Lãnh đạo quân đội VN tiếp đoàn Campuchia
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam tiếp Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Theo BBC
22 tháng 7 2015
Trang web Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết cuộc gặp giữa Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Vong Veasna, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia diễn ra vào sáng 20/7/2015 tại Hà Nội.
Cuộc họp được mô tả là để tăng cường những bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực “theo đúng tinh thần 16 chữ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định.”
Cuộc họp được tiến hành trong bối cảnh đã có một số căng thẳng tại khu giáp ranh giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia thuộc khu vực đường biên hai nước.
Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7 để biểu thị điều được mô tả là “Việt Nam vi phạm đất đai của Campuchia”.
Hôm 28/6 chính tại đây đã có xô xát giữa một nhóm nhà hoạt động Campuchia do dân biểu Real Camerin dẫn đầu với người dân Việt Nam làm gần 20 người bị thương.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tuần trước bác bỏ tin đồn trên mạng nói Việt Nam đưa vũ khí, khí tài vào miền nam vì căng thẳng biên giới với Campuchia.
Trong khi đó trang tin chính thức của Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam, nói “sẽ không có chuyện cả hai quốc gia phải sử dụng đến các biện pháp quân sự để xử lý”.
Trả lời BBC qua email, Tiến sỹ Vannarith Chheang, người Campuchia hiện giảng dạy ở Đại học Leeds, Anh quốc, nhận định về một số sự kiện căng thẳng trên đường biên giới Việt Nam – Campuchia.
“Nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp biên giới và những căng thẳng chủ yếu là do sự thiếu minh bạch trong đàm phán biên giới giữa hai chính phủ.
“Các công dân của cả hai nước đặc biệt là những người sống dọc theo biên giới đã không được thông báo đầy đủ về việc đàm phán biên giới, cắm mốc.
“Những căng thẳng biên giới trên giữa Campuchia và Việt Nam đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Campuchia.
“Từ quan điểm của Campuchia, đây là do sự xâm lấn của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia. Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm chống lại việc Việt Nam xây dựng trong khu vực tranh chấp.
“Đây là lần đầu tiên chính phủ Campuchia có lập trường mạnh mẽ chống lại Việt Nam liên quan đến các tranh chấp biên giới giữa hai nước”, ông Chheang cho biết.
Ông Chheang cũng nói thêm rằng việc tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đã làm cho Campuchia cảm thấy tự tin hơn và đẩy cao sức mạnh mặc cả, thương lượng của Campuchia với Việt Nam.
“Campuchia đang chuyển quan hệ từ liên minh truyền thống bè bạn với Việt Nam sang với Trung Quốc,” ông nói thêm.
Trong khi nhà nghiên cứu này nói rằng nói không loại trừ khả năng Campuchia có thể chọn để đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế nếu căng thẳng tiếp tục, ông cũng nhận định rằng Chính phủ Campuchia không có ý định làm như vậy.
“Nhưng những áp lực ngày càng tăng từ các đảng đối lập và công chúng nói chung có thể buộc chính phủ phải tìm kiếm sự hòa giải của bên thứ ba.
“Tôi nghĩ rằng ngoại giao song phương và đàm phán sẽ giúp giải quyết các khác biệt,” Tiến sỹ Vannarith Chheang nói them.