Điểm Báo Pháp – 17-6-2015
Hải quân Ý cứu vớt thuyền nhân lênh đênh trên Địa Trung Hải – AFP / MARINA MILITARE
Theo RFI – 17-06-2015 – Mai Vân
Pháp – Đức đọ sức với Ý về thuyền nhân
Mối đau đầu của Châu Âu trên hồ sơ thuyền nhân và thông điệp của Đức Giáo Hoàng về khí hậu là hai chủ đề thời sự nổi cộm trên trang nhất báo Pháp hôm nay 17/06/2015. Trên hồ sơ thuyền nhân, Le Figaro ghi nhận trong hàng tít lớn trang đầu: «Châu Âu bị giằng co trước làn sóng nhập cư». Ở trang sự kiện bên trong, tờ báo giải thích trong hàng tựa: «Người nhập cư gây bất hòa giữa Paris, Berlin và Roma».
Trước làn sóng hàng chục ngàn người đổ vào bờ biển Ý – ít nhất 57.000 – từ đầu năm, Le Figaro nhìn thấy Châu Âu đang đứng trước khủng hoảng chính trị, với Ý trách cứ các láng giềng thiếu đoàn kết và đe dọa mở cửa biên giới, cấp giấy thông hành cho người nhập cư – một ” kế hoạch B’ mà theo Ý ” cả Châu Âu sẽ gánh chịu hậu quả “.
Le Figaro nhắc lại lời của Thủ tướng Ý, có vẻ không phải là lời nói suông: “Nếu Châu Âu không tìm một giải pháp, thì chúng tôi sẽ tự tìm lấy.”
Paris và Berlin lên tiếng mạnh mẽ, kêu gọi Roma, không nên làm như vậy, mà hãy mở những trung tâm tạm, lập danh sách người đến. Đức còn ngầm đe dọa là không muốn trở lại chế độ kiểm soát biên giới. Bruxelles cũng lo ngại là Ý, vì không đối phó xuể với lượng người đến, sẽ mở “van” để họ đến các nước láng giềng phía bắc.
Theo Le Figaro, Paris và Berlin muốn Ý giữ lại những “thuyền nhân kinh tế”, thay vì để họ đi mưu sinh ở các nước phía Bắc, qua biên giới Pháp, Thụy Sĩ và Áo. Trong mấy ngày qua, Pháp đã chặn ở biên giới, trả ngược về Ý khoảng 200 người châu Phi. Thụy Sĩ và Áo cũng đã làm tương tự.
Đối với Đức, nơi mà đông đảo thuyền nhân nhắm đến, đây cũng là một vấn đề đau đầu. Le Figaro nhắc lại từ ngày 26/05 đến 15/06, viện cớ bảo đảm an ninh cho việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7, Đức đã tái lập kiểm soát biên giới Áo-Đức; cảnh sát Đức đã bắt giữ trong thực tế hơn 8.000 người tỵ nạn không giấy tờ hợp lệ.
Vấn đề càng nhạy cảm hơn khi mà trong năm nay, theo Le Figaro, Đức lại đứng trước một con số kỷ lục người xin tỵ nạn: 450.000. Ngoài vấn đề tài chính, vấn đề người tỵ nạn còn làm dấy lên phong trào bài ngoại, gây lo ngại không ít cho giới lãnh đạo chính trị.
Về phía nước Ý, Le Monde ở trang trong, trong bài nhận định tựa đề: “Ý lên giọng trên hồ sơ thuyền nhân”, còn nhìn thấy lý do chính trị: Thủ tướng Ý đã cứng giọng vì ông thấy là vấn đề thuyền nhân đã làm cho đảng Dân chủ của ông mất điểm. Kết quả là đảng cực hữu bài ngoại Liên đoàn Phương Bắc đã thắng trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua. Đảng này cực lực chống việc đón nhận thuyền nhân, và còn chủ trương bắn chìm tàu của họ.
Le Monde còn chú ý đến một ý muốn của Roma là đưa trả thuyền nhân về nước nơi tàu cứu vớt họ được đăng ký, và Ý đang làm cho Anh Quốc bực dọc.
Libération trong bài xã luận, tỏ ra gay gắt đối với Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, mà tờ báo cho là thiếu can đảm chính trị. Libération cho là vấn đề ở đây không phải là mở toang cửa, hợp thức hóa tất cả những người muốn vào. Mà đây chỉ là thiết lập một cơ chế liên đới cần thiết giữa các nước thành viên Châu Âu để đỡ phần nào gánh nặng cho Ý và Hy Lạp, đang một mình trơ trọi gánh chịu hậu quả hỗn loạn của thế giới và nhất là của Châu Phi.
