Hợp tác sao mà khó vậy! – Đỗ Minh Giám

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hợp tác sao mà khó vậy! – Đỗ Minh Giám

Đó là lời than thở cần có câu trả lời nếu chúng ta muốn có hợp tác. Bởi vì hợp tác là sức mạnh của một tập thể và muốn hợp tác phải có đồng thuận. Nhưng thực tế cho thấy trước mọi vấn đề luôn có những ý kiến khác biệt nhiều khi rất chống đối nhau. Vậy làm sao có được đồng thuận để có hợp tác giúp chúng ta có sức mạnh vượt qua những khó khăn của cuộc sống mà một mình không thể làm nổi?

Trước thực tế có nhiều ý kiến khác biệt về cùng một vấn đề đã có hai thái độ hành xử. Một là đầu hàng. Coi sự khác biệt ý kiến là một việc không thể giải quyết được. Thôi thì cố gắng tìm những người có cùng chung ý kiến để hợp tác. Hai là phủ nhận. Một hình thức trốn chạy sự thật. Nói cách khác đó là cách tự lừa dối mình. Những người này thường nói: chúng ta không có khác biệt, không có mâu thuẫn, không có chia rẽ và không cần hoà giải.

Hai thái độ hành xử này không giúp chúng ta có được sự hợp tác rộng lớn của nhiều thành phần có những quan điểm khác biệt. Vì vậy chúng ta đã không có sức mạnh để giải quyết những vấn đề to lớn như loại trừ chế độ cộng sản độc tài và xây dựng một nước Việt nam dân chủ tự do. Vậy làm thế nào để có được đồng thuận và sự hợp tác của nhiều thành phần?

Để có đồng thuận và hợp tác rộng lớn của đại đa số, có một số bước cần thực hiện:

Bước đầu tiên là dám chấp nhận: “trước mọi vấn đề luôn có những ý kiến khác biệt nhiều khi rất chống nhau nhưng vẫn có thể dung hoà và thoả hiệp”. Không chấp nhận thực tế này thì không bao giờ có thể có được đồng thuận và hợp tác sâu rộng. Thực tế tại các nước dân chủ phương Tây đã minh chứng điều này.

Bước thứ hai là tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt giữa những ý kiến. Nói cách khác là tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘tại sao lại có nhiều ý kiến khác biệt về cùng một vấn đề?’. Đây là bước quan trọng của tiến trình đi đến đồng thuận và hợp tác. Không biết được tại sao lại có những ý kiến khác biệt về cùng một vấn đề thì không thể dung hoà và thoả hiệp. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự khác biệt ý kiến chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu:

1-Khác biệt do góc độ xem xét vấn đề.

Khác biệt này có thể do:

– vị trí đứng xem xét: trước sau, phải trái, trên dưới hoặc theo cảm tính và trực giác hay theo lí trí;

– môi trường sống của người xem xét: người sống trong môi trường độc tài sẽ nhìn vấn đề khác với người sống trong môi trường dân chủ hoặc người sống trong môi trường nói dối là nếp sống sẽ nhìn vấn đề khác với người sống trong môi trường mà nói thật luôn được vinh danh;

– quyền lợi của người xem xét: người có nhiều quyền lợi trong vấn đề xem xét sẽ nhìn vấn đề khác với người có ít quyền lợi hoặc không có quyền lợi.

2- Khác biệt do thời gian xem xét vấn đề.

Thí dụ xem xét Sài gòn năm 1960 sẽ khác với xem xét Sài gòn năm 1975 hoặc năm 2010.

3- Khác biệt do hiểu biết và kinh nghiệm của người xem xét và người tiếp nhận.

Khác biệt này có thể do:

– sự hiểu biết vấn đề: người có hiểu biết sâu rộng về vấn đề được xem xét sẽ nhìn vấn đề khác hơn người có hiểu biết ít hoặc không có;

– lối suy nghĩ, phương pháp tiếp cận và mục đích tiếp cận: người có lối suy nghĩ và phương pháp tiếp cận theo khoa học sẽ xem xét vấn đề khác hơn là người có lối suy nghĩ và phương pháp tiếp cận tự phát dựa vào cảm tính và trực giác; người có mục đích tiếp cận để phê phán hoặc để học hỏi áp dụng cũng sẽ nhín vấn đề khác nhau;

– khái niệm của từ ngữ sử dụng khác nhau: có những từ ngữ sử dụng mà nhiều người có cách hiểu khác nhau như tự do, dân chủ v.v.;

– hiểu theo suy nghĩ và nếp sống của mình: có khi vấn đề được trình bày bị hiểu khác với ý của người trình bày do nếp xống và suy nhĩ của người tiếp nhận.

Bước thứ ba, sau khi tìm hiểu nguyên do của khác biệt ý kiến, là tìm cách dung hoà và thoả hiệp. Trong bước này có một số việc cần làm:

Đầu tiên là cùng nhau thống nhất vấn đề đã bàn thảo: vấn đề gì, liên quan tới ai, nơi nào và ở vào thời điểm nào.

Sau đó là xem xét các ý kiến đã đưa ra xem khác biệt nhau ở chỗ nào. Nhiều khi sau khi xem xét và đối chiếu với đề tài đã thống nhất, chúng ta thấy là các ý kiến đã đưa ra nhiều khi không khác nhau về mục đích, về đề tài thảo luận mà chỉ khác nhau ở góc độ nhìn hoặc phương cách trình bày. Sự khác biệt chỉ trầm trọng khi liên quan tới quyền lợi vật chất hoặc tinh thần. Đó là vấn đề cần dung hoà và thoả hiệp khi muốn hợp tác.

Bước cuối cùng là hợp tác. Bước này đòi hỏi trước hết là phải xem có cần và muốn hợp tác không? Và sau đó là phải hợp tác như thế nào? Đó cũng là một bước còn gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thảo luận. Nhưng nếu chúng ta đồng ý và sẵn sàng đem vấn đề ra thảo luận tức là chúng ta đã giải quyết được một nửa sự việc.

Dù đi theo đúng tiến trình tìm đồng thuận và hợp tác nhưng việc đi đến hợp tác vẫn không phải là một việc dễ dàng. Bởi vậy đã có nhiều người than: hợp tác sao mà khó vậy! Nó đòi hỏi thiện chí và một nếp sống luôn mong muốn tìm giải pháp chung để giải quyết vấn đề cá nhân. Chỉ khi nào ai cũng thấy là phải tìm giải pháp chung cho vấn đề cá nhân thì vấn đề cá nhân của mình mới được giải quyết rốt ráo và như vậy sẽ vững chắc hơn. Lúc đó chúng ta mới hi vọng là việc tìm đồng thuận để có hợp tác có cơ hội thành hiện thực.

Ngày nhân quyền 10/12/2013