Những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh
Bà Hillary Clinton (trái) được xem là ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ cũng như của cả cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra năm 2016 và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) – AFP
Theo RFA – Hải Ninh, phóng viên RFA 2015-06-21
Tạp chí Forbes vừa công bố top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, trong số này có sự góp mặt của cả những chính trị gia, các giám đốc các công ty công nghệ, những phụ nữ trẻ dưới 45 tuổi, hay những tên tuổi mới nổi. Tạp chí phụ nữ tuần này sẽ cùng điểm tên những phụ nữ kể trên đồng thời so sánh với vị thế của phụ nữ tại Việt Nam hiện tại.
Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel, phải đối mặt với vô vàn những lo lắng: những người di dân từ Địa Trung Hải, cấm vận đối với Nga, những bê bối về gián điệp ngay tại trong nước, sự ổn định của Euro, vụ rơi máy bay của hãng Germanwings, vân vân. Một điều mà chắc chắn bà không nghĩ tới, là sau cuộc bầu cử năm tới, lần đầu tiên kể từ năm 2010, bà sẽ mất vị trí người phụ nữ quyền lực nhất thế giới vào tay Hillary Clinton, người có khả năng lớn lãnh đạo “thế giới tự do”, cái tên mà người ta hay dành cho tổng thống Mỹ.
Hillary Clinton, xuất hiện trong danh sách của Forbes kể từ năm 2004 khi tạp chí này bắt đầu ra danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà có tên trong danh sách với vị trí lần lượt là thượng nghị sĩ, ngoại trưởng Mỹ và một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị thế giới. Năm nay, bà xếp vào vị trí thứ hai, chỉ một phiếu thấp hơn với người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh.
Tính đến tháng giêng năm 2015, cả thế giới chỉ có 10 quốc gia có phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo nhà nước và 14 lãnh đạo chính phủ. Phụ nữ hiện nắm giữ 23 vị trí lãnh đạo các công ty thuộc nhóm 500 công ty lớn nhất thế giới
Bà Merkel thì đã xuất hiện 10 lần trong vòng 12 năm qua kể từ khi danh sách này ra đời và có tới 9 lần bà xếp thứ nhất. Nữ thủ tướng xuất thân từ Đông Đức này đắc cử lần đầu tiên năm 2005 và giành chiến thắng lịch sử cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ ba năm 2013.
So sánh hai bà lãnh đạo này, chị Kim Dung, một phụ nữ Việt Nam, cho biết:
Kim Dung: Từ lâu nay tôi vẫn hâm mộ hai người phụ nữ này và quả thực khó có thể so sánh họ với nhau. Người thì tám lạng, người thì nửa cân như ông bà ta nói. Bản thân tôi thì hơi nghiêng về bà Clinton một chút vì là người Việt Nam, tôi có cảm tình đặc biệt với gia đình Clinton. Chính ông tổng thống Bill Clinton đã mở cửa Việt Nam với nước ngoài, dỡ bỏ cấm vận như các anh chị cũng biết đó. Tôi còn nhớ hồi gia đình Clinton tới thăm Việt Nam, tôi vừa mới vào đại học. Cái này đón ông bà tới Việt Nam là một trong những ngày vui vẻ, rộn ràng nhất ở Hà Nội.
Bản danh sách do Forbes đưa ra đánh giá những nhà lãnh đạo các nước, các doanh nhân nổi tiếng, các ngôi sao, giới hoạt động là tỷ phú và những nhà hảo tâm. Họ được đánh giá dựa trên lượng tài sản, tầm ảnh hưởng trong báo chí và mức độ ảnh hưởng của họ trên thế giới. Top 10 năm nay dẫn đầu là bà Thủ tướng Đức Merkel, Hillary Clinton, theo sau là Melinda Gates, vợ tỷ phú giàu nhất trên thế giới Bill Gates. Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng có mặt trong nhóm này và ở vị trí thứ 10.
Những phụ nữ quyền lực nhất trong giới chính trị, hoạt động nhân đạo, kinh doanh và công nghệ là bà thủ tướng Đức, Melinda Gates, giám đốc tập đoàn sản xuất ô tô General Motors Mary Barry và một lãnh đạo của Facebook là Sheryl Sandberg. Nữ tỷ phú đứng đầu trong danh sách năm nay của Forbes là Oprah Winfrey ở vị trí thứ 12 với tổng tài sản lên tới 3 tỷ đôla. Nữ ca sĩ Beyonce Knowles dẫn đầu ở ngành giải trí với vị trí thứ 21.
Quyền lực là một khái niệm không rõ ràng, nhất là khi kể đến giới tính. Tính đến tháng giêng năm 2015, cả thế giới chỉ có 10 quốc gia có phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo nhà nước và 14 lãnh đạo chính phủ. Phụ nữ hiện nắm giữ 23 vị trí lãnh đạo các công ty thuộc nhóm 500 công ty lớn nhất thế giới. Trong tổng số hơn 1.800 tỷ phú trên thế giới, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 11%. Chưa đầy 10% phụ nữ nắm ghế lãnh đạo ở Thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ của thế giới.
