Tin Việt Nam – 11/8/2015
TC phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam chịu tác động gì? — Vì sao TC phá giá đồng nhân dân tệ?
Ngân hàng trung ương TC hôm nay, 11/8, đã phá giá đồng Nhân dân tệ gần 2%, xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong ba năm qua.
Mức phá giá 1,9% này được coi là mạnh nhất tại TC trong hai thập kỷ qua, và đang tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới.
Các chuyên gia cho rằng bước đi của TC có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ” nhằm giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.
Về tác động của việc phá giá này đối với Việt Nam, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định với VOA Việt Ngữ:
“Phá giá gần 2% là một sự phá giá giá đáng kể. Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ Trung Quốc phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu và vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu và hàng hóa Trung Quốc sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam. Đấy là điều tôi thực sự lo ngại.”
Ngân hàng Trung ương TC nói rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ nhằm quản lý tỷ giá tốt hơn trước các diễn biến trên thị trường, trong bối cảnh tỷ lệ xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, hành động của Bắc Kinh đã gây phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế khác. Các đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Philippines đồng loạt giảm giá.
Tiền tệ của khối ASEAN được coi là mất giá mạnh nhất so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm nay trong khi kinh tế của của các thành viên trong hiệp hội này giảm tốc.
Về bước đi sắp tới nên làm của Việt Nam, Doanh nói:
“Việt Nam cần phải xem xét và điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam bởi vì tỷ giá đồng Việt Nam từ đầu năm cho tới nay đã điều chỉnh 2%, nhưng đồng đôla đã mạnh lên và nhiều đồng tiền đã giảm giá kể cả đồng Euro. Bây giờ nếu như người láng giềng của Trung Quốc, có mối quan hệ thương mại và xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường Việt Nam, lại phá giá thì đấy là điều mà Việt Nam cần phải xem xét sớm”.
Kinh tế gia này cho biết thêm rằng sau những sóng gió trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, thì “chỉ có mặt hàng xuất khẩu của CSVN vào TC gặp khó khăn, chứ còn xuất khẩu của TC vào Việt Nam vẫn tiến triển đáng kể”.
Chính quyền CSVN chưa thông báo về các bước đi sau khi TC phá giá đồng nhân dân tệ. – Theo VOA
***
Đồng nhân dân tệ của TC vào hôm thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua.
Ngân hàng Nhân dân TC (PBOC) quyết định nhanh chóng sau khi kết quả kinh tế yếu kém được đưa ra hồi cuối tuần rồi.
Với mức giảm 1,9%, PBOC nói đây là bước đi trước nhằm hướng tới cải cách tiền tệ.
Nhưng thời điểm phá giá khiến một số người cho rằng TC đang nỗ lực hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nước này.
Hồi tháng Bảy, xuất khẩu bất ngờ giảm 8%, chiếm phần lớn trong nền kinh tế TC.
Gần đây, Bắc Kinh đã cố giữ đồng nhân dân tệ để người dân trong nước có thể mua hàng hóa nhiều hơn và các công ty TC có thể đầu tư ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn. Nay, việc thay đổi chính sách rất có thể sẽ đem đến những nguy cơ.
Với các nhà đầu tư, câu hỏi là liệu giờ là lúc nên bán hay nên giữ đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ giới hạn trong phạm vi nền kinh tế TC, theo bình luận của chủ biên kinh tế BBC, Robert Peston dưới đây.
Robert Peston, Chủ biên kinh tế BBC
Các nhà đầu tư thế giới lâu nay bị ám ảnh với chuyện khi nào Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ kết thúc kỷ nguyên áp mức lãi suất gần như bằng không, trong lúc kinh tế Mỹ đã gần như trở lại bình thường.
Thế nhưng có lẽ họ đang nhìn không đúng chỗ, nếu xét tới việc điều gì có ảnh hưởng tới dòng vốn và hoạt động kinh tế xuyên quốc gia.
Bởi quyết định của PBOC phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% sẽ có tác động toàn cầu, cả trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ngay lập tức, quyết định trên làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của TC vào thời điểm nền kinh tế nước này đang tăng ở mức chậm nhất kể từ sáu năm qua, và khi mà nhiều kinh tế gia sợ rằng việc chững lại sẽ trở thành vấn đề đau đớn, cấp bách cần xử lý.
Việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gợi lại những quan ngại rằng vẫn còn rất lâu nữa Bắc Kinh mới làm mới nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng cân bằng hơn, dựa trên những nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn.
Sự suy yếu của đồng tiền tệ nước này cũng sẽ khiến Fed bị chú ý.
Trên thực tế là TC đang xuất tình trạng giảm phát sang Hoa Kỳ.
Nói cách khác, với các nhà sản xuất và xuất khẩu Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về trung hạn, TC sẽ lại nêu quan ngại về chuyện cạnh tranh thương mại không công bằng.
Không ai nghi ngờ gì, các ứng viên chạy đua chức tổng thống Hoa Kỳ, nhất là phía đảng Cộng hòa, sẽ than phiền nhiều hơn về việc TC nỗ lực tái xác lập thị phần xuất khẩu nhằm chặn mức ảnh hưởng của tình trạng đi xuống không thể tránh khỏi của nền kinh tế TC.
Về dài hạn, hiện chưa rõ việc phá giá tiền tệ có ảnh hưởng ra sao tới tham vọng của TC trong việc muốn đưa đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ dự trữ, được hiểu theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các kinh tế gia của IMF và các quan chức tại các ngân hàng trung ương, là những người có quyền điều chỉnh quy chế của các loại tiền tệ dự trữ, sẽ cân nhắc xem liệu việc một ngân hàng trung ương như PBOC buộc phá giá hoặc định giá lại tiền tệ có làm sai lệch đi hoạt động của thị trường tự do hay không.
PBOC đang nói rằng việc làm đồng nhân dân tệ suy yếu là bước đi nhằm tiến tới việc có tỷ giá hối đoái được thị trường tự điều tiết mạnh mẽ hơn.
Với những áp lực thị trường trong những tuần vừa qua, thực tế cho thấy những lỗ hổng trong nền kinh tế TC đã ngày càng lộ rõ hơn. – Theo BBC
CSVN tiếp nhận thêm 2 chiến đấu cơ của Nga
Thêm 2 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Nga trong tổng số 12 chiếc được CSVN đặt mua đã được bàn giao tại sân bay Đà Nẵng.
Truyền thông trong nước cho biết, hai chiếc Su-30MK2 được vận chuyển bởi máy bay vận tải An-124-100 Ruslan từ thành phố Komsomolsk nằm trên bờ sông Amur, vùng viễn đông của Nga, đến sân bay Đà Nẵng của Việt Nam ngày 7/8.
Hai chiếc Su-30MK2 này được sản xuất tại nhà máy Gagarin, một chi nhánh của công ty hàng không Sukhoi.
Theo hợp đồng trị giá khoảng 450 triệu USD ký năm 2013 giữa Việt Nam và Nga, 12 máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 sẽ được Nga bàn giao cho phía Việt Nam từ năm 2014 đến 2015.
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2012, Lực lượng Không quân và Phòng không CSVN đã nhận được tổng cộng 24 chiếc Su-30MK2.
Năm 2014, Nga bàn giao 4 chiếc Su-30MK2 trong hợp đồng 12 chiếc.
Tính đến cuối năm 2015, Không quân CSVN sẽ có 3 phi đội với 36 máy bay chiến đấu Su-30MK2.
Một nguồn tin quân sự của Nga nói với hãng tin nhà nước RIA Novosti: “Một phiên bản gần giống [Su-30MK2], trị giá khoảng 35-37 triệu USD một chiếc, đã được bán cho TC trước đó”.
Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 là phiên bản của chiến đấu cơ đa năng Su-27 Flanker với hai chỗ ngồi và trang bị bằng hệ thống điện tử được nâng cấp và khả năng phóng phi đạn chống tàu.
Hiện nay, máy bay chiến đấu vẫn là mặt hàng chính trong xuất khẩu vũ khí của Nga.
Tiềm kích đa năng Su-27/30 Flanker, máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 Fulcrum, trực thăng vũ trang Mil Mi-24/3, trực thăng vận tải chiến đấu Mi-17 và trực thăng hải quân Kamov Ka-28/31 nằm trong số những mặt hàng bán chạy nhất trong ngành xuất khẩu vũ khí của hàng không Nga.
Nga là một trong các nước xuất khẩu nhiều vũ khí sang Việt Nam.
Ngoài máy bay tiêm kích đa năng, CSVN còn mua 6 chiếc tàu ngầm hiện đại trị giá khoảng 2 tỷ đôla từ Moscow. – Theo VOA