Các nền kinh tế đang trỗi dậy đối mặt với viễn cảnh bấp bênh
Quốc tế tập trung theo dõi khủng hoảng Hy Lạp, nhưng một đầu máy quan trọng khác của cỗ xe kinh tế thế giới đang gây lo ngại : tại các nước đang trỗi dậy, thị trường tài chính Thượng Hải bị chao đảo, các nền kinh tế đang trỗi dây như Brazil hay Nga phải đối mặt với những khó khăn dồn dập.
Trong thông cáo gần đây, hiệp hội các tập đoàn công nghiệp của Đức BDI nhìn nhận rất quan ngại trước tình hình yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Mọi người chờ đợi tăng trưởng của nước đông dân nhất địa cầu bị chựng lại nhưng các nhà xuất khẩu của Đức không ngờ là chứng khoán Thượng Hải bị đe dọa vỡ bong bóng.
Theo hãng thông tấn Bloomberg, tính từ giữa tháng 6/2015 cho tới cuối tháng 7/2015, bốn ngàn tỷ đô la trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã không cánh mà bay. Chỉ số trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh nhất so với tất cả các thị trường khác trên thế giới. Các nhà quan sát lo ngại thống kê mức sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sắp được công bố vào ngày 01/08/2015 sẽ gây thất vọng.
Tệ hơn nữa, chính quyền đưa ra nhiều biện pháp giả tạo như là ra lệnh cho các quỹ đầu tư mua vào cổ phiếu hay giới hạn việc cổ đông bán cổ phiếu của các tập đoàn nhà nước. Thế nhưng, các liều thuốc đó vẫn không chặn nổi hiện tượng chảy máu tư bản trên các sàn chứng khoán Trung Quốc.
Bên cạnh những tín hiệu xấu của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, một cột trụ khác trong số các nền kinh tế đang trỗi dậy là Brazil cũng đang gây lo ngại : lạm phát và thất nghiệp gia tăng, đồng tiền quốc gia thì liên tục mất giá so với các ngoại tệ chính của thế giới như đô la và euro, thặng dư ngân sách nhà nước bị thu hẹp lại để rơi xuống gần 0 % so với GDP.
Nhiều dự báo chờ đợi tổng sản phẩm nội địa của Brazil, nền kinh tế đứng thứ bảy của thế giới, trong năm 2015 giảm 1,7 %. Bên cạnh đó hàng loạt các vụ tai tiếng tham nhũng làm suy yếu liên minh cánh tả đang cầm quyền của tổng thống Dilma Rousseff. Là quốc gia có trọng lượng kinh tế số 1 tại châu Mỹ La Tinh, Brazil kéo theo vào vòng xoáy nhiều nước khác như Mêhico hay Colombia.
Vẫn trong khối các quốc gia đang trỗi dậy của nhóm BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ Trung Quốc và Nam Phi – tại Pretoria, đơn vị tiền tệ của Nam Phi đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua. Hai tập đoàn khai thác quặng mỏ lớn tại xứ này là Anglo American và Lonmin vừa thông báo sa thải khoảng một chục ngàn nhân viên tại Nam Phi và ở một số nơi khác.
Gần như cùng lúc, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo ngưng mua vào ngoại tệ với mục đích giữ giá cho đồng rúp. Đơn vị tiền tệ Nga có lúc đã mất giá đến 50 % so với đô la vì giá nguyên và nhiên liệu đổ dốc, vì quốc tế trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina. Các dự phóng cho thấy GDP của Nga có thể giảm 5 % trong năm nay.
Chỉ riêng hiện tượng dầu hỏa và khí đốt mất giá, cho thấy là bài toán đang trở nên nan giải với một nhà sản xuất năng lượng như là Nga. Đó là chưa kể nay mai khi Iran hội nhập trở lại vào câu lạc bộ các nhà sản xuất vàng đen của thế giới.
Tựu chung, đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang trỗi dậy đang bị chựng lại. Chuyên gia kinh tế Christipher Dembik, ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Bank, nêu lên ba nhược điểm của các nền kinh tế đang phát triển. Thứ nhất là trong chu kỳ thịnh vượng vừa qua, các nền kinh tế này đã không nắm bắt lấy thời cơ tiến hành các biện pháp cải tổ cần thiết để nâng cấp guồng máy công nghiệp. Thứ hai là họ đã không đa dạng hóa khu vực sản xuất. Bất cập thứ ba là nhóm các quốc gia này đã không tăng cường khả năng tiêu thụ nội địa, để phần nào tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu.
Tập đoàn bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes cảnh báo, thương mại toàn cầu có khuynh hướng bị thắt lại, do các nền kinh tế phát triển Âu, Mỹ đang từng bước siết lại luật chơi chung. Sau hàng chục năm « toàn cầu hóa », tiến trình mở cửa đó có khuynh hướng bị đảo ngược, và đây sẽ là một thách thức đối với các nền kinh tế đang trỗi dậy, bởi theo lời kinh tế trưởng của Euler Hermes người tiêu dùng của châu Âu và bắc Mỹ sẽ không còn dễ dàng nhập hàng của nước đang phát triển, nếu đó không phải là hàng có chất lượng.
Nói cách khác, làm ăn với các nước công nghiệp tiên tiến sẽ không còn dễ dàng như xưa. Ngay cả những quốc gia bắt đầu phát triển hơn cũng đang trở thành những thị trường khó tính, đòi hỏi các nguồn cung cấp phải tuân thủ một số chuẩn mực về môi trường, về an toàn thực phẩm hay chất lượng … Đó là những thách thức mới mà các nền kinh tế đang trỗi dậy phải tính tới.