Tin Thế Giới – 6/8/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 6/8/2015

ASEAN lại chia rẽ về Biển Đông, Cam Bốt bị nghi bảo vệ TC – Mỹ công khai tố cáo TC về Biển Đông

Điều một số nhà quan sát chờ đợi đã lại xẩy ra trong nội bộ khối ASEAN. Vào sáng nay, 06/08/2015, hai ngày sau khi kết thúc Hội nghị các Ngoại trưởng tại Kuala Lumpur, khối ASEAN vẫn chưa công bố được bản Tuyên bố chung đúc kết hội nghị. Ngoại trưởng Singapore đã công khai thừa nhận là bất đồng giữa một số nước về đoạn nói về Biển Đông đã khiến văn kiện này chưa thể đúc kết được.

Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam đã không ngần ngại cho biết là lẽ ra văn kiện này phải được hoàn chỉnh xong từ hôm qua, 05/08, thế nhưng điều đó “vẫn chưa xong” vì đang có “một số khó khăn”. Ngoại trưởng Singapore cho biết thêm: “Đoạn liên quan đến Biển Đông đang gây ra một số vấn đề”, và “chưa có đồng thuận về việc đoạn này phải như thế nào”.

Một số nguồn tin ngoại giao đã tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng Philippines và Việt Nam đã muốn có lời lẽ mạnh mẽ phản đối các hành động cải tạo đảo đá của TC. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị đồng minh truyền thống của TC trong ASEAN bác bỏ.

Một nhà ngoại giao thông thạo vấn đề soạn thảo văn kiện ASEAN) đã xác nhận rằng “Những người bạn của TC đang tỏ rõ lập trường cứng rắn”. Nhân vật này không nói rõ các nước bênh TC là ai, nhưng theo AFP, các quốc gia Đông Nam Á như Cam Bốt, Lào và Miến Điện thường bị coi là đồng minh của TC.

Riêng Cam Bốt đã bộc lộ thái độ công khai ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông khi sẵn sàng phá hoại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 để cho những lời chỉ trích TC về Biển Đông không bị nêu lên trong văn kiện của ASEAN. Vào năm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, ASEAN không ra được bản Tuyên bố chung đúc kết hội nghị Ngoại trưởng.

Lần này, kịch bản đó đã được một nhà ngoại giao ASEAN nhắc lại với AFP: “TC đã biết ASEAN hoạt động ra sao trên vấn đề Biển Đông, họ biết làm gì để chia rẽ chúng tôi. Cứ nhìn vào những gì đã xảy ra ở Cam Bốt thì thấy”.

Cho dù vậy, giới ngoại giao vẫn hy vọng là với Malaysia trong vai trò chủ tịch, một Tuyên bố chung sẽ đạt được. Vấn đề là từ ngữ và nội dung liên quan đến Biển Đông sẽ như thế nào mà thôi.

Theo hãng tin Pháp AFP, một bản dự thảo Tuyên bố chung được tiết lộ trong những ngày qua, có đoạn cảnh báo rằng những diễn biến gần đây ở Biển Đông có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, nhưng không đề cập gì đến yêu cầu các bên tranh chấp phải ngừng các hoạt động bồi đắp các bãi đá và xây dựng trên các đảo nhân tạo, những hoạt động mà TC đang rầm rộ tiến hành bất chấp phản đối của các láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong những ngày qua, một số nước ASEAN, đi đầu là Philippines đã đã yêu cầu đình chỉ mọi công trình xây dựng cũng như mọi hành động làm căng thẳng leo thang. – Theo RFI

***
Trong một tuyên bố được đánh giá là cứng rắn nhất của ông từ trước đến nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào hôm nay, 06/08/2015 đã cáo buộc TC hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp, bất chấp những lời bảo đảm từng được Bắc Kinh đưa ra là không cản trở lưu thông.

Phát biểu nhân phiên họp Ngoại trưởng các nước thuộc khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS tổ chức tại Kuala Lumpur, và trước mặt đồng nhiệm TC Vương Nghị, hiện diện trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho rằng các hoạt động xây dựng các cơ sở dùng vào “mục đích quân sự” mà TC đang tiến hành trên các hòn đảo nhân tạo đã làm tình hình căng thẳng thêm lên và kéo theo nguy cơ “quân sự hoá”.

Theo ông Kerry: “Tự do hàng hải và hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của luật biển quốc tế… Mặc dù đã có sự đảm bảo rằng những quyền tự do đó sẽ được tôn trọng, trong những tháng gần đây chúng ta đã thấy việc ban hành những lời cảnh báo, và những mưu toan hạn chế tự do”.

Ngoại trưởng Mỹ kết luận: “Xin cho tôi được nói rõ: Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và hàng không, hoặc hạn chế việc sử dụng biển một cách hợp pháp”.

