Phản biện bài báo “Tự do báo chí không phải là vô hạn” của Thứ trưởng CSVN Trương Minh Tuấn
Thứ trưởng CSVN Trương Minh Tuấn mang hàm tiến sĩ, là cán bộ tuyên giáo kỳ cựu. Ảnh: VTC.
Theo Dân Luận – 18/06/2015 – Dương Hoài Linh – Tác giả gửi tới Dân Luận
Để chuẩn bị cho kỷ niệm ngày “Báo chí cách mạng” 21/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có bài viết “Tự do báo chí không phải là vô hạn” đăng trên Vietnamnet ngày 9/6/2015. Nội dung bài báo tập trung làm nổi bật vấn đề: “Tự do báo chí phải căn cứ vào sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia và hệ thống luật pháp của quốc gia ấy, cùng với những tiêu chí của nền văn hóa mà trực tiếp là đạo đức. Thế nhưng toàn bài báo là một sự cắt xén các ý tưởng về tự do, về báo chí của các nhà triết học, của Mác – Ănghen và tự do ngôn luận phương Tây để phục vụ ý đồ rõ ràng: báo chí phải chịu sự kiểm duyệt, sự bảo hộ của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Mở đầu bài báo tác giả đề cập đến nhà triết học người Anh John Stuart Mill và luận điểm gần giống với C. Mác: “Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người.“
Do đó, ở đâu có báo chí, ở đấy có tự do báo chí (C. Mác và Ph. Ăng ghen Toàn tập, Tập 1 – NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, H. 1995, tr. 85), Bản chất của báo chí tự do, – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức tự do (C. Mác và Ph. Ăng – ghen Toàn tập, Sđd, tr. 89).
Thế nhưng tác giả đã quên một luận điểm quan trọng của Jonh Stuart Mill là: “Người cầm quyền phải được đồng nhất với nhân dân, rằng quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia”.
Các Mác cho rằng báo chí trên đời chỉ có hai loại, không có loại thứ ba. Báo chí Tự do hoặc báo chí Kiểm duyệt. Và câu nói đầy đủ của C. Mác là: “Báo chí nói chung là sự thực hiện Tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí.” (Mác – Ăng Ghen toàn tập tập I tr 84 NXB CTQG).
Mác nói rõ hơn: “Bản chất của báo chí tự do, đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. Tính cách của báo chí kiểm duyệt – đó là sự quái dị không có tính cách của sự thiếu tự do, đó là quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa”. (sđ tr89). Ông khẳng định “Luật kiểm duyệt không phải là luật mà là biện pháp cảnh sát, thậm chí còn là biện pháp cảnh sát tồi…” (sdd tr98).
Thế nhưng Trương Minh Tuấn lại cho phép mình xuyên tạc ý tưởng của Mác bằng lập luận: “C. Mác coi đối lập báo chí tự do là con quái vật được văn minh hóa nhưng ông không phủ nhận sự kiểm duyệt chân chính bắt rễ từ bản chất tự do của báo chí là sự phê bình. C. Mác cũng cho rằng báo chí tự do phải có luật báo chí bảo đảm.” Ý đồ đã lộ rõ một cách khá ngang nhiên và áp đặt!
Từ đó tác giả khẳng định “Luật báo chí” của Việt nam là đúng với quyền”tự do ngôn luận”:
“Luật Báo chí năm 1989 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí (ngày 12 – 6 – 1999) đã thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân” (Trích)
Thực tế thì: Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 hoàn toàn bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, cấm hẳn báo chí tư nhân dưới mọi hình thức. Các loại báo chí công khai và chính thức tại VN hiện thời đều nằm trong tay Đảng Cộng sản. Luật Hình sự bổ sung sửa đổi năm 2013 (với các điều 79, 88, 258) là công cụ đàn áp các tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền. Đây là một sự phỉ báng khá trắng trợn vào nhận thức của người đọc. #danluan
Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 có nội dung khái quát nhưng đầy đủ về tự do ngôn luận. Điều này khẳng định tự do về tư tưởng và tự do bày tỏ các ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Công dân có quyền nói viết, phổ biến tự do các ý kiến của mình, trừ trường hợp lạm dụng quyền tự do ngôn luận bị pháp luật ngăn cấm.
Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 trong điều 19 công nhận công dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến, và không phải lo lắng về các ý kiến được thể hiện. Tự do ngôn luận gắn với việc đón nhận, phổ biến và tìm kiếm thông tin dưới bất kì hình thức nào, và không có ranh giới về thông tin.
Phán quyết có tên Fressoz et Roire c. France, ngày 21 tháng 11 năm 1999, Tòa án về quyền con người đánh giá: “Tự do ngôn luận không chỉ gắn liền với những thông tin hay ý tưởng tích cực được con người đón nhận vui vẻ vì đó là những thông tin không mang tích chỉ trích và không gây bất lợi. Tự do ngôn luận còn thể hiện qua các thông tin gây lo lắng, gây sốc, đụng chạm đến nhiều vấn đề bởi vì tự do ngôn luận thể hiện sự đa dạng các nguồn thông tin, cùng với sự cảm thông và trí tuệ rộng mở, không có những điều ấy, đó không phải là xã hội dân chủ”.
Báo chí trong xã hội dân chủ trở thành phương tiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị. Trong một thể chế tam quyền phân lập báo chí có quyền lực thứ tư còn quan trọng hơn cả ba quyền kia. Báo chí trở thành công cụ đối trọng của chính trị. Báo chí phát hiện tham nhũng, tố cáo thói lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền. Báo chí góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đồng thời đề cao các giá trị đạo đức, nâng cao dân trí. Vì thế, để đảm báo tính khách quan, trung thực của thông tin, xã hội dân chủ rất coi trọng đến tính độc lập và đa chiều của các tờ báo. Báo chí tư nhân được phép hoạt động.
Báo chí đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Nhà báo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi thể chế chính trị độc đoán sang thể chế dân chủ theo cách ôn hòa, vì vậy, họ cần nhận được sự chăm sóc và quý trọng của toàn xã hội. Khi tự do báo chí được tôn trọng, đó sẽ là điểm khởi đầu của một xã hội dân chủ.
Tác giả Trương Minh Tuấn nhận định: “Về nguyên tắc, luật pháp các quốc gia công nhận quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đó không phải là tự do vô hạn dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước.“
Đây là một nhận định áp đặt và sai lầm. Quyền tự do của báo chí là có hạn nhưng không phải như tác giả viết. Theo Thomas Jefferson dựa trên lý thuyết của John Locke, một triết gia người Anh thế kỷ 16 thì:
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.“
Thể hiện quyền tự do ngôn luận phải tuân theo pháp luật và các giá trị đạo đức, tự do ngôn luận cần tôn trọng các quyền tự do khác như quyền được sống, quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự, quyền tôn trọng đời sống riêng tư… Các quyền này có thể hạn chế tự do ngôn luận trong những hoàn cảnh cụ thể.
“Tự do ngôn luận trong khuôn khổ của luật pháp và tôn trọng các nguyên tắc về đạo đức” được thể hiện trong pháp luật các nước dân chủ như sau:
Hiến pháp cũng như các đạo luật đều đưa ra những giới hạn nhất định của tự do ngôn luận mà con người cần phải tôn trọng: Kích động hận thù, cổ vũ bạo lực, khuyến khích phân biệt chủng tộc, khơi mào cho các xung đột chính trị và tôn giáo, xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của con người. Tất cả những lí do này đều bị nghiêm cấm, con người không thể lợi dụng tự do ngôn luận để ủng hộ cái ác hay bênh vực những điều trái với các giá trị đạo đức.
Bảo vệ nhân phẩm và danh dự của con người cũng trở thành những điều kiện cho phép quan tòa hạn chế tự do ngôn luận bằng cách cấm xuất bản hay thu hồi lại các tài liệu và văn bản sai sự thật vu khống và nhục mạ con người, nhất là khi nạn nhân là những đối tượng cụ thể.
