Điểm Báo Pháp – 21-7-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 21-7-2015

Hoàng Chí Phong đấu tranh chống lại việc áp đặt môn “giáo dục tinh thần yêu nước Trung Hoa” tại Hồng Kông – REUTERS

Theo RFI – 21-07-2015

Hoàng Chi Phong, người thách thức Bắc Kinh

Hoàng Chí Phong đấu tranh chống lại việc áp đặt môn “giáo dục tinh thần yêu nước Trung Hoa” tại Hồng Kông – REUTERS

Nhân dịp hè, báo Le Monde, ngày 21/07/2015, đăng loạt bài phác họa chân dung thế hệ trẻ. Bài viết đầu tiên được dành cho Hoàng Chi Phong, một trong những gương  mặt lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Hồng Kông, thách thức chế độ Bắc Kinh.

Hoàng Chi Phong có vẻ mặt nghiêm nghị. Anh lúc nào cũng tỏ ra vội vã, khẩn trương đến mức hiếm khi nào thấy anh nở nụ cười tươi. Ở tuổi 17 mà đã được lên trang bìa của tạp chí nổi tiếng Times (số tháng 10/2014) hoặc được tạp chí Fortune xếp trong số 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2015, vậy mà dường như anh cũng không quan tâm lắm đến việc này.

Nhưng Hoàng Chi Phong lại tỏ ra tự hào là có số người « ưa thích » trên mạng xã hội Facebook cao hơn cả Thủ tướng Anh David Cameron. Nổi tiếng đến như vậy, nhưng anh chỉ có hai phương tiện làm việc chính là chiếc điện thoại thông minh và đôi kính.  Trong cuộc đọ sức với chính quyền Hồng Kông và đằng sau là Bắc Kinh, Hoàng Chi Phong đã đạt được thắng lợi đầu tiên vào năm 2012.

Theo yêu cầu của Bắc Kinh, ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông muốn áp đặt bộ môn giáo dục tinh thần yêu nước Trung Hoa vào hệ thống trường học ở lãnh thổ này, từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông. Hoàng Chi Phong vào lúc đó mới có 15 tuổi. Anh và phong trào Học đường đã huy động được hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật này, buộc ông Lương Chấn Anh phải chấp nhận thất bại cay đắng ngay trong những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Cuối tháng Sáu vừa qua, nhà báo Florence de Changy đã gặp Hoàng Chi Phong. Với dáng vẻ rất tự nhiên, anh vừa ăn vừa trả lời phỏng vấn và giải thích là cần phải tận dụng từng giờ từng phút trong ngày để làm việc. Thời gian đi lại trên phương tiện công cộng là lúc để sắp xếp lịch làm việc, mà anh gọi là « công việc hành chính ». Hoàng Chi Phong nói : « Tôi không hề có cuộc sống riêng tư. Hầu như ngày nào tôi cũng có nhiều cuộc họp. Mỗi tuần, tôi ăn tối một hoặc hai lần với bố mẹ, giành một chút thời gian cho bạn gái. Ngay cả khi theo các môn học, tôi chỉ biết tên ba hoặc bốn người ». Rồi anh vội nói thêm rằng anh thích sống như vậy và sung sướng vì được gánh vác các trách nhiệm.

Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Hoàng Chi Phong đang theo học ở Trường Đại học Mở Hồng Kông, thuộc loại cuối bảng xếp hạng. Nhưng chàng sinh viên này nhấn mạnh, anh muốn thông qua trường hợp bản thân mình để chứng minh rằng không cần phải có những bằng cấp tốt nghiệp ở những trường danh giá để biết cách tổ chức các phong trào xã hội.

Bình luận về sự cố tại nghị viện Hồng Kông khi dự luật về bầu cử trưởng đặc khu hành chính bị bác bỏ, Hoàng Chi Phong cho rằng không có gì đáng vui mừng cả, nền dân chủ tại Hồng Kông không hề tiến thêm được một chút nào. Theo Matthew Torne, người làm một phim tài liệu về ý thức chính trị của hai nhà hoạt động trẻ tại Hồng Kông, trong đó có Hoàng Chi Phong, thì chàng sinh viên này dường như sẽ theo đuổi con đường làm chính trị.

Bắc Kinh tái lập trật tự thị trường chứng khoán

Trang kinh tế  báo Le Monde có bài khá thú vị, cho biết : « Bắc Kinh đã tái lập trật tự thị trường chứng khoán như thế nào ». Tờ báo dựa theo nguồn tin từ hai tạp chí kinh tế có uy tín tại Trung Quốc là Tài Tân và Tài Kinh, miêu tả lại cách thức Bắc Kinh can thiệp để vực dậy thị trường chứng khoán Thượng Hải hồi đầu tháng Bẩy vừa qua.

