Tin Thế Giới – 15/7/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 15/7/2015

Philippnes mở lại căn cứ Subic Bay đương đầu với tham vọng Trung Quốc — Bắc Kinh phản đối Manila sửa chữa chiến hạm cũ ở Trường Sa

Trong kế hoạch đương đầu với tham vọng biển đảo của Trung Quốc, Manila điều máy bay chiến đấu và chiến hạm vào vùng biển phía tây Philippines. Căn cứ quân sự khổng lồ Subic Bay sắp hoạt động trở lại, sau 23 năm đóng cửa chuyển đổi thành khu kinh tế, sẽ cho phép Philippines can thiệp nhanh chóng tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay 16/07 cho biết đã ký hợp đồng thuê lại căn cứ Subic Bay với thời hạn 15 năm có gia hạn với cơ quan quản lý dân sự Subic Bay Metropolitain hồi tháng 5.

Quân đội Philippines sẽ đưa về Subic Bay chiến đấu cơ phản lực mới và hai chiến hạm. Theo các chuyên gia quân sự, sử dụng căn cứ Subic Bay sẽ cho phép quân đội Philippines can thiệp hữu hiệu, ngăn chận hoạt động của hải thuyền Trung Quốc trong vùng biển phía tây của đảo Luzon. Chuyên gia an ninh quốc phòng Philippines Rommel Banlaoi nhận định: Giá trị quân sự của Subic Bay đã được quân đội Mỹ chứng minh và giới tướng lãnh Trung Quốc cũng biết được điều đó.

Một khi Subic Bay phục hồi vai trò quân sự, hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ này một cách dễ dàng hơn cho dù khả năng Hoa Kỳ được quyền thuê trở lại vẫn chưa ngã ngũ do có sự chống đối của Tối cao Pháp viện Philippines. Từ năm 2000 cho đến nay, hải quân Mỹ chỉ đến Subic Bay trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung.

Theo kế hoạch của bộ quốc phòng Philippines, kể từ tháng 12 năm nay, hai chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên trong số 12 chiếc đặt mua của Hàn Quốc sẽ được chuyển giao và sẽ được bố trí tại căn cứ Subic.

Subic Bay nằm cách đảo đá ngầm Scaborough bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 2012 chỉ có 270 cây số. Theo chuyên gia an ninh Mỹ Patrick Cronin, chiến đấu cơ FA-50 chỉ cần vài phút là bay đến mục tiêu. – RFI

***
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, 15/07/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh phản đối việc Philippines sửa chữa một chiến hạm, mà theo Trung Quốc, đã mắc cạn “trái phép” trên bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây), thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhắc lại rằng Bắc Kinh có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh, trong đó có bãi Cỏ Mây, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu phía Philippines kéo chiến hạm nói trên ra khỏi bãi Cỏ Mây và dọa sẽ thi hành các biện pháp khác nếu Manila không thực hiện điều này.

Hôm qua, Manila tuyên bố đã bắt đầu sửa chữa chiến hạm cũ BRP Sierra Madre, có từ thời đệ nhị Thế chiến, mua lại của Mỹ từ thập niên 1970, được dùng làm căn cứ tiền tiêu kiểm soát bãi Cỏ Mây. Mục đích việc sửa chữa, theo phát ngôn viên Hải quân Philippines, là nhằm bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu cho đơn vị đóng trên tàu.

Chiến hạm bị rỉ sét dài 100 mét này vốn được quân đội Philippines cố tình để cho mắc cạn ở bãi Cỏ Mây vào năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh Manila lo ngại Trung Quốc cưỡng chiếm đảo này. Trước đó bốn năm, Trung Quốc đã chiếm bãi Mischief Reef (bãi Vành Khăn), mà Philippines cũng khẳng định chủ quyền, nằm cách bãi Cỏ Mây khoảng 40 km.

Hiện tại, Philippines vẫn duy trì một đơn vị gồm 9 binh sĩ trên chiến hạm Sierra Madre. Hồi năm ngoái, theo báo chí Philippines, tàu hải quân nước này thường xuyên bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn khi tới bãi Cỏ Mây. Manila thậm chí phải dùng đến đường hàng không để tiếp tế lương thực cho các binh sĩ. – RFI

Hạ viện Nhật Bản đồng ý sửa đổi luật phòng thủ quân sự

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật, theo đó nới lỏng các giới hạn đối với quân đội nước này. Đây được coi là một bước đi mang tính lịch sử, xa rời các chính sách quân sự ôn hòa thời hậu Thế Chiến thứ Hai của nước này.

Với sự hậu thuẫn của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, dự luật gây tranh cãi đã được thông qua hôm nay, dù vấp phải các cuộc biểu tình lớn cũng như bị các đảng phái đối lập chính tẩy chay.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Abe nói: “Tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các dự luật này là điều hết sức cần thiết để bảo vệ mạng sống của người dân Nhật Bản, cũng như ngăn chặn chiến tranh”.

Trong khi đó, các nhà lập pháp đối lập tỏ ra bất mãn vì Đảng Dân chủ Tự do, LDP, của ông Abe đã gấp rút đẩy nhanh dự luật qua một ủy ban quốc hội mà không tiến hành đủ các cuộc tranh luận.

Ông Abe đã cam kết tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng vệ bị giới hạn nhiều của Nhật Bản, một phần là nhằm đáp lại sự lớn mạnh và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, quốc gia hiện có tranh chấp lãnh hải với Tokyo.

