Điểm Báo Pháp – 12-6-2015
Theo RFI – Tú Anh – 12-06-2015
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong lưới tình báo Tây phương
Bằng cách nào Liên minh quốc tế nắm rõ cách vận hành của tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi Giáo, Đức Giáo Hoàng tiếp Vladimir Putin để làm gì, vì sao lãnh đạo đối lập Miến Điện nhận lời mời của Tập Cận Bình sang thăm Bắc Kinh, bá tước Dracula đã vĩnh viễn trở về cõi âm ở tuổi 93… trên đây là những chủ đề nổi bật trên báo chí Pháp ngày 12/06/2015.
Le Monde đề ngày 12/06 không phát hành vì nhân viên đình công. Trên trang mạng, nhật báo cánh tả độc lập chú ý thông tin Hoa Kỳ tăng cường 450 quân nhân tại Irak nhưng «không thay đổi chiến lược» đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Cùng lúc đó, không quân Pháp tiết lộ dồn dập oanh kích các vị trí «trọng điểm» của thánh chiến gắp ba lần số phi vụ «được thông báo chính thức».
Phải chăng Tây phương vô kế khả thi ngoài biện pháp «tăng quân và oanh kích»? Câu hỏi được nhật báo cánh hữu Le Figaro giải đáp qua tựa trên trang quốc tế: Liên minh đã nắm được bí mật của Daech, tên tiếng Ả Rập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Theo Le Figaro, chưa bao giờ bí mật từ trung tâm đầu não của tổ chức thánh chiến bị «lộ» nhiều như thế: hàng loạt thủ lãnh bị đột kích chết như Abou Sayaf, kinh tài của tổ chức.
Trong khi thánh chiến mở rộng địa bàn hoạt động tại Irak và Syria thì ban lãnh đạo gặp khó khăn trong việc bảo mật. Mạng lưới tình báo của tây phương từ từ siết chặt: các tài liệu điện toán mà lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tịch thu được từ chổ ẩn náu của Abu Sayaf dài gần 2100 giờ video cộng với thông tin do các bà vợ của các thủ lãnh trong đó có vợ của Abu Sayaf cung cấp là một kho tàng quý báu.
Hàng loạt thủ lĩnh bị nhận diện và lộ nơi trú ẩn.Trong tháng 5 và đầu tháng 6, không quân Mỹ tiêu hủy nhiều căn cứ của Daech như bộ chỉ huy tại Syria, cơ sở chế tạo xe gài bom ở Irak. Theo Le Figaro, tình báo Mỹ, Pháp, Jordanie, Irak sử dụng mọi hình thức gián điệp từ người như thông dịch viên cho đến vệ tinh và khai thác những bức ảnh do cá nhân chiến binh Hồi giáo đưa lên mạng để khoa trương. Thường dân Irak và Syria cũng là nguồn trợ lực quý giá. Mõi mệt vì bị áp bức, người dân sống trong vùng thánh chiến kiểm soát không ngần ngại tố giác các hoạt động của tổ chức thánh chiến. Le Figaro kết luận: nhân sự chỉ huy của thánh chiến bị truy nã từ mọi hướng.
Khách sạn «5 sao» cho Chu Vĩnh Khang
Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo công an TC lãnh án tù chung thân. Tập Cận Bình tự thưởng bộ «da cọp», chiến tích đẹp nhất trong chiến dịch bài trừ tham ô. Le Figaro chú ý thái độ của cựu trùm an ninh tại TC trước tòa: tôi thừa nhận cáo trạng của viện công tố và xin thành khẩn hối cải.
Tại sao nhân vật đầy quyền uy một thời hét ra lửa nay hiền lành như con cừu trước tòa án và tuyên bố không chống án? Theo Le Figaro, kẻ bị nghi ngờ âm mưu đảo chính Tập Cận Bình muốn phe thắng thế để yên cho gia đình và bà vợ thứ hai. Bà vợ thứ nhất từ trần vì tai nạn xe hơi mà Chu Vĩnh Khang bị nghi là kẻ chủ mưu.
Biết rằng chống án và tiết lộ hết sự thật trong một phiên tòa công khai không có lợi gì cho mình, Chu Vĩnh Khang hy vọng sẽ bảo vệ được thân nhân qua thái độ «hợp tác». Chế độ TC cũng có truyền thống cho phép các cán bộ lãnh đạo bị thất sủng hưởng quy chế ưu đãi trong nhà tù như là một khách sạn 5 sao.
Và… thảm đỏ đón đối lập Miến Điện Ang San Suu Kyi
Chủ tịch TC mời và đón lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi như là một nguyên thủ quốc gia. Theo nhận định của Le Monde, Tập Cận Bình đã đích thân «xử lý» hồ sơ Miến Điện: trước tiên là tổ chức tập trận ở vùng biên giới hai nước trong một thời gian không xác định, một hính thức cảnh cáo quân đội láng giềng. Thứ hai là mời bà Aung San Suu Kyi sang TC để bắn tín hiệu với chính quyền hiện nay là Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với cựu tù nhân chính trị Miến Điện.
