Tin Việt Nam – 15/6/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 15/6/2015

Tàu cá Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công gần Hoàng Sa — Hội Nghề Cá VN lên án các vụ tấn công của tàu TQ Vào lúc lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh đàm phán cải thiện quan hệ thì tại Biển Đông ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc tấn công cướp bóc. Hãng tin Bloomberg chú ý đến những vụ xảy ra trong tuần qua. Gần đây chính quyền Việt Nam nới lỏng kiểm duyệt loại thông tin được xem là nhạy cảm này. Hai vụ gần nhất xảy ra trong tuần lễ vừa qua. Nhiều tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam bằng vòi rồng ngày 07/06/2015 và sau đó ba ngày, một tàu đánh cá khác của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974. Bloomberg cũng cho biết trong tháng 5, cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần dùng vòi rồng đánh đuổi ngư dân Việt Nam hoạt động trong ngư trường truyền thống. Không những tấn công ngư dân Việt Nam, chính quyền Trung Quốc còn đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào khu vực và tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, gây bất bình trong công luận Việt Nam, mà hệ quả là xảy ra biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 5 năm 2014. Hành động Trung Quốc tiếp tục uy hiếp cướp bóc ngư dân Việt Nam trên biển vẫn xảy ra thường xuyên cho dù chính quyền hai nước tuyên bố nỗ lực cải thiện bang giao. Ngày 13/06 vừa qua, hãng tin Vietnam News loan tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sang Bắc Kinh gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao). Được Bloomberg đặt câu hỏi về tình trạng ngư dân Việt Nam bị tấn công, một giáo sư đại học ở Sài Gòn nhận định: Đây là thái độ cố hữu của Trung Quốc tại Hoàng Sa, nơi mà họ có sức mạnh áp đảo. Các vụ việc này đã liên tục xảy ra từ lâu nay, nhưng sở dĩ bây giờ được báo chí tường thuật là vì chính quyền Việt Nam muốn chứng tỏ họ đang phản đối Trung Quốc và cố gắng bảo vệ ngư dân. Hàng không mẫu hạm USS Reagan về Châu Á-Thái Bình Dương Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng vì tham vọng thống trị của Trung Quốc, Hoa Kỳ thông báo đưa hàng không mẫu hạm USS Reagan về vùng Châu Á. Trên danh nghĩa, tàu sân bay tối tân này sẽ được bố trí tại Yokohama, Nhật Bản, thay thế USS Washington cũ kỹ. Theo Bangkok Post, sự kiện Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm nguyên tử này vào vùng là để tăng cường hỏa lực bảo vệ Nhật Bản trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phương. Tuy nhiên, nhật báo Thái Lan cho rằng tình hình Biển Đông có thể là động cơ chính. – RFI *** Theo hãng tin Bloomberg hôm 14/6, tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng gây hư hại cho 1 tàu cá Việt Nam hôm 7 tháng 6, trong khi tờ Thanh Niên hôm qua tường thuật rằng 3 ngày sau sự cố vừa kể, một tàu cá Việt Nam khác bị tấn công, sau đó nhiều thiết bị và số lượng cá đánh bắt được trên chiếc tàu đều bị tịch thu. Báo Lao Động cho biết tàu đầu tiên là tàu cá QNg 95193 TS do ông Phạm Trung Kiên thuộc xã Bình Châu, làm chủ. Tờ Thanh Niên hôm qua thuật lời ngư dân trên hai tàu cá Việt Nam cho biết họ đã bị tàu Trung Quốc tấn công trong khi đang hoạt động trên ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa. Báo này trích lời một ngư phủ tên Bùi Tấn Đoàn, 23 tuổi, thuật lại rằng anh và một thuyền viên khác tên Cao Xuân Ly, bị thương sau khi tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của anh trong suốt 2 giờ đồng hồ hôm 7 tháng 