Điểm Báo Pháp – 1-7-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 1-7-2015
Tối 30/06/2015, it nhất 20.000 người xuống đường biểu tình tại Athens ủng hộ bỏ phiếu “thuận” tại cuộc trưng cầu dân ý. – REUTERS/ Yannis Behrakis
Theo RFI – Minh Anh – 01-07-2015

Hy Lạp rồi sẽ đi về đâu?

Như vậy là Athens quyết định không trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, như quốc gia này từng cam kết sẽ trả nợ đúng hạn 30/06. Nhóm quốc gia thành viên trong khối đồng tiền chung eurozone nhóm họp lại sáng nay để xem xét các đề nghị của Athens đưa ra ngày hôm qua, yêu cầu một kế hoạch hỗ trợ tài chính mới. Đây cũng chính là chủ đề nổi bật nhất trên các mặt báo Pháp ngày hôm nay 01/07/2015.

«Hy Lạp: Tsipras và Châu Âu trong cuộc chiến trưng cầu dân ý» là hàng tít lớn trên nhật báo Le Monde. Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày Chủ Nhật 05/07 tới đây, Thủ tướng Hy Lạp một lần nữa kêu gọi người dân bỏ phiếu «chống» về một thỏa thuận «cải cách để đổi lấy tiền cứu trợ». Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker vài giờ trước đó đã nhắc nhở người dân Hy Lạp nên bỏ phiếu «thuận» để cứu đất nước phải ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Và cuộc chiến trưng cầu dân ý đó đã bắt đầu diễn ra. «Hy Lạp mất khả năng thanh khoản, những người ủng hộ Châu Âu biểu tình tại Athens» là tiêu đề thông báo của Le Figaro. Trong lúc các lãnh đạo Châu Âu đã cố gắng tìm kiếm một cơ may cuối cùng cho các cuộc thương lượng, vài giờ sau khi Hy Lạp loan báo không còn khả năng thanh toán, ít nhất 20.000 người đã biểu tình tại Athens kêu gọi bỏ phiếu «thuận» cho cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật này.

Nhìn người cũng phải nhìn ta, Le Figaro còn lên tiếng cảnh cáo «Nợ của Pháp cũng đang tăng tốc». Theo các số liệu thống kê do Insee công bố ngày hôm qua, nợ công của Pháp cũng đã tăng thêm 51,6 tỷ euro trong quý II/2015. Như vậy tổng nợ rất có thể sẽ đạt mức 2100 tỷ, chiếm 97,5% tổng thu nhập quốc dân.

Thế nhưng, đối với kinh tế gia Robert Boyer, trả lời phỏng vấn cho nhật báo thiên tả Libération, «Đối mặt với Liên Hiệp Châu Âu, người dân Hy Lạp là vật hy sinh». Theo ông, các chủ nợ và Châu Âu đã áp dụng một kiểu logic trừng phạt tại Hy Lạp. Các chương trình thắt lưng buộc bụng mà họ áp đặt không nhằm mục đích giúp hồi phụ tăng trưởng kinh tế, mà chỉ nhằm đảm bảo việc hoàn trả nợ cho các dòng vốn tư nhân.

Ông Robert Boyer giải thích: «Tài chính đang dẫm chân lên chính trị. Kể từ khi khủng hoảng đồng euro, các nhà lãnh đạo phát hiện rằng họ đã để cho quyền lực tài chính phát triển một cách lén lút, những chọn lựa đáng lý ra thuộc về người dân (…) Với cuộc khủng hoảng bất động sản tại Hoa Kỳ và hoạt động chuyển nhượng tại Châu Âu, vai trò của giới tài chính ngày càng được khẳng định so với nhu cầu của người dân. Hệ thống tài chính và ngân hàng được cứu trợ mà không có phần bù lại. Và hiếm có những chương trình mới có tính đến việc chống lại tình trạng bấp bênh, việc mở rộng an sinh xã hội và hơn nữa những đòi hỏi của công luận. Do đó, xung đột giữa Hy Lạp và các thành viên khác trong khối euro minh chứng cho những bất ổn này».

