Tin Việt Nam – 23/7/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 23/7/2015

Trung Quốc giật dây vấn đề biên giới Campuchia–Việt Nam — Người Việt ở Campuchia giữa tâm bão tranh chấp lãnh thổ

Tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia gần đây rất căng thẳng và dễ trở thành xung đột. Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cung cấp một phần thông tin về bản đồ phân định biên giới với Việt Nam. Nguyên do nào khiến Phnompenh khuấy động vấn đề biên giới, mặc dù hai bên đã có các Hiệp định phân định biên giới năm 1983, năm 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề này.

Nam Nguyên: Thưa TS Việt Nam và Campuchia đã phân định đương biên giới theo hiệp định 1985 và trên cơ sở bản đồ Bonne do chính Quốc vương Norodom Sihanouk bảo lưu tại LHQ. Khúc mắc chính trong vấn đề biên giới giữa hai nước hiện nay là gì?

TS Trần Công Trục: Như các bạn đã biết Việt nam và Campuchia đã trải qua một quá trình giải quyết biên giới và lãnh thổ của hai nước, bắt đầu khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập. Vấn đề đầu tiên hai bên thỏa thuận được một hiệp ước về nguyên tắc, là dùng đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne của sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 làm cơ sở pháp lý, để hai bên dựa vào đó mà giải quyết vấn đề hoạch định biên giới và sau đó là vấn đề phân định biên giới cắm mốc, để giải quyết các tồn đọng về vấn đề biên giới giữa hai nước.

Vấn đề ở đây tại sao hiện nay có một số người Campuchia, một số chính khách cũng như dư luận Campuchia nói rằng là, nếu dựa vào bản đồ đó thì vấn đề phân giới cắm mốc và các thỏa thuận của hai bên có những sự không đúng. Nó có câu chuyện thế này, khi mà xem xét 26 bản đồ gốc đó thì có một số của hai bên đưa ra không phải là bản gốc. Thứ hai là có một số dường như bị cạo sửa, điều này cần lưu ý. Về nguyên tắc đã thông qua bản đồ thì không ai có thể chối bỏ được, nói như vậy vì chính Campuchia, chính vua Sihanouk đã gởi lên Liên Hiệp Quốc để xin đăng ký lưu chiểu 26 tấm bản đồ phân định đường biên giới với Việt Nam. Vấn đề quan trọng khi xem xét nó là xem xét các tấm bản đồ đó có bị thay đổi cạo sửa hay không.

Tôi cho rằng phía Campuchia hiện nay đã có sự nhìn nhận về chuyện đưa ra các bản đồ mà dường như đã bị cạo sửa, mà hai bên đã phát hiện ra. Họ dùng chuyện đó để nói rằng vấn đề giải quyết đường biên giới giữa hai bên có sự bất công, không công bằng giữa Việt Nam và Campuchia. Tôi muốn nói thêm về xử lý các bản đồ là như vậy.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Thủ tướng Hun Sen mượn các bản đồ bảo lưu tại LHQ thì điều này có gây quan ngại cho VN hay không, ngoài bản đồ Bonne còn các bản đồ nào khác từ thời pháp thuộc hay các triều đình VN mà khác với bản đồ Bonne hay không và họ có thể dựa trên các bản đồ khác hay không.

TS Trần Công Trục: Các bạn nên nhớ rằng phía Việt Nam và Campuchia đồng thuận đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ gốc do Pháp xuất bản chứ ngoài ra không có thứ bàn đồ nào khác. Khi đã thống nhất lựa chọn 26 tấm bản đồ gốc không có cạo sửa, thì các chuyên gia kỹ thuật bản đồ của hai bên phải chuyển đổi đường biên giới trên bản đồ Bonne đó sang một loại bản đồ địa hình, mà hai bên thống nhất và dùng làm bản đồ kèm theo hiệp ước hoạch định, là bản đồ UTM của Mỹ sản xuất. Đây là cả một vấn đề kỹ thuật. Các chuyên gia kỹ thuật bản đồ từ hệ qui chiếu bản đồ Bonne khác với hệ qui chiếu UTM của Mỹ, bây gờ chuyển sang toàn bộ được mô tả theo bản đồ UTM của Mỹ và kèm theo hiệp ước hoạch định biên giới mà hai bên ký kết vào năm 1985.