6. Trên tàu lúc đó có 13 ngư dân. Trả lời phỏng vấn của tờ Thanh Niên hôm thứ Bảy sau khi trở về quê ở Quảng Ngãi, anh Đoàn cho biết thân tàu bị hư hại, và tàu bị tràn nước. Anh Đoàn kể rằng thuyền viên Việt Nam đã ra dấu hiệu xin tàu Trung Quốc ngưng xịt nước, nhưng cuộc tấn công vẫn tiếp tục giữa lúc những người trên tàu tìm cách tát nước ra khỏi tàu. Anh Đoàn cho biết xương chân trái của anh bị gãy và bác sĩ nói anh sẽ không đi được trong 3 tháng tới. Trong một vụ việc khác hôm 10 tháng 6, chủ chiếc tàu thứ nhì bị tấn công, thuyền trưởng Nguyễn Văn Phú thuật lại rằng anh cùng 10 thuỷ thủ trên tàu bị tấn công và tài sản cũng bị tịch thu. Anh Phú, 29 tuổi, nói 4 tàu Trung Quốc đã bao vây tàu cá của anh có số hiệu QNg 90657 TS. Từ trên tàu 6 người Trung Quốc đã xuống 2 tàu có màu trắng sọc đỏ trên thân có ghi chữ Trung Quốc, rồi lao về phía tàu cá Việt Nam, kẹp chiếc tàu này từ 4 phía. Báo chí Việt Nam kể rằng các thuyền viên trên tàu cá Việt Nam “bị dồn về phía mũi tàu, rồi bị dùng áo trùm đầu”. Sau đó tàu bị cướp hết tôm cá, phía Trung Quốc đã phá hỏng nhiều dụng cụ trên tàu trước khi bỏ đi. Theo báo Lao Động, số hải sản, trang thiết bị bị cướp phá ước lượng lên tới 550 triệu đồng. Các vụ đụng độ như thế này này đã trở nên thường xuyên hơn quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi có sự hiện diện hùng hậu của các tàu Trung Quốc. Giáo sư Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Đại học Quốc gia ở Saigon nói rằng những vụ chạm trán ấy ‘đã diễn ra từ lâu, nhưng mãi tới bây giờ mới được tường thuật bởi vì chính phủ Việt Nam muốn lên tiếng phản đối và tìm cách bảo vệ ngư dân.’ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa sẽ tài trợ cho ngư dân để xây tàu chắc chắn hơn để có thể tự vệ tốt hơn. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 11/6 nhắc lại rằng nhà chức trách Việt Nam đã ‘có các biện pháp cần thiết’ để tăng sức ép buộc tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc, tàu 517, rời khỏi vùng biển của Việt Nam. – VOA *** Hội Nghề Cá Quảng Ngãi phản đối những hành động mà họ cho là ‘ngang ngược’ và ‘phi nhân tính’ của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam. Trang mạng Thuỷ sản Việt Nam hôm nay xác nhận tin về hai cuộc tấn công hôm 7 và 10 tháng 6. Hội Nghề Cá tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phía Trung Quốc ‘chấm dứt ngay hành động sai trái và bồi thường thiệt hại về tài sản’ cho ngư dân Việt Nam, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam điều tra, xác minh và làm rõ các sự cố này. Những vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Việt Nam liên tục diễn ra giữa lúc hai nước đang thảo luận việc cải thiện các quan hệ. Báo chí Việt Nam hôm 13/6 tường thuật rằng Phó Thủ Tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải đã gặp Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều ở Bắc Kinh mới đây, trong 1 chuyến đi thăm Vân Nam để dự Hội chợ Trung Quốc-Nam Á. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Hoàng Trung Hải tái khẳng định rằng Việt Nam luôn coi trọng việc ‘tăng cường và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ với Trung Quốc. Ông Hoàng Trung Hải lưu ý rằng hai nước cần tuân thủ các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao của hai Đảng và hai nước về việc kiểm soát những bất đồng trên biển, tránh các hành động gây phức tạp thêm tình hình, hầu có thể duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. – VOA Campuchia chính thức lên tiếng phản đối việc VN xâm lấn biên giới — Xóm