Có nên sợ quân đội TC?
15/06/2015 – Phái viên báo Le Figaro ở Bắc kinh – Theo Phong Uyên chuyển ngữ – Dịch giả gửi tới Dân Luận
Á châu Những đường biển chiến lược chạy qua biển Trung Hoa là mảng chính trong trò ghép hình mà TC đang tốn công chơi, nhằm mục đích tăng cường sự ngự trị kinh tế của mình. Bắc Kinh cũng khằng định muốn xây dựng một quân đội hùng mạnh hơn để không bao giờ TC phải chịu đựng những đau khổ như trong thế chiến thứ Hai. Nhưng sự phân ranh biên giới hàng hải mà TC tự đặt ra, là nguyên nhân những sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước lân bang mà đứng đầu là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Vừa rồi, những sự căng thẳng này đã nhiều lần gây mối lo sợ sẽ xẩy ra những cuộc xung đột võ trang. Sự lớn mạnh của quân đội Nhân dân Giải phóng, được luôn tăng cường bởi bởi những máy bay tiêm kích tàng hình, những tên lửa chống vệ tinh, gây ra mối lo ngại cho các nước lân bang và cho đồng minh Mỹ của họ. Nhưng cũng có nhiều nhà giám định xét đoán quân đội NDGP không nguy hiểm như người ta tưởng và đặt nghi ngờ về khả năng chiến thắng của nó.
Những hướng đi của chính sách quốc phòng TC năm 2015 có đáng lo ngại không?
Cuốn Bạch thư 2015 của Hội đồng Quốc vụ (Chính phủ) TC, cuối tháng 5 vừa rồi, chứng nhận sự thay đổi chiến lược mà nhiều nhà chuyên môn đã nhận thấy từ một vài năm nay: TC đặt ván bài tăng cường khả năng phóng quân đội ra ngoài địa giói để bảo vệ quyền lợi chiến lược của mình. Theo cuốn Bạch thư, quân đội TC, với số quân 2, 3 triệu người lớn nhất thế giới, trù tính trao cho Hải quân trách nhiệm lớn là “bảo vệ biển khơi” và đặt nhẹ hơn vấn đề bảo vệ bờ biển. Đồng thời các lực lượng không quân TC cũng thay ” sự phòng ngự lãnh thổ bằng sự kết hợp giữa phòng ngự và tấn công”. QĐNDGP cũng phát triển sự lưu động của mình và pháo binh sẽ tăng cường khả năng “đánh phá tầm trung và tầm xa”. Cuốn Bạch thư cũng bầy tỏ “mối lo ngại” của TC trước sự “tái cân bằng” của Mỹ về Á đông và sự thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật. Và thấy “Cần phải gạt bỏ não trạng truyền thống cho mối nguy hiểm đất đai quan trọng hơn mối nguy hiểm hàng hải”. Tuy vậy, sự tái cân bằng kiểu TC này, không thể cứ muốn làm là được khi chung quanh mình có 14 nước lân bang, trong số đó, 4 nước có vũ khí hạt nhân, mặc dầu QĐNDGP kiếm đủ mọi cách tăng cường khả năng răn đe của mình.
Khả năng của QĐNDGP có ngang tầm với tham vọng của TC không?
Câu hỏi về khả năng quân sự của QĐNDGP đã trở thành quan trọng từ khi Bắc Kinh tăng số lượng những xây dựng để tạo lập những phi đạo, những bến tàu, v. v… trên những tảng đá ngầm còn đang nằm trong tranh cãi ở biển Trung Hoa, để từ đó Trung Quốc có thể phóng ra lực lượng võ trang của mình. Tuy bây giờ quân đội Mỹ còn vượt xa QĐNDTQ cả chục năm, Hoa kỳ chưa bao giờ phải đứng trước một đối thủ có tiềm năng như TC. Liên Xô ngày trước có một quân đội rất mạnh, nhưng vì nền kinh tế bị phá sản nên không thể nào rút ngắn khoảng cách trong cuộc thi đua võ trang với Mỹ được. QĐNDTQ trái lại, nhờ được hỗ trợ bởi sự gia tăng liên tục ngân sách quân sự từ những năm 1990, đã canh tân các lực lượng của mình và có được một tàu sân bay từ năm 2012 và đang đóng một tàu sân bay thứ hai. Với một ngân sách tương đương với 127 tỷ € (1), chi tiêu quốc phòng TC đứng hàng thứ hai trên thế giới nhưng vẫn sau rất xa Hoa Kỳ… Chi tiêu này năm nay chỉ tăng 10,1% so với 12,2 % năm 2014 tuy vẫn là 2 con số.