Tuyên bố của ông Kerry đã gợi lại sự kiện TC bị quân đội Philippines tố cáo là đã nhiều lần xua đuổi máy bay quân sự Philippines ra khỏi khu vực các hòn đảo nhân tạo của TC ở vùng quần đảo Trường Sa của Biển Đông.

Bên cạnh đó là việc Hải quân TC đã tám lần cảnh cáo phi hành đoàn của chiếc phi cơ tuần thám Mỹ P8-A Poseidon hồi tháng năm vừa qua, khi chiếc máy bay này bay trên khu vực.

Theo giới phân tích, lời chỉ trích thẳng thừng của ông Kerry là dấu hiệu dự báo là hồ sơ Biển Đông sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ-Trung nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây của Chủ tịch TC Tập Cận Bình.

Trả lời hãng Reuters, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, ghi nhận sự kiện Hoa Kỳ đã cứng giọng hơn, nhưng cho rằng lời nói của ông Kerry phải được nối tiếp bằng những hành động cụ thể. – Theo RFI

Kênh đào Suez: Ai Cập rầm rộ khai trương tuyến thông thương thứ nhì

Ai Cập vào hôm nay 06/08/2015 rầm rộ khánh thành tuyến thông thương thứ hai trên kênh đào Suez với các màn biểu diễn của không quân và hải quân. Đây là một dự án nhằm khôi phục nền kinh tế đất nước. Tổng thống Pháp François Hollande là khách mời danh dự cho buổi lễ.

Với chiều dài 72 km, tuyến thông thương mới cho phép nhân đôi lượng tàu bè qua lại cho đến năm 2023. Theo ước tính, vào thời điểm đó, khoảng gần 100 chiếc tàu sẽ đi ngang qua kênh đào này mỗi ngày thay vì là 49 như hiện nay. Làn giao thông mới này cũng cho phép lưu thông được cả hai chiều, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 18 xuống còn 11 tiếng đồng hồ.

Theo ước tính, với tuyến thông thương mới, nguồn thu cho Ai Cập từ kênh đào Suez sẽ tăng từ 5,3 tỉ đô-la (theo dự đoán cho năm 2015) lên 13,2 tỉ đô-la vào năm 2023. Tính đến ngày hôm nay, Cairo đã chi ra 4,5 tỉ euro cho dự án làn thông thương thứ hai. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống al-Sissi đã bỏ ra 25 triệu euro cho buổi lễ khánh thành rầm rộ và các chiến dịch quảng bá trên thế giới. Một chiến dịch bị phe đối lập kịch liệt chỉ trích. Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti cho biết thêm thông tin:

“Đó là một chiến dịch quảng cáo rầm rộ chưa từng thấy tại Ai Cập do chính phủ lên kế hoạch. Để thực hiện, chính phủ đã nhờ đến một trong những tập đoàn quốc tế lớn chuyên tổ chức các sự kiện. Một chiến dịch bao gồm cả đoạn phim quảng cáo trên các truyền thông quốc tế, lẫn trên những quảng trường mang tính biểu tượng như Times Square tại New York. Lễ hội khai trương sẽ được phát sóng lại trên các kênh truyền hình lớn tại nhiều thủ đô.

Một sự rầm rộ đang bị phe đối lập chỉ trích cho là “ném tiền qua cửa sổ”. Nhưng ông Samy Abdel Aziz, một trong những quan chức phụ trách lễ hội đã bác bỏ lời chỉ trích. Ông nói: “Tôi đố ai chứng minh được chính phủ hay như nguồn đóng góp của người dân Ai Cập đã bị mất một xu cho lễ hội này. Đầu tiên hết, sáng kiến này là do các tập đoàn quốc tế đề xuất, những tập đoàn đã tham dự vào công trình. Nguồn quỹ thu được từ các doanh nghiệp và người dân Ai Cập có thể tổ chức được 5 cái lễ hội như thế”.

Giờ phải chờ xem liệu chiến dịch quảng cáo này có giúp thu hút được các nhà đầu tư như mong muốn của chính quyền Cairo hay không”. – RFI

Nga chỉ trích Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á

Nga tiếp tục lo ngại Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á. Hôm nay, 06/08/2015, trang mạng The Diplomat trích dẫn nhận định trên của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc phỏng vấn của với đài truyền hình Channel News Asia. Không chỉ công kích quân đội Hoa Kỳ tăng cường triển khai lực lượng hải quân và các chiến dịch tại khu vực Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Nga còn cáo buộc Washington thổi phồng các mối đe dọa tại khu vực này.

