Điểm Báo Pháp – 6-8-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 6-8-2015

Kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, 06/08/2015. – REUTERS/Toru Hanai

Theo RFI – Tuấn Thảo – 06-08-2015

Vũ khí hạt nhân: Lá bùa hộ mệnh kẻ độc tài

Về châu Á, báo Le Monde dành hồ sơ dày tám trang với tựa đề: 70 năm Hiroshima, tiếng nói của những kẻ sống sót. Trên trang đầu tiên, có bài phân tích nói về mối đe dọa tiềm tàng của vũ khí hạt nhân. Theo Le Monde, nếu như ngày 14/07 vừa qua, nhóm 5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, TC và Đức) đã ký một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, thì tình hình hiện nay không mấy khả quan cho lắm.
Bên cạnh năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, còn có ba nước khác có vũ khí hạt nhân trong tay là Israel, Ấn Độ và Pakistan. Chế độ Bắc Triều Tiên cũng có những chương trình thử nghiệm hạt nhân, lồng vào bối cảnh các nước châu Á đang chạy đua vũ trang, giữa một bên là tham vọng bành trướng lãnh thổ của TC và một bên là chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản.
Theo Le Monde, vũ khí hạt nhân không chỉ đơn thuần mang tính răn đe, mà còn trở thành một hình thức ”bảo hiểm” cho sự tồn tại của các chế độ toàn trị. Tờ báo đơn cử hai ví dụ : thứ nhất là trường hợp của Libya. Một số người tin chắc rằng giả sử như Libya duy trì chương trình hạt nhân, thì chưa chắc gì Kadhafi sẽ bị lật đổ. Trường hợp thứ nhì là của Ukraina, nếu như chính quyền Kiev không giải trừ kho vũ khí hạt nhân từ năm 1994, thì liệu nước Nga giờ đây có dám thôn tính sáp nhập vùng Crimée.
Kể từ những năm 1970 (với hiệp ước SALT I & II) cho tới những năm 1990 (hiệp ước START I & II), hai siêu cường Mỹ và Nga đã từ từ ‘‘hạ nhiệt’’, xuống thang bằng cách giảm dần kho vũ khí. Người ta tưởng chừng các mối hiểm nguy đã qua, nào ngờ các mối đe dọa tiềm tàng khác lại xuất hiện trong một thế giới đa cực.
Các mối tranh chấp xung đột gần đây cho thấy là cuộc chạy đua vũ trang giờ đây mang tính chiến thuật. Các nước không còn cần phải tích trữ trong kho các loại vũ khí hạt nhân, mà lại chế tạo những vũ khí có gắn đầu đạn hạt nhân, tinh vi và chính xác hơn, có thể đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Mục tiêu hạn chế tối đa các loại vũ khí hạt nhân, mà ông Obama từng công bố trong bài diễn văn đọc tại Praha vào năm 2009, ngày càng trở nên xa vời. Các chế độ toàn trị dùng thử nghiệm hạt nhân như một món hàng để đổi chác với phương Tây, các nhà độc tài thì xem vũ khí nguyên tử như một ‘‘lá bùa hộ mệnh’’, một kiểu ‘‘bảo hiểm nhân thọ’’. 
Anh : Scandal lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên
Nhật Bản tưởng niệm 70 năm Hiroshima. Ai Cập khai trương kênh Suez tái tạo. Đảng Cộng hòa Mỹ mở bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên Tổng thống. Đó là những tựa chính trên các tờ báo Pháp hôm nay. Nhưng nổi cộm hơn cả là các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại vương quốc Anh.
Thoạt nghe chữ Hydrant, người ta liên tưởng đến bộ phim ‘‘Chiến Binh Mùa Đông’’ của kho truyện tranh Marvel. Nhưng Hydrant là tên của một chiến dịch điều tra lớn chưa từng thấy tại nước Anh. Theo báo Le Monde, hiện có tới 1.400 nghi phạm trên danh sách điều tra của giới cảnh sát. Trong đó có 261 người thuộc vào diện ‘‘nhân vật nổi tiếng’’, gồm các tên tuổi (135 người) của ngành điện ảnh, truyền thanh, truyền hình. Ngoài ra còn có khoảng 50 nhân vật xuất thân từ làng ca nhạc hay thể thao. Và quan trọng hơn nữa, có tới 76 chính trị gia Anh đang bị chú ý theo dõi.
