Điểm báo Pháp ngày 23-7-2015
Bà Hồng Tú Trụ Taiwan (Hung Hsiu-Chu) đại diện cho Quốc Dân Đảng – DR
Theo RFI
ngày 23-07-2015 16:57
Đài Loan lần đầu tiên bầu nữ tổng thống
Giới nông gia ở Pháp vẫn chưa nguôi với gói hỗ trợ khẩn cấp 600 triệu euro vừa được chính phủ thông qua. Đó là chủ đề bao phủ lên các trang báo Paris trong ngày. La Croix phác họa chân dung hai nữ ứng cử viên tổng thống Đài Loan : Hồng Tú Trụ – Hung Hsiu Chu, đại diện cho Quốc Dân Đảng và Thái Anh Văn – Tsai Ing Wen của đảng Dân Tiến.
« Lần đầu tiên trong lịch sử của nền dân chủ còn non trẻ Đài Loan », cử tri sẵn sàng chấp nhận bầu một phụ nữ vào chức vụ tối cao trong cuộc tuyển cử vào tháng 1/2016. Quốc Dân Đảng cầm quyền trong 8 năm qua đang trên đà hụt hơi, đã trao trọng trách ra tranh cử cho bà Hồng Tú Trụ, 67 tuổi, Phó chủ tịch Quốc hội Đài Loan. Người nhỏ nhắn, lại nổi tiếng là nói thẳng, nói thật, nên bà được tặng biệt danh là « trái ớt hiểm ».
Ứng cử viện họ Hồng xuất thân từ một gia đình nghèo. Thân phụ của bà dù đã theo chân Tưởng Giới Thạch đến định cư ở Đài Loan từ năm 1949 nhưng đã bị tù đầy trong suốt tuổi thơ của cô con gái vì bị chụp mũ là « có liên hệ với bên cộng sản ».
Ở góc bên kia võ đài, đối thủ của bà Hồng Tú Trụ là đương kim chủ tịch đảng Dân Tiến, bà Trần Anh Văn, 58 tuổi. Cách nay 4 năm bà Văn từng ra tranh cử tổng thống và đã bị ông Mã Anh Cửu đánh bại. Chủ tịch đảng Dân Tiến là một chính khách nổi tiếng, một luật sư có tài, tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng của Anh, Mỹ. Bà Trần Anh Văn được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng Dân Tiến từ năm 2008. Theo nhận định của một chuyên gia Pháp về Châu Á được La Croix trích dẫn, bà đã lấy lại uy tín cho đảng. Tai tiếng cựu tổng thống Trần Thủy Biển, thuộc đảng Dân Tiến phải ngồi tù tham nhũng đã làm suy yếu đảng này.
Quốc Dân Đảng bị chỉ trích về đường lối thân Bắc Kinh. Trong cuộc bầu cử cấp địa phương hồi tháng 11/2014 đảng cầm quyền của tổng thống Mã Anh Cửu đã thua đậm. Vì vậy theo phân tích của La Croix trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng, không một nhân vật sáng giá nào muốn ra tranh cử lần này. Đâu đó, bà Hồng Tú Trụ là « vật tế thần », bà được chỉ định đại diện cho đảng ra tranh chức vụ tổng thống, để rồi chắc chắn nhận lấy phần thua.
Đề tài nổi cộm nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Đài Loan lần này là quan hệ giữa Đài Bắc với Đại lục. Sau kinh nghiệm đòi dân chủ ở Hồng Kông hồi mùa thu 2014 và trước thái độ cứng rắng của các nhà cầm quyền Trung Quốc, một phần lớn cử tri Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ đã ồ ạt đứng về phía đảng Dân Tiến của bà Trần Anh Văn.
Như nhận định của một nhà ngoại giao xin được giấu tên, cử tri Đài Loan được kêu gọi đi bầu vào một thời điểm quyết định. Cử tri xứ này ý thức được là họ đang may mắn được quyền tự định đoạt về tương lai của đất nước và nhất là được chỉ định người lãnh đạo theo thể thức phổ thông đầu phiếu.
Khác hẳn với trường hợp của cử tri Hồng Kông. Trái với những khẳng định của Bắc Kinh, Đài Loan đang chứng minh rằng, mô hình dân chủ vẫn có thể áp dụng trong một thế giới với ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Trung Hoa.
Trung Quốc và « bước đại thụt lùi » của nữ quyền
Trong lúc Đài Loan chuẩn bị bầu một phụ nữ vào chức vụ tổng thống, thì ở Đại lục, nữ quyền đang bị tụt hậu. Les Echos trích lại một bài báo trên tờ The Wall Street Journal sau vụ 5 nhà đấu tranh cho nữ quyền cầu cứu Liên Hiệp Quốc can thiệp : Bắc Kinh đòi đặt các hiệp hội bảo vệ quyền của nữ giới dưới sự kiểm soát của công an.