Trong ba tuần lễ cuối tháng Sáu, đầu tháng Bẩy, chỉ số trên thị trường chứng khoán Thượng Hải bị tuột giảm tới 30%. Ngày 04/07, Ủy ban quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc triệu tập đại diện của 21 ngân hàng môi giới chứng khoán lên Bắc Kinh và cuộc họp giống như một lớp học, tức là các lãnh đạo công ty môi giới chỉ được quyền ngồi im, lắng nghe chỉ thị : Ngay thứ Hai, 06/07, chậm nhất là vào lúc 11 giờ, các công ty này phải rót 120 tỷ nhân dân tệ (17,8 tỷ euro) cho Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc – CSF – để công ty này có thể đầu tư vào các cổ phiếu quan trọng, nhằm ổn định chỉ số trên thị trường Thượng Hải và Thẩm Khuyến.

Theo tạp chí kinh tế Tài Tân, chính phủ đã quyết định phải sử dụng các biện pháp mạnh và ồ ạt để tránh một cuộc khủng hoảng chứng khoán có nguy cơ bùng nổ. Theo giải thích của giới chuyên gia, tình trạng chứng khoán tuột dốc nói trên là hậu quả của việc « đầu tư ký quỹ », tức là các nhà đầu tư vay tiền của các công ty môi giới chứng khoán để đầu cơ, làm cho chỉ số chứng khoán trên thị trường Thượng Hải tăng chóng mặt, 150% trong một năm.

Thổi phồng bằng cách đẩy vốn giả tạo

Vào tháng Bẩy 2014, tổng số tiền « đầu tư ký quỹ » là 400 tỷ nhân dân tệ. Một năm sau, con số tiền này lên tới 2200 tỷ, đó là chưa kể đến khoảng 2000 tỷ khác được huy động từ các chi nhánh tài chính. Nhờ vậy, chỉ số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị đẩy vốn lên một cách giả tạo.

Mùa xuân năm nay, Bắc Kinh tìm cách khống chế kiểu đầu cơ bằng cách đi vay này. Giới đầu tư lo ngại và bán tống bán tháo cổ phiếu làm cho chỉ số chứng khoán tuột dốc không phanh. Chính quyền phải thay đổi phương tiện can thiệp, sử dụng « vũ khí hạng nặng » để tái lập ổn định cho thị trường.

Cũng trong cuộc họp ngày 04/07, ngoài việc phải huy động vốn cho CSF, các công ty môi giới chứng khoán còn phải cam kết không được bán các cổ phiếu ra, chờ cho đến khi chỉ số trên thị truờng Thượng Hải tăng từ 3.600 điểm lên tới 4.500 điểm. Tạp chí Tài Tân so sánh nỗ lực của Bắc Kinh can thiệp ổn định thị trường giống một cuộc họp của giới tướng lãnh thảo luận và đề ra chiến lược cho một trận đánh lớn.

Kể từ sau cuộc họp 04/07, mỗi ngày, sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa, các quan chức phụ trách theo dõi diễn biến trên thị trường lại họp với lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán trung ương. Các nỗ lực bình ổn thị trường không dừng lại ở đó. Trong con mắt của Bắc Kinh, sự chao đảo nghiêm trọng của thị trường chứng khoán đe dọa trực tiếp nền kinh tế và có nguy cơ làm dấy lên sự nghi ngờ của khoảng 90 triệu nhà đầu tư nhỏ.

Do vậy, cần phải hình sự hóa vụ việc. Bộ Công an mở điều tra nhằm vào những nhà môi giới chứng khoán đã đầu tư một cách « ác ý ». Cụm từ để chỉ những hành vi bất hợp pháp như « thông tin nội gián » hoặc không đầu tư vào những thời điểm chỉ số đang lên theo như mong đợi của chính quyền. Quan điểm của chính quyền rất rõ ràng : Cần phải huy động đủ vốn cho CSF để hỗ trợ thị trường.

Giờ đây, đối với Bắc Kinh, cần phải có những biện pháp cực mạnh nếu như thị trường lại chao đảo, đi xuống. Các ngân hàng lớn mà Nhà nước là cổ đông chiếm đa số được yêu cầu phải hành động. Le Monde cho biết ngày 17/07, một tạp chí kinh tế khác của Trung Quốc, cũng rất có uy tín là tờ Tài Kinh đưa tin, trong những tuần vừa qua, 17 ngân hàng Trung Quốc đã rót cho CSF khoảng 1300 tỷ nhân dân tệ (hơn 190 tỷ euro), để công ty này mua chứng khoán, tái lập ổn định cho hai thị trường lớn nhất Trung Hoa lục địa là Thượng Hải và Thẩm Khuyến.