Những lời cáo buộc gần đây nhất liên quan tới ông Edward Heath, nay đã qua đời nhưng sinh thời ông từng là Thủ tướng Anh từ năm 1970 tới năm 1974. Năm đội cảnh sát từ Luân Đôn, Wiltshire, Kent, Hampshire và đảo Jersey đồng loạt tiến hành điều tra để kiểm chứng các sự kiện liên quan tới nhân vật nổi tiếng này. Vụ việc lần này có vẻ rất nghiêm trọng, xuất phát từ những lời khai của một số nhân chứng, trong đó có hai thiếu nữ 13 và 15 tuổi, và nhất là lời khai của Myra Ling Ling Forde, một bà chủ tiệm mát xa (Oriental Massage Parlour) từng bị kết án vào năm 1995 về tội dắt gái vị thành niên cho các vị khách hàng, trong đó có cựu Thủ tướng Anh Edward Heath. Bên cạnh vụ này, ông Edward Heath còn bị tố cáo đã cưỡng hiếp một thiếu niên 12 tuổi vào năm 1961, thời ông còn là dân biểu đảng Bảo thủ.
Các chi tiết điều tra về ông cựu Thủ tướng được công bố trong bối cảnh nước Anh tỏ ra cứng rắn hon trên vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Cách đây ba năm, dư luận nước Anh từng bị chấn động với vụ án Jimmy Savile, một một nhân vật nổi tiếng của ngành truyền hình. Sau vụ án, các lời chứng đã không ngừng gia tăng (165% trong vòng ba năm). Theo lời ông Simon Bailey, viên chức điều hành chiến dịch “Hydrant”, thì giới điều tra cần thời gian để kiểm chứng các sự kiện, nhưng lần này sẽ không phạm sai lầm như trước đây, tức là coi thường các nhân chứng : thiếu tôn trọng các ‘‘nạn nhân’’ nên gạt qua một bên các lời chứng, thay vì điều tra cặn kẻ.
Trước sức ép của công luận, bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May đã mở một cuộc điều tra chính thức, một mặt rà soát các thông tin, điều tra về các can phạm, từng được kể tên trong các vụ tai tiếng trong những thập niên 1970 và 1980 tại một nhà trọ phía nam Luân Đôn, một trại cô nhi và các căn hộ Dolphin Square, gẩn Westminster, nơi lui tới của nheièu chính khách. Mặt khác, giới điều tra phải xem xét lại trong nội bộ, vì lý do nào các đơn kiện hay những lời khiếu nại lại bị ‘‘ếm nhẹm’’ thời bấy giờ. Các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Anh cứ tích tụ dồn dập, khiến cho dư luận Anh có cảm giác khong phải là ‘‘trải qua một cơn’’ mà là sống trong ‘‘một chuỗi ác mộng’’.
Lễ tấn phong tân giám mục Trung Hoa
Liên quan tới TC, tờ báo công giáo La Croix hôm nay đề cập tới sự kiện, lần đầu tiên từ ba năm qua, TC đã cho tổ chức lễ tấn phong ông Giu-se Trương Ngân Lâm (Zhang Yilin) làm tân giám mục. Vị giám mục này do chính quyền Bắc Kinh chọn lựa nhưng được tòa thánh Vatican chuẩn y.
Thông tín viên báo La Croix cho biết là vào hôm tiến hành lễ tấn phong (hôm 04/08/2015), công an đã phong tỏa khu vực xung quanh nhà thờ Thánh Tâm của thành phố An Dương. Các phóng viên nước ngoài không được quyền tham gia buổi lễ, còn các giáo dân nếu muốn tham dự thì phải đăng ký trước.
Sự hiện diện của ba vị giám mục, một trăm vị linh mục và hàng ngàn giáo dân đã không trấn an các lực lượng an ninh tỉnh Hà Nam. Chính quyền địa phương ẻ ngại ranưg các cuộc tập hợp đông đảo của các tín hữu công giáo sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ, cũng như trường hợp từng xẩy ra cách đây ba năm tại thành phố Thượng Hải với lễ tấn phong Giám mục Mã Đạt Khâm (Thaddeus Ma Daqin). Sau vụ này, Giám mục Mã Đạt Khâm đa bị quản thúc tại gia.
