Tin Việt Nam – 24/6/2015
Mỹ yêu cầu Việt Nam giảm bớt lệ thuộc vào nguyên liệu từ TC
Nhằm mục đích nâng đỡ các nhà xuất khẩu của Mỹ, Hoa Kỳ yêu cầu các nước gia nhập khu vực thương mại Thái Bình Dương hãy giảm thiểu hàng hoá nhập khẩu từ TC.
Báo Wall St. Journal nói rằng đây là một đề nghị sẽ gặp sự kháng cự của các doanh nghiệp và các giới chức cho rằng làm như vậy sẽ gây gián đoạn cho các đường dây tiếp tế của họ.
Dự kiến Thượng Viện Mỹ sẽ thông qua luật pháp trao thêm quyền cho Tổng Thống Obama để thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với 12 nước đối tác, trong đó có Việt Nam.
Muốn được thông qua, các nhà thương thuyết thương mại Mỹ đòi Việt Nam, một nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu, phải giảm bớt sự lệ thuộc vào vải sợi do TC sản xuất, bởi vì nước này không phải là một đối tác trong Hiệp định TPP.
Các nhà thương thuyết Mỹ nói nếu Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Mỹ với quy chế ưu đãi, thì Việt Nam phải tạo thị trường mới cho ngành công nghiệp vải sợi Mỹ, ngành mướn tới 250,000 công nhân, với trị giá hàng xuất khẩu lên tới 20 tỉ đô la năm ngoái.
Như vậy, thay vì TC, Việt Nam sẽ phải xoay sang nhập vải sợi từ Hoa Kỳ và Mexico, một đối tác khác trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. – Theo VOA
Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông
Máy bay trinh sát P3C của Nhật Bản cất cánh từ một căn cứ không quân.
24.06.2015
Một cuộc diễn tập hải quân quy mô nhỏ tại Philippines trong tuần này có thể báo hiệu một sự kiện quan trọng, đó là sự tham gia của Nhật Bản vào cuộc tranh chấp giành quyền kiểm soát Biển Đông.
Hãng tin AP hôm 23/6 tường thuật rằng tham gia cuộc diễn tập với Philippines, có một máy bay trinh sát P-3C và khoảng 20 binh sĩ Nhật.
Cuộc diễn tập diễn ra ở ngoài khơi đảo Palawan, một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, không xa các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Philippines và TC.
Trong khi máy bay P-3C được dùng cho cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn, máy bay này cũng là một công cụ hùng hậu của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản, được sử dụng trong các phi vụ theo dõi. Theo AP, máy bay trinh sát của Nhật có thể giúp Hoa Kỳ theo dõi các hoạt động của hải quân TC trên Biển Đông.
Hãng tin AP trích lời ông Narushige Michishita, một chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nói rằng trong tương lai, “chúng ta sẽ chứng kiến Nhật Bản tham gia các phi vụ trinh sát trện Biển Đông, cùng hợp tác với Hoa Kỳ, Australia, Philippines và các nước khác”.
Một nhà phân tích an ninh thuộc đại học Freie ở Berlin, Corey Wallace, nhận định rằng chính phủ đương nhiệm ở Nhật Bản đang thiết lập sẵn những cơ chế về pháp lý và quân sự cần thiết để chuẩn bị cho tình huống Nhật Bản có thể can dự trực tiếp vào tình hình Biển Đông.
Nhà phân tích này cho rằng với hành động mới nhất, Nhật Bản dường như muốn ra hiệu cho thấy sự nghiêm túc của chính phủ nước này trong việc cân nhắc một quyết định chung cuộc về vai trò của họ trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông trong những tháng ngày sắp tới.
Nếu xảy ra, động thái này sẽ tăng căng thẳng với TC, vốn đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền của các hòn đảo trong biển Hoa Đông, xa hơn về hướng Bắc.
Bản tin cho rằng trong nội bộ Nhật Bản, động thái đó cũng sẽ bị chống đối bởi những người tin rằng quân đội Nhật Bản nên tránh can dự vào các cuộc tranh chấp ở nước ngoài.
Phát ngôn của Bộ Ngoại giao TC, Lục Khảng đã bày tỏ quan ngại về cuộc diễn tập Mỹ-Phi. Lục nói TC hy vọng “các bên không cố tình gây thêm căng thẳng, mà nên đóng góp cho hoà bình ổn định khu vực, thay vì làm ngược lại’.
Phát biểu tại Tokyo trong một chuyến đi thăm Nhật Bản mới đây, tân Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, hoan nghênh việc Nhật Bản sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn để bảo vệ an ninh khu vực, trong bối cảnh Washington trông đợi sự tiếp tay của Nhật Bản, Australia và các đồng minh khác để đối đầu với thách thức của Bắc Kinh, muốn giành thế thượng phong của hải quân Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.
Trong khi đó chưa có dấu hiệu gì là những căng thẳng trong cuộc tranh chấp Biển Đông đang được xoa dịu, giữa lúc TC đã gần hoàn tất việc xây các phi đạo trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết xây cất trong vùng biển tranh chấp. Trang mạng Focustaiwan của Đài Loan dẫn nguồn tin từ một nhật báo ở Hong Kong nói Bắc Kinh có thể triển khai các chiến đấu cơ J-11 tới các đảo tân tạo ở quần đảo Trường Sa, mà TC gọi là Nam Sa.