nổi người Việt ở tỉnh Kandal, Campuchia bị giải tán Bộ ngoại giao Campuchia liên tiếp gửi hai công hàm ngoại giao cho chính quyền Hà Nội để phản đối về việc Việt Nam tự ý ao mương thủy lợi trong khu vực biên giới. Đây là lần hiếm hoi mà chính quyền được cho là thân Việt Nam của ông Hun Sen lên tiếng trước hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ từ phía Việt Nam. Hai công hàm được bộ Ngoại giao Campuchia gửi cho chính phủ Việt Nam liên tiếp trong hai ngày 12 và 14 tháng 6 năm 2015, phản đối việc Việt Nam tự ý đào 8 ao mương nước trên khu vực vẫn chưa được phân giới cắm mốc. 8 ao mương nước này được đào ở khu vực phum Lum, xã Pak Nhay, huyện O Yadaw, tỉnh Ratanakiri giáp với tỉnh Gia Lai của Việt Nam. Thời gian gần đây, vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia là vấn đề lớn trên nghị trường Campuchia. Theo các nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc đối lập thì tình trạng Việt Nam có các hành vi lấn chiếm, thay đổi thực trạng biên giới diễn ra ở mọi nơi. Thông tin về vấn đề Việt Nam lấn chiếm lãnh thổ được báo chí Campuchia cập nhật liên tục, ban đầu là khu vực Ton Hon tỉnh Kampot giáp với Hà Tiên, khu vực Phnum Dinh tỉnh Takeo giáp với tỉnh An Giang, khu vực Me Mort tỉnh Tbong Khum, giáp với tỉnh Tây Ninh, khu vực Rumdoul tỉnh Svay Rieng giáp với tỉnh Long An và mới đây nhất và việc Việt Nam đào giếng bị cho là trên phần đất Campuchia. Điều này cũng khiến cho người dân ở các địa phương dọc biên giới, học sinh, sinh viên, các tầng lớp xã hội và các đảng phái chính trị ở Campuchia hết sức bất bình. Họ liên tục thành lập các đoàn đến kiểm tra các địa điểm có phát sinh mâu thuẩn. Công hàm ngoại giao gửi hồi ngày 12 và 14 tháng 6 vừa qua sau khi chính quyền Campuchia tìm thấy 8 ao mương nước do Việt Nam đào trái phép. Tuy nhiên, trước đó Hạ nghị sĩ Mao Monyvann thuộc đảng đối lập đã nhiều lần đến kiểm tra và cáo buộc Việt Nam lấn chiếm biên giới. Ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Quốc, người từng nhiều lần lến án chính quyền ông Hun Sen vô trách nhiệm với vấn đề biên giới đã lên tiếng ủng hộ bản công hàm này. Ông gọi phản ứng này của chính quyền là một việc hiếm trong lịch sử. Ông Sam Rainsy: “Chúng ta ủng hộ. Họ làm đúng, không ai dám chống lại cả. Ai lại chống đối hành vi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chứ. Campuchia là đất nước chung của chúng ta. Chúng ta ủng hộ và cổ vũ những người yêu nước”. Vào ngày 15 tháng 6 năm 2015, chúng tôi không thể hỏi được phản ứng của Việt Nam trước công hàm này do người phụ trách Phòng Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia không nghe điện thoại. Các nhà nghiên cứu xã hội độc lập và các tổ chức xã hội Campuchia thì cho rằng Campuchia quốc tế hóa vấn đề biên giới với Việt Nam. Tiến sĩ khoa học chính trị Sok Tuoch cho rằng phản ứng của chính phủ là quá chậm và đáng lý phải ra công hàm ngoại giao và thông cáo báo chí từ đầu tháng 5 năm 2015 khi mà Việt Nam phun thuốc phá hoại hoa màu của người Campuchia ở huyện Me Mort tỉnh Tbong Khum. Về bản công hàm này, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng thì Campuchia có quyền đơn phương lấp các giếng đào kia. Tiến sĩ Sok Tuoch: “Chúng ta phải tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề một nhà nước phải trả lời yêu cầu của một nhà nước khác. Và chúng ta có quyền triệu tập Đại sứ Việt Nam để buộc họ làm sáng tỏ về vấn đề này. Chúng ta buộc họ phải cho biết họ làm như vậy là dựa vào cơ sở gì, bản đồ nào và luật gì. Chúng ta phải buộc Đại sứ Việt