TC có phải “lưu manh” ở Biển Đông hay không?
TC cất quân xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1988 và chiếm đóng bất hợp pháp đến nay. Hiện tại TC đã bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp trên 7 bãi đá này. Hình ảnh công trường xây dựng bất hợp pháp TC tổ chức ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam
GDVN – Hồng Thủy – 05-08-2015
(GDVN) – Lưu manh Đa Chiều đã tự định nghĩa rồi, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông có phải “lưu manh” hay không thì dư luận khu vực và quốc tế cũng đã trả lời…
Đa Chiều, một tờ báo tiếng Hán tại Hoa Kỳ do Hà Tần lập ra năm 1999 tại New York và thừa nhận là “cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại” ngày 4/8 có bài phân tích đặt câu hỏi: “Hành động đột phá của Trung Quốc tiến xuống Biển Đông có phải lưu manh hay không?” để lý giải hiện tượng tại sao Trung Quốc vấp phải phản đối dữ dội tại ARF về vấn đề Biển Đông như vậy.
Không ngoài dự liệu, Trung Quốc và Hoa Kỳ lại bắt đầu khẩu chiến, đối đầu trên Diễn đàn An ninh Đông Á đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 3/8 tuyên bố vấn đề Biển Đông liên hệ mật thiết với an ninh, hòa bình ổn định của khu vực nên ARF không thể không bàn. Mỹ cho rằng hành vi bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông là một sự gây hấn.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc lập tức phủ nhận điều này và cho rằng đó là những “tố cáo ác ý”, chụp mũ cho Bắc Kinh, ai làm thì người nấy chịu. Đa Chiều bình luận, phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dư luận đã “ngày càng quen thuộc”, thái độ của Bắc Kinh trong vấn dề Biển Đông gần đây ngày một cứng rắn, ngày càng không né tránh “mùi vị thuốc súng” như trước nữa.
Đa Chiều thừa nhận, trong vấn đề Biển Đông ngày càng có nhiều quốc gia lên án Trung Quốc “lưu manh”. “Cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại” đặt vấn đề, vậy hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông có thật sự là lưu manh hay không để tìm cách biện bạch cho những gì Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục làm mất ổn định, an ninh, phá hoại luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
“Ngoại giao Trung Quốc đã hết thời thiếu canxi”
Tờ báo lập luận: “Từ khi nước Trung Quốc mới thành lập, quốc gia này chưa từng có một môi trường quốc tế lý tưởng. Năm 1971 sau khi quay trở lại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc thường xuyên lựa chọn chiến thuật dự họp nhưng không bỏ phiếu.
Khi tiến hành cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đưa ra phương châm giấu mình chờ thời, chính sách này vừa bởi nguyên nhân hạn chế của điều kiện khách quan trong nước, vừa là tính toán trình tự phát triển lâu dài nên Trung Quốc khó tránh khỏi để lại ấn tượng đánh mất quyền lợi, chỉ biết khiển trách khi bị gây hấn.
Vài năm trở lại đây, do sức mạnh tổng hợp trong nước được tăng cường và sự thay đổi của môi trường quốc tế, tư thế phản ứng của Trung Quốc trước mỗi sự vụ quốc tế đã có sự chuyển biến vô cùng rõ nét, vừa nhận được sự ủng hộ từ trong nước, vừa gây ra nỗi lo ngại ở nước ngoài. Trong đó vấn đề Biển Đông là một ví dụ điển hình”.
Những luận cứ Đa Chiều nêu ra đều mang nặng lập trường chính trị mà không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cho cái gọi là Trung Quốc bị gây hấn, đặc biệt là ở Biển Đông.
