CSVN xoay trục sang Mỹ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN xoay trục sang Mỹ?

Theo RFI – Trong một động thái chưa từng thấy, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng công du Mỹ. Nhân dịp này, trang web The Diplomat, hôm nay 06/07/2015, đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer «Việt Nam xoay trục sang Mỹ?». RFI xin giới thiệu

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ đến thăm Washington từ ngày 06 đến 09/07 để đánh dấu kỷ niệm hai mươi năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chuyến thăm của Trọng là chưa từng có, bởi vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thăm Hoa Kỳ với tư cách chính thức.

Nguồn tin ngoại giao cho biết Việt Nam đã vận động cho chuyến thăm này và có một điểm khó khăn là vấn đề lễ tân. Phía Việt Nam muốn Tổng Bí thư Trọng sẽ được Tổng thống Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng. Điều này tạo ra một vấn đề lễ tân vì Tổng Bí thư Trọng không có đồng cấp tương đương trong hệ thống chính trị Mỹ.

Theo các nguồn tin truyền thông, Tổng Bí thư Trọng sẽ được tiếp bởi Phó Tổng thống Joe Biden trong Nhà Trắng và sau đó Tổng thống Barack Obama sẽ tới tham gia các cuộc thảo luận. Có tin đồn rằng Trọng có thể gặp bà Hillary Clinton.

Năm 2013 Tổng thống Obama và đồng nhiệm Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đây là tài liệu khung quan trọng đối với quan hệ song phương. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã ký tuyên bố Tầm nhìn chung tại Hà Nội với Đại tướng Phùng Quang Thanh, văn bản này đề ra 12 lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong tương lai.

Cuộc gặp giữa ông Obama và Trọng là quan trọng bởi vì cả hai nhà lãnh đạo sẽ hết nhiệm kỳ vào năm tới. Mọi hiểu biết đạt được trong chuyến thăm của Trọng sẽ đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Việt Nam vào lúc quá trình chuyển đổi lãnh đạo diễn ra ở cả hai nước.

Việt Nam dự kiến tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016. Đại hội này sẽ thông qua các văn kiện chính sách chiến lược quan trọng cho 5 năm tiếp theo. Chuyến thăm này là quan trọng vì kể từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan HY-981 từ tháng Năm đến tháng Bẩy năm ngoái, một số ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam đã đi thăm Hoa Kỳ, bao gồm Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội) và Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an).

Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một chuyến thăm Washington sau khi tới dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Theo các tin đồn, Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, cũng có thể đi thăm Mỹ.

Các nhà phân tích nước ngoài, trong nỗ lực giải thích cơ chế ra quyết định vốn mờ mịt của Việt Nam, đã nêu ra sự tồn tại của cánh bảo thủ và cánh cải cách trong Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Trọng thường được mô tả như là một nhân vật có tư tưởng bảo thủ, ủng hộ thắt chặt quan hệ với TC. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem như là một nhà cải cách, đang tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế và có thể cả an ninh với Hoa Kỳ. Dũng được đồn là đang nhóm ngó chức Tổng Bí thư Đảng tại Đại hội toàn quốc năm 2016.

Dường như sự sắp xếp phân định giữa các phe phái trong Bộ Chính trị không rõ nét như vậy và phức tạp hơn. Tính cách cá nhân cũng đóng một vai trò. Ví dụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một đối thủ của Dũng, được cho là đứng về phía Trọng. Sang thường được xếp vào phe thân TC. Nhưng giới ngoại giao phương Tây, những người tuyên bố rất biết rõ Sang, thì lại nói rằng có thể ông rất chống TC.

Dường như sự sắp xếp phân định giữa các phe phái không rõ nét như vậy và phức tạp hơn. Thật đáng ngờ vực trong việc phân định ai trong Bộ Chính trị thân Trung Quốc hoặc thân Mỹ. Có nhiều khả năng là họ khác nhau trong việc đánh giá làm thế nào xử lý các mối quan hệ với các cường quốc mà không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam không thể chọn các nước láng giềng và một tiên đề (hiển nhiên, không cần chứng minh) bền vững trong chính sách an ninh quốc gia của Việt Nam là tránh có những căng thẳng thường trực trong quan hệ với TC. Việt Nam theo đuổi cách tiếp cận đa phương trong quan hệ với các nước lớn, không chỉ trong quan hệ với TC và Hoa Kỳ, mà cả với Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.

