Điểm báo Pháp – 26-6-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm báo Pháp – 26-6-2015

Tài xế taxi Paris giận dữ chặn một trục lộ chính chống dịch vụ xe UberPOP, ngày 25/06/2015.- REUTERS/Charles Platiau

 Theo RFI Tú Anh 26-06-2015

Taxi Pháp đốt xe UberPop: cao bồi Pháp chống cao bồi Mỹ

Bạo động tại Paris và nhiều tỉnh lớn trong ngày bảo vệ quyền lợi của giới Taxi. Nga lo ngại xảy ra cách mạng dân chủ tại Armenia. Hy lạp làm Châu Âu căng thẳng thần kinh. Bắc Kinh «diễn kịch» thượng tôn pháp luật trong khi những bàn tay mềm tìm cách lay chuyển một xã hội vô cảm. Đây là những chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay 26/06/2015.

Bất bình vì chính phủ Pháp chậm chạp thực hiện lời hứa ngăn cấm dịch vụ taxi song hành không bảng hiệu, không đóng thuế, UberPop, gần 3000 tài xế taxi truyền thống đã tham gia một ngày phản kháng đưa đến bạo động đốt xe suốt ngày thứ năm 25/06/2015 nhất là trên các trục giao thông dẫn đến phi trường.

Hôm nay, dưới bức ảnh  một chiếc xe sang trọng bị lật đưa bốn bánh lên trời, nhật báo Le Figaro đề tựa: Chính phủ Pháp bất lực vì chiến tranh taxi. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi: Tại sao chiến tranh taxi làm rung chuyển nước Pháp? Theo Les Echos, một bên là hành động tranh đấu bạo động của giới taxi bảo vệ nồi cơm và bên kia là cách làm ăn bất chính của UberPop, chi nhánh của một tập đoàn quốc tế ở California. Chính phủ đứng giữa bất lực, mọi phe đều thiệt hại.

Trong bài phân tích «Cao bồi chống độc quyền», nhật báo Le Monde nhắc lại thế trận của «hai phe». Một bên là giới taxi chuyên nghiệp, được đào tạo, đầu tư từ 200 ngàn đến 350 ngàn để được giấy phép hành nghề, cái giá phải trả để được bảo vệ độc quyền. Bên kia là tập đoàn Uber ở California, với doanh số 40 tỷ đôla, đã phát triển mạnh nhờ khai thác kỹ thuật số, điện thoại «thông minh» (đa năng) để phá vỡ thế độc quyền của taxi  truyền thống tại nhiều nước trên thế giới.

Theo Le Monde, nếu Uber tôn trọng đạo luật hiện hành cấm hành nghề lậu (luật Thévenaud được Quốc hội biểu quyết vào tháng 10/2014) thì tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Vấn đề  là Uber tiến thêm một bước thành lập UberPop, xâm nhập thị trường Pháp từ một năm nay cho phép chủ nhân một chiếc xe du lịch, không được đào tạo chuyên môn, không bảo hiểm xã hội, sử dụng xe riêng của mình để chở khách  với giá rẻ hơn. Tình trạng này đã gây bất bình cho ngành taxi truyền thống, chưa kể chiến lược «cao bồi» của chủ nhân  Uber.

Tay tỷ phú này tuyên bố thẳng thừng «mở trận đấu chính trị với taxi». Tại Pháp, cũng như tại nhiều nước, Uber sử dụng mọi phương tiện tài chính và nhân sự cùng những lắt léo của pháp luật, kể cả dựa vào Hiến pháp của quốc gia sở tại, để chống án, câu giờ và tiếp tục làm ăn, làm giới taxi chuyên nghiệp  nổi đóa. Tuy nhiên, theo Le Monde, giới taxi truyền thống phải tự trách mình trước. Mọi người đều biết hệ thống taxi hiện nay không đủ xe  phục vụ khách hàng, giá cả lại đắt, dịch vụ thiếu chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ cạnh tranh. Theo Le Monde, giải pháp tốt đẹp nhất là thay vì «cố thủ», taxi Pháp lẽ ra phải tự canh tân  từ 10 năm nay. Vì không phản ứng kịp lúc, ngày nay họ chỉ còn con đường duy nhất là tự vệ sống còn với một phương pháp cũng thuộc loại «cao bồi», không thể chấp nhận được.