Những căng thẳng đã, đang và sẽ diễn ra trên Biển Đông cùng mối lo của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đều xuất phát từ chủ nghĩa, thủ đoạn và chiến lược bành trướng của Trung Quốc xuống Biển Đông. Cái gọi là “giấu mình chờ thời” tự nó đã cho thấy dã tâm bành trướng thì có từ lâu, nhưng thực lực thời điểm đó còn chưa cho phép nên chưa ngóc đầu trỗi dậy mà thôi.
Đa Chiều ví dụ tiếp: “Tháng 4/2012, vì Philippines bắt ngư dân Trung Quốc nên mới dẫn đến cuộc xung đột đảo Hoàng Nham, vấn đề Biển Đông bắt đầu gây chú ý đặc biệt. Trung Quốc đã sử dụng chính sách tiên lễ, hậu binh trong cuộc khủng hoảng này là một bằng chứng nữa cho sự chuyển mình trong tư thế ngoại giao của mình”.
Cái gọi là “xung đột đảo Hoàng Nham” mà Đa Chiều nhắc tới đã tố cáo nhiều điều sai quấy điển hình mà Trung Quốc đã gây ra ở Biển Đông trong cuộc khủng hoảng Scarborough. Thứ nhất, cái Đa Chiều và truyền thông cũng như nhà nước Trung Quốc gọi là “đảo Hoàng Nham” thực tế là một bãi cạn nằm hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên, không thể gọi là “đảo” để có thể đòi tiếp yêu sách các vùng biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Thứ hai, bãi cạn này nằm trong phạm vi 200 hải lý yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và là ngư trường truyền thông bao đời của ngư dân nước này. Trung Quốc cho “tàu cá” đánh bắt trong ngư trường truyền thống của Philippines để nước này điều tàu bắt giữ rồi nhân đà đó lu loa, dùng lực lượng tàu công vụ vỏ trắng xông vào chiếm quyền kiểm soát bãi cạn từ tháng 4/2012 từ một quốc gia nhỏ và yếu hơn nhiều về mặt quân sự gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ thì không thể nói không phải hành vi “lưu manh” được.
“Tháng 11/2012, Trung Quốc lần đầu tiên công bố chiến lược cường quốc biển, yêu cầu các bộ ngành nâng cao tần suất hoạt động trên biển. Tháng 1/2013 Lưu Tích Quý, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (hùng hổ) tuyên bố: Cần tiếp tục chặn đứng các hoạt động xâm hại từ Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, đầu tiên phải dám làm, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc”, Đa Chiều viết tiếp.
Việc Trung Quốc muốn thành cường quốc biển hày cường quốc gì đi nữa là việc của Trung Quốc, miễn là đừng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng thì không ai nói gì, ngược lại đều ủng hộ chiến lược ấy. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Phát biểu của Lưu Tích Quý là một sự tráo trở, đổi trắng thay đen, biến nạn nhân thành kẻ cướp không ai có thể chấp nhận.
“Từ tháng 2/2014 Trung Quốc bắt đầu bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) quy mô lớn ở Biển Đông, từ đây Biển Đông trở thành đối tượng để Hoa Kỳ và một số nước Đông Nam Á bao vây công kích Trung Quốc. Chỉ có điều khiến cả thế giới ngạc nhiên là, Trung Quốc lâu nay vẫn giấu mình chờ thời, bỗng nhiên bất chấp mọi phản đối cứ thế làm tới, mãi đến tháng 6/2015 mới chính thức tuyên bố việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo sắp xong”.
Cả một vùng biển chiến lược, không gian sinh tồn của các quốc gia ven Biển Đông và có tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu của thế giới đi qua bỗng nhiên bị người Trung Quốc nhảy ra nói rằng đó là ao nhà của họ, xây hào đắp lũy, chuẩn bị đặt tên lửa máy bay kiểm soát hoàn toàn, ai đi qua cũng phải xin phép Bắc Kinh thì việc dư luận các bên liên quan, khu vực và quốc tế kịch liệt phản đối, chống lại cũng là điều đương nhiên. Để cho Trung Quốc thích làm gì thì làm mới là điều kỳ lạ.