Năm ngân hàng lớn nhất trong số này, mỗi ngân hàng đã bơm cho CSF 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15 tỷ euro). Dẫn đầu là Ngân hàng Thương mại Merchants Bank, rót tới 28 tỷ euro. Theo một chuyên gia thuộc công ty môi giới chứng khoán Cinda Securities, số tiền này giúp trấn an thị trường : Tình trạng thiếu thanh khoản với những biến động mạnh trong vài tuần qua sẽ không thể sớm tái diễn.

Chưa hết, CSF còn được cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hỗ trợ. Theo hãng tin Blomberg, CSF hiện có tới 3000 tỷ nhân dân tệ (446 tỷ euro), sẵn sàng cho các công ty chứng khoán vay để đầu tư, nâng chỉ số trên thị trường chứng khoán. Khoảng tiền này cao gấp 25 lần số vốn mà các công ty môi giới chứng khoán nhận được lệnh phải huy động trong cuộc họp ngày 04/07.

Le Monde kết luận : Hồi mới nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết là sẽ để cho thị trường có vai trò quyết định trong hoạt động kinh tế tài chính. Cam kết này tỏ ra xa vời, khó thực hiện khi nhìn vào các biện pháp mạnh để cứu thị trường chứng khoán. Nhờ vậy, từ ngày 08/07 đến nay, chỉ số trên thị trường Thượng Hải đã tăng lên 12%.

Platini ra tranh chức chủ tịch FIFA ?

Liệu Platini sẽ ra ứng cử chức chủ tịch FIFA ? Trả lời một phần câu hỏi này, báo Le Figaro cho rằng, ông Michel Platini hiện nắm trong tay nhiều lợi thế, và có nhiều khả năng trong hai tuần nữa, Platini, đương kim chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, sẽ thông báo quyết định của mình.

Theo tờ báo, ủy ban điều hành FIFA đang nhóm họp tại Zurich để ấn định ngày 26 tháng Hai năm 2016 để bầu lại chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới, thì mọi cặp mắt đều hướng nhìn về ông Michel Platini, vốn được xem là ứng cử viên nặng ký nhất, có thể lên thay thế ông Sepp Blatter. Sở dĩ Michel Platini thu hút nhiều sự chú ý là vì hiện nay, trên sáu liên đoàn bóng đá, có đến bốn ủng hộ Platini ra tranh cử. Đó là các liên đoàn châu Á (AFC), châu Âu (UEFA), Nam Mỹ (CONMEBOL), Bắc Mỹ và Caribê (CONCACAF). Hiện giờ, ông Michel Platini đang cân nhắc đo lường tương quan lực lượng trong trường hợp có nhiều người cùng ra tranh cử. Theo tờ báo, có lẽ phải đợi cho tới sau ngày 25 tháng Bảy, thì lúc đó mới biết được 100% về quyết định của Platini.

Nhưng tại sao phải đợi đến 25/07 ? Đó là ngày tổ chức đợt rút thăm chia bảng thi đấu vòng loại World Cup 2018 tại thành phố Saint Petersburg, ở Nga. Đó cũng chính là cơ hội cho Platini thăm dò ý kiến cũng như tranh thủ sự hậu thuẫn của các nhân vật lãnh đạo hành tinh bóng đá. Mặc dù một cách chính thức, ông Platini vẫn tuyên bố rất gắn bó và không muốn rời Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy là Platini đang nhắm tới chiếc ghế chủ tịch FIFA. Theo Le Figaro, các tuyên bố gần đây của Platini về nhu cầu cải tổ sâu rộng FIFA giống như là một ‘‘cương lĩnh hành động’’, tuy không nêu đích danh nhưng vẫn là một chương trình vận động tranh cử.

Về các ứng cử viên khác, thì hiện giờ cựu ngôi sao bóng đá Brazil Zico (62 tuổi) đã tuyên bố ra tranh cử. Hoàng tử Ali ben Al Hussein của Jordani (39 tuổi) cũng cho biết là đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng so với Platini, thì cả hai ứng cử viên này đều không nhiều triển vọng cho lắm, và Platini có thể chờ cho tới thời hạn chót là ngày 26/10/2015 để công bố quyết định có ra tranh cử hay không. Ẩn số duy nhất có thể gây bất ngờ vẫn là Sepp Blatter, tuy đã tuyên bố từ chức nhưng ông vẫn là người điều hành cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch FIFA vào tháng Hai năm tới.

Mọi người đều biết tới mối quan hệ bất hoà giữa hai nhân vật Blatter và Platini, nhưng những tuyên bố gần đây cho thấy là ông Sepp Blatter muốn hợp tác trong việc khôi phục uy tín của FIFA, cũng như niềm tin nơi dư luận. Do hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi, cho nên theo Le Figaro, Michel Platini sớm muộn gì cũng tuyên bố ra tranh cử. Nếu chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới là một “canh bạc”, thì Platini hẳn chắc nắm trong tay nhiều lá chủ bài

SIDA : trường hợp tự nhiên ‘‘lành bệnh’’ đầu tiên ?