Trong khi đó, hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án việc Nhật Bản thông qua dự luật, và điều đó khiến Bắc Kinh đặt dấu hỏi là liệu Tokyo có tiếp tục các chính sách quân sự “hoàn toàn mang tính phòng thủ” mà nước này đã áp dụng kể từ sau Thế Chiến II hay không.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi thực sự kêu gọi phía Nhật Bản rút ra các bài học lớn từ quá khứ, duy trì đường hướng phát triển hòa bình, và tránh làm tổn hại tới các quyền lợi an ninh và chủ quyền của Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình khu vực”.

Một trong số các điều khoản chính của dự luật là cho phép quân đội Nhật Bản tiến hành điều gọi là “phòng thủ tập thể”. Ngoài ra, nước này cũng sẽ có thể được phép bảo vệ các quốc gia bạn hữu khi những nước này bị tấn công.

Phe đối lập và phần đông công chúng Nhật Bản phản đối những thay đổi lớn đối với các nguyên tắc quân sự mang tính ôn hòa được ghi trong hiến pháp của nước này suốt 70 năm qua. – VOA

Quân đội Mỹ đối mặt với những thách thức mới

Quân đội Hoa Kỳ đang ra sức thúc đẩy cho những sự thay đổi chiến lược trong lúc chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa của các tác nhân quốc gia và phi quốc gia trong những năm sắp tới. Các nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ đang đối mặt với những thách thức trong một thời điểm đặc biệt, khi những mối đe dọa của những tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo và của các quốc gia như Nga và Trung Quốc đang trên đà gia tăng.

Trong cuộc nói chuyện hồi tuần trước với các binh sĩ Lục quân tại căn cứ Fort Bragg ở tiểu bang North Carolina, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng những kỹ năng và kinh nghiệm có được trong những cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan có thể áp dụng trong thời đại mới.

Ông Carter nói rằng quân đội “đang tiến vào một chiều hướng mới trong tương lai, khi chúng ta tìm cách áp dụng những gì chúng ta đã học được, và chúng ta đã học được rất nhiều từ hai cuộc chiến tranh đó, để áp dụng những kỹ năng và kinh nghiệm đó vào những cuộc xung đột sẽ định đoạt tương lai của chúng ta.”

Những mối đe dọa

Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài đã cập nhật Chiến lược Quân sự lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Cuộc duyệt xét chiến lược này cảnh báo rằng mối nguy của việc xảy ra một cuộc chiến tranh với một quốc gia khác tuy đang ở mức thấp nhưng đang trên đà gia tăng. Văn kiện này nêu tên 4 nước mà họ nói quân đội Mỹ sẽ chú tâm nhiều hơn: Nga, Iran, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Ông Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington, cho biết những nước đó đang theo đuổi những mục tiêu an ninh của chính họ và “quyền lợi của họ với quyền lợi của chúng ta có phần chắc sẽ xảy ra mâu thuẫn trong tương lai gần.”

Ông Clark nói với đài VOA rằng những hành động hung hãn của Nga ở Đông Âu và của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong số những yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi chiến lược của Mỹ. Ông nói “Những nỗ lực của cả hai nước này đã làm cho Hoa Kỳ phải nghĩ lại là họ cần phải chuẩn bị cho một vụ xung đột quyền lực qui mô lớn, thay vì chỉ chú trọng tới những vấn đề chống khủng bố”.

Trong lúc cho rằng Iran, Nga và Bắc Triều Tiên tạo ra những mối rủi ro cho hoà bình thế giới, bản phúc trình của Ngũ Giác Đài mô tả tình hình liên quan tới Trung Quốc với một cung cách khác.Theo chiến lược mới, Hoa Kỳ muốn ủng hộ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc trở thành một đối tác để bảo vệ an ninh quốc tế.

Trung Quốc là ‘kẻ thù’

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ xem nhẹ mối rủi ro xảy ra xung đột với Bắc Kinh. Ông Bryan Clark nói rằng quân đội Mỹ “xem Trung Quốc như một mối rủi ro rất lớn cho các quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì Trung Quốc là một nước lớn hơn nhiều về mặt kinh tế, lớn hơn về mặt dân số, có một quân đội ngày càng lớn mạnh, cũng có một số khả năng quân sự tiên tiến mà Nga có nhưng với số lượng lớn hơn.”

Ông Clark nói thêm rằng “Trung Quốc cũng đang trực tiếp đối đầu với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.”

Chiến tranh trên nhiều mặt trận

Chiến lược mới của Ngũ Giác Đài nhắm tới việc tăng cường khả năng để có thể tiến hành một cuộc chiến tranh qui mô lớn và nhiều giai đoạn chống lại một địch thủ tại một khu vực và đồng thời không để cho một địch thủ khác tại một khu vực khác đạt được mục tiêu của họ.

Bộ trưởng Carter nói rằng quân đội Mỹ phải có khả năng để ứng phó với những thách thức tại hai khu vực cùng một lúc.

Ông Carter nói: “Chúng ta cần có một lực lượng không những đủ lớn, mà còn được huấn luyện và trang bị đủ tốt, và được trả lương đủ cao để chúng ta tuyển mộ và lưu dụng những người thích hợp để ứng phó với hai tình huống khẩn cấp đó.”

Ngũ Giác Đài hồi gần đây loan báo kế hoạch cắt giảm 40.000 binh sĩ Lục quân. Bộ trưởng Carter nói rằng đó là một việc cần thiết để tăng cường năng lực tổng thể trong lúc có nhiều khó khăn về ngân sách. – VOA