Đối với Le Figaro, khó khăn của taxi truyền thống chỉ là trường hợp điển hình của sự tiến hóa xã hội và công nghệ: Giới trẻ thích sử dụng dịch vụ UberPop hơn là gọi taxi. Vấn đề là chính phủ, giới trách nhiệm chính trị phải tiến cùng vận tốc với thời đại nếu không kỹ thuật số sẽ biến thế giới thành rừng hoang. Viễn ảnh này được nhật báo cánh tả Liberation gọi là «Uber hóa xã hội». Kinh tế cổ truyền sẽ bị đào thải theo thuyết tiến hóa của Darwin: cái cũ bị hủy hoại để được thay thế bằng cái mới. Biến thành Uber hay bị Uber đập tan. Đó mới là vấn đề.

Phụ nữ Trung Hoa chống chế độ công an trị bằng hành động khôi hài

Liên quan đến thời sự Châu Á, Le Monde giới thiệu  cuộc tranh đấu của «5 phụ nữ Bắc Kinh». Hai tháng sau khi ra tù, các cô này đã nhập trận trở lại bất chấp bị cảnh sát theo dõi. Vũ khí của họ: chế diễu chế độ bằng hành động khiêu khích.

Ba trong số 5 người là Lý Đình Đình, Vị Đình Đình và Trịnh Châu Thường tham gia thi phô trương «ảnh lông nách » do một nhà tranh đấu nữ quyền khác tổ chức trên mạng.  Đề tài «khiêu khích» mà các giải thưởng cũng mang tính khiêu khích: Một hộp bao cao su, một dụng cụ xoa bóp bộ phận sinh dục và một bộ phận giúp phụ nữ đứng tiểu tiện. Để chống tệ nạn trọng nam khinh nữ, sách nhiễu tình dục và nhà nước công an trị, 5 người, tuổi từ 24 đến 30,  đi tiên phong trong hoài bão làm tiến hóa xã hội Trung Hoa.

Tháng Tư năm nay, công luận TC và thế giới không khỏi bất bình vì 5 phụ nữ trẻ bị bắt giam với tội danh «gây rối loạn trật tự». Phóng viên Le Monde từ Bắc Kinh cho biết cuộc thi «ảnh lông nách» này được rất nhiều người tham gia và công đồng mạng làm giám khảo với hơn 40 tấm ảnh đủ kiểu. Vi Tinh Tinh được hạng nhì và cho biết cô hãnh diện «chấp nhận khoe thân mình để được can đảm hơn».

Từ hành động đơn độc «đánh chiếm nhà vệ sinh» của nam giới để đánh động công luận hay mặc «quần lót có ổ khóa» lên xe metro để tố cáo tệ nạn sách nhiễu tình dục, giờ đây «ngũ nương Bắc Kinh» đã được hàng triệu người ngưỡng mộ. Ngược lại, công an Hoa lục không để yên cho họ. Tổ chức thiện nguyện tuyển dụng Vũ Vanh Vanh và Trịnh Châu Thường bị đóng cửa, điện thoại, máy vi tính cá nhân bị tịch thu. Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, đặt trụ sở tại Hồng Kông, nhân danh chống «thế lực thù địch», an ninh TC đã tiến hành hàng loạt vụ áp bức và bắt giam ít nhất hai nhân vật trong phong trào bảo vệ người tàn tật và chống phân biệt đối xử.

«Lãnh đạo TC sẽ tuyên thệ» như các Tổng thống Âu Mỹ

Quốc hội TC do đảng Cộng sản độc quyền kiểm soát sẽ biểu quyết dự luật quy định lãnh đạo từ chủ tịch xuống bộ trưởng sẽ tuyên thệ trung thành với Hiến pháp. Theo Le Figaro, đây là một bước trong quyết tâm của TC «cai trị theo luật pháp». Tuy nhiên, đây chỉ là «nước sơn dân chủ» phủ lên một chế độ độc tài.

Hành động «diễn kịch» rất thô sơ. Ngay truyền thông nhà nước cũng lớn tiếng cảnh báo «không theo các nền dân chủ Tây phương, cội nguồn của rối loạn». Chỉ đạo số 9 của đảng Cộng sản cũng công kích điều mà họ gọi là «dân chủ hiến định» và mô tả đó nguy cơ đe dọa quyền lãnh đạo của đảng. Trên mạng xã hội, nhiều tiếng nói can đảm chỉ trích. Le Figaro trích dẫn: «Không có thay đổi chế độ thì mọi cải cách bề ngoài không che giấu được ai. Tôi không có quyền đi bầu lãnh đạo? Vậy thì lãnh đạo tuyên thệ chỉ là trò hề».