Theo La Croix, cho dù trong khoảng một năm gần đây, quan hệ song phương đã dần dần được sưởi ấm lại, nhưng từ trước tới giờ việc tấn phong giám mục luôn gây bất đồng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và toà thánh Vatican. Tại TC, có tới hai giáo hội: giáo hội yêu nước tuân thủ các chỉ thị của Bắc Kinh, giáo hội thầm lặng trung thành với Vatican.
Cũng theo tờ báo, nếu như lễ tấn phong này là một cử chỉ để bày tỏ thiện chí hợp tác, thì cũng đưng quên rằng, ở các tỉnh miền nam TC, các giáo dân thuộc giáo hội thầm lặng vẫn bị sách nhiễu, không được tự do đi lễ nhà thờ như mong muốn. Theo nhận xét của ông Robert Weller, giáo sư thuộc đại học Boston, hai chính sách này có vẻ như mâu thuẫn, trái ngược nhau, nhưng thật ra là do xuất phát từ hai cấp khác nhau.
Lễ tấn phong giám mục thuộc vào cấp trung ương, và cải thiện quan hệ với Toà thánh Vatican là điều rất quan trọng trong mắt của Bắc Kinh. Trong khi đó các chiến dịch tháo gỡ các thánh giá hay hạn chế các nơi tổ chức lễ nhà thờ lại do cấp địa phương quyết định, hay nói cho đúng hơn là diễn giải để rồi đem ra áp dụng (đôi khi rất sai) các chính sách do cấp trên ban hành.
Dù gi đi nữa, nếu ở cấp trung ương, đang có chính sách hoà giải hợp tác với Vatican, thì ở các cấp địa phương, chữ ‘‘tự do tín ngưỡng’’ chỉ rất là tương đối đối với các giáo dân. Tự do nhưng với điều kiện là phải phục tùng chính quyền .
Liên hoan các dòng nhạc Celtique Lorient 
Trên lãnh vực văn hóa, cả hai tờ báo Le Monde và Libération nói về liên hoan các dòng nhạc Celtique ở thành phố Lorient, vùng Bretagne. Năm nay, liên hoan này sẽ ăn mừng sinh nhật 45 năm ngày được thành lập, và sẽ diễn ra trong vòng mười ngày, kể từ ngày mai cho đến 16/08.
Bân đầu được gọi là liên hoan ‘‘kèn túi’’, liên hoan này chính thức trở thành Festival Interceltique de Lorient kể từ năm 1979. Liên hoan này ban đầu chỉ được tổ chức trong ba ngày và với thời gian trở thành một trong những festival có tầm cỡ lớn ở Pháp với khoảng 120 tiết mục biểu diễn, trong vòng 10 ngày. Các tiết mục biểu diễn hay giải trí ở đây thường diễn ra ở ngoài trời, đa phần (60%) đều là miễn phí. Trong khi đó, sân khấu nhà hát lớn của thành phố thì được dành cho các nghệ sĩ quan trọng nhất.
Một trong những khách mời năm nay là tay đàn ghi ta bậc thầy Carlos Nunez, người Tây Ban nha đến từ vùng Galicia. Vào đêm 13/08, anh sẽ biểu diễn cùng với dàn nhạc giao hưởng vùng Bretagne. Theo anh, thì đúng với tên gọi của nó, liên hoan Interceltique ở thành phố Lorient là giao điểm hội tụ và hoà quyện giữa các dòng nhạc celtique : qua việc đối chiếu cách chơi đàn ghi ta, nghệ sĩ này hy vọng bắt nhịp cầu đối đáp giữa flamenco và celtic, cho thấy những nét hài hòa giữa các điệu dân ca Ai Len, miền bắc Galicia, vùng Bretagne, cũng như dòng nhạc truyền thống vùng Andalucia kết hợp cùng lúc hai luồng ảnh hưởng Ả Rập và Tây Ban Nha.