Một phúc trình ngày 21 tháng 6 đăng trên tờ South China Morning Posttường thuật rằng động thái này nếu được tiến hành, sẽ nới rộng đáng kể phạm vi hoạt động của quân đội TC tới những khu vực cách xa căn cứ quân sự của TC trên đảo Hải Nam.
Phúc trình này nói thêm rằng các phi cơ J-11, do TC chế tạo dựa trên thiết kế của chiếc Su-27 của Nga, không phải là đối thủ của máy bay hiện đại của không quân Hoa Kỳ.
David Tsui, một chuyên gia quân sự tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, nói rằng không như máy bay J-15 hiện đại hơn, máy bay J-11 chỉ có thể được sử dụng để bảo vệ 7 hòn đảo mới trong Biển Đông, nhưng không đủ khả năng để chống chọi với các chiến đấu cơ F-22 và F-35 mà Hoa Kỳ đang sử dụng. Tsui nói Bắc Kinh biết rằng nếu họ dùng vũ lực để tìm cách giải quyết các cuộc tranh chấp trong Biển Đông, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ra tay can thiệp.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy là cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã được quốc tế hoá, tờ The Diplomat hôm nay đăng một bài báo mang tựa đề ‘Biển Đông cần tới Nam Triều Tiên’, bài báo phân tích vì sao Seoul không thể khoanh tay đứng yên trước tình hình Biển Đông được nữa.
Tác giả bài viết nói rằng các giới chức Mỹ mới đây kêu gọi Nam Triều Tiên hãy đóng một vai trò trong Biển Đông, dựa trên lập luận là Nam Triều Tiên có quyền lợi gắn liền với khu vực này, và đây là một cơ hội, cũng như một nghĩa vụ của Seoul, phải đóng góp để duy trì ổn định trong khu vực, chống đối những hành động dùng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
GS Trần Văn Khê qua đời tại Saigon, thọ 94 tuổi
Một cây đại thụ của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam là Giáo sư Trần Văn Khê đã qua đời tại thành phố Saigon, hường thọ 94 tuổi.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại Mỹ tho. Ông học về âm nhạc tại trường Đại học Sorbonne và là người Việt đầu tiên có bằng Tiến sĩ âm nhạc học tại Pháp vào năm 1958.
Ông Trần Văn Khê là một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về các nhạc cụ Việt nam cũng như phương Đông. Ông đã từng nhận được nhiều giải thưởng về âm nhạc của nước Pháp và thế giới.
Sau 50 năm sinh sống ở nước ngoài, phần lớn là tại Pháp, trong những năm cuối đời ông về sống tại Việt nam.
Được biết là chính quyền Việt nam dự định sẽ biến căn nhà ông đang ở tại quận Bình Thạnh, thành Phố Saigon thành một bảo tàng lưu giữ sách vở và nhạc cụ của ông. – Theo RFA
***
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lỗi lạc của Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê vừa từ trần sáng sớm hôm nay (24/06/2015) tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sài Gòn, thọ 94 tuổi, sau khi nhập viện từ ngày 27/05 do trở bệnh nặng. Theo tin từ báo chí trong nước, tang lễ sẽ được tổ chức tại tư gia ở quận Bình Thạnh ngày 29/06 và linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Giáo sư Trần Quang Hải, con trai trưởng Giáo sư Trần Văn Khê, sẽ làm chủ tang.
Theo tiểu sử đăng trên trang web cá nhân Giáo sư Trần Quang Hải (cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng), giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24/07/1921 trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho. Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh, nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách Thần kinh.
Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều, biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đờn độc huyền (đàn bầu), và đờn kìm (đàn nguyệt). Người cô thứ ba Bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, nguời sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con của nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng. Do ba mẹ Trần Văn Khê mất sớm, Cô Ba Viện đã nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương cho đến ngày khôn lớn.
Nhờ có dòng máu nhạc sĩ từ mấy đời như vậy, nên ngay từ năm 6 tuổi, cậu bé Trần Văn Khê đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Trần Văn Khê tham gia rất nhiều sinh hoạt văn nghệ trong thời gian học trung học và đại học. Khi tham gia kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1948, Trần Văn Khê chủ yếu cũng dùng âm nhạc làm vũ khí chiến đấu, chứ không cầm súng.
Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế, nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở thì bị bệnh nặng, phải nằm bệnh viện liên tục trong suốt mấy năm. Chính trong thời gian bị “giam lỏng” trong nhà thương mà Trần Văn Khê đã có thời giờ tìm đọc nhiều sách tại các thư viện và từ đó sự nghiệp của ông rẻ sang một ngõ khác, vì sau khi khỏi bệnh, Trần Văn Khê quyết định theo học khoa nhạc học và đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne năm 1958.
Năm 1960, giáo sư Trần Văn Khê được bổ nhiệm vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, nơi mà ông làm Giám đốc nghiên cứu. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).
Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm đã giúp quảng bá rộng rãi âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Theo thống kê của giáo sư Trần Quang Hải, 27 năm làm việc, giáo sư Trần Văn Khê đã đăng gần 200 bài, đa số viết bằng tiếng Pháp, một số nhỏ bằng tiếng Anh, có một số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung Hoa, tiếng Ả Rập và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l’Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.
Ông đã được các nước mời hay được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc Châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua, thu thập được gần 500 dĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, 4 dĩa nhạc được 5 giải thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát Pháp, năm 1960, 1970, dĩa hát Đức quốc năm 1969, Diapason d’or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình dĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình dĩa hát tại Đức quốc năm 1994. – Theo RFI