Trên cơ sở này, ít nhất có hai câu hỏi chính liên quan đến việc phát triển quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ : Phản ứng của Trung Quốc sẽ ra sao? Và Mỹ có đáng tin cậy hay không trong việc thực hiện hết các cam kết của mình? Giới phân tích an ninh quốc gia Việt Nam nêu ra mối lo ngại lớn nhất là TC và Hoa Kỳ có thể xích lại gần nhau hơn, gây bất lợi cho Việt Nam.

Làm thế nào thực hiện điều này trong quan hệ với Hoa Kỳ? Việt Nam cần tiếp cận với thị trường Mỹ, nơi mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn. Điều này bù đắp cho việc Việt Nam bị thâm hụt thương mại ồ ạt trong quan hệ với TC. Nhưng những người lập luận rằng Việt Nam nên tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ lại bị phê phán bởi những người cho rằng Hoa Kỳ tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, qua việc khai thác vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo như là đòn bẩy thúc đẩy «diễn biến hòa bình», biến đổi chế độ độc đảng tại Việt Nam thành một nền dân chủ đa đảng.

Các đảng viên lo sợ phản ứng của TC trước việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt đã hùng hồn chất vấn các đồng chí trong Đảng vốn ủng hộ thắt chặt quan hệ với Mỹ là Hoa Kỳ đã làm gì cho Việt Nam? Rồi họ tự trả lời câu hỏi của mình bằng cách nêu ra việc Mỹ phân biệt đối xử trong việc bán vũ khí và cảm nhận của họ về việc không giải quyết được «di sản của chiến tranh» – Chất độc màu da cam (dioxin) và xử lý vật liệu nổ. Hai vấn đề này đã được đề cập nhiều lần trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Việt.

Nói cách khác, Hoa Kỳ phải chứng minh các thiện ý của mình bằng cách loại bỏ tất cả các hạn chế trong Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) trong việc bán vũ khí cho Việt Nam. Chính sách của Mỹ hiện nay là bán vũ khí có tính chất phòng thủ cho Việt Nam – chủ yếu liên quan đến an ninh hàng hải và xây dựng năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam – trên cơ sở từng trường hợp. Trong khi Mỹ đang giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong hồ sơ chất độc màu da cam và hỗ trợ xử lý các vật liệu chưa nổ, một số người thuộc phe này muốn thấy những nỗ lực này được đẩy mạnh hơn và được tài trợ tốt hơn.

Những vấn đề này đã được nêu lên trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Carter. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi chấm dứt tất cả các hạn chế trong việc bán vũ khí và tách việc bán vũ khí ra khỏi các vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, Việt Nam đã thả ông Lê Thanh Tùng, một nhà ly khai có tên tuổi, ngay trước khi diễn ra chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư Trọng, như làm một cử chỉ xoa dịu Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, chuyến viếng thăm Washington của Tổng Bí thư Trọng và cuộc gặp với Tổng thống Obama sẽ được diễn giải như là một sự công nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Trọng sẽ tạo tiền lệ cho các chuyến viếng thăm sau này của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong một chừng mực nhất định, chuyến thăm của ông sẽ xoa dịu các nhân vật bảo thủ trong Đảng – nếu Mỹ Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam bằng «diễn biến hòa bình» thì tại sao Tổng thống Obama lại tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam?

Chuyến đi của Tổng Bí thư Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị khác đến Hoa Kỳ sẽ giúp họ trong các đánh giá về xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương và quan trọng hơn cả là đánh giá của họ về việc phải chăng có thể coi Hoa Kỳ như là một đối tác đáng tin cậy. Những đánh giá này sẽ được đưa vào trong các văn kiện chính sách chiến lược quan trọng được soạn thảo và sẽ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thông qua.

Hai kết quả chính trong cuộc gặp của Tổng Bí thư Trọng với ông Obama có thể định hướng tương lai quan hệ song phương: sự dấn thân của Việt Nam vào Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận từng bước tiến tới việc thúc đẩy mua bán vũ khí (với việc loại bỏ tất cả các hạn chế còn lại của ITAR). Việt Nam cũng sẽ hài lòng nếu Tổng thống Obama tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện cam kết trước đây là làm hết sức mình để có thể tới thăm Hà Nội trước khi kết thúc nhiệm kỳ.