TPP vướng mắc thập nhị nhân duyên
Ngày Thứ sáu 12-6 vừa qua phải là một trong những ngày u ám đáng ghi nhớ nhất trong hai nhiệm kỳ tám năm hay gần 3.000 ngày trong Nhà Trắng của Tổng thống Barack Obama. Hạ Viện Hoa Kỳ đã bác bỏ một trong những đề nghị tham vọng nhất của ông, đó là Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả thế giới đang theo dõi, trông đợi. Ông có nhiều cái đau không kể được trong thất bại này. Làm hại ông chẳng phải là những người Cộng Hòa như thường lệ. Không, chính đa số những người Cộng Hòa tại Hạ Viện lại ủng hộ ông tích cực nhất. Phá đám ông trong vụ này chính là những dân biểu trong đảng Dân Chủ, những người này hoặc ủng hộ công đoàn để được phiếu hoặc được công đoàn ủng hộ trong bầu cử, và cầm đầu cho nhóm “phản loạn” này chính là bà Nancy Pelosi, chủ tịch đảng thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện. Nhiều đảng viên Dân Chủ lo ngại rằng Hiệp ước TPP sẽ đẩy thêm công việc ở Mỹ ra nước ngoài, gây tổn hại cho môi trường. Bà Pelosi là người lâu nay trước sau vẫn ủng hộ ông Obama – ngay cả trong hiệp định này. Cho tới khi bà thấy trong đảng Dân Chủ tại viện dưới, người ta chống quá, cho nên bà “trở cờ” tương đối đột ngột, vào phút chót. Tại Thượng Viện, Hiệp định này đã được thông qua dù gặp phải sự chống đối của một số thành viên Dân Chủ rất quyết liệt như bà Elizabeth Warren (Massachusetts) hay ông Bernie Sanders (Vermont). Ông Obama thất bại ở Hạ Viện vì ở đây sự ủng hộ của Cộng Hòa chưa đủ mạnh trong khi sự chống đối của Dân Chủ lại mạnh mẽ hơn.
Tổng thống Obama và bà Chủ tịch Dân chủ Hạ Viện Nancy Pelosi lần đầu tỉên không nhìn mặt nhau
Dĩ nhiên, đây là một thất bại nặng nề và không ngờ được cho ông Obama. Người ta không còn có thể dễ dàng nói đảng Dân Chủ trung thành với ông, hay ông đi theo đường lối “populist” (đại chúng) chính thống của đảng Dân Chủ, mặc dù ông vẫn nhấn mạnh nhiều lần ông chủ trương hiệp định tăng cường mậu dịch tự do với những nước Thái Bình Dương là vì lợi ích kinh tế của nước Mỹ. Trong khi đó, đảng Dân Chủ lại có truyền thống có tính “ý thức hệ” xem chuyện tự do mậu dich là làm hại công nhân, bởi vì mậu dịch mở cửa cho hàng hóa nưóc ngoài tràn vào, làm cho sản xuất của Mỹ phải đình đốn, và công nhân Mỹ phải chịu mất việc, đổi việc. Lâu nay, người ta vẫn để cho người Mễ tràn vào California, lý do đơn giản là những “di dân bất hợp pháp” này chỉ làm những việc còn lâu người Mỹ da trắng mới chịu làm, cho dù họ có thể đang đứng đầu đường cầm bảng “homeless” (tại những đồn điền, trang trại hay lao công khách sạn, nhà hàng …). Là tổng thống của một cường quốc kinh tế nhìn sang Thái Bình Dương, làm sao ông Obama có mặt mũi nào để cho Hoa Kỳ đứng ngoài một hiệp định mậu dịch quốc tế quan trọng như thế để cho nước Mỹ mang tiếng đời cười chê là một đất nước lạc hậu.
Cũng phải được kể đến là một thất bại nặng nề của đảng Cộng Hòa, bởi vì họ vốn chủ trương tự do mậu dịch để thúc đẩy kinh tế, điều mà phía Dân Chủ vẫn tố họ bất kề đến quyền lợi của giới công nhân, Tuy nắm được đa số tại cả hai viện, Cộng Hòa không huy động được toàn lực tại Hạ Viện, vì một số dân biểu Cộng Hòa cũng sợ mang tiếng với dân trong mùa bầu cử này! Người dân nào chẳng lo bị mất việc vì sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài.
