Căng thẳng biên giới Việt – Miên có dẫn đến xung đột võ trang?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Căng thẳng biên giới Việt – Miên có dẫn đến xung đột võ trang?

Dân chúng tản cư trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam – Cambodia năm 1978. (Hình: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Người Việt – Hà Tường Cát – 24-07-2015

WESTMINSTER – Sau một phần tư thế kỷ Việt Nam và Cambodia duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đến nay tình hình lại trở nên căng thẳng ở biên giới do từ nhiều nguyên nhân cụ thể cũng như tiềm ẩn đã tồn tại qua lịch sử.

Rắc rối trước hết là do từ quá khứ đã thiếu minh bạch trong việc đàm phán về biên giới giữa hai chính phủ. Công dân của cả hai nước sống dọc theo biên giới đã không được thông hiểu đầy đủ về vấn đề đàm phán biên giới, cắm mốc.

Một nguyên nhân sâu xa không kém phần quan trọng là tâm lý thù hận và đối nghịch vẫn còn tồn tại giữa hai dân tộc Khmer và Việt trải qua những quá trình lịch sử từ ít nhất 300 năm gần đây.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đóng một vai trò trong sự kiện này tương tự như tình huống đã đưa đến cuộc chiến Việt Nam – Cambodia cuối thập niên 1970.

Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam và Cambodia đã phân giới được khoảng 920 km trong tổng số chiều dài đường biên giới khoảng 1,137 km; xác định được 260/314 vị trí mốc (đạt 84.1%); dựng được 305/371 cột mốc (đạt 82.2%). Ngoài ra cũng quy thuộc được 104 cồn bãi, trong đó: 39 cồn bãi quy thuộc Việt Nam, 65 cồn bãi quy thuộc Cambodia.

Chính trị nội bộ của Cambodia cũng là một yếu tố góp phần gây nên những căng thẳng với Việt Nam. Sau khi đất nước đã trở lại hòa bình, chủ nghĩa dân tộc phát triển ở Cambodia từ đầu thiên kỷ này  và gia tăng với cuộc xung đột biên giới Thái Lan – Cambodia năm 2010-2011. Chủ nghĩa dân tộc Khmer cũng được thúc đẩy bởi tranh chấp biên giới với Việt Nam với quan điểm cho rằng đây là sự xâm lấn của Việt Nam. Đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Cambodia (CNRP) nhiều lần cáo buộc chính phủ của Thủ Tướng Hun Sen sử dụng những tấm bản đồ do Việt Nam vẽ ra trong những năm 1980 để đàm phán về biên giới. Bộ ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm chống lại việc Việt Nam xây dựng trong khu vực tranh chấp.

Ngày 6 tháng Bảy, 2015, Thủ  Tướng Hun Sen gửi thư tới ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, đề nghị cho mượn những bản đồ gốc do Liên Hiệp Quốc lưu trữ để kiểm tra tính xác thực của các bản đồ mà Phnom Penh đang sử dụng để phân định biên giới với các nước láng giềng. Đây là bản đồ tỷ lệ 1/100,000, do Sở Địa Dư Đông Dương thời Pháp thuộc vẽ năm 1933 và tái ấn hành năm 1955. Theo ông Hun Sen, năm 1964, cố quốc vương Norodom Sihanouk đã gửi tới Liên Hiệp Quốc xin lưu chiếu các bản đồ này.

Ngoại trưởng Hor Namhong nói với các phóng viên hôm 15 tháng 7 rằng Cambodia chưa nhận được phản hồi từ Liên Hiệp Quốc về đề nghị này, và “qua các kênh không chính thống, chúng tôi được biết họ chưa tìm thấy bản đồ.”

Sau đó Thủ Tướng Hun Sen tiếp tục viết thư gởi các nhà  lãnh đạo ba cường quốc Pháp, Anh, Mỹ đề nghị “hợp tác” bằng việc cung cấp những phiên bản bản đồ biên giới với Việt Nam. Ông Hun Sen giải thích lý do của việc làm này là để chấm dứt các “kích động của chủ nghĩa cực đoan vốn đang gây rắc rối trong dư luận trong nước và quốc tế.”

Cũng nên lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Cambodia có lập trường mạnh mẽ chống lại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ khi quân đội Việt Nam triệt thoái khỏi Cambodia năm 1989. Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, tiến sĩ Vannarith Chheang, nhà nghiên cứu Khmer dạy tại đại học Leeds Anh Quốc, cho rằng “việc tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Cambodia đã làm cho Cambodia cảm thấy tự tin hơn và đẩy cao sức mạnh mặc cả, thương lượng  với Việt Nam. Nói cách khác thì Cambodia đang chuyển quan hệ từ liên minh bè bạn với Việt Nam sang phía Trung Quốc.”