Bà Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye
Kim Dung: Cứ nhìn vào những con số này thì thấy một thực trạng đáng buồn rằng phụ nữ vẫn chưa thực sự có vị trí tương xứng với số lượng của họ. Cứ mỗi khi có một phụ nữ nào được bổ nhiệm vị trí hàng đầu, chắc chắn tên tuổi của họ sẽ được báo chí nhắc đến như là một điều gì đó lạ lùng lắm. Tuy nhiên, nhìn danh sách thì ta cũng thấy rằng có những phụ nữ được đưa vào đây không vì họ đứng đầu trong tổ chức của họ như bà Sheryl Sandberg. Điều đó cũng cho thấy một xu hướng mới, rằng những phụ nữ này không cần phải đứng ở vị trí số 1 trong tập đoàn hay tổ chức mới được coi là có quyền lực.
Danh sách của Forbes năm nay có 8 lãnh đạo quốc gia, cầm cân nảy mực ở các quốc gia có tổng giá trị GDP là 9,1 nghìn tỷ USD với hơn 600 triệu công dân. 24 nữ lãnh đạo các tập đoàn có số doanh thu lên tới 1 nghìn tỷ đôla và 18 phụ nữ trong danh sách này thành lập công ty, tổ chức riêng của họ, bao gồm tỷ phú tự thân trẻ nhất là Elizabeth Holmes, đứng ở vị trí thứ 31.
Danh sách năm nay cũng có 15 nữ tỷ phú, với khối tài sản lên tới 75 tỷ đôla. Tổng cộng số fan trên mạng xã hội của 100 phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới của Forbes là gần 500 triệu.
Trong danh sách này có 12 phụ nữ đến từ châu Á, đứng đầu là bà Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye. TQ có tất cả 5 phụ nữ trong nhóm quyền lực nhất thế giới, nhiều nhất ở châu Á. Các nước khác cũng có phụ nữ góp mặt là Singapore, Indonesia và Ấn Độ. Riêng VN không có tên bất kỳ phụ nữ nào trong danh sách này
Phụ nữ lãnh đạo ở Việt Nam
Trong danh sách này có 12 phụ nữ đến từ châu Á, đứng đầu là bà Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye. Trung Quốc có tất cả 5 phụ nữ trong nhóm quyền lực nhất thế giới, nhiều nhất ở châu Á. Các nước khác cũng có phụ nữ góp mặt là Singapore, Indonesia và Ấn Độ. Riêng Việt Nam không có tên bất kỳ phụ nữ nào trong danh sách này.
Nguyên nhân của việc phụ nữ Việt Nam chưa có tầm ảnh hưởng trên thế giới một phần là do thể chế của Việt Nam. Giám đốc tổ chức Nhân quyền cho Việt Nam Nguyễn Thể Bình cho biết:
Nguyễn Thể Bình: Tôi nghĩ nó là thật sai lầm khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản giúp phụ nữ một điều gì trong xã hội. Tôi nghĩ là thực tế nó lợi dụng phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo cấp thấp để tạo ra một cái sự viễn tưởng rằng có chút bình đẳng giới trong xã hội. Trên thực tế là những phụ nữ được đứng vào trong vị trí đó không có quyền lực và khả năng để đưa ra quyết định cuối cùng. Bộ Chính trị Trung Quốc và Việt Nam phần lớn là bao gồm toàn đàn ông. Và vì thế họ sử dụng phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cấp thấp là để thao túng hệ thống bởi vì những người phụ nữ này thường mềm mại và hiền hoà hơn nên cũng dễ thuận theo những sự lũng đoạn. Tôi tin rằng không hề có quyền lực nào của phụ nữ trong xã hội cộng sản.
Nữ quyền và quyền bình đẳng của phụ nữ cũng không được chú trọng. Hiền Nga, một nhà hoạt động cho tổ chức Save the Children, đánh giá:
Hiền Nga: Nhận thức của mọi người về phong trào nữ quyền và bình đẳng giới còn chưa có và chưa phổ biến. Ngay cả những bạn nữ mình nghĩ rằng rất mạnh mẽ và độc lập cũng không có hiểu biết một cách hệ thống về việc thế nào là nữ quyền và thế nào là bình đẳng giới. Mọi người hiểu rất mù mờ rằng nữ quyền có nghĩa là giới nữ phải trèo lên đầu giới nam, phải cào bằng ai cũng làm các việc như nhau, vì thế nó cũng tạo ra một cái hạn chế.
Giới bình luận cho rằng chỉ khi nào quyền bình đẳng nam nữ ở Việt Nam được tôn trọng thì phụ nữ Việt Nam mới có nhiều cơ hội thể hiện tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi ý kiến về bài vở và đề tài cho trang tạp chí, xin mời quý thính giả gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc trang Facebook tại www.facebook.com/haininhrfa.