Rốt cuộc, “bên thắng cuộc” lại là đảng thiểu số Dân Chủ. Năm tới có bao nhiêu bầu cử, và những ứng cử viên Dân Chủ vừa cần tiền của công đoàn để đi vận động vừa cần phiếu của cử tri của cả hai đảng. Một đàng chưa chắc các vị dân biểu hiểu hết được nội dung, ý nghĩa và tác dụng có thể có của TPP – đừng nói gì đến người dân vừa muốn mua hàng nước ngoài cho rẻ nhưng lại sợ hàng nước ngoài xâm nhập cướp công ăn việc làm của mình. Tuy nói rằng dân trí nước Mỹ cao và người Mỹ đích thực suy nghĩ sâu xa hơn lớp di dân sau này. Không đâu! Những người ra tranh cử vẫn sợ không đâu mà mất phiếu của người dân. Ông Obama đã đến Điện Capitol sáng thứ sáu để đưa ra lời kêu gọi vào những phút cuối với những người trong đảng Dân chủ của ông. Mặc dù vậy, bà Pelosi cho biết bà sẽ chống dự luật này. Sau biểu quyết, bà nói trong một thông cáo đã đến lúc cả hai đảng cần phải thương lượng một thỏa thuận tốt hơn cho người dân:”Chúng tôi trông đợi giải quyết bằng sự hợp tác lưỡng đảng cho một dự luật về quyền thúc đẩy thương mại minh bạch hơn, tham khảo sâu rộng hơn với Quốc Hội và bảo vệ vững mạnh hơn cho các ưu tiên hiến định, nhất là quyền người lao động và môi trường.”
Như vậy, người dân thực sự phải đứng ở đâu trong cuộc chơi TPP này?
Triển vọng cho TPP, hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất lịch sử, được hoàn thành và thông qua nay bị xem là ảm đạm, trừ phi người Dân Chủ thay đổi ý kiến hay người Cộng Hòa có thể tìm ra cách nào khác để hồi sinh dự luật và cứu vãn một dự án được xem là ưu tiên lập pháp lớn nhất của ông Obama trong nhiệm kỳ thứ hai. Hạ Viện đã bác bỏ với đa số áp đảo (302-126) dự luật đầu tiên trong cả một loạt đề nghị thương mại, đây là một chương trình giúp những công nhân bị mất việc, được gọi là Trade Adjustment Assistance (TAA), tức trợ giúp do điều chỉnh về kinh doanh buôn bán. Theo thủ tục nguyên tắc của Hạ Viện, sự thất bại của biểu quyết này về việc giúp đỡ công nhân có nghĩa là một biểu quyết đối với dự luật khác được gọi là “thẩm quyền xúc tiến mậu dịch” (Trade Promotion Authority – TPA) còn được gọi là “quyền đi nhanh” (fast track) dành cho tổng thống trong thương mãi quốc tế chỉ có ý nghĩa tượng trưng, cho nên toàn bộ dự luật không thể được chuyển qua cho ông Obama ký. Dĩ nhiên, biểu quyết hôm thứ sáu không có nghĩa là trọn gói những dự luật thương mãi đã chết. Những người lãnh đạo Cộng Hòa đã kêu gọi bỏ phiếu lại vào ngày thứ ba 16-6, và họ cũng có thể trì hoãn việc biểu quyết lại này để cho cả họ lẫn ông Obama có thời gian vận động thêm nữa.
Ông Obama vẫn nói: “Những thỏa thuận như thế bảo đảm luật lệ của nền kinh tế toàn cầu chẳng phải do những nước như Trung Quốc soạn thảo; luật lệ này do chính Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ viết ra. Và đứng chắn đường chỉ có nghĩa là giữ cái nguyên trạng bấy lâu nay cho công nhân Mỹ, làm cho tình hình thêm khó cho họ thành công”. Biểu quyết tại Hạ Viện đã cho thấy người ta bịt tai trước lập luận này, trong khi đó sức mạnh của những phần từ “đại chúng” của hai đảng là khá mạnh, làm vô hiệu một cuộc vận động ráo riết từ những lục lượng truyền thống tại Washington như Phòng Thương mãi và Hiệp Hội Quốc Gia Những Nhà Sản Xuất.