Trong lịch sử, Việt Nam đã lấy của Cambodia phần đất Thủy Chân Lạp, đồng bằng Cửu Long ngày nay. Chỉ tới khi người Pháp chiếm thuộc địa Đông Dương, lãnh thổ Cambodia mới được bảo vệ nguyên vẹn trong hơn 100 năm. Mối hận thù dân tộc nổi lên mạnh mẽ vào những giai đoạn bất ổn của tình thế và rắc rối trong  quan hệ giữa hai nước. Xung đột chủng tộc đã từng nhiều lần xảy ra từ hơn 200 năm trước, tuy nhiên chỉ ở mức độ lẻ tẻ, tự phát như các vụ “cáp duồn” – cap yuon – chặt đầu người Việt, thời Minh Mạng, sau Thế Chiến II, khi Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Cambodia năm 1971 và chiến tranh biên giới với Khmer Đỏ cuối thập niên 1970.

Tháng Tư, 1975, chỉ 5 ngày sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc,  một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc; sáu ngày sau, quân Khmer Đỏ đánh chiếm và sát hại hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Châu. Tranh chấp và xung đột biên giới xảy ra liên tục trong thời gian tiếp theo và làm Việt Nam lo ngại vì cùng thời gian đó, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang xấu đi. Mối lo ngại này càng tăng thêm vì sự hiện diện của cố vấn Trung Quốc ở Cambodia và Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Khmer Đỏ. Chiến tranh toàn diện xảy ra năm 1977 và tới 1989 mới kết thúc hẳn, với  Khmer Đỏ bị tiêu diệt và Việt Nam chấp thuận triệt thoái toàn thể quân đội về nước.

Trong hai thập niên, mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện. Cả hai đều là thành viên của các tổ chức đa phương trong khu vực như ASEAN và Tổ chức Hợp tác sông Mê Kong. Hai nước đều đang mở cửa và phát triển thương mại cửa khẩu, tìm cách nới lỏng các quy định về du lịch cho công dân hai nước. Thương mại song phương Việt Nam-Cambodia dự tính sẽ tăng từ $2.3 tỷ năm 2010 lên $6,5 tỷ năm 2015. Trong khi Campuchia chỉ là nhà nhập khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam thì Việt Nam lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Campuchia.

Năm 2012 quan hệ giữa hai nước bắt đầu xuất hiện những rạn nứt, với việc Cambodia do ảnh hưởng của Trung Quốc gây chia rẽ tại hội nghị ASEAN khiến cho không đạt tới thỏa thuận về bộ Quy Tắc Ứng Xử Chung ở Biển Đông. Căng thẳng biên giới khởi sự vào cuối  tháng Sáu trong khu vực mốc 203, giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Sway Rieng. Ngày 28 tháng Sáu, tại đây xảy ra một vụ xô xát giữa một nhóm nhà hoạt động Cambodia do dân biểu Real Camerin cầm đầu với dân chúng địa phương làm gần 20 người Việt Nam bị thương. Ngày 19 tháng Bảy, khoảng 2,000 người Khmer dẫn đầu là các dân biểu thuộc đảng Cứu Quốc đối lập chính quyền, tới vùng này để biểu thị điều được mô tả là “Việt Nam vi phạm lãnh thổ Cambodia.”

Mặc dầu những căng thẳng đó, cả hai bên tỏ ra muốn kiềm chế không để tình thế phát triển trầm trọng thêm. Tại một hội nghị về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội họp ở Cần Thơ hôm 22 tháng Bảy, bộ trưởng công an Việt Nam tuyên bố các diễn biến gần đây ở các tuyến biên giới luôn được đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Ông cho biết “đã có những đề xuất quan trọng, trong đó có việc đẩy nhanh việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Cambodia.”

Trước đó, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Việt Nam, đã tiếp đại tướng Vong Veasna, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tư Lệnh quân đội hoàng gia Cambodia tại Hà Nội. Hai bên cũng có cuộc thảo luận ở Siem Reap để bàn cách giải quyết bất đồng.

Infonet, trang tin chính thức của bộ Thông Tin – Truyền Thông Việt Nam, nói “sẽ không có chuyện hai quốc gia phải sử dụng đến các biện pháp quân sự để xử lý.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bác bỏ tin đồn loan tải trên mạng nói Việt Nam đưa vũ khí, khí tài, bao gồm xe thiết giáp và trọng pháo, vào miền Nam vì căng thẳng biên giới với Campuchia. Trong buổi họp báo ngày 16 tháng Bảy, phát ngôn viên Lê Hải Bình nói “các thông tin mà phóng viên nêu ra không có tính xác thực.”

Còn theo ý kiến của giáo sư Vannarith Chheang thì trong việc này, do nguyên tắc không can thiệp, ASEAN không thể đóng vai trò trung gian giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia thành viên. Theo ông: “Nếu căng thẳng tiếp tục, Cambodia có thể chọn để đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hiện nay, chính phủ Hun Sen không có ý định ấy nhưng những áp lực ngày càng tăng từ các đảng đối lập và công chúng nói chung có thể buộc chính phủ phải tìm kiếm sự hòa giải của bên thứ ba.” Về phía Việt Nam, ông tin là sẽ dùng giải pháp ngoại giao và đàm phán để giải quyết những xung khắc. (HC)