Đối với nước Pháp, theo tờ báo, chỉ là nhận thêm khoảng 6.000 người xin tỵ nạn trên tổng số 62.000 vào năm ngoái.
Khí hậu: Giáo Hoàng trách cứ các nước giàu
Chủ đề thời sự đựoc quan tâm rộng rãi hôm nay như nói trên là Thông điệp của Giáo Hoàng về môi sinh mà Le Monde và Libération nêu bật trong các hàng tựa lớn trang đầu. Le Monde nói đến lời cổ vũ của Phanxicô cho một “một nền sinh thái toàn diện”, còn Libération sửa đổi một lời răn, chạy tựa “Ngươi sẽ không gây ô nhiễm”.
Le Monde nêu trước tiên chi tiết là trong Thông điệp được tiết lộ vào hôm nay, Giáo Hoàng đã nhấn mạnh trên trách nhiệm của con người và các quốc gia phát triển trong hiện tượng khí hậu bị hâm nóng.
Libération ghi nhận là với Thông điệp về môi sinh và khí hậu, Tòa Thánh lần đầu tiên can thiệp trên chủ đề nông bỏng này và gây sức ép lên các quốc gia giàu có, vài tháng trước hội nghị COP 21.
Ở trang trong tờ báo có vẻ lấy làm tiếc là nếu các người Thiên chúa giáo – Tin lành và Cơ đốc – đã năng động trên các chủ đề về môi sinh, thì người đạo Hồi và Do thái đến giờ ít quan tâm.
Thông điệp về môi sinh của Đức Giáo Hoàng rất được mong đợi
Trên nguyên tắc, vào ngày mai, 18/06/2015, Thông điệp (Encyclique) về môi sinh của Đức Giáo Hoàng mới được công bố. Thế nhưng, ngay từ hôm 15/06, lệnh cấm tiết lộ trước đã bị môt tuần báo Ý phá vỡ. Sự kiện này đã được nhật báo Công giáo Pháp La Croix, số ra hôm nay xem là bằng chứng hiển nhiên cho thấy là “Lời nói của Đức Giáo Hoàng (về môi sinh) rất được mong đợi”, tựa của bài xã luận.
Theo La Croix, Thông điệp mang tựa đề “Laudato sí, sulla cura della casa comune” – tạm dịch là “Chúc tụng Chúa, về việc săn sóc căn nhà chung” – nhắc đến nhu cầu bảo toàn hành tinh chúng ta. Đối với tờ báo hiếm khi mà một tài liệu của giáo hoàng lại được nôn nóng chờ đợi như vậy.
Sở dĩ như vậy đó là vì có một loạt nguyên nhân được tờ báo cho là “tuyệt vời”. Đây sẽ là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dành một văn bản về giáo lý cho vấn đề môi trường, tức là đưa vấn đề này vào trong học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Đối với La Croix, Thông điệp về môi sinh này lại càng có tiếng vang lớn hơn vào lúc nhân loại đang ở vào một thời điểm cần phải có những quyết định hệ trọng nhằm chống lại những đảo lộn về khí hậu trên Trái đất. Một hội nghị quốc tế – COP21 – sẽ được tổ chức tại Paris vào cuối năm nay để tìm biện pháp hạn chế tác hại của các hoạt động của con người trên khí quyển.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đang muốn tìm hiểu quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vấn đề khí hậu, xem ngài liên kết các vấn đề môi trường với các vấn đề nghiêm trọng khác ra sao.
Tâm lý nôn nóng chờ đợi lớn đến nỗi mà một tuần báo Ý đã phá vỡ lệnh cấm tiết lộ tài liệu trước ngày công bố chính thức, và cho đăng toàn văn Thông điệp về môi sinh của Giáo Hoàng trên trang web của mình. Ngay sau đó, nhiều phương tiện truyền thông khác, trong đó có báo chí Pháp, đã quyết định bình phẩm về Thông điệp.
Trước sự đã rồi, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã phản ứng bằng cách nói rằng văn bản được gởi trước cho báo chí để chuẩn bị không phải là phiên bản chung cuộc.