Nam trả lời”. Riêng tiến sĩ Kem Lay thì ủng hộ bản công hàm ngoại giao này vì nó nhắc nhở phía Việt Nam nên chấm dứt các hoạt động lấn chiếm đất đai. Ông còn cho biết Chính quyền Campuchia nên có những hành động khác với quy mô lớn hơn do tình trạng Việt Nam lấn đất diễn ra hầu như ở mọi nơi dọc biên giới. Ông cho rằng việc lấn đất của Việt Nam được thực hiện theo hệ thống và gợi ý chính quyền phải nghiên cứu vấn đề biên giới với Việt Nam một cách có khoa học với sự tham gia của đảng đối lập và một bên thứ ba nữa. Tiến sĩ Kem Lay: “Bên thứ ba ở đây có thể là Pháp vì Pháp biết rất rõ vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, thứ hai là chúng ta nên tìm sự can thiệp từ các nước ASEAN. Nhưng tốt nhất là chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ, trong thời gian ngắn để hoàn thiện hồ sơ, không chỉ là thông cáo hay công hàm ngoại giao như hiện nay mà phải kiện lên tòa án quốc tế như trường hợp đền Preah Vihear vậy. Ta thấy trường hợp này cũng tương tự trường hợp Thái xâm chiếm Preah Vihear, còn Việt Nam thì họ xâm chiếm tất cả các nơi dọc theo biên giới. Chúng ta phải kiện như nhau, nếu không kiện thì chứng tỏ rằng chúng ta đã nằm dưới sự cai trị của họ”. Đây là lần đầu tiên chính quyền Campuchia chính thức lên tiếng phản đối việc Việt Nam xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của mình kể từ khi quân đội Việt Nam lật đổ chính quyền Khmer Đỏ hồi ngày 7 tháng Giêng năm 1979. Trong buổi hội đàm với Tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam hồi ngày 9 tháng 6, Thủ tướng Hun Sen đã đề cập đến vấn đề Việt Nam lấn chiếm Campuchia và yêu cầu phía Việt Nam tiếp tục giữ ổn định về các vấn đề biên giới. – RFA *** Các công hàm đề ngày 12/6 và 14/6 mà BBC có trong tay đã được gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh. Công hàm này yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay hoạt động đào mương tại xã Pak Nhay, huyện O Yadav, nơi mà mới đây một đoàn dân biểu đối lập của Campuchia cũng đi thị sát và tố cáo Việt Nam “lấn đất”. Khu vực này hiện chưa cắm mốc phân giới được giữa hai bên. Tuy nhiên, công hàm của phía Campuchia nhắc lại rằng trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen và ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN Lê Hồng Anh hôm 9/6 tại Phnom Penh, hai bên đã thống nhất lập trường “khi chưa cắm mốc thì khu vực chưa cắm mốc không được thay đổi”. Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký năm 2005. Thế nhưng trên thực tế việc phân giới cắm mốc còn nhiều khó khăn và còn khoảng 20% đường biên chưa cắm mốc. Cáo buộc Việt Nam xâm chiếm đất của Campuchia thường xuyên được các đảng phái chính trị Campuchia sử dụng trong nghị trình của mình. Tuy nhiên điều đáng chú ý là Chính phủ Hun Sen, vốn bị chỉ trích là thân Việt Nam, nay cũng quay sang cáo buộc Việt Nam lấn đất. ‘Hành động gấp’ Công hàm của Bộ Ngoại giao Campuchia dẫn các nguồn báo cáo của Bộ Nội vụ, Ủy ban Liên hợp Biên giới của Campuchia và chính quyền tỉnh Ratanakiri nói các mương đào của Việt Nam vào sâu trong đất Campuchia tới trên 500m. Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Biên giới Var Kimhong được nói đã yêu cầu giới chức địa phương chặn tay bất cứ người Việt Nam nào làm việc trong khu vực và báo cáo ngay với ủy ban để có hành động gấp. Ông Var Kimhong cho hay ngày 24/6 tới sẽ điều chuyên gia tới đo đạc và yêu cầu Việt Nam “không dịch chuyển các mốc dấu”. Sứ quán Việt Nam chưa có phản hồi gì về các công hàm của Bộ Ngoại giao Campuchia. Chủ đề biên giới đất đai luôn luôn là một trong các chủ đề nóng nhất và gây tranh cãi nhất trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng thời hiện đại. Việt Nam cũng từng cáo buộc Campuchia dịch chuyển mốc dấu. Bất đồng về đất đai đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Campuchia. – BBC *** Hơn 40 hộ gia đình người Việt sống trên nhà nổi ở Campuchia hết sức lo lắng vì bị chính quyền địa phương buộc di rời gấp, trong khi chưa thể tìm được nơi ở mới. Theo thông báo của chính quyền huyện Lvea Em, tỉnh Kandal thì tất cả các hộ dân sinh sống trên thuyền bè, nhà nổi phải rời khỏi khu vực bến phà Aray Khsat chậm nhất là trước tối 22 tháng 6 tới đây. Thông báo di dời tất cả các hộ hợp pháp và bất hợp pháp “Người ta biểu bè này phải đi, nó xuống bè dán giấy (thông báo) hết rồi. Nếu mà mình không đi, tới ngày hẹn mà không đi thì nó sẽ lại, chặt dây bè thả đi. Dân tình hiện giờ đang lo âu, nghèo khổ không có tiền bạc”. Đó là lời của bà Nguyễn Thị Hường, ngoài 50 tuổi, nói với chúng tôi trong bộ quần áo nhuộm màu phèn. Cũng theo bà Hường, lý do mà chính quyền đưa ra là những hộ dân này sinh sống trên sông, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị. Khu vực buộc di dời nằm trên dòng sông Mekong bên phần thuộc tỉnh Kandal, đối diện với Hoàng cung và nằm trong khu vực cảnh quan du lịch của thành phố Phnom Penh. Riêng ông Bùi Văn Đức, đại diện hội Việt Kiều huyện Lvea Em, tỉnh Kandal, cũng là một người dân sinh sống tại khu vực này cho biết thông báo của chính quyền địa phương nói rõ buộc các bè, chòi, nhà nổi phải di dời do cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông này khẳng định rằng, tất cả các hộ dân sống ở đây đều trình báo và có sự đồng ý của chính quyền địa phương và việc viện lý do người dân sinh sống bất hợp pháp để buộc di dời là hoàn toàn không hợp lý. Ông Đức bức xúc trình bày: “Mình sống ở đó trên mười mấy năm rồi. Còn nếu nói dân ở bất hợp pháp, ở bất hợp pháp sao mà anh ra sổ gia đình cho người ta, sổ vàng (sổ đăng ký thường trú) cho người ta, làm giấy cho người ta ở đàng hoàng? Rồi nói luôn bè bất hợp pháp, bất hợp pháp cái gì, kiểm (cơ quan quản lý nguồn lợi thủy sản) lại đóng đàng hoàng, kiểm lại đóng giấy, nuôi cá gì, cá gì. Nó đóng giấy, đưa giấy cho mình cầm đàng hoàng. Vậy người đó bất hợp pháp sao? Bất hợp pháp sao mà có giấy?” Đi đâu về đâu? Phần lớn những hộ dân sinh sống trên các nhà nổi làm nghề đánh bắt cá và nuôi cá dưới nhà bè. Hiện tại, cá vừa mới thả giống và phải mất khoảng 5 tháng nữa mới có thể thu hoạch. Nếu buộc phải di dời ngay thì những người này buộc phải bán cá nhỏ và chịu thua lỗ. Tuy vậy, dù muốn, dù không thì vẫn không thể tiếp tục sống được nữa và dù chỉ còn mấy ngày nữa là phải tự di dời nhưng phần lớn họ vẫn chưa biết sẽ ở đâu. Trước hoàn cảnh khó khăn của đồng bào, Ông Trương Tới, trưởng ấp Aray Khsat, bày tỏ: “Lại báo liền, trong giấy để một tuần thôi, có một tuần thôi, (sau đó người ta sẽ) chặt dây bè hay người ta phá bè gì đó thì ráng mà chịu. Rời này thì không biết điểm, ai có thân thích hay quen ở đâu thì đi đó chứ đi đâu bây giờ, còn lên bờ thì ở đây hết đất ở rồi”. Ông Tới còn cho biết thêm rằng chính quyền chỉ yêu cầu rời khỏi khúc sông này, còn những khu vực khác người ta không cấm nên người dân vẫn có quyền sinh sống. Tuy nhiên việc tìm nơi có điều kiện thích hợp để có thể dựng nhà bè và tiếp tục nuôi cá không phải là chuyện dễ. Những người Việt, hay nói đúng hơn là những người Campuchia gốc Việt này sống nhiều đời trên dòng sông Mekong với nghề nuôi cá trên bè là