Thực ra, như đã nói, phần gây tranh cãi nhiều nhất của luật – đó là “thẩm quyền xúc tiến mậu dịch” cho phép ông Obama đưa ra những đề nghị như Hiệp định TPP cho Quốc Hội biểu quyết thuận hay không nhưng những nhà lập pháp không được tu chỉnh, thay đổi nội dung mà những nhà thương lượng mậu dịch nói là rất quan yếu để hoàn thành hiệp định – đã được thông qua với tỷ lệ khít khao. Tuy vậy, biểu quyết đó chỉ có ý nghĩa nếu Hạ Viện trước đó đã thông qua dự luật TAA riêng rẽ. Tuy nhiên, dự luật này như đã nói bị đánh bại ngay từ đầu.
Một ngày sau khi có biểu quyết lịch sử đó, Tổng thống Obama nói rằng việc Hạ viện không thông qua dự luật hỗ trợ người lao động Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định thương mại toàn cầu sẽ “gây thiệt hại trực tiếp cho khoảng 100.000 người lao động và cộng đồng của họ.” Ông nói: “Vì những người lao động đó, vì gia đình của họ, và cộng đồng của họ, tôi kêu gọi các đại biểu nào trong Quốc hội đã bỏ phiếu chống dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại hãy cân nhắc lại và đứng lên vì người lao động Mỹ.” Ông đã kêu gọi Hạ viện thông qua dự luật hỗ trợ người lao động ngay tức thời, để ông “có thể ký cả hai dự luật, và tăng lực hỗ trợ cho người lao động, và các doanh nghiệp của chúng ta để họ phát triển những lãnh vực hiệu quả cao nhất của họ — sáng tạo, sáng chế, chế tạo, và bán hàng hóa làm ra ở Mỹ cho khắp thế giới.” Chủ tịch Hạ Viện John Boehner đã bày tỏ thất vọng, ông nói: “Cộng Hòa đã làm xong phần mình, chúng tôi tiếp tục cam kết ủng hộ thương mại tự do, bởi vì điều đó quan trọng cho việc tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Đây là một cơ hội để Dân Chủ chứng tỏ hiệu quả và tiến lên theo một cách xây dựng, đại diện cho người dân Mỹ.”
Quyền đàm phán nhanh được thông qua hôm thứ sáu sẽ cho phép Tòa Bạch Ốc đàm phán với 12 quốc gia trong thỏa thuận TPP và những thỏa thuận tương tự mà không để Quốc hội sửa đổi bất cứ điều gì trong những thỏa thuận đó ngoài việc phê chuẩn hoặc bác bỏ. Từ chối cấp thẩm quyền đàm phán nhanh sẽ khiến cho chính quyền Obama khó khăn hơn trong việc có được thỏa thuận TPP, vốn đã chậm mấy năm so với lịch trình. Những quốc gia đang đàm phán TPP bao gồm Mỹ, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Mexico, Malaysia, Nhật Bản, Chile, Canada, Brunei, và Australia. Thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu này nhắm mục tiêu chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu một khi hoàn tất. Tòa Bạch Ốc cho biết TPP sẽ giúp tiếp phá dỡ bỏ những rào cản đối với thương mại toàn cầu, mở cửa những thị trường chưa được khai thác, và phát triển những nền kinh tế, trong khi tạo nên một đối trọng quan trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo dõi cuộc thảo luận tại Quốc Hội, hay ngay cả trong công luận, chúng ta có cảm tưởng như đang chứng kiến cảnh người mù xem voi. Những phía ủng hộ hay chống đối đều nói lên những lập luận có tính lý thuyết, cho nên ai đúng ai sai không thể, hay chưa thể, nói được. Trong thực tế, liên hệ đến hiện tình thương mãi quốc tế, có lợi hay hại rất tùy thuộc vào cách người ta tận dụng được những cơ hội mới đưọc mở ra theo lý thuyết “lợi thế tương đối” của kinh tế gia David Ricardo thuộc thế ky thứ 19. Có một điều chắc chắn: đây là một hiệp định cực kỳ quan trọng mà Mỹ không thể đứng ngoài. Hiệp định này sẽ thúc đẩy, mở rộng thương mãi quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn lao và cũng đặt ra những thách