Tương lai mịt mù

Như vậy thì «Tương lai của Hy Lạp sẽ đi về đâu?» La Croix đặt câu hỏi. Bởi vì theo chính trị gia Hy Lạp, ông Ioannis Mazis, cho dù kết quả trưng cầu dân ý có như thế nào thì tương lai của đất nước cũng rất bất định.

Đương nhiên, các đối tác Châu Âu là thủ phạm chính đã làm «sụp đổ nền kinh tế đất nước» với những giải pháp «khắc khổ». Ông cũng chỉ trích mạnh mẽ nước Đức, quốc gia đã «từ chối trả khoản nợ thời Đệ Nhị Thế Chiến». Và nhất là tệ nạn tam nhũng: «Đằng sau những kẻ tham nhũng tại Hy Lạp, còn có những kẻ đưa hối lộ không bị trừng phạt, đó là các doanh nghiệp Châu Âu, những người đã đổ tiền vào. Chúng ta đều cùng hội đồng thuyền».

Còn đối với chính phủ Athens thì sao? Ông Mazis cho rằng «không những chính phủ Tsipras đã không thành công trong các cuộc thương lượng mà còn đẩy tất cả mọi người phải xuống đường và yêu cầu người dân phải tự quyết định giữa thảm họa một phần hay là thảm họa toàn phần».

Bởi vì, theo ông, «người Hy Lạp có thể nghĩ gì họ muốn, nhưng nếu bên «chống» thắng, điều đó cũng đồng nghĩa với Grexit, tức là Hy Lạp sẽ ra khỏi Liên Hiệp, nhưng người dân cũng không thể nào một mình xoay sở». Còn nếu như bên «thuận» thắng, điều đó cũng được hiểu bằng một sự bất ổn chính trị. Ông Alexis Tsipras đã đặt nhiệm kỳ của ông lên bàn cân khi tuyên bố: «Tôi không phải là một Thủ tướng ngồi giữ chỗ cho dù trời mưa hay là gió».

Cuối cùng, điều làm ông Mazis lo lắng nhất là các bên đã để quá mất nhiều thời gian, do đó lãi suất ngày càng đè nặng lên Hy Lạp một cách nguy hiểm.

Khan hiếm nguyên nhiên liệu đe dọa cuộc sống nhân loại

Ngoài chủ đề Hy Lạp nóng bỏng, thì tình hình «sức khỏe» của hành tinh xanh chúng ta cũng là một chủ đề khá nổi bật, được nhiều nhật báo quan tâm đến. Les Echos tỏ ra bi quan cho nhân loại khi thấy là «Nhiều thứ khan hiếm đang đe dọa nhân loại».

«Sau người Maya của Yucatan, dân cư cổ đảo Pâques, những người Vikings vỳng Groenland hay Khmer của Angkor, sẽ đến lượt chúng ta cũng bị biến mất do nạn phá rừng, khai thác đất bừa bãi và nhất là rút cạn nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được?», là câu hỏi lớn của tờ nhật báo kinh tế này.

Một vài số liệu đưa ra khiến ta không khỏi chóng mặt. Kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, dân số thế giới đã tăng gần gấp ba lần trên hành tinh. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, mức tiêu thụ nhiều nguồn tài nguyên khác nhau cũng tương đương với mức trong khoảng thời gian từ khi con người mới xuất hiện cho đến năm 1945. Nhiều thứ gần đây đã tăng tốc một cách đến chóng mặt. Năm 1990, thế giới cần chưa tới 43 triệu tấn kim loại cho sản xuất. Nhưng đến năm 2012, nhu cầu đó tăng hơn gấp hai lần (91 triệu tấn), theo như số liệu do Ngân hàng Thế giới đưa ra. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất, mức nhu cầu tăng từ 4% lên 45%.

Với nhịp độ này, nền văn minh của chúng ta có nguy cơ sụp đổ ngay trước mắt. Đây cũng là giả thuyết do hai nhà khoa học Pablo Servigne và Raphael Stevens đưa ra, trong một bài tiểu luận đề tựa: «Làm thế nào mọi thứ có thể sụp đổ?» công bố hồi mùa xuân năm nay. Theo hai nhà nghiên cứu, «Nếu chúng ta rút hết dầu, khí và than, thì sẽ chẳng còn gì nhiều cho nền văn minh nhiệt công nghiệp của chúng ta. Hầu như tất cả những gì chúng ta biết đều lệ thuộc: giao thông, lương thực, quần áo, sưởi,…». Do bởi, chúng ta đã đạt đến đỉnh của sản xuất năng lượng, và những mỏ khai thác và kim loại chính đều có cùng số phận.