Trang nhất các báo hôm nay đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, Le Figaro nói đến việc Quốc hội Mỹ xem xét thỏa thuận hạt nhân của nhóm 5+1 với Iran.  Le Monde thì tiếp tục bàn về cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp. Paris và Berlin đồng ý là đã đến lúc phải cải tổ khu vực đồng euro, nhưng Pháp và Đức lại không đồng thuận về các biện pháp cải cách.

Về phần mình, báo Libération hôm nay chạy tựa lớn trên trang nhất ‘‘Chữa khỏi bệnh SIDA’’ và dành đến 4 trang báo để nói về trường hợp hy hữu  của một bệnh nhân người Pháp 19 tuổi, tự nhiên ‘‘lành bệnh’’ mà không cần dùng thuốc. Nhân kỳ hội nghị quốc tế về SIDA tại Vancouver, giới chuyên gia nghiên cứu đã công bố trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm HIV có thể kháng lại sự phát triển của virus mà không dùng thuốc trong vòng 12 năm liền.

Sinh năm 1996, bệnh nhân này đã ra đời với virus HIV trong máu, do lây truyền từ người mẹ, cho dù giới bác sĩ có dùng phương pháp trị liệu ngay từ khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Trong vòng 4 năm đầu, đứa bé đã được cho uống thuốc, nhưng sau đó do hoàn cảnh gia đình, đứa bé lại ngưng dùng phương pháp trị liệu.

Điều bất ngờ nhất ở đây là từ năm 6 tuổi trở đi, cơ thể đứa bé không còn một dấu vết nào của sự hoạt động của virus HIV qua thử nghiệm máu. Cho tới nay, các phương pháp trị liệu thường kết hợp ba hay bốn loại thuốc khác nhau để hạn chế hoạt động cũng như sự phát triển của virus. Trong trường hợp của bệnh nhân 19 tuổi người Pháp, thì không hiểu vì sao virus bỗng nhiên ‘‘biến mất’’, hầu như không để lại dấu vết nào.

Giới y học lúc đó mới quyết định không dùng thuốc trở lại mà thường xuyên theo dõi để tìm hiểu bằng cách nào cơ thể của đứa bé người Pháp này ban đầu chung sống với virus HIV, rồi sau đó lại tự ‘‘khỏi bệnh’’. Từ giới nghiên cứu của viện Pasteur, cho tới các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Necker, mọi người đều lạc quan phấn khởi nhưng vẫn thận trọng. Giới bác sĩ dùng từ thuyên giảm bình phục (rémission) chứ tránh dùng chữ ‘‘chữa lành bệnh’’ (guérison).

Ca này rất hiếm thấy và đang được nghiên cứu song song với hai nhóm bệnh nhân đặc biệt khác. Nhóm thứ nhất bao gồm những người bị nhiễm virus HIV nhưng không phát bệnh. Cơ thể của họ có thể sống chung với virus cho dù họ không hề được điều trị. Qua thử nghiệm máu, người ta vẫn tìm thấy vết của virus, nhưng siêu vi lại ở trong tình trạng không hoạt động, giống như một loài sinh vật đang ‘‘ngủ đông’’.

Giới chuyên gia cho rằng nhóm người này có một hệ miễn dịch đặc biệt, tự thích ứng để rồi kiểm soát được virus, mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, chỉ có 0,5% bệnh nhân (từ 0,3% đến 0,6%) mới có khả năng như vậy trên tổng số những người nhiễm HIV trên địa cầu.

Bên cạnh nhóm thứ nhất gọi là có khả năng kiểm soát virus, còn có nhóm thứ nhì, họ bị nhiễm HIV nhưng lại được dùng thuốc rất sớm, thường là trong giai đoạn ‘‘ủ bệnh’’, từ ba cho tới sáu tuần lễ sau khi phát hiện dương tính. Theo giới y khoa, thì giai đoạn ủ bệnh chính là lúc virus bám sâu vào các tế bào trước khi sinh sôi nẩy nở. Dùng phương pháp trị liệu ngay vào cái giai đoạn tiền kỳ này chẳng những hạn chế sự phát triển của virus, mà còn giúp cho cơ thể khống chế ngay hoạt động siêu vi HIV.

Tại Pháp, hiện có khoảng 20 bệnh nhân như vậy tham gia vào chương trình Visconti, để tiếp tục được nghiên cứu theo dõi, để nhắm tới việc chế tạo vắc xin, hay là thiết lập những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Điều đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, nhưng con đường vẫn còn dài, trước khi thật sự nói tới chuyện ‘‘chữa lành bệnh’’.