ triển lãm đến phim ảnh. Hàng chục bộ phim tài liệu về chủ đề kháng chiến chống Nhật được chiếu liên tục khắp nơi, trên truyền hình. Đỉnh điểm của sự kiện là, ngày 03/09 (một ngày lễ mới của TC) sẽ diễn ra một lễ diễu binh hoành tráng cùng với màn phô trương vũ khí sức mạnh quân sự chưa từng có.

Mục đích là kỷ niệm lập lờ nước đôi như vậy của Bắc Kinh đã khiến cho các lãnh đạo phương Tây lưỡng lự chấp nhận lời mời đến dự lễ,chắc chỉ có Tổng thống Nga V. Putin sẽ nhận lời mời. Le Monde nhận thấy: «Đúng là không thể lật lại thực tế Trung Hoa là nạn nhân lớn của Thế Chiến Thứ 2, nhưng các lãnh đạo phương Tây muốn tránh không làm cái việc «đánh bóng những đôi giầy lính» của Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm mà những đòi hỏi chủ quyền của TC ở Biển Đông, rồi những hành động bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực có tranh chấp chủ quyền, đang làm dấy lên nhiều lo ngại».

Tác giả bài viết khẳng định, «các tội ác của quân Nhật trong Thế Chiến Thứ 2 là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng đảng độc nhất TC ngày nay cũng không có được vị trí cao hơn để rao giảng lịch sử và liệt kê tội ác của kẻ khác». Lịch sử Trung Hoa Cộng sản vẫn còn đó những sự kiện hàng triệu người chết trong kế hoạch Đại nhảy vọt, trong Cách mạng Văn hóa điên rồ hay trong vụ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình tại Thiên An Môn (1989).

Nhật: Tái khởi động điện hạt nhân, một quyết định thực dụng

Sự kiện Nhật Bản quyết định hôm nay tái khởi động lòn phản ứng hạt nhân phát điện đầu tiên sau nhiều năm ngừng hoạt động toàn bộ hệ thống điện hạt nhân được nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên trang nhất với hàng tựa: «Nhật đánh cược với sự hồi sinh hạt nhân».

Les Echos ghi nhận: «Bốn năm sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima và mới chỉ vài ngày sau lễ tưởng niệm các vụ ném bóm nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki cách đây 70 năm, hôm nay Nhật cho khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên». Quyết định của chính phủ Nhật có vẻ như mâu thuẫn và không hợp thời này được nhật báo kinh tế Pháp cho là «thực dụng».

Tờ báo giải thích bởi hai lý do: «Thứ nhất là do thiếu tài nguyên thiên nhiên buộc Nhật phải phát triển hệ thống hạt nhân. Từ khi dừng hoạt động các lò phát điện hạt nhân, hóa đơn nhập khẩu dầu mỏ đã tăng vọt đến mức Nhật không còn chịu được nữa. Một lý do khác là việc phải sử dụng đến nhiên liệu hóa thạch khiến Nhật phải xa rời mục tiêu hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong những năm tới», đây là đòi hỏi cốt tử đối với các nước công nghiệp phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Bởi vậy mà chính phủ Nhật cũng như người Nhật buộc phải chấp nhận sự lựa chọn giữa, nỗi đau quá khứ và sự ràng buộc khốn khổ của thực tại kinh tế đất nước.

Hy Lạp: Những bài học từ khủng hoảng

Chuyển qua khu vực Châu Âu, thời sự nổi bật trong ngày lại là chuyện vay nợ của Hy Lạp. Nhật báo Libération hôm nay trở lại với cuộc khủng hoảng Hy Lạp bằng tựa lớn trang nhất: «Hy Lạp: Những bài học của một cuộc khủng hoảng».

Trong lúc cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang có chiều đi vào những hồi cuối, Libération đặt một loạt câu hỏi: «Tại sao Thủ tướng Alexis Tsipras đã không đàm phán tạm thời ra khỏi Châu Âu, như các đối tác Đức đã đề xuất cho ông. Tại sao ông chọn chính sách khắc khổ trong châu Âu hơn là được tự chủ ở bên ngoài?». Câu trả lời của Libération là: «Các cuộc khủng hoảng là những phòng thí nghiệm để trắc nghiệm hiệu quả chính sách. Nếu như ông Tsipras chọn đồng euro, hiển nhiên đó là ông nghĩ đến lợi ích của nhân dân mình, cho dù có phải uống liều thuốc đắng. Tại sao ư? Bởi vì ra khỏi khu vực đồng euro thì Hy Lạp buộc phải thương lượng các món nợ không chỉ với châu Âu mà còn cả với các thị trường tài chính khác khắt khe hơn nhiều so với các chính phủ. Bởi vì trở lại với đồng tiền Hy lạp sẽ chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng».

Bài học mà Libération nhận thấy cần rút ra từ khủng hoảng Hy lạp là: «Kinh nghiệm Hy Lạp cho thấy một đất nước nợ nần quá nặng sẽ mất chủ quyền… dẫn đến việc các chủ nợ sẽ quyết định số phận của nước đó». Tờ báo cho rằng «bài học này có giá trị cho nước Pháp. Mọi chính sách có ý định gia tăng nợ nần sẽ đe dọa chủ quyền của Pháp. Đó là trường hợp của phe tả trong cánh tả, những người vẫn ấm ảnh với đòi hỏi tăng chi tiêu công muốn đất nước ngày càng bị lệ thuộc».