Những năm sau này, nước Cộng hòa nhân dân có phát triển những thiết bị tân thời có thể sánh ngang với kỹ thuật Hoa Kỳ. Chẳng hạn như tên lửa đạn đạo loại DF – 21D, đã làm Ngũ giác đài lo sợ vì có thể bắn những hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Hay tên lửa Ỵ – 18 có thể bắn từ những tàu ngầm và và xà xuống mồi theo đường xoắn ốc rất khó có thể bắn hạ được. Tập Cận Bình đẩy mạnh sự canh tân kỹ thuật trong địa hạt quân sự để nhấn mạnh sự quyết tâm của mình muốn TC trở thành một cường quốc hải quân.
Nhưng, ngay cả những quan chức cao cấp cũng phải thú nhận TC bị mắc “hội chứng hòa bình”. Không có một sĩ quan nào hiện đang phục vụ trong quân đội, đã tham gia tác chiến trong một cuộc chiến tranh thật sự. Lần cuối cùng mà QĐNDGP đi đánh trận, đã bị các lực lượng quân đội Việt Nam đánh cho thua liểng xiểng. Những cơ cấu chỉ huy của QĐNDGP không tương ứng với những thách thức hiện đại và gặp nhiều vấn đề khi phải phối hợp những cuộc hành quân. với nhau. Trên biển, TC cần phải làm sao tổ chức được trên tàu sân bay, 3 hay 4 đội quân tác chiến nếu muốn gây dựng được một khả năng chiến đấu đáng tin cậy. QĐND còn bị một tật nguyền cỡ bự nữa, là vấn đề tuyển lựa người, theo một bản báo cáo mới đây của Rand Corporation: Một quân đội “kỹ thuật cao” cần phải có những người đầu quân được giáo dục tốt và không bệnh tật. Nhưng vì những điều kiện vật chất quá tồi tệ và lương bổng không có gì là hấp dẫn, nên QĐND phải nhận cả những người bị bệnh thần kinh phân lập hay bị bệnh trầm uất.
TC có đang trở thành cường quốc quân sự số một ở Á châu không?
Trên giấy tờ, QĐND có một kho vũ khí rất là ấn tượng. Hải quân, quan trọng nhất Á châu, với hơn 300 tàu chiến. Trong số đó TC có 25 khu trục hạm, 59 tàu ngầm chạy bằng diesel và 9 tàu ngầm nguyên tử. Đối mặt với TC, Philippinnes là tồi tệ nhất. Địch thủ Việt Nam khá hơn nhờ mới vừa mua thêm máy bay tiêm kích hiện đại, tàu ngầm và tên lửa hành trình (2).
Nhưng, hải quân TC chỉ ngang tầm với hải quân Nhật. Còn khả năng đương đầu với hải quân Mỹ thì quá là bất chắc. Theo một bản báo cáo của Lầu Năm góc, thì trong số 2100 máy bay thả bom nằm trong nhà chứa máy bay của TC, chỉ có vài trăm cái là hiện đại. Cái tàu sân bay Liêu Ninh hiện giờ chỉ được dùng như một cái sân nổi để huấn luyện một hạm đội còn đang được xây dựng. TC còn đang ở giai đoạn tập sự để có thể phóng xa lực lượng của mình ra khỏi căn cứ. Bởi vậy sự xây dựng những căn cứ xa nội địa trên các hòn đảo bé nhỏ còn nằm trong tranh cãi ở biển Trung Hoa không phải là một xa xỉ phẩm đối với TC.
TC có tiến hơn một bậc trong cuộc chiến tranh tin học?