nghề cha truyền con nối. Ông Hồ Sáu tiếp xúc với chúng tôi trong ngôi nhà bè nhỏ, bấp bênh theo từng đợt sóng và người vợ đang nằm trên sàn vì cơn đau tim cho biết khi mở mắt chào đời ông đã thấy sông nước trên đất Campuchia, gia đình ông đã bốn đời sống trên sông nước và dù có đi đâu thì ông cũng không bỏ nghề nuôi cá vì ngoài nuôi cá ông không biết làm nghề gì nữa cả. Ông Sáu nói: “Thì đi kiếm chỗ khác ở nữa, đi về cồn hai(?) rồi xin người ta ở. Cũng ở dưới sông. Mình chưa từng ở trên bờ, mình quen ở dưới sông để nuôi cá”. Dưới sông bị đuổi, trên bờ cũng chưa chắc được yên Người sống trên sông lo sợ là thế, riêng những người Việt sống trên bờ cũng không thể thoát khỏi cảnh lo sợ bị đuổi mất kỳ lúc nào. Sông Mekong, đoạn chảy qua Phnom Penh chia làm bốn nhánh, làng Aray Khsat nằm ở phía đông với hơn 300 hộ gia đình người Việt sinh sống. Người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt cá, phụ hồ và buôn bán hàng rong. Ở đây cũng có một ngôi nhà thờ Công giáo được nhiều người biết đến là “Nhà thờ Đức mẹ Mekong”. Tuy nhiên, anh Sang, một thanh niên mồ côi từ nhỏ và sống nhờ sự cứu giúp của nhà thờ cho biết trong tương lai hơn 300 nhà dân và cả nhà thờ này cũng sẽ bị giải tỏa. Anh Sang cho biết: “Mình cũng có nghe phong phanh là có đuổi, nhưng mà không biết là người ta quyết định đuổi ngày nào mà có nghe đuổi, tại vì nghe nói sau này chỗ này sát nhập vô thành phố, về thành phố. Cũng rầu, cũng lo, không biết người ta đuổi mình, người ta có lo chỗ cho mình ở hay không”. Đi theo con đường dọc bờ sông, chúng tôi thấy hai ông bà cụ già yếu ngồi trên nhà sàn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông bà cho biết cả hai ông bà đều sinh ra tại Campuchia và đã trãi qua nhiều biến cố thăng trầm theo lịch sử của Campuchia. Khi được chúng tôi hỏi rằng, “nếu người ta đuổi không cho ở đây nữa thì ông bà sẽ đi đâu?” Họ cười đáp: “Người ta đuổi thì do nhà nước thôi. Không biết đi đâu bây giờ. Không biết có còn sống tới đó để bị đuổi hay không nữa. Ai sao mình vậy chứ không biết sao nữa”. Người Việt luôn là đề tài nóng ở Campuchia, nhiều đảng phái chính trị cho rằng người Việt nhập cư là một trong những chiêu bài thôn tính lãnh thổ, còn một số tổ chức xã hội dân sự như tổ chức Bảo vệ Quyền Dân tộc thiểu số ở Campuchia (MIRO) thì cho rằng Việt Kiều Campuchia là nạn nhân của các quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia. Ông Sovanna Rith, đại diện MIRO chia sẽ: “Họ là những nạn nhân chính trị giữa Việt Nam và Campuchia. Ở Campuchia, họ không được sống hợp pháp theo luật quốc tịch. Riêng một số ít người có tiền, hoặc là thành viên của đảng phái chính trị có quyền lực nào đó thì họ có thể liên hệ để có được giấy tờ sinh sống hợp pháp, còn tuyệt đại đa số là không có giấy tờ. Còn về phía Việt Nam, chúng ta đã thấy trong quá khứ, dưới thời Khmer Đỏ, người Việt đã bị trục xuất về nước, nhưng Việt Nam không thừa nhận họ, buộc họ phải sống co cụm ở khu Chrey Thum (giáp với cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang), hồi đợt bầu cử đa đảng do Liên Hiệp Quốc tổ chức (năm 1993) người Việt cũng bị trục xuất nhưng một lần nữa Việt Nam không thừa nhận họ là người Việt”. Không có chỗ ở ổn định, không có giấy tờ cư trú hợp pháp, rồi số phận những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Campuchia sẽ ra sao? Chúng tôi xin mượn câu trả lời của ông Tới, trưởng ấp Aray Khsat để kết thúc cho bài viết này: “Tương lai mấy đứa nhỏ, không biết sẽ ra sao nữa. Tôi nói chừng nữa, ngày sau không biết sẽ ra sao đây”. – RFA