Trên cơ sở hiệp định ký kết theo đúng thủ tục pháp lý, đường biên giới được mô tả trên hiệp ước đó cũng như bản đồ UTM của Mỹ được chuyển đổi từ bản đồ Bonne của Pháp sang. Đó là cơ sở pháp lý duy nhất để hai bên triển khai công tác phân giới cắm mốc và nếu như xem xét đối chiếu người ta phải dùng bản đồ UTM của Mỹ đã được chuyển từ bản đồ Bonne sang đấy để mà xem các vị trí các bên cắm mốc đúng hay sai, chứ không thể dùng bản đồ Bonne để tính toán được nữa. Tôi xin nói về mặt kỹ thuật nếu mà không nhất quán thì sẽ tạo ra ngộ nhận, đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật.

Nam Nguyên: Thưa, trên báo chí Việt Nam mấy ngày hôm nay Có những ý kiến về khả năng có bên thứ ba kích động vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam-Campuchia, đặc biệt báo chí hôm nay đưa tin Campuchia thắt chặt liên minh quân sự với Trung Quốc. Tiến sĩ nhận định gì?

TS Trần Công Trục: Rõ ràng đây là một thông tin mà tôi cho là hoàn toàn chuẩn xác, bởi vì câu chuyện ở Campuchia đang dựa vào thực tế những vấn đề biên giới, vấn đề dân tộc để hạ uy tín đảng cầm quyền hiện nay của Campuchia, trong việc tranh giành ghế cho mình tại Quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới. Một trong những lý do để có thể tranh thủ lá phiếu của người dân Campuchia chính là vấn đề biên giới. Họ đưa ra những thông tin mập mờ người dân bình thường không biết, không hiểu rõ các vấn đề như vậy thì họ có thể bị kích động, để nói rằng trong vấn đề đàm phán bây giờ chính phủ Campuchia có nhu nhược hay là làm không đúng làm sai. Nếu các bạn theo dõi những phát biểu của Thủ tướng Hun Sen hoặc phát biểu của những người đàm phán biên giới người ta đã nói rất rõ rồi.

Tất nhiên đàng sau tất cả những cái đó, tôi nghĩ rằng và tôi hoàn toàn chia sẻ với nhiều ý kiến và thông tin đã nói, là đã có người chống lưng cho các chính khách của các đảng phái đối lập về mặt chính trị, để dùng vấn đề biên giới kích động gây ra mất uy tín cho đảng cầm quyền chính phủ Campuchia và đồng thời chia rẽ mối quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia, đó chính là Trung Quốc.

Trung Quốc là bên đã có những hoạt động ráo riết trong việc giúp đỡ cho các chính khách các đảng đối lập như là Sam Rainsy. Các bạn nhớ rằng, Sam Rainsy đã từng tuyên bố Trung Quốc là tương lai của nhân loại, là người mà Campuchia có thể hoàn toàn tin tưởng. Bây giờ họ làm rất nhiều việc chúng ta đã biết rồi, không phải dấu diếm nữa người ta đã hỗ trợ về mặt ngoại giao, về mặt quốc phòng, kinh tế.

Họ làm mọi cách để dùng Campuchia gây ra những bất ổn trong khu vực, cả vấn đề biển Đông mọi người đã biết rồi. Cho nên là qua lịch sử phải biết chuyện Pôn Pốt đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới tàn sát nhân dân năm 1979, chính là có bàn tay của một số người trong đảng cầm quyền của Trung Quốc. Rõ ràng chúng ta biết cả và hiện nay tôi nghĩ rằng người chống lưng cho các lực lượng đó chính là Trung Quốc.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Trần Công Trục đã trả lời phỏng vấn. – RFA

***
Một loạt các vụ bắt giữ thời gian qua ở Campuchia khiến dư luận nêu câu hỏi là phải chăng vụ tranh chấp ở biên giới đã khiến cộng đồng của người Việt Nam ở xứ sở Chùa Tháp trở thành mục tiêu trấn áp.

Tin tức từ Campuchia cho biết, mới đây, cơ quan phụ trách nhập cư của nước này đã bắt giữ gần 40 công nhân Việt Nam trong các đợt truy quét ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, trong khi 72 công dân Việt đã bị trục xuất khỏi vương quốc này.

Giới hữu trách được trích lời nói rằng những người trên không có giấy tờ hợp lệ và đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Campuchia.

Các vụ bắt giữ và trục xuất xảy ra ít lâu sau khi bùng ra xô xát giữa hàng trăm người Việt Nam và Campuchia trên biên giới Tây Nam khiến một số người cho rằng người Việt ở nước láng giềng đang “trở thành tốt thí”.

