Khủng hoảng nợ: Châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khủng hoảng nợ: Châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp
Các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu mang biểu ngữ “Không” (Oxi trong tiếng Hy Lạp) đợi phiên thảo luận về Hy Lạp, Strasbourg, Pháp, 08/07/2015 – REUTERS/Vincent Kessler

Theo RFI – Đức Tâm – 08-07-2015

Ngày hôm qua, 07/07/2015, lẽ ra là ngày cực kỳ quan trọng đối với Hy  Lạp, vì có các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, thượng đỉnh Châu  Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Thế nhưng, không một quyết định  nào được đưa ra cả. Mọi việc được đẩy lùi vào cuối tuần này. Trong khi  đó, hôm nay, Thủ tướng Hy Lạp đến phát biểu tại Nghị viện Châu Âu.

Theo đặc phái viên RFI Dominique Baillard tại Bruxelles, thời điểm đếm ngược đã bắt đầu đối với Hy Lạp. Đa số các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đã tỏ ra rất thất vọng, sau cuộc họp ngày hôm qua. Họ không nhận được các đề nghị cụ thể từ phía tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclide Tsakalotos.

Do vậy, Châu Âu ra tối hậu thư. Trong ngày hôm nay, chính phủ của Thủ tướng Tsipras phải nhanh chóng đưa ra một đề nghị chính thức về kế hoạch hỗ trợ mới đi kèm với những cam kết cải tổ. Đó là điều mà các đối tác Châu Âu đang chờ đợi. Sau đó, từ nay đến cuối tuần, các chủ nợ sẽ xem xét, chấp thuận hoặc bác bỏ những đề nghị này. Nếu các chủ nợ bật đèn xanh, thì Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh vào Chủ nhật 12/07 và có thể đạt được một thỏa thuận chung về Hy Lạp. Có nghĩa là sẽ có một kế hoạch hỗ trợ mới kéo dài từ 2 đến 3 năm, cộng với một sự trợ giúp khẩn cấp tức thời và đương nhiên đi kèm với mọt tuyên bố chung về việc « gọt rũa lại » khoản nợ của Hy Lạp, cụm từ mới để chỉ việc tái cơ cấu nợ mà Thủ tướng Tsipras đã đề nghị từ lâu, ngay khi bắt đầu các cuộc thương lượng. Đây là kịch bản mà nước Pháp mong muốn.

Tuy nhiên, cũng có thể là các đề nghị của Hy Lạp bị bác bỏ. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, trong cuộc họp báo tại Bruxelles, vào tối hôm qua, tuyên bố: «Thời điểm hiện nay thực sự nghiêm trọng và chúng ta không thể loại trừ kịch bản đen tối, nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận, từ nay đến Chủ nhật». Ông trịnh trọng nhấn mạnh: «Tối nay, tôi phải nói thẳng và rõ là thời hạn cuối cùng sẽ chấm dứt trong tuần này» và cho rằng Châu Âu đang trải qua « giai đoạn khó khăn nhất » trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng euro.

Còn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker thông báo là định chế này đang chuẩn bị cho kịch bản Hy Lạp ra khỏi đồng euro. Ông nói rõ là mặc dù Châu Âu đã đưa ra các bảo đảm nhưng «chính phủ Hy Lạp đã tỏ ra không có khả năng trình bày với chúng tôi những giải pháp vững chắc, cụ thể và cuối cùng».

Vẫn theo ông Jean Claude Juncker, «người Hy Lạp nghĩ rằng kết quả trưng cầu dân ý sẽ mang lại thế mạnh cho họ trong các cuộc thương lượng, thế nhưng, không phải vậy, mà ngược lại. Vị thế của họ bị yếu đi đáng kể».

Về hồ sơ tái cơ cấu nợ, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tỏ thái độ ủng hộ một cuộc thảo luận, nhưng vào tháng 10 tới đây.

Có một tiết lộ: Dường như Ủy ban Châu Âu đã soạn thảo ba kịch bản chi tiết. Thứ nhất là kịch bản duy trì Hy Lạp trong khu vực đồng euro, thứ hai là viện trợ nhân đạo cho Hy Lạp và thứ ba Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Jean Claude Juncker đưa ra tối hậu thư: Thứ Sáu, 10/07 vào lúc 8h30  là muộn nhất, Hy Lạp phải đưa ra các đề xuất. Sau thời điểm này, Châu Âu không loại trừ kịch bản nào.

Kế hoạch đa niên giúp đỡ Hy Lạp

Sau hai kế hoạch trợ giúp với tổng số tiền là 240 tỷ euro và nhiều tháng trời đàm phán ồn ào, căng thẳng với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, nhưng không mang lại kết quả, nhiều nước Châu Âu giờ đây tỏ ra lượng lự giúp đỡ Hy Lạp. Theo Thủ tướng Đức, Angela Merkel, lý tưởng nhất là Hy Lạp cần một «chương trình trợ giúp trong nhiều năm», vượt xa hơn thời hạn mà các chủ nợ và Athens đã đàm phán cách nay chục ngày.

Tổng thống Pháp François Hollande luôn lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận, nhấn mạnh là cần một chương trình trợ giúp hai năm, để có thể thấy rõ hướng đi, nhưng «cần phải hành động nhanh chóng để toàn thể khu vực đồng euro có thể đưa ra quyết định».

Một lần nữa, nguyên thủ Pháp trấn an là Paris sẽ làm hết sức mình để đạt được một thỏa thuận «phù hợp với các lợi ích của các nước Châu Âu, lợi ích kinh tế, tài chính và chính trị», đồng thời ông kêu gọi các bên, chủ nợ và Hy Lạp, phải tỏ ra có trách nhiệm trong hồ sơ này.

Trong khi chờ đợi có được một kế hoạch trợ giúp mới, cần phải có những giải pháp trước mắt và khẩn cấp để Hy Lạp có thể, vào ngày 20/07 tới, thanh toán cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) một khoản nợ quan trọng. Cho đến lúc này, BCE là định chế cuối cùng duy trì sự sống cho nền kinh tế Hy Lạp qua việc cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng của nước này.