Nga: Đối lập mất đất tranh cử ở địa phương

Liên quan đến chính trị nước Nga, trang quốc tế báo Le Monde cho biết: «Đối lập Nga bị cấm tham gia bầu cử địa phương». Theo Le Monde, các cuộc bầu cử vùng diễn ra vào ngày 13/9 tới đây sẽ không có có sự tham dự của phe đối lập tự do. Hai quyết định ban hành hôm mùng 7 và 8 tháng này đã ngăn cản Liên minh dân chủ, trong đó có nhân vật đối lập nổi là Alexei Navalny và cựu Thủ tướng Mikhail Kassianov, được tham gia ứng cử. Đối lập lên án chính quyền trung ương đã chặn đường của họ tham gia các cuộc bầu cử địa phương và đây là quyết định của tổng thống Vladimir Putin. Họ lo ngại kịch bản này sẽ còn lặp lại ở cuộc bầu cử Quốc hội.

Syria: Chế độ Damas đang suy yếu dần

Đến với nhật báo Le Figaro. Thời sự quốc tế được tờ báo quan tâm là tình hình Syria. Le Figaro ghi nhận chế độ Bachar al Assad đang suy yếu khiến các đồng minh của Damas không khỏi lo ngại. Theo Le Figaro, từ nhiều tháng nay, chế độ Damas liên tục hứng chịu nhiều thất bại về quân sự trên khắp cả nước.

Bachar al-Assad hồi cuối tháng Bảy vừa qua đã phải thừa nhận quân đội của ông đang suy yếu đến mức báo động, quân số, quân trang thiếu nghiêm trọng. Số còn lại thì «mệt mỏi» rã rời, không còn khả năng chiến đấu để giành lại những phần đất bị mất. Quân chính phủ Syria giờ đây chỉ chủ yếu tập trung vào giữ những lãnh địa trọng yếu ở phía tây đất nước hoặc xung quanh thủ đô Damas. Trong khi đó quân nổi dậy vẫn tiếp tục chiếm thêm lãnh thổ. Lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn tiến chiếm thêm nhiều vùng đất.

Trên mặt trận ngoại giao, Damas cũng đang rơi vào thế bất lợi. Từ đầu tháng này, Syria đang trở thành chủ đề trọng tâm của các cuộc rặp gỡ ngoại giao giữa Mỹ, Nga, Iran hay các nước vùng Vịnh. Nhiều dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Syria cũng bắt đầu ngãng ra. Hôm 6/8 vừa qua Matxcơva cuối cùng đã chấp nhận điều tra độc lập về các vụ tàn sát bằng vũ khí hóa học ở Syria, chủ yếu do quân đội của Bachar al Assad tiến hành.

Nga cũng muốn triển khai một liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và mời các nước tham gia đến Matxcơva họp bàn vào cuối tháng này. Mặc dù vậy Le Figaro cũng ghi nhận hồ sơ Syria vẫn bế tắc trên cả mặt trận ngoại giao cũng như quân sự.

Gérard Dépardieu bị xóa trên màn ảnh Ukraina

Mục «Câu chuyện trong ngày » của Le Monde cho biết: «Giữa tài tử điện ảnh Pháp Gérard Dépardieu và Liên Xô có một tình yêu không hề phai nhạt. Những người yêu điện ảnh ở Liên Xô cũ mến mộ tài tử Pháp này bao nhiêu thì Dépardieu cũng yêu các lãnh đạo của họ bấy nhiêu. Dépardieu là «bạn thân» của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngôi sao điện ảnh Pháp vẫn giao du các lãnh đạo độc tài từ Tchetchenia, Kazkhstan, Ouzbekistan cho đến Azerbaidjan».

Tháng Bảy vừa qua người ta thấy Depardieu cùng với Alexandre Loukachenko, Tổng thống Belarussia tại vị từ 20 năm nay, cắt rơm trên cánh đồng nước này rất thân thiết. Thế nhưng có một nước khác, cũng từng ở trong Liên Xô cũ, là Ukraina thì giờ không thể yêu được Gerard Depardieu được nữa. Tài tử Pháp vừa bị chính quyền Kiev cấm nhập cảnh. Tên G. Dépardieu còn bị xếp trong danh sách đen của Bộ Văn hóa Ukraina, theo đó, các phim có diễn viên này tham gia đều bị cấm phát trên truyền hình cũng như rạp chiếu bóng. Tên Gerard Depardieu giờ xuất hiện bên cạnh 13 tên nghệ sĩ Nga bị Kiev coi là «mối đe dọa với an ninh quốc gia».

Sự đoạn tuyệt bắt nguồn từ thái độ và tình yêu có phần thái quá của tài tử Pháp. Năm 2013, khi nhận quốc tịch Nga, diễn viên này đã ca ngợi «nền dân chủ vĩ đại Nga». Người Ukraina chắc không quên, ít ngày sau khi Crimée bị sáp nhập vào Nga, G. Dépardieu đã tham gia quảng cáo một nhãn hiệu đồng hồ đeo tay loại sang dưới khẩu hiệu «Tự hào là người Nga».