đố cũng ngặt nghèo cho từng nước. Không lẽ Mỹ cứ mãi sợ những thách đố của chiều hướng hội nhập hóa toàn cầu? Kinh tế Mỹ có nhiều khả năng lợi dụng được nếu lãnh đạo Mỹ thích nghi chính sách và giới kinh doanh cũng tập trung vào thay đổi cách làm ăn. Về chuyện công ăn việc làm, những người làm trong các kỹ nghệ xe hơi, năng lượng và nông nghiệp có nhiều khả năng hưởng lợi nhất bởi vì những mặt hàng xuất cảng lớn nhất của Mỹ hiện nay là xe hơi, dầu khí và máy bay. Hạ thấp hàng rào mậu dịch sẽ giúp những kỹ nghệ này phất lên hơn nữa. Giới phê phán vẫn ưa nói rằng công nhân cho những công ty lớn có ảnh hưởng toàn cầu sẽ được thụ hưởng bội phần so với những người làm với những công ty nhỏ. Đó là chuyện đương nhiên – thời nào cũng thế, xã hội nào cũng thế. Những công ăn việc làm trong các kỹ nghệ khác hay ngành dịch vụ như thế nào? Có những nhà kinh tế lo rằng do sự cạnh tranh từ bên ngoài, tiền công lao động sẽ đi xuống, bất bình đẳng xã hội sẽ càng thêm nghiêm trọng. Nhưng chúng ta nên nhìn thấy theo giác độ này: người lãnh đạo, tức là những người trong các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp… phải suy nghĩ khác người dân. Họ phải nhìn xa hơn, rộng hơn, báo quát hơn, sâu sắc. Vấn đề công ăn việc làm của người dân là một phần của sách lược phát triển kinh tế. Một mặt chúng ta nhìn đến kỹ năng, trình độ và lực lượng lao động, một mặt khác chúng ta nhìn đến những ngành kinh tế đang đưọc đầu tư. Bao nhiêu vấn đề giáo dục, di dân, cơ cấu kỹ nghệ, đầu tư… kết hợp với nhau. Người dân trình độ thấp khác với ngưòi dân trình dộ cao, và sự lựa chọn ngành nghề đầu tư phải dựa theo đó một phần. Một phần là khả năng cạnh tranh, trong đó có kỹ năng lao động và mức công xá… Hãy tưởng tượng có một lúc nào đó người ta bớt mua xe Mỹ, bớt mua máy bay, hay tự túc năng lượng tốt hơn. Lúc đó Mỹ sẽ bán gì? Không lẽ chỉ bán súng tấn công xúi giục tội ác mở rộng khắp các đường phố và mọi gia đình, trường học… trên thế giới – cho giống Mỹ?
Một số nhà lập pháp Dân Chủ nay có khuynh hướng đồ cho ông Obama tội làm cho họ không ủng hộ ông. Họ nói nếu ông không đến tận Capitol Hill làm áp lực, họ có thể đã châm chước. Cũng có người nói giọng điệu của ông vào lúc cuối nôn nóng, mất bình tĩnh, có vẻ trịch thượng, kẻ cả, khiến cho người ta ghét mặt, đổi ý và đi theo bà Pelosi, là người họ từng muiốn lật đổ năm ngoái! Đúng là cách nói chạy tội của những kẻ vô trách nhiệm!
Vấn đề không phải như thế. Vấn đề như chúng ta đã chứng kiến nhiều lần. Vào những khi phải lựa chọn hoặc theo tổng thống của mình hoặc theo lá phiếu của cử tri, thì bất kể đúng hay sai, hợp đạo lý chính trị hay không, các nhà lập pháp của chúng ta thường phải ngoảnh mặt làm ngơ với nhân vật cao nhất trong đảng, ttrong nước của mình. Ví dụ như trong việc cải tổ y tế Obamacare. Hay thảo luận về ngân sách và thuế khóa. Hay cải tổ giáo dục. Hay vần đề di dân. Hay kiềm soát súng đạn. Hay đối ngoại.
Chăng riêng gì ông Obama là nạn nhân. Tổng thống Nixon từng muốn cải cách y tế. Tổng thống George W. Bush muốn cải tổ chính sách di dân. Những người Cộng Hòa đã không cho hai ông làm bất cứ gì. Còn hiện nay, ngay cả bà Clinton cũ ng im lặng trước một hiệp định bà từng ủng hộ. Bởi vậy, làm sao có tồng thống náo, dù Dân Chủ hay Cộng Hòa, dám bước qua phía bên kia để bắt tay thỏa hiệp.
Nghĩ tới sự vô minh, tức ngu xuẩn, bắt đầu Thập nhị Nhân duyên trong giáo lý nhà Phật, người ta rùng mình lo sợ nghĩ tới chuyện không hay!
Hoàng Ngọc Nguyên