Putin sợ cách mạng màu tại Armenia

Armenia, láng giềng Trung Á của Nga đang bị chấn động vì phong trào đấu tranh chống tăng giá điện từ hơn tuần qua. Theo Le Figaro, từ Matxcơva,  tổ chức chống Maidan, tên của quảng trường ở thủ đô Ukraina, phát xuất phong trào biểu tình lật đổ chính quyền thân Nga, lập tức ra một danh sách các hiệp hội phi chính phủ Tây phương bị xem là đứng sau phong trào dân chúng Armenia: người biểu tình mặc áo thun in  cờ Mỹ là bằng chứng.

Tại Erevan,  những luận điểm này do các đài truyền hình Nga loan tải đã gây phản ứng bất bình. Một nhà trí thức Armenia nhận định: Không hiểu sao người Nga có thể bình luận một cách sĩ nhục Armenia như thế? Một phụ nữ so sánh: Ở Maidan, người Ukraina biểu tình vì Kiev quay lưng lại với Châu Âu còn ở đây người dân xuống đường chống giá điện đắt đỏ. Theo Le Figaro, do công ty điện lực ở Armenia có liên hệ mật thiết với nhóm năng lượng Nga RAO, và gần đây nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra chống Tổng thống Sarkissian, thân Nga, nên Matxcơva vội lên tiếng cảnh báo «cách mạng màu» đe dọa quyền lợi Nga tại Armenia.

Le Monde cũng cho biết các cuộc biểu tình ở Armenia đang gây lo ngại cho Putin. Chính quyền và truyền thông Nga tố cáo điều mà họ gọi là «Điện khí Maidan» do Washington giựt dây. Theo một lãnh đạo phong trào chống giá điện tăng thì cuộc biểu tình đã phát triển mạnh và không thể lùi bước. Richard Giragosian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực thẩm định: «Phong trào phản kháng có thể thành công đi đến một tình trạng chuyển đổi tình thế. Những đoàn người tham gia xuống đường cảm thấy chiến thắng gần kề. Mọi biện pháp đối phó của chính quyền đều quá muộn».

Hy Lạp: Alexis Tsipras, nhà thương lượng đại tài

Với tựa: «Thủ tướng Hy Lạp làm Châu Âu căng thẳng thần kinh», nhật báo La Croix thẩm định: 6 tháng sau ngày nhậm chức thủ tướng Hy Lạp, nhà chính trị cánh tả, từ một chính trị  gia ít kinh nghiệm quốc tế, đã thành công duy trì mục tiêu đi tới: chính trị hóa hồ sơ nợ tài chính.

Ông biết nhận ra đâu là những điểm quan trọng cần phải nêu lên đúng chỗ đúng lúc. Do vậy, tiến trình thương lượng có vẻ kéo dài bất tận. Tuy nhiên chiến thuật này đã làm cho các đối tác ngao ngán và bực mình. Ngày 30/06, kỳ hạn  trả nợ đã đến: Tsipras và Châu Âu phải tỏ rõ lập trường. Vấn đến khó khăn, theo nhật báo Công giáo, là không bên nào muốn để lịch sử lên án là thủ phạm đưa Hy Lạp ra khỏi vùng đồng tiền chung euro.

Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, cản lực ngăn chận một thỏa hiệp tài chính với Hy Lạp cũng là chính trị.

Đó là sự xung khắc «nguy hiểm» giữa Pháp và Đức. Chính phủ Pháp không bị vướng bận vì tâm lý công luận, Tổng thống Hollande khuyến khích Hy Lạp chấp nhận nhượng bộ để được trợ cấp. Thủ tướng Đức, dưới sức ép của phe dân biểu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, muốn Hy Lạp ra đi, đã phải đưa ra những lời tuyên bố gây áp lực. Cụ thể là trong khi ông Holland tuyên bố «đã gần đạt được thỏa thuận» thì bà Merkel nói ngược lại «đàm phán chưa có tiến triển nhiều». Trong khi đó thì lãnh đạo Hy Lạp cần một thông điệp rõ ràng để thuyết phục nội bộ của mình. Cuộc đấu trí giữa Hy Lạp và các chủ nợ sẽ kéo dài đến phút cuối cùng, Les Echos kết luận.