Tập Cận Bình muốn không gian tin học trớ thành một đường tuyến mới cho mặt trận tin học của mình, khi làm một cuộc tổng động viên trong lãnh vực được coi là ưu tiên và đã từ lâu được giao cho QĐND. Tháng 5 năm 2014, 5 sĩ quan Trung quốc bị Tòa án Hoa Kỳ kết tội đã ăn cắp, từ 2006 tới 2014, những bí mật thương mại của các xí nghiệp Hoa kỳ chuyên về năng lực hạt nhân hay mặt trời và trong ngành luyện kim. Những sĩ quan bị kết tội là “nhân viên của Tổ 61398 thuộc Cục Ba của QĐNDGP”, bộ trưởng bộ Công lý Mỹ, Eric Holder tuyên bố như vậy. Theo hãng bảo vệ tin học Mandiant Mỹ, những tin tặc này đặt căn cứ trong một tòa nhà 12 tầng ở phố Datong, khu Pudong Thượng Hải. Những tin tặc này đã ăn cắp những bí mật thương mại có thể được đem ra dùng lại trong các xí nghiếp TC kình địch tư cũng như công quản. Tổ 61398 có tới cả mấy ngàn gián điệp. Với 2 triệu chiến sĩ tin học, Bắc Kinh có đủ phương tiện để gây ra những trận đánh lớn trên Mạng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng có làm lụn bại tinh thần quân đội không?
Truyền thống của các lãnh tụ đảng Cộng sản TC từ khi nắm chính quyền là luôn luôn o bế quân đội, cột trụ của chế độ, đảm bảo cho sự sống còn của chế độ.. Chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ khi Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012, đã như một ngọn roi quất vào mặt quân đội. Cũng phải hiểu là cái văn hóa đút lót và biển thủ đã ăn vào xương tủy QĐNDGP và đã phá hoại sự vận hành của nó. Người tiền nhiệm họ Tập là Hồ Cẩm Đào lại quá yếu đuối không dám đụng đến những mối liên hệ giữa các lực lượng trong Đảng và quân đội. Họ Tập đã phải tự tay bẻ lái bắt quân đội phải đi theo nhịp bước của mình và dùng quân đội để hỗ trợ chiến thuật đối ngoại cứng rắn của mình. Có tới một tá các ông tướng bị kết tội hay sắp bị kết tội sau khi cả một hệ thống tham nhũng lan rộng khắp quân đội bị khám phá với sự mua bán chức tước ở đủ mọi thứ bậc và sự ngã ngựa rất ấn tượng của của tướng Xu Caihou, cựu phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương của ĐCSTQ. Chuyện chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử chính trị – quân sự của QĐNDGP. Quá khiếp sợ bởi chiến dịch bài trừ tham nhũng này, tất cả những chóp bu trong quân đội đều thề nguyền trung thành với họ Tập, và đành phải nuốt từng mẩu trong bụng mọi ý định chống đối những chương trình cải cách của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng cũng nhờ vậy mà nhiều sĩ quan trẻ tuổi tìm được một động cơ cho sự chọn lựa của mình.
Nguồn: Báo Le Figaro
______________________
(1) Một ngân sách quốc phòng được tăng đều đều
Năm 2000: 22, 2 tỷ đô la (1,9% GDP) Năm 2014: 216, 4 tỷ đô (2,06% GDP).
So với Mỹ: Năm 2014: 609, 9 (3,5% GDP)
(2) Lực lương quân đội TC so với những nước chính lân cận:
TC:
2 330 000 quân. 7490 chiến xa. 2571 máy bay. 754 tàu chiến lớn. 1 tàu Sân bay. 70 tàu ngầm. 654 máy bay lên thẳng.
Nhật Bản:
250 000 quân. 852 chiến xa. 630 máy bay. 46 tàu chiến lớn. 2 tàu Sân bay. 18 tàu ngầm. 622 máy bay lên thẳng.
Đài Loan:
290 000 quân. 1238 chiến xa. 485 máy bay. 26 tàu chiến lớn. 4 tàu ngầm. 622 máy bay lên thẳng
Nam Hàn:
660 000 quân. 2414 chiến xa. 587 máy bay. 23 tàu chiến lớn. 23 tàu ngầm. 572 máy bay lên thẳng
Ấn Độ:
1350 000 quân. 2984 chiến xa. 928 máy bay. 25 tàu chiến lớn. 2 tàu sân bay. 1 tàu ngầm. 883 máy bay lên thẳng
Việt Nam:
480 000 quân. 1990 chiến xa. 97 máy bay. 2 tàu chiến lớn. 4 tàu ngầm. 75 máy bay lên thẳng
Philippines:
130 000 quân. 7 chiến xa. 22 máy bay. 82 máy bay lên thẳng