Ngoài ra, người Việt ở xứ sở Chùa Tháp còn lo ngại rằng các cơ sở làm ăn, buôn bán của họ có thể bị tấn công.

Anh Phan Châu, một người sinh sống và làm việc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, cho biết hiện thời cuộc sống của anh không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng “vẫn hơi lo lắng”.

“Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi”.

Tờ Khmer Times dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc truy quét người nhập cư trái phép “không chỉ nhắm vào người Việt Nam” và “không phải vì lý do sắc tộc”.

Phe đối lập Campuchia lâu nay vẫn chỉ trích chính quyền Phnom Penh là không siết chặt luật nhập cư, dẫn tới làn sóng người Việt Nam tràn vào nước này.

Anh Châu cho biết anh không nghĩ có sự liên quan giữa tình hình căng thẳng chính trị hiện thời với việc bắt giữ nhiều người Việt thời gian qua. Anh nói:

“Chính phủ Campuchia từ trước tới giờ đều có các đợt cao điểm truy quét. Chẳng qua là có sự trùng hợp thời điểm. Người ta không chịu gia hạn hộ chiếu, cứ tìm cách làm việc trái phép bên này nên chính phủ Campuchia buộc phải bắt người Việt của mình. Cái đấy là đúng luật bên này”.

Quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia từng bày tỏ trên báo chí nước chủ nhà về việc đảng đối lập Cứu quốc Campuchia “lợi dụng vấn đề sắc tộc cho lợi ích chính trị”.

Việc hàng trăm người Campuchia, mà đi đầu là các dân biểu đối lập, tới vùng biên giới với Việt Nam, dẫn tới xô xát và gây quan ngại rằng tinh thần bài người Việt có thể lại bùng lên tại nước láng giềng.

Mới đây, tin cho hay, có hàng chục ngôi mộ của người Việt ở tỉnh Kandal bị đập phá không rõ lý do, gây nhiều quan ngại.

Khi được hỏi về sự kỳ thị của người Campuchia đối với cộng đồng người Việt, anh Phan Trọng Thanh, một người Việt sống ở Phnom Penh, cho biết:

“Những người lớn tuổi không có gì đâu, họ vẫn giúp với người Việt Nam bình thường. Chỉ có mấy người nhỏ nhỏ bị kích động này nọ thôi. Mấy đứa nhỏ từ bé đã bị nhồi sọ từ từ, nói Việt Nam làm cái này xấu, cái kia xấu gì đó, rồi có ác cảm với người Việt Nam thôi. Đảng phe đối lập họ nói trúng tâm lý nên mấy đứa con nít nó nghe theo dữ lắm. Những thanh niên trẻ tuổi đa số họ nghe theo phe đối lập nhiều. Bây giờ ra đường, người nào họ ghét mình, thì họ chỉ nói xiên nói xỏ vài câu thôi, chứ người ta không có khi nào mà người ta đè ra đánh mình, hay bắt mình hết”.

Hiện có hàng trăm nghìn, thậm chí có tin nói hơn triệu người Việt Nam, đang sinh sống và làm ăn ở Campuchia.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng yêu cầu chính quyền Phnom Penh bảo vệ các công dân Việt Nam tại Campuchia. – VOA

CSVN: Hai Trung tướng được thăng hàm Thượng tướng [LMN: hai nhân vậy này được biết là gần với phía TT Nguyễn Tấn Dũng]

Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước CSVN tổ chức lễ công bố quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng đối với 2 cán bộ thuộc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân.

Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng cho ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền và ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phương Minh Hòa.

Chủ tịch nước mong muốn 2 cán bộ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị được giao, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ môi trường hòa bình để đất nước tiếp tục phát triển; bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Chủ tịch nước yêu cầu, trong thời gian tới, Thượng tướng Bùi Quang Bền và Thượng tướng Phương Minh Hòa cần tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ và bản lĩnh, tham mưu có hiệu quả với Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an nhân dân và Bộ Công an để xây dựng 2 lực lượng ngày càng vững mạnh, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tự hào về lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, trong đó có Thượng tướng Bùi Quang Bền và Thượng tướng Phương Minh Hòa; đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi và luôn đòi hỏi có nhiều tiến bộ, trưởng thành, nhiều chiến công mới của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng như cá nhân 2 Thượng tướng. – vietnamnet