CSVN, Campuchia sẽ mở đàm phán biên giới vào tuần tới
Các nhà lập pháp đảng đối lập Sam Rainsy và những người ủng hộ xuống đường ở Phnom Penh cầm theo bản đồ Campuchia.
Theo VOA – 02.07.2015
Người đứng đầu Ủy ban Biên giới Campuchia cho biết phía Campuchia sẽ đưa ra một số vấn đề nhạy cảm với Việt Nam trong các cuộc đàm phán song phương vào tuần tới.
Những vấn đề đó bao gồm cáo buộc xâm lấn biên giới đã dẫn đến các cuộc xô xát bạo lực giữa các nhà lập pháp Campuchia và người dân, và lực lượng an ninh biên giới Việt Nam hôm Chủ nhật vừa qua.
Var Kim Hong, Chủ tịch Ủy ban Biên giới Chính phủ Campuchia, nói với Ban Khmer của Đài VOA rằng Ủy ban Biên giới chung Việt Nam –Campuchia sẽ tổ chức một cuộc họp từ ngày 6/7 đến ngày 9/7 tại Siem Reap, nơi các vấn đề này sẽ được thảo luận.
Các giới chức về biên giới sẽ thảo luận về việc làm đường sá, đào ao và xây dựng một căn cứ quân sự của Việt Nam. Tất cả các hoạt động này đều bị phía Campuchia chỉ trích là xâm lấn.
Nhiều người Việt đội mũ bảo hiểm, cầm gậy gộc và súng đứng đối diện với sư sãi và người Campuchia cầm quốc kỳ
Var Kim Hong cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu họ ngừng các hoạt động này, bởi vì… chúng ta đã chưa hoàn tất phân định bất cứ khu vực hoặc tỉnh nào”. Ông nói thêm: “Chúng ta không nên làm bất cứ thay đổi nào đối với môi trường và chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng, theo tuyên bố chung ngày 17/1/1995”.
Phía Campuchia cho biết có ít nhất 10 người Campuchia bị thương trong cuộc đụng độ hôm Chủ Nhật, dọc theo biên giới của tỉnh Svay Rieng, khi các giới chức của đảng đối lập dẫn đầu một phái đoàn đến điều tra báo cáo về sự xâm lấn. Sau đó họ nói rằng đã bị lực lượng an ninh Việt Nam đánh đập và đẩy lui.
Trong khi đó, Phan Văn On, Chủ tịch xã Bình Hòa Tây giáp với Campuchia, phản bác cáo buộc của Campuchia. Quan chức này nói rằng lực lượng của Việt Nam đã bị hành hung trước.
On nói phía Campuchia đã dùng cán cờ sắt mang theo đánh người dân Việt Nam khiến cho 7 người bị thương.
Var Kim Hong cho biết các cuộc họp tuần tới không phải là để phản hồi vụ xô xát trên, nhưng sẽ giải quyết nó. Cả hai nước láng giềng đều có quyền lợi chéo trong khu vực bất phân ranh giới. Ông nói: “Vì vậy, họ có quyền để ngăn cản chúng tôi”. Ông khuyến khích mọi người “tránh những sự cố và các cuộc đụng độ vô ích”.
Trả lời về việc Campuchia sẽ tìm sự giúp đỡ từ Tòa án Công lý Quốc tế, Var Kim Hong cho biết các giải pháp cho vấn đề biên giới đang được điều tra và giải quyết song phương. “Đầu tiên, chúng tôi phải đánh giá. Chúng tôi không chỉ đi đến tòa án mà không biết bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ khiếu nại điều gì nếu chúng tôi đưa ra tòa?”.
Hong bác bỏ các tuyên bố của Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập rằng trích dẫn bản đồ và địa điểm GPS chính là bằng chứng của sự xâm lấn. Ông nói: “Họ không biết đường biên giới ở đây hay ở kia”. Ông nói thêm: “Đó là một giấc mơ. Hãy để cho chính phủ làm việc và đàm phán”.
Hong cũng bác bỏ kêu gọi của phe đối lập về việc Campuchia nên vô hiệu hóa các hiệp ước với Việt Nam, cả hai hiệp ước trong thập niên 1980 và năm 2005. Hong nói Campuchia có lợi nhiều trong các hiệp định và nước này đang củng cố lại biên giới.