Khủng hoảng Ukraine: Toan tính của Putin
Steve Rosenberg – BBC News, Moscow – 16:35 GMT – thứ năm, 6 tháng 3, 2014
Nga có chính phủ và quốc hội, có các ban bệ và Hội đồng An ninh quốc gia. Nhưng tất cả các quyết định chính của nước này đều do một người đưa ra: Vladimir Putin.
Ông ngồi trên trục quyền lực mà ông tạo ra. Hiện nay ông là người quyết định Nga sẽ hành động thế nào.
Đó là lý do tại sao phân tích về nước Nga, tìm hiểu xem Moscow suy nghĩ và có kế hoạch gì có thể là chuyện khó khăn. Chúng ta phải tự đặt mình vào vị trí của ông Putin.
Vậy ông Vladimir Putin đang nghĩ gì về Ukraine? Điều gì ảnh hưởng tới các bước đi ngoại giao của ông? Đâu là mục tiêu của ông.
Bị phương Tây lừa
Điều làm Vladimir Putin nổi điên là cảm giác ông đang bị lừa dối.
Chúng ta đã thấy điều này với Libya hồi năm 2011.
Khi đó người ta thuyết phục được Moscow không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vùng cấm bay để bảo vệ thường dân.
Nhưng hành động quân sự của Nato đã dẫn tới thay đổi chế độ và cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi – đi xa hơn nhiều so với dự tính của Nga.
‘Đội tự vệ’ ở Kiev mà Moscow xem là những nhóm ‘quốc gia chủ nghĩa’
Điều này giải thích tại sao Nga nhanh chóng phủ quyết các nghị quyết về Syria.
Trong vấn đề liên quan tới Ukraine cũng vậy, Tổng thống Putin cảm thấy phương Tây đã lừa ông.
Tháng trước ông cử đặc phái viên tới Kiev để tham gia đàm phán về hiệp định thỏa hiệp giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập.
Thỏa thuận đó, do Đức, Pháp và Ba Lan môi giới, đề cập tới bầu cử sớm, cải cách hiến pháp và lập chính phủ đoàn kết dân tộc.
Đại diện của Kremlin không ký vào thỏa thuận nhưng Nga có vẻ chấp nhận nó như giải pháp tốt nhất trong tình huống xấu.
Nhưng nó chỉ là những lời lẽ trên giấy. Chưa đầy 24 giờ sau ông Yanukovych đã bỏ chạy, quốc hội truất quyền ông và bổ nhiệm tân tổng thống lâm thời từ phe đối lập.
Tốc độ của các diễn biến đã khiến Moscow hoàn toàn ngạc nhiên.
Các âm mưu của phương Tây chống lại Nga?
Theo cách nhìn của ông Putin, ông đang sống trong thế giới mà các nước phương Tây ngày đêm lập mưu để gây bất ổn cho Nga và cá nhân ông.
Ông vẫn nhớ Cách mạng Hoa Hồng ở Georgia hồi năm 2003, Cách mạng Cam ở Kiev trong năm sau đó.
Nga nghi ngờ phương Tây đạo diễn cả hai vụ này.
Gần đây hơn Điện Kremlin tố cáo phương Tây tài trợ và tiếp nhiệt cho các cuộc biểu tình trên đường phố phản đối Moscow.
Trong nhiều tháng qua, Nga đã tố cáo Hoa Kỳ và EU can thiệp vào Ukraine để chiếm ưu thế địa chính trị.
Hôm thứ Ba Tổng thống Putin nói việc ông Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hợp tác với EU cuối năm ngoái “đơn giản đã được dùng làm cớ để ủng hộ các lực lượng đối lập trong cuộc tranh giành quyền lực… Đây không phải là lần đầu tiên các đối tác phương Tây của chúng tôi làm điều này ở Ukraine”.
Rồi sau đó là vấn đề Nato.
Trong phỏng vấn với báo Kommersant hồi năm 2010, ông Vladimir Putin nhắc lại chuyện liên minh này đã từng hứa với Liên Xô sẽ không mở rộng quá ranh giới hiện nay.
“Họ lừa chúng ta theo cách thô thiển nhất,” ông Putin kết luận.
Liệu việc xuất hiện chính phủ thân phương Tây ở Kiev có nghĩa là Ukraine sẽ vào Nato trong tương lai?
Moscow sẽ xem đó là đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia của họ.
Liệu có thể làm gì…
Tại phương Tây, sự can thiệp của Moscow vào Crimea đã bị đả phá là “sự xâm lược tàn bạo”.
Theo cách nghĩ của ông Putin, đó là sự đạo đức giả.
Ông luôn tận dụng mọi cơ hội để nhắc thế giới về sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Iraq, Libya và Afghanistan.
Trong diễn văn tại Hội nghị An ninh Munich hồi năm 2007, ông Putin đả phá điều ông xem là “thế giới đơn cực” – một thế giới mà Hoa Kỳ là ông chủ duy nhất.
Ông kiên quyết bảo vệ điều mà Nga xem là lợi ích chính đáng của Nga trên thế giới – dù là ở Syria hay gần hơn, ở Ukraine.
Hơn nữa, với nhiều nước châu Âu dựa vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu từ Nga và có lợi từ buôn bán với Moscow, Điện Kremlin tính toán rằng các đối thủ ở phương Tây sẽ không cả gan làm sứt mẻ đáng kể quan hệ với Nga trong vụ này.
Tổng thống Putin cả quyết rằng ông không muốn có chiến tranh với nhân dân Ukraine. Ông nói can thiệp của Nga là “nhân đạo” để bảo vệ người dân ở đó khỏi “hỗn loạn”.
Nhưng lợi ích quốc gia của Nga là tối thượng với ông: đảm bảo được rằng tân chính phủ ở Kiev không thể đẩy Hạm đội Biển Đen khỏi Crimea và các nhà lãnh đạo mới của Ukraine phải cân nhắc kỹ trước khi bỏ Nga đi theo phương Tây.