Tác giả cũng đã lập lờ khi đưa vào nhận định sau đây: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực… Những quy định chặt chẽ đó không ngoài mục đích ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác…“
Đúng là nghiêm cấm tự do báo chí kích động lật đổ chính quyền bằng bạo lực nhưng không hề cấm báo chí tuyên truyền cổ vũ cho người dân lật đổ một thể chế chính trị không còn phù hợp theo phương pháp bất bạo động. Đó là một trong những quyền chính đáng của con người: quyền “thay đổi chính quyền”. Và quyền này đúng luật pháp quốc tế.
Tác giả viện dẫn: “Ngay tại phương Tây, sự kiện thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) vừa qua gây nhiều tranh cãi và chính Giáo hoàng Francis cũng phải lên tiếng về mức độ tự do báo chí không phải là vô hạn khi tự do đó mang tính xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.” (Trích)
Quan điểm này của Giáo Hoàng đã bị tất cả các lãnh đạo phương Tây và ngay cả tổng thống Nga Putin không đồng tình: “Không có gì có thể biện minh cho việc vi phạm pháp luật bằng bạo lực của nhóm khủng bố”. Và các nhà báo Charlie không hề vi phạm pháp luật nước Pháp về quyền”tự do ngôn luận’.
Cuối cùng tác giả đưa ra kết luận:
“Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng hơn nữa, báo chí Việt Nam không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến mà còn phản biện, góp ý cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.“
Đây là sự ngụy biện, bởi báo chí Việt nam viết cùng một giọng điệu, thực hiện cùng một chủ trương, tuyên truyền một đường lối và tất cả “phản biện đều là hình thức.
Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, đặc biệt là các Điều 88 (quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam”), Điều 258 (quy định “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”), Điều 263 (quy định về “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”) và Điều 264 (quy định về “Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước”), từ nhiều năm nay được sử dụng làm công cụ pháp lý để chính quyền bắt giam những ai công khai thực thi quyền tự do ngôn luận của mình bằng cách đưa và bình luận các tin tức mà chính quyền không muốn công chúng biết.
Một vụ khủng hoảng báo chí quy mô rộng lớn đã xảy ra sau khi vụ PMU18 tạm thời đóng lại và bất ngờ ông Nguyễn Việt Tiến, một trong những nghi can chính trong vụ PMU18 được trả tự do trong năm 2008. Nhiều tờ báo đã bị lôi cuốn vào cuộc khủng hoảng này, nhất là các báo Thanh niên và báo Tuổi trẻ – những tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam. Lần đầu tiên có nhiều nhà báo cùng bị thẩm vấn, điều tra và phải ra tòa. Sau khi xảy ra sự việc, các báo chí, đặc biệt Tuổi trẻ và Thanh Niên đã đặt những nghi vấn như “Tại sao? “, “Những câu hỏi chờ được trả lời! “, “Bảo vệ những nhà báo chân chính và công lý! ” đối việc bắt giam Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.
Một loạt các nhà báo và blogger bị bắt vì điều 258 như Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ và mới đây là Kim Quốc Hoa.. đã cho thấy nhận định trên là không chính xác
Ngày 12/02/2015 tại Paris. trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175, nằm trong số nước có tình trạng tự do ngôn luận tồi tệ nhất, chỉ hơn được Trung Quốc (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Triều Tiên (179) và Erythrea đội sổ.
Như vậy ngày 21/6 “ngày báo chí cách mạng” chỉ là một tên gọi đầy ngụ ý mỉa mai. báo chí chính thống không phải là tấm gương phản ánh cuộc sống, nguyện vọng của người dân mà chỉ là công cụ của giới cầm quyền. Và theo khảo sát của tổ chức Gallup thì hiện có 60% người đọc không còn tin vào báo chí lề phải mà chỉ tin vào các blog. Cho dù có ngụy biện, cắt xén, áp đặt thế nào thì Thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn vẫn không che lấp được sự thật là dưới trướng ông đang ngày càng nhiều những”nhà báo nói láo ăn tiền”, là bọn bồi bút bất kể lương tâm người làm báo. Và chỉ có như lời Cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński (1949 – 2010):
“Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất luôn luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại sự công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp“.