Tướng CSVN Cương: Tuyên bố “bước lùi” là “chiêu bài” của TC

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tướng CSVN Cương: Tuyên bố “bước lùi” là “chiêu bài” của TC

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Theo Soha News – Hoàng Đan – 07-08-2015

Theo tướng Cương, TC đã luôn sử dụng chiêu bài một bước lùi mà thực chất chỉ là lời nói lùi nhưng sau đó vẫn tiếp tục làm, thực hiện những hành động sai trái.

“Chiêu bài” ngoại giao TC

Tờ South China Morning Post ngày 6/8 đưa tin, tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 5/8, Ngoại trưởng TC Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã ngừng hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Trung Quốc đã dừng lại. Bạn hãy nhìn xem ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay và tự mình kiểm chứng”, Nghị nói với báo giới bên lề Hội nghị ARF.

Đồng thời, Reuters cho hay trong cuộc gặp lần này, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất sẽ đẩy nhanh quá trình tham vấn và đàm phán để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mất hơn 10 năm chuẩn bị.

Trước những tuyên bố mới này của TC, trao đổi với chúng tôi, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, những điều mà nước này nêu ra không có gì mới mẻ cả.

Bởi lẽ, trước khi diễn ra Hội nghị này, ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo “sẽ hoàn tất trong vài ngày tới”.

Và lâu nay, TC vẫn luôn đưa ra những tuyên bố về việc, họ sẵn sàng đẩy nhanh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN.

Theo tướng Cương đánh giá, sở dĩ TC tuyên bố như vậy tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN là đang sử dụng một “thủ đoạn” ngoại giao rất khôn ngoan.

“Nếu nhìn từ góc độ lịch sử Trung Quốc thì đây là sử dụng một kế trong 36 kế của binh pháp Tôn Tử, đó là lúc nước sôi thì rút củi ở đáy nồi.”

Có thể thấy rõ, từ đầu năm tới giờ, cả thế giới đã cùng lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc TC cải tạo, xây dựng các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và biến đây thành căn cứ quân sự.

Khi cả thế giới nhận ra rõ bộ mặt hung hăng, hiếu chiến của TC và sục sôi phản đối thì TC đưa ra thông điệp này để gián tiếp nói rằng là chúng tôi đã dừng và mời các nước đến quan sát.

Điều này, TC mong rằng, sẽ khiến các nước không thể nói được gì nữa và đám phán COC.

Cũng cần thấy rõ ràng rằng, trong mối quan hệ với ASEAN thì TC cần ASEAN hơn là 10 nước ASEAN cần TC.

Nếu không có TC thì các nước ASEAN vẫn sẽ phát triển nhưng nếu không có ASEAN thì TC sẽ không thể vươn ra Thái Bình Dương để làm đối trọng với Mỹ được”, tướng Cương nhận định.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp mặt bên lề hội nghị ARF. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo tướng Cương, TC nói như vậy nhưng chưa bao giờ có hành động cụ thể nào để thực hiện lời hứa đó.

“Trung Quốc đã hứa đến cả trăm lần chứ không phải lần đầu nhưng thực tế thì chả làm gì cả.

Chúng ta còn nhớ tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lúc đó đã gửi điện cho những người đồng cấp ở 10 nước ASEAN với những lời lẽ rất cầu thị, đẹp đẽ.”

Không những thế còn nguyện là thành viên tích cực, cam kết phối hợp với các nước ASEAN ổn định tình hình Biển Đông, tôn trọng quyền lợi chính trị, kinh tế, an ninh các nước. Nói như vậy nhưng sau đó, TC lại làm ngược lại.

TC đã luôn sử dụng chiêu bài một bước lùi mà thực chất là chỉ là lời nói lùi nhưng sau đó vẫn tiếp tục làm, thực hiện những hành động sai trái, đi ngược chính tuyên bố.

“Và thực tế, việc cải tạo, xây dựng sân bay, căn cứ trái phép ở các đảo Gạc Ma, Chữ Thập… chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa vẫn cứ lén lút thực hiện”, tướng Cương nhìn nhận.

Một lý do khác cũng được tướng Cương đặt ra, đó là, việc TC tuyên bố như trên chính là bước để dọn đường cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch TC Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đây.

“Trung Quốc đặt kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình và nhất là cuộc gặp Tổng thống Barack Obama tại Washington tháng 9 tới.

Nước này mong muốn chuyến đi này sẽ ra được một tuyên bố chung cài chặt quan hệ Trung – Mỹ lại.

Nhưng vấn đề Biển Đông đang gây ra sự phản đối mạnh mẽ của thế giới với Trung Quốc nên họ đưa ra những tuyên bố trên để nhằm khiến vấn đề này không gây ảnh hưởng không tốt tới cuộc gặp.

Nói cách khác, đây là một bước dọn đường mà như chúng ta thấy, cuộc đối thoại chiến lược Trung – Mỹ vừa qua cũng mang tính chất tương tự”, tướng Cương nhận định.

Tướng Cương cũng bày tỏ, nếu như Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN và TC diễn ra sau chuyến đi thăm Mỹ của Tập Cận Bình thì chắc chắn, sẽ khó có những tuyên bố mang tính chất hòa giải như thế này.

“Thậm chí là còn căng hơn nhưng rất tiếc Hội nghị đã diễn ra trước, mà con đường đến còn quá nhiều vấn đề, nhất là vấn đề ở Biển Đông nên Trung Quốc phải tuyên bố như vậy để dọn đường cho chuyến đi”, tướng Cương nói thêm.

ASEAN và Việt Nam nên làm gì?

Theo tướng Cương, cho dù lý do gì đi chăng nữa thì việc TC đưa ra những tuyên bố trên về vấn đề Biển Đông với các nước ASEAN vẫn còn hơn là “gân cổ lên cãi và dọa nạt”.

“Thực chất đây chỉ là những tuyên bố mà không mang lại điều gì cả nhưng đây vẫn là một điều tốt, còn hơn là không nói gì.

Các nước ASEAN cũng như Việt Nam cần đoàn kết, cảnh giác cao độ với thái độ, tuyên bố này của Trung Quốc và có thái độ rõ ràng, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh những lời đã hứa.

Với vấn đề COC thì đây cũng là một thời cơ để có thể thúc đẩy bộ quy tắc này mặc dù, Trung Quốc không bao giờ muốn có COC.

Tóm lại thể nghe Trung Quốc nói nhưng không thể tin được và tôi tin chắc chắn, các nhà lãnh đạo ASEAN đều hiểu rõ động thái này của nước này để nhằm mục đích gì”, tướng Cương nói.

Tướng Cương cũng nhấn mạnh, ngoài đoàn kết, cảnh giác, các nước ASEAN cũng cần tăng cường hợp tác với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước khác.

“Bất cứ hành động nào của Trung Quốc vi phạm khoản 3, 4 Hiến chương Liên hợp quốc, tức là đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực thì cần lên tiếng thống nhất. Và rõ ràng khi Trung Quốc gây hấn cũng như khi nước này mềm giọng cũng sẽ là thách thức của ASEAN”, tướng Cương nhấn mạnh.