Thị trường chứng khoán TC rớt giá tác động uy tín của chính phủ
Theo VOA – 09.07.2015
Hai thị trường chứng khoán ở lục địa TC đã chứng kiến mức tăng trưởng khổng lồ trong năm vừa qua, và trong khi giới truyền thông nhà nước dự báo thị trường còn thu lời nhiều hơn nữa, hàng triệu người thuộc giới trung lưu TC đã tham gia các thị trường tăng vọt. Nhưng kể từ ngày 12 tháng 6, các thị trường đã mất đi gần 3.000 tỷ đôla và chính phủ TC đã công khai tìm cách trấn an những nhà đầu tư hốt hoảng bằng cách bơm hàng tỷ đôla trở lại vào thị trường đang dao động, ra lệnh cho các công ty quốc doanh mua cổ phiếu, và nới lỏng các chính sách ngân hàng để cung cấp thêm vốn trong khi các thị trường ổn định trở lại.
Chính phủ TC đã đóng một vai trò rất to lớn trong sự phát triển kinh tế phi thường của nước này vào mấy thập niên vừa qua, và tình trạng thị trường sụt giá bất ngờ đã là một vấp váp công khai hiếm có. Các thị trường chứng khoán khắp thế giới thường xuyên trải qua những giai đoạn tuột dốc, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của chính phủ.
Nhưng thất bại của Bắc Kinh trong việc chận các thị trường suy sụp thông qua một loạt biện pháp quyết liệt vào mấy ngày qua đã làm hoen ố uy tín của chính phủ, theo ông Cung Minh Hâm, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan ở Đài Bắc.
“Nhiều người bắt đầu nêu nghi vấn…nếu như TC không còn nắm vững hay duy trì khả năng thúc đẩy nền kinh tế một cách chặt chẽ như nhiều người nghĩ, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến luồng tư bản ra vào TC vì hậu quả của sự tin tưởng bị suy yếu.”
Ông Cung lập luận rằng thị trường chứng khoán dao động cũng có thể gây tổn thương cho tham vọng của chính quyền của Tập Cận Bình muốn là lãnh đạo tài chính trong vùng tiếp theo các sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu.
“Không phải chỉ là vấn đề sức mạnh kinh tế, mà đúng ra là vấn đề pháp trị, vấn đề hệ thống tài chính và tính uyển chuyển. Về mặt này, TC dường như không sẵn sàng.”
Mặc dầu Bắc Kinh còn phải đau đầu với nhiều vấn đề lớn hơn như tình trạng trì trệ kinh tế và bong bóng địa ốc, ông Andrew Colquhoun, người đứng đầu cơ quan đánh giá Fitch Ratings ở Châu Á Thái Bình Dương, đồng ý rằng uy tín của nước này ngoài các vấn đề kinh tế cũng đang bị thử thách.
“Đó có thể là một điểm thứ yếu mà họ cần phải cứu xét. Rõ ràng, hình như họ quan tâm hơn đến chuyện gạt rủi ro bất ổn tài chính qua một bên mà tập trung vào ổn định xã hội.”
Giới truyền thông được nhà nước hậu thuẫn ở TC đã thẳng thắn đánh giá sự tuột dốc của thị trường chứng khoán trong tuần này là “chưa từng có trước đây” và nói các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn đà đi xuống chưa có hiệu quả nhanh như hy vọng. Các bài xã luận đã kêu gọi “sự kiên trì” nơi công chúng để đối phó với đà suy thoái, và nhấn mạnh rằng các nỗ lực kiên quyết của chính phủ nhằm chận đứng tình trạng đó cuối cùng sẽ có tác dụng.