Theo Lavrov: “Hoa Kỳ đã tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á, trong đó viện cả lý do chống mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, quy mô lại quá chênh lệch và vượt quá nhu cầu cần thiết”. Ngoài ra, theo ông, việc Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để xây dựng “hệ thống tên lửa phòng thủ không hề có lợi cho các bên”.

Lavrov cũng công kích việc Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và nhận định sự kiện này là “một yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng cho thế giới, có thể dẫn tới logic hủy diệt lẫn nhau vì liên quan tới chính sách ổn định chiến lược”.

Lavrov nói thêm: “Nga không muốn bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào và Nga sẽ không tham gia vào cuộc đua này. Chúng tôi đã có đủ phương tiện công nghệ để đáp trả mọi nỗ lực xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ, đặc biệt là từ khi vấn đề hạt nhân của Iran đã được giải quyết”.

Tuyên bố của Lavrov rất hợp tai Bắc Kinh vì TC đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hậu thuẫn của Moscow sẽ rất quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, Nga và TC lại có vẻ bất đồng ý kiến về khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là về Biển Đông.

Nga từ chối ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền của TC tại đây, vì dù sao Việt Nam là một trong những đối tác thân cận của Nga trong khu vực và là một khách hàng quân sự quan trọng. Do đó, Lavrov tỏ ra kiềm chế hơn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Lavrov chỉ đơn thuần nhận định rằng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế để phân giải mọi tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này.

Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông, hay tại vùng biển Hoa Đông, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, và trên cơ sở cam kết giữa TC và khối ASEAN”. – Theo RFI

Tổng thống Obama kêu gọi dân Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hối thúc dân chúng ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran mà ông nói là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong bài diễn văn dài một giờ đông hồ tại American University hôm thứ tư, ông Obama nói rằng việc tiếp tục cô lập Iran sẽ làm cho Tehran chế tạo bom hạt nhân một cách nhanh chóng và làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác nữa ở Trung Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, một số nhà lập pháp vẫn có thái độ hoài nghi và một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này sẽ diễn ra trước cuộc biểu quyết ở quốc hội.

Tổng thống Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài Iran để đổi lấy sự kiểm soát của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Tehran làm cho nước Mỹ được an toàn hơn, bởi vì những biện pháp kiểm tra nghiêm nhặt sẽ làm cho Tehran hầu như hoàn toàn không thể lén lút chế bom hạt nhân.

“Trong nhiều thập niên, các thanh sát viên sẽ có quyền truy cập toàn bộ dây chuyền cung ứng hạt nhân của Iran — từ mỏ uranium và nhà máy sản xuất uranium, nơi họ lấy nguyên vật liệu; cho tới những cơ sở sản xuất máy ly tâm, nơi họ chế tạo những loại máy móc để tinh luyện uranium.”

Ông Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài sẽ không làm cho Iran trở thành bá chủ của khu vực Trung Đông.

“Khả năng vũ khí qui ước của họ không bao giờ có thể sánh với Israel, và cam kết của chúng ta đối với ưu thế quân sự của Israel về mặt chất lượng sẽ góp phần bảo đảm cho việc này.”

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nếu không có thoả thuận này, Iran có thể chế tạo một quả bom hạt nhân một cách nhanh chóng, làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.

“Có ai thật sự không tin là những người đang lên tiếng chống đối thoả thuận này sẽ đòi bất kỳ người nào làm tổng thống khi đó phải dội bom những cơ sở hạt nhân của Iran?”

Một số nhà lập pháp Mỹ tiếp tục có thái độ hoài nghi đối với bất kỳ thoả thuận nào với Iran.

Thượng nghị sĩ John Thune, thuộc phe Cộng hoà, đại diện tiểu bang South Dakota, phát biểu như sau.

“Chúng ta có thể đặt sự tin tưởng vào những nhà lãnh đạo Iran, những người tiếp tục hô hào “đả đảo nước Mỹ”, hay không? Và sẽ có những hậu quả như thế nào nếu thoả thuận này không ngăn được Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân?”

Theo ông Robert Hunter, cựu Đại sứ Mỹ tại liên minh NATO, Tổng thống Obama đã giải toả những mối lo ngại này và những mối quan tâm khác trong bài diễn văn hôm thứ tư.

“Nó cũng làm rõ mối quan hệ mà Tổng thống Obama tin là quan trọng với các nước trong khu vực, trong vùng Vịnh Ba Tư, cũng như với Israel, và ông ấy cũng kêu gọi quốc hội Mỹ nhận lãnh những trách nhiệm để thăng tiến an ninh quốc gia.”

Ông Hunter cho rằng quốc hội Mỹ rốt cuộc sẽ chấp thuận hiệp định này và Iran sẽ tuân thủ vì làm như vậy là phù hợp với lợi ích của họ. – VOA