Nhật báo tài chính Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đàn áp các hiệp hội bảo vệ nữ quyền một cách nghiêm trọng « tương tự như chính sách đàn áp của Bắc Kinh sau phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989 ». Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ luôn nghi kỵ lẫn nhau. Nhưng cách nay 20 năm Trung Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về nữ quyền và nhiều hiệp hội bảo vệ quyền của phụ nữ đã được cho ra đời sau đó. Nay thì các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã « rất tự tin vào vị thế của mình trên thế giới, nên không còn cảm thấy cần phải nhượng bộ » trên bất kỳ một vấn đề nào. Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tự giải quyết vấn đề nữ quyền và viện cớ nhờ có cuộc cách mạng văn hóa mà nam nữ được bình đẳng, bình quyền.
3 nạn nhân trong khủng hoảng Hy Lạp
Nhìn sang phần thời sự quốc tế, Hy Lạp tiếp tục là chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm. Hầu hết các báo đều trở lại với cuộc biểu quyết đêm ngày 22/07/2015 tại Quốc hội về một loạt thứ nhì các biện pháp cải tổ để Athens được hưởng gói hỗ trợ tài chính thứ ba. Riêng La Croix nói tới « Mối quan ngại của các chuyên gia kinh tế khi thấy Hy Lạp tiếp tục phải áp dụng các biện pháp khắc khổ ».
Trên báo Libération, chuyên gia về quan hệ quốc tế Dominique David trở lại với thỏa thuận Athens đạt được với Bruxelles để tránh phải chia tay với khu vực đồng euro. Tác giả xoáy vào « ba nạn nhân của một sự thất bại ».
Nạn nhân đầu tiên không phải là Hy Lạp mà lại là nước Đức của thủ tướng Merkel, vì trong những tuần qua, Đức đã đưa ra một hình ảnh không mấy tốt đẹp. Những người rộng lượng nhất thì có thể nhìn thủ tướng Merkel như một bà giáo già, khắt khe với một đứa học trò là ông Alexis Tsipras, để bằng mọi giá đưa Hy Lạp vào khuôn phép. Nhưng trong mắt quốc tế, Đức là một quốc gia giàu có và thịnh vượng muốn áp đặt quan điểm của mình với những đối tác châu Âu.
Theo phân tích của chuyên gia về quan hệ quốc tế, Dominique David, hình ảnh đó bất lợi cho Berlin. Nước Đức đang trở thành một đối tượng đáng gờm trên cả Lục địa Già. Đây là điều mà bản thân nước Đức cũng không muốn vì Berlin ý thức được rằng một phần công luận tại châu Âu vẫn chưa quên quá khứ lịch sử, chưa quên thời kỳ mà nước Đức muốn làm bá chủ châu Âu. Tác giả muốn nói tới chính sách điên rồ của Đức Quốc Xã.
Nạn nhân thứ nhì mà tác giả bài phân tính nhắc tới là người dân Hy Lạp, một dân tộc đang bị « sỉ nhục » khi Bruxelles đòi đặt Nhà nước Hy Lạp dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Châu Âu. Dominique David lưu ý : Đức và nhiều quốc gia khác ở châu Âu cần nhớ lại là về mặt địa chính trị, làm nhục một dân tộc không khác gì ngồi trên một quả bom nổ chậm.
Liên Hiệp Châu Âu là nạn nhân thứ ba trong khủng hoảng Hy Lạp, khi mà giấc mơ xây dựng một khối châu Âu thịnh vượng với 500 triệu dân đã tan thành mây khói. Làm sao có thể nói tới một Liên hiệp hùng mạnh cả về mặt chính trị lẫn tài chính, kinh tế, một ngôi nhà châu Âu đoàn kết, khi mà Bruxelles không đủ sức cứu Hy Lạp, một nền kinh tế có trọng lượng chỉ bằng 2 % GDP của toàn khối ? Những tranh cãi « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » từ nhiều tuần qua về Hy Lạp hay về hồ sơ người nhập cư làm lộ rõ hình ảnh của một khối châu Âu như rắn không đầu, với những cơ chế bất cập.
Xét cho cùng, đó là một Liên hiệp mà « mạnh ai nấy lo » không ai nghĩ đến lợi ích chung. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Dominique David đặt câu hỏi : vậy thì chúng ta xây dựng Liên Hiệp Châu Âu để làm gì ?
Cùng chia sẻ quan điểm này, mở đầu bài phân tích trên báo Le Monde để đánh giá về công lao của một trong những vị « công thần » dành hết sự nghiệp cho việc xây đắp Liên Hiệp Châu Âu, Jacques Delors, nhà báo Arnaud Leparmentier viết « Châu Âu đã sụp đổ » với thượng đỉnh Bruxelles trong đêm 12/07/2015.
