VN: Buôn lậu kinh tế ngầm với TC quá lớn
Nam Nguyên, phóng viên RFA – 2015-06-17
Dư luận dậy sóng khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng hôm 12/6/2015 thừa nhận trước Quốc hội là chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm trong giao thương với TC. Chuyên gia nói gì về tình trạng hàng chục tỷ USD hàng hóa TC được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm.
Tình trạng nhập siêu lớn với TC và buôn lậu hàng hóa qua biên giới Việt-Trung thì báo chí đã nói rất nhiều, nhưng lần đầu tiên có những số liệu cụ thể được nêu lên trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội và gây sôi nổi công luận báo chí.
Buôn lậu hai chiều
Theo đó hôm 8/6/2015 TS Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Dương đã dẫn số liệu thống kê xuất nhập khẩu năm 2014 của TC cũng như Việt Nam cho thấy có sự chênh lệch rất lớn, qua đó thể hiện nhập siêu của Việt Nam từ TC không phải 29 tỷ USD như công bố mà lên đến 43,8 tỷ USD. Năm 2014 theo số liệu thống kê Việt Nam thì Việt Nam xuất khẩu sang TC lượng hàng hóa 14,9 tỷ USD nhưng số liệu của TC công bố là 19,9 tỷ USD. Số liệu Việt Nam ghi nhận nhập khẩu từ TC trị giá 43,8 tỷ USD trong khi số liệu của TC công bố là 63,7 tỷ USD.
Đại biểu Mai Hữu Tín đặt vấn đề là có khoảng 20 tỷ USD hàng hóa TC vào Việt Nam bằng buôn lậu, ngược lại cũng có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam mà Đại biểu Tín nghi ngờ là khoáng sản đã được xuất khẩu lậu qua TC. Với trị giá buôn lậu hai chiều lên tới 24 tỷ USD thì phải là buôn lậu có tổ chức rất lớn, hoặc gọi là kinh tế ngầm như lời ông Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Tuy rằng các giới chức chính phủ đưa ra nhiều biện giải về việc chênh lệch số liệu giữa cách tính của các quốc gia. Nhưng các chỉ số kỹ thuật không thể lý giải con số chênh lệch lên tới 20 tỷ USD nhập khẩu từ TC và 4 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam.
Số liệu hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch quá lớn là tình trạng báo động cực kỳ nguy hiểm. Cái nguy hiểm thứ nhất là nói lên thực trạng buôn lậu kinh tế ngầm rất là mạnh, mà đã là buôn lậu kinh tế ngầm thì nó gây nhiều tác hại cho nền kinh tế – PGSTS Ngô Trí Long
Phó Giáo sư Tiến sĩ (PGSTS) Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Số liệu hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch quá lớn là tình trạng báo động cực kỳ nguy hiểm. Cái nguy hiểm thứ nhất là nói lên thực trạng buôn lậu kinh tế ngầm rất là mạnh, mà đã là buôn lậu kinh tế ngầm thì nó gây nhiều tác hại cho nền kinh tế. Thứ nhất Nhà nước thất thu một nguồn thu thuế rất lớn. Vấn đề thứ hai đã buôn lậu thì có nghĩa những mặt hàng đó không được thông quan, không được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng, về vệ sinh, an toàn… Tất cả những hàng rào kỹ thuật là không được kiểm tra, nó ảnh hưởng đối với Việt Nam là một thị trường tiêu thụ hàng kém phẩm chất cho Trung Quốc. Vấn đề quan trọng nhất là ảnh hưởng nền sản xuất trong nước…Cho nên nếu tình trạng này để xảy ra thì nó gây hậu quả rất lớn đến nền kinh tế.”
Tác hại khôn lường việc thiếu kiểm soát
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội cho rằng, việc không kiểm soát được hàng lậu từ TC làm Việt Nam chịu nhiều thiệt hại. Nhưng điều quan trọng nhất là ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:
Thực phẩm như trái cây TC tràn qua cử khẩu vào Việt Nam
Ngoài vấn đề kinh tế mình mất thu thuế, hay cạnh tranh một cách không bình đẳng với các nhà sản xuất trong nước, còn vấn đề sức khỏe của nhân dân là không kiểm soát được – Bùi Kiến Thành
“Ở Việt Nam hiện giờ tràn lan hàng Trung Quốc độc hại, thậm chí trái cây rau từ Trung Quốc qua là cực kỳ độc hại mà người dân không biết ra chợ vẫn mua. Hay là những sản phẩm khác các loại gà vịt, các loại thịt khác Trung Quốc gởi qua cũng vậy, mình không kiểm soát được. Vì vậy ngoài vấn đề kinh tế mình mất thu thuế, hay cạnh tranh một cách không bình đẳng với các nhà sản xuất trong nước, còn vấn đề sức khỏe của nhân dân là không kiểm soát được, việc đấy nhà nước chưa có một động thái nào thực sự giải quyết được vấn đề hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.”
Tuy Chính phủ Việt Nam không thừa nhận con số hàng lậu TC vào Việt Nam năm 2014 lên tới 20 tỷ USD. Nhưng số liệu của Liên Hiệp Quốc lại tương đồng với số liệu của TC. 20 tỷ USD hàng hóa TC nhập lậu vào Việt Nam đa phần là hàng hóa tiêu dùng quần áo giày dép, nông sản, thực phẩm, các dụng cụ làm từ kim loại…
Theo VnExpress, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Saigon đã tổng hợp và tính toán từ cơ sở dữ liệu của thống kê thương mại Liên Hiệp Quốc ghi nhận, khoảng 10,2 tỷ USD hàng dệt may, Da giày, kể cả nguyên vật liệu, xơ sợi từ TC vào Việt Nam nhưng không nằm trong số liệu thống kê của Việt Nam. Trong đó có 6,6 tỷ USD là quần áo may sẵn, giày dép.
Riêng về nông sản nhập từ TC, số liệu Việt Nam là 500 triệu USD trong khi số liệu TC là 2,4 tỷ USD. Ngoài ra còn 3 tỷ USD hàng hóa TC làm từ kim loại và hợp kim mà Việt Nam không thống kê được.
Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát được tình hình xuất nhập khẩu và thống kê được số liệu xuất nhập khẩu qua biên giới không chính thức. Trong khi phía Việt Nam không thống kê được các số liệu trao đổi hàng hóa này. Tại sao không thống kê được? – TS Lê Đăng Doanh
Đáp câu hỏi của chúng tôi là Việt Nam phải có những biện pháp gì để cải thiện tình hình hàng hóa TC nhập lậu lên tới 20 tỷ USD trong một năm. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định:
“Tôi thấy đây là minh chứng tình trạng kinh tế ngầm giữa Việt Nam và Trung Quốc nó đã phát triển rất mạnh thể hiện sự buôn lậu. Như vậy vấn đề chống buôn lậu hoạt động kém hiệu quả. Trước thực trạng đó, không có cách nào khác Việt Nam phải cải cách cải tổ lại, phải có đề án chống buôn lậu thực sự có hiệu quả.”
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định trên báo mạng Pháp luật Thành phố (PLO) một cách đầy ý nghĩa về vấn đề chênh lệch số liệu thống kê giữa Việt Nam và TC. Chúng tôi xin trích: “…Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát được tình hình xuất nhập khẩu và thống kê được số liệu xuất nhập khẩu qua biên giới không chính thức. Trong khi phía Việt Nam không thống kê được các số liệu trao đổi hàng hóa này. Tại sao không thống kê được? Đây là dấu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Nếu cơ quan thống kê Việt Nam không lý giải được thì đó cũng là câu trả lời.”