Hồng Kông: Bắc Kinh muốn áp đặt dân chủ kiểu TC
Nhìn về Châu Á, Le Figaro và Le Monde hôm nay chú ý đến các diễn biến ở Hông Kông: Le Monde tò mò về “một nhóm cực đoan bí ẩn bị bắt ở Hồng Kông”, tựa trang quốc tế. Bên dưới tờ báo nêu sự kiện: Cảnh sát đã câu lưu 10 người chống Bắc Kinh, họ bị cáo buộc là chuẩn bị khủng bố.
Tờ báo tỏ vẻ hoài nghi, nhắc lại là khi bị câu lưu trong đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai, một người dường như đã nói “Cho nổ một quả bom, giết hết tất cả ! Dân chủ muôn năm!”. Đây là theo một nguồn tin được tờ South China Morning Post trích dẫn.
Hiện tại, theo Le Monde trong số 10 người bị bắt: 6 người đàn ông và 4 phụ nữ, từ 21 đến 58 tuổi – hai người đầu tiên bị câu lưu trong lúc họ thử một loại chất nổ. Cảnh sát đã tịch thu các thiết bị và cả hai bản đò khu vực Wan Chai và Admiralty của Hồng Kông.
Theo cảnh sát một trong số người bị câu lưu thuộc “Đảng Quốc gia độc lập”, môt đảng chưa bao giờ nghe nói đến. Trên trang Facebook, người này đã dọa sẽ cho nổ tung Nghị viện Hồng Kông nếu dự luật bầu cử với ứng viên được chỉ định theo ý Bắc Kinh được thông qua.
Le Monde ghi nhận là thông tin về vụ câu lưu nhóm cực đoan mà không ai nghe biết, đã làm người Hồng Kông rất ngạc nhiên và hoài nghi. Hồng Kông chưa bao giờ là mục tiêu tấn công khủng bố.
Le Monde trích lời một nghị sĩ đối lập đánh giá nếu thật như thế thì quả là ngây ngô, và là hành động cá nhân vô tổ chức. Ngay cả cái tên cũng không mang ý nghĩa gì..
Tuy nhiên Le Monde cũng ghi nhận là từ khi phong trào xuống đường chiếm đóng Trung Hoàn bị giải tỏa, cảm nhận đấu tranh ôn hòa không hữu hiệu đang lan tỏa ra một phần nhỏ dân chúng Hồng Kông.
Le Figaro dành cả một trang cho Hồng Kông với tựa đề: “Bắc Kinh muôn ‘áp đặt ở Hồng Kông nền dân chủ kiểu TC”. Hôm nay bắt đầu cuộc thảo luận về cải cách bầu cử, nhưng theo tờ báo cánh dân chủ sẽ bác bỏ.
Le Figaro đánh giá là Bắc Kinh chơi một ván bài gay go. Từ hơn hai thập niên qua, các nhà dân chủ Hồng Kông đã hy vọng là dân chủ tại đây sẽ có chút ảnh hưởng đến lục địa. Nhưng Bắc Kinh với chủ trương bầu cử theo phổ thông đầu phiếu nhưng ứng cử viên được chỉ định thì muốn đảo ngược lại, biến Hồng Kông thành một thử nghiệm “dân chủ” theo kiểu TC mà các dân biểu đối lập sẽ ngăn chặn.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh mấy tháng qua đã sử dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt để tác động lên cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện. Một số lãnh đạo TC, khi nói chuyện riêng với Reuters cho là họ có nhiều hy vọng lôi kéo được 4 nghị sĩ Dân chủ đối lập cần thiết để dự luật được thông qua. Phe Dân chủ đã bác bỏ, cho đấy chỉ là lời đầu độc của phía Trung Quốc.
Chưa rõ thực hư ra sao, nhưng điều đập mắt theo tờ báo sự chán ghét TC ở Hồng Kông đã tăng cao: Thất nghiệp, kinh tế ngày càng bị TC nắm chặt. Và không ai ở Hồng Kông, kể cả phe đòi dân chủ, muốn Hồng Kông độc lập, lý do rất đơn giản vì cả nước và điện đều đến từ TC.
Tuy nhiên, người dân Hồng Kông rất gắn bó với bản sắc của lãnh thổ họ. Le Figaro dẫn lời một họa sĩ:“Nếu muốn làm giàu thì hãy bỏ phiếu thuận thông qua dự luật bầu cử, còn nếu muốn sống tốt hơn thì nên bỏ phiếu không”.