Nhà tiên tri Nouriel Roubini
Tiếp tục loạt bài nói về những nhà tiên tri thời đại, Le Monde phác họa chân dung giáo sư Nouriel Roubini. Ông là là người đầu tiên, từ năm 2006 trông thấy trận đại hồng thủy ập tới thị trường tài chính Wall Street vào mùa thu 2008, với vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.
Là một người gốc Do Thái, sinh ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và tới nay, Roubini đã nhiều lần đi vòng quanh trái đất. Lớn lên tại Iran, Israel rồi Ý, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Harvard trước khi về dậy ở đại học New York và làm chủ một công ty mang tên mình.
Cách nay 9 năm khi báo trước « thảm họa tài chính », ông đã không khỏi bị các đồng nghiệp chế giễu, cho rằng ông quá bi quan. Chẳng vậy mà báo New York Times mệnh danh ông là « Dr Doom » tức là ông thần báo trước những tai họa. Đến mùa hè năm 2007 khi vỡ bong bóng địa ốc với khủng hoảng subprime ở Hoa Kỳ, rồi Ngân hàng trung ương Mỹ nhìn nhận sai lầm và sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 … thì mọi người không còn chế giễu mà đã nhìn ông như một « nhà tiên tri ».
Đối với bản thân giáo sư Roubini, ông luôn phủ nhận điều đó và giải thích : do dày công nghiên cứu và theo dõi sát tình hình, ông mới có thể dám đưa ra dự báo đen tối như vậy, chứ không phải là có giác quan thứ sáu !
Dù vậy từ 9 năm qua, không còn một ai xem nhẹ những dự báo của giáo sư Roubini. Trả lời tờ Le Monde vị thánh hiền này đưa ra quẻ bói : năm 2017 thế giới sẽ bước vào một chu kỳ đầy bất trắc.
Đồng hồ Apple watch gây thất vọng ?
Cũng trong địa hạt kinh tế, tập đoàn công nghệ Apple chiếm nhiều trang trên các tờ báo trong ngày sau khi nhãn hiệu có logo hình quả táo tổng kết hoạt động trong tài khóa 2014-2015 : lãi giảm 45 % so với năm trước cho dù doanh số thì lại tăng 33 %. Nhưng tin vui là Apple đang ngồi trên một chiếc gối đô la trị giá hơn 200 tỷ !
« Ẩn số chung quanh khối lượng đồng hồ Apple Watch ban ra trên thị trường », tựa trên phụ trang kinh tế của Le Figaro. Theo thẩm định của tờ báo thì có khoảng từ 1,2 đến 4 triệu chiếc đã đến được tay người tiêu dùng. Tờ báo này cho rằng, sở dĩ Apple không chính thức công bố số liệu do đây là « sản phẩm mới » của tập đoàn kể từ khi nhãn hiệu quả táo trình làng máy tính bảng. Le Monde thận trọng hơn cho rằng sản phẩm mới này của Apple đã gây thất vọng. Riêng điện thoại thông minh iPhone vẫn rất ăn khách, đặc biệt là nhờ khách hàng Trung Quốc. Có điều như Les Echos ghi nhận, trên thị trường rộng lớn này, Hoa Vi – Huawei đang đe dọa thế thượng phong của Apple.
Eugène Le Roy, tác giả bị lãng quên
Trước khi đóng lại các tờ báo trong ngày, Le Figaro nêu lên câu hỏi chúng ta có nhớ tên tác giả của cuốn tiểu thuyết Jacquou le Croquant- Người nông dân nổi dậy là ai hay không ?
Tên tuổi của Eugène Le Roy ít được nhắc đến, cho dù năm 1969 khi cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông được dựng thành phim, chiếu trên đài truyền hình, khán giả ở Pháp đã khóc hết nước mắt trước hoàn cảnh của thằng bé con Jacquou Féral. Một đưa bé 9 tuổi, mồ côi phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và được một ông cha nhận về nuôi. Nhưng đứa bé không thể nào quên được Bá tước Nansac, người đã cướp đi của nó cả cha lẫn mẹ. Jacquou sống với quyết tâm phục thù.
Eugène Le Roy (1836-1907) đã cố tình lui vào bóng tối để nhường vinh quang cho nhân vật trong truyện của ông. Sinh thời Le Roy từ chối những giải thưởng lớn như của Viện Hàn Lâm, và kể cả giải Bắc đẩu bội tinh. Sau một thời gian ngắn sinh hoạt ở Paris, ông đã về ở ẩn nơi quê nhà tại vùng Dordogne, miền tây nam nước Pháp.
Chuyện Người nông dân nổi dậy và nhân vật Jacquou chính là một phần lớn cuộc đời của tác giả. Eugène Le Roy đã từng sống trong thế giới của gia đình Féral trước khi trở thành một nhà văn dấn thân, một tư tưởng tự do vạch trần những bất công trong xã hội.