Những thành phố đi tuyến đầu chống khí hậu ấm dần

Tờ Libération có vẻ lạc quan hơn cho rằng chúng ta vẫn còn có cơ hội để khắc phục. Trên trang nhất, nhật báo chạy hàng tựa ấn tượng «Khí hậu: Những thành phố đang làm mát lại». Trong bầu không khí chuẩn bị Hội nghị Paris về Khí hậu, diễn ra vào cuối năm nay, Libération cho biết nhiều thành phố trên thế giới có những ý tưởng mới để chống lại hiện tượng khí hậu ấm dần.

Theo tờ báo có tổng cộng có đến 10 điểm trên thế giới đưa ra nhiều sáng kiến để làm mát thành phố của mình. Chẳng hạn như, tại Helsinki, Phần Lan, chính phủ dự định cấm xe trong thành phố từ đây cho đến năm 2025. Để làm được điều đó, thành phố sẽ phát triển hệ thống phương tiện công cộng và một hệ thống di chuyển theo nhu cầu.

Thành phố Durban của Nam Phi sẽ tái sử dụng chất thải như nguồn năng lượng. Nguồn khí thải từ các nhà máy xử lý chất thải sẽ được sử dụng để sản xuất ra năng lượng. Hay tại Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso, Châu Phi, sẽ thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Một trung tâm năng lượng tái tạo mới vừa được khởi động xây dựng tại Zagtouli.

Không chỉ trong năng lượng, nguồn cung cấp thực phẩm cũng có thể được sản xuất ngay tại các thành phố lớn như tại Todmorden, Anh Quốc. Các vườn rau được trồng khắp nơi trong thành phố, từ trường học, đến trước cửa bưu điện hay như dọc theo con kênh…, đủ để nuôi sống miễn phí 15.000 cư dân địa phương.

Nhật báo bình luận, nhiều nơi hiểu rằng họ phải hành động và không nên chờ đợi hình mẫu từ trên đưa xuống. Các thành phố phải đi đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, bởi vì từ đây đến năm 2050, các thành phố lớn phải nuôi dưỡng đến 75% dân cư hành tinh. Do đó, những biến đổi khí hậu vào lúc đó có thể sẽ rất ngoạn mục và có những tác động kèm theo.

Theo những ví dụ điển hình đó, thành phố lý tưởng là một thành phố : không ô tô, không rác thải (hoặc là năng lượng hóa rác thải), được thắp sáng bằng năng lương tái tạo và phủ đầy vườn rau xanh. Phải chăng có quá lý tưởng lắm không?, Libération tự hỏi. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là một tin tốt lành. Chỉ có là phải có thời gian mà thôi, nhật báo kết luận.

Nuôi con: đắt rẻ thế nào?

Về chủ đề xã hội, nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến chính sách cải cách về trợ cấp nuôi con mới đây của chính phủ Pháp. Kể từ ngày hôm nay, tiền trợ cấp nuôi con cho khoảng 500.000 hộ gia đình sẽ bị giảm từ đến một nửa, thậm chí có những hộ bị giảm đến 4 lần.  Ngoài ra, nhật báo cũng muốn tìm hiểu xem «Một đứa trẻ tại Pháp ngốn hết bao nhiêu tiền?». Đây cũng là tít chính trên trang nhất.

Ngoài phần này ra, chi phí thật sự cho một đứa trẻ là bao nhiêu? Thật khó mà nói được. Bởi ngân sách dành cho trẻ dao động đáng kể theo từng hộ gia đình, tùy theo nơi ở, kích cỡ gia đình, tuổi của trẻ, thu nhập của cha mẹ và cả cách nuôi dạy con nữa.

Nhìn chung, một gia đình chỉ có 1 con, từ lúc sinh ra cho đến 14 tuổi, nguồn ngân sách dành cho con chiếm đến 20% thu nhập hộ gia đình, 30% trên 14 tuổi. Trong gia đình một con, một cha hoặc mẹ, một đứa con chiếm đến 1/3 ngân sách, thiếu niên là 50%.