Tin Việt Nam – 4/8/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 4/8/2015

Chồng chết ở đồn công an, vợ mang quan tài ‘diễu phố’

Một người phụ nữ ở Hà Nội cùng người thân đã mang quan tài tới yêu cầu chính quyền điều tra và làm rõ cái chết của chồng, xảy ra trong lúc bị giam trong đồn công an.

Theo báo chí trong nước, hôm 3/8, chị Phùng Thị Tâm bất ngờ nhận được tin báo chồng chị đã tử vong từ công an Huyện Quốc Oai, sau 3 ngày bị tạm giữ tại nơi này.

Theo chị Tâm, chồng chị, anh Nguyễn Quảng Trường (35 tuổi), có đến hiện trường vụ cưỡng chế đất đai giữa anh Nguyễn Quảng Quang (anh họ anh Trường) và chị Nguyễn Thị Lừng tại tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai khoảng 11 giờ sáng ngày 31/7.

Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 30 phút sáng cùng ngày, anh Trường và một số người khác bị công an bắt đưa về Trại tạm giam Công an huyện Quốc Oai.

Chị Tâm cho biết: “Chồng tôi bị bắt từ ngày 31/7, trước đó anh ấy vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, từ khi bị bắt cho đến nay, gia đình tôi không được vào thăm, cho đến hôm nay nhận được tin báo anh đã tử vong”.

Nghi ngờ chồng mình bị đánh chết, chị Tâm và người nhà hôm 3/8 đã mang quan tài đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.

Một đoạn video trên Youtube cho thấy, hàng trăm người dân đã đến vây kín xung quanh nhà xác của bệnh viện để theo dõi lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi. Hàng chục cảnh sát đã được huy động để ổn định trật tự an ninh khu vực.

Thượng tá Vũ Bá Xiêm – Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành khám nghiệm pháp y để điều tra làm rõ cái chết của anh Trường.

Cũng liên quan tới việc người bị giam giữ chết bất thường, người nhà Vũ Nam Ninh, 45 tuổi, bị giam giữ ở Trại tạm giam số 1 (Hỏa Lò), Hà Nội cũng nhận được một cú điện thoại từ cán bộ trại giam cho biết anh Ninh đã chết vào hôm 20/7.

Gia đình đã không nhận được câu trả lời, hoặc trả lời lấp liếm về việc ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của anh Ninh.

Những vụ việc ‘khó hiểu’ trên xảy ra liên tiếp khiến người dân ngày càng lo ngại về tình trạng người bị giam giữ bị chết đột ngột mà không có lý giải xác đáng. – VOA

TPP: VN đã thỏa thuận với Mỹ những gì?

Hôm 3/8, báo trong nước đồng loạt dẫn thông báo từ Bộ Công Thương CSVN cho biết nước này đã hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Hoa Kỳ.

Điều này dẫn đến một số ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng Hà Nội và Washington đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề vướng mắc lâu nay, trong đó có vấn đề nghiệp đoàn và định nghĩa nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Những thỏa thuận giữa CSVN và phía Hoa Kỳ không được tiết lộ rộng rãi trong các bản tin trong nước.

Báo New York Times hôm 3/8 cho biết trong vòng đàm phán tại Hawaii, phía CSVN vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các lợi ích mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng.

Bên cạnh đó, CSVN cũng phản đối lập trường từ Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng không nước nào được phép lấy lý do thiếu nguồn lực để không đảm bảo việc thực thi các quy định chung.

“Tôi tin là sau chuyến đi của Tổng bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ thì lập trường hai bên đã gần nhau hơn và sẵn sàng đi tới thỏa thuận”, Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 4/8.

“Tôi cho rằng phía Việt Nam cũng đã hiểu những yêu cầu cơ bản của Hoa Kỳ, thực sự mong muốn tham gia TPP và sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết”.

“Về phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng họ hiểu Việt Nam hơn qua chuyến thăm của ông Trọng. Có thể thấy họ đã làm hết mức để tổ chức tốt chuyến đi đó, mở đường cho hai bên trong quan hệ kinh tế và giải tỏa những khúc mắc còn lại trong đàm phán TPP”.

Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng thông báo hoàn tất đàm phán cho thấy giữa CSVN và Hoa Kỳ đã “có sự nhất trí” về vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường.

“Theo những thông tin chúng ta được biết thì cuộc đàm phán bốn ngày tại Hawaii đã được tiến bộ đáng kể và thống nhất được 98%. 2% còn lại chưa thống nhất được nên chưa đi đến ký kết được”.

“Theo tôi đây là một trong những chứng minh rằng yêu cầu của TPP là rất cao và quá trình đi đến thống nhất đòi hỏi có những sự nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau chứ không thể chỉ là các yêu cầu có tính chất đơn phương của một phía nào đó.”

Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm 7/8, cho biết “Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế” cũng như “ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường”.

Xuất khẩu giảm sau TPP?

Thông báo về việc CSVN hoàn tất đàm phán song phương được đưa ra giữa lúc một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Việt Nam cho rằng việc tham gia TPP có thể giúp nâng GDP của Việt Nam lên trong thời gian tới, nhưng có thể làm xuất khẩu suy giảm.

Báo cáo của VEPR cho rằng sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có mức tăng đầu tư lớn nhất trong các nước, tương đương mức tăng của Nhật Bản và gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.

Bên cạnh đó, các dòng thuế khi giảm về 0% sẽ khiến doanh thu từ thuế giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, báo cáo nói thêm.

“TPP là cơ hội và môi trường mới, nhưng là tốt hay xấu thì còn phụ thuộc vào phía Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói với BBC ngày 4/8.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết báo cáo của VEPR “đã có gây tranh cãi”.

“Nhiều người đã đặt câu hỏi và bày tỏ sự nghi ngờ về việc xuất khẩu giảm”, ông nói.

“Đấy là xét trên quan điểm tĩnh chứ không phải quan điểm động. Nền kinh tế sau khi hội nhập rồi thì sẽ có thay đổi về cấu trúc kinh tế và có thêm đầu tư từ bên ngoài vào, và rất có thể kết quả xuất khẩu sẽ thay đổi.”

“Mặc dù vậy, ý kiến này cũng nên được xem xét ở giác độ là việc tăng xuất khẩu Việt Nam có đáp ứng được quy tắc xuất xứ và các yêu cầu rào cản kỹ thuật về thương mại hay và nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.”

“Khả năng tăng xuất khẩu thì có nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được đến đâu thì chưa rõ ràng.” – Theo BBC