Đa Chiều cho rằng: “Vấn đề Biển Đông đã minh chứng cho sự chuyển đổi từ mềm sang rắn của ngoại giao Trung Quốc, từ thế thủ sang thế công”. Tờ báo này lại đặt câu hỏi:
“Cứng rắn có đồng nghĩa với lưu manh không?
“Hung hăng chỉ là cách nói đùa của cư dân mạng Trung Quốc, nhưng trên thế giới các nước đương sự khác đều dùng từ này để chỉ hành vi của Trung Quốc. Nhiều nước Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc đang ỷ lớn hiếp nhỏ, dùng sức mạnh quân sự xâm phạm, uy hiếp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hợp pháp của họ.
Trước việc Bắc Kinh ngày một cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, lập trường Hoa Kỳ cũng bắt đầu thay đổi từ chỗ trung lập sang công khai chỉ trích Trung Quốc, nhưng có thật là Trung Quốc lưu manh hay không?” Đa Chiều lại tự hỏi lần nữa.
Tờ báo này biện bạch: “Cái gọi là hành vi lưu manh đối với cộng đồng quốc tế mà nói cơ bản dùng để chỉ hành vi bất chính, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế nhưng lại khó có thể ngăn chặn, kiềm chế vì nhiều lý do khác nhau giống như việc Mỹ phát động Chiến tranh Iraq năm 2003 hay Nga thôn tính Crimea năm 2014.
Các nước lớn ỷ vào ưu thế sức mạnh quân sự, chính trị của mình công khai phá vỡ trật tự và quy tắc quốc tế đã trở thành điều không hiếm gặp. Nhưng không thể tìm ra ví dụ tương tự từ chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Hoa Kỳ rất bất mãn với các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng họ cũng chỉ có thể thừa nhận rằng yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông không có bất cứ căn cứ pháp lý nào.
Ngay cả các nước Đông Nam Á thường xuyên chỉ trích Trung Quốc gây hấn, leo thang căng thẳng khu vực, hành động đơn phương cho đến đường lưỡi bò mơ hồ, vô căn cứ…nhưng chưa thấy bất cứ nước nào viện dẫn các điều khoản cụ thể của công pháp quốc tế cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 để phản bác hành vi của Trung Quốc”.
Đa Chiều cho rằng: “Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông không vi phạm luật pháp quốc tế, thậm chí căn bản không phải Trung Quốc là nước đầu tiên. Việt Nam và Philippines cũng đã cải tạo các đảo ở Biển Đông và làm trước Trung Quốc nên việc các nước này chỉ trích hành vi của Trung Quốc khó tránh khỏi há miệng mắc quai”?!
Bằng những lập luận này, “cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại” kết luận rằng mặc dù hành vi “cứng rắn” của Trung Quốc trên Biển Đông khó tránh khỏi việc dẫn đến va chạm với các nước liên quan, nhưng nó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc xưng hùng xưng bá, bành trướng Biển Đông, nói cách khác Trung Quốc không phải là “lưu manh” ở Biển Đông.
Việc thế nào là lưu manh Đa Chiều đã tự định nghĩa rồi, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông có phải “lưu manh” hay không thì dư luận khu vực và quốc tế cũng đã trả lời rõ ràng như Đa Chiều đề cập, không cần bải nhắc lại quá nhiều.
Tuy nhiên, về lập luận của Đa Chiều rằng không nước nào chỉ ra được Trung Quốc vi phạm điều khoản cụ thể nào của Công pháp quốc tế cũng như UNCLOS ở Biển Đông không khó để trả lời. Ngặt nỗi khó có thể nói hết với dăm câu ba điều, chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này trong bài viết kế tiếp, đồng thời bác bỏ lập luận về cái gọi là “há miệng mắc quai” mà Đa Chiều vừa đề cập, mời quý độc giả quan tâm theo dõi.