Chiến lược của Bắc Kinh là chuẩn bị tình huống đối lập Miến Điện sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11. Ngược lại, lãnh đạo đối lập Miến Điện sẽ phải tránh đề cập những vấn đề «nhạy cảm» theo quan điểm chính quyền TC như số phận của nhà đối lập Lưu Hiểu Ba đang thụ án 11 năm tù.
Thái độ bị xem là «chính trị thực dụng và tham vọng» đóng vai trò số một của bà Aung San Suu Kyi, theo Le Monde, đã làm nhiều nhà dân chủ Miến Điện và công luận quốc tế thất vọng nhất là khi bà không dứt khoát bênh vực người Rohingya.
«Putin và Đức Giáo hoàng Phanxicô»
Khác với lập trường «chính trị thực dụng» của lãnh đạo đối lập Miến Điện nhận lời mời gặp Tập Cận Bình, báo chí Pháp không phê phán mà còn ngợi khen lãnh đạo Giáo hội Hoàn vũ tiếp lãnh đạo Nga tại Vatican. Trọng tâm của cuộc gặp gỡ này là tình hình Ukraina. Bị các nước Tây phương thúc giục phải có thái độ cứng rắn với chủ nhân điện Kremli, Đức Giáo Hoàng chỉ nhấn mạnh đến nhu cầu «thực thi hiệp định Minks».
Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi: liệu Đức Giáo hoàng có cầu hòa quá mức với Vladimir Putin hay không? Chuyên gia Nicolas Kazarian, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp (Iris) thẩm định đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Công giáo thế giới không nghiên theo lập trường của các nước Tây phương; Đức Thánh Cha Phanxicô, năm 2013, chống lại xu hướng muốn can thiệp quân sự vào Syria.
Thái độ «tự do chính trị» này còn kèm theo tinh thần «ngoại giao thực dụng». Đức Giáo Hoàng nghĩ rằng cần phải tạo quan hệ tin cậy với Nga không những vì tình hình Ukraina mà còn vì quan hệ giữa hai giáo hội Công giáo La Mã và Chính Thống giáo. Theo quan điểm của Vatican, Tây phương không nhìn vào thực tế, tự cho là có thể giải quyết khủng hoảng Ukraina hay phong trào Hồi giáo cực đoan tại Trung Cận Đông mà không cần có tiếng nói của tác nhân chính là Matxcơva.
Theo chuyên gia Nicolas Kazarian, thật ra thì từ khi thế giới Cộng sản sụp đổ, Vatican không bao giờ lên tiếng bênh vực, thiên vị một bên trong các vụ xung khắc. Hành động trực tiếp của Giáo hội là tạo điều kiện cho các phe tranh chấp tiếp xúc nhau và kêu gọi cộng đồng tín đồ Công giáo hỗ trợ cho hòa bình và đối thoại.
Chính ở lập trường «không khoan nhượng» của Tòa thánh và của chính phủ Ý nữa mà ký giả của Le Monde nhận định «tổng thống Nga không tìm được hậu thuẫn của Roma và Vatican». Theo nhà báo Philippe Ridet, trong diễn văn chào mừng «ngày nước Nga» tại Hội chợ triển lãm toàn cầu ở Milano, thủ phủ vùng kỹ nghệ Lombardia, do Liên đoàn phương Bắc, một tổ chức chính trị thân Nga điều hành, Tổng thống Putin nhấn mạnh hệ quả lệnh trừng phạt quốc tế đối với kinh tế Ý. Thái độ đe dọa kín đáo này không hù dọa được thủ tướng Ý. Thủ tướng Matteo Renzi, nhỏ hơn Putin 23 tuổi, yêu cầu phải thi hành «toàn bộ» hiệp ước ngưng bắn Minks «kim chỉ nam của mọi nỗ lực».
Là «đối tác» với Nga từ 500 năm nay, nước Ý là một «móc xích yếu» của châu Âu trong chiến lược đối phó với Nga nhưng đường lối ngoại giao xuyên suốt đã được Ngoại trưởng Paolo Gentiloni tóm gọn trong một phương trình: Nước Ý luôn thủy chung với các đồng minh nhưng cùng lúc duy trì quan hệ đặc biệt với Nga.
Không thuyết phục được Roma xé lẻ bỏ Bruxelles, tổng thống Putin cũng không tìm được hậu thuẩn của Đức Giáo Hoàng hoặc ít ra Tòa thánh giữ lập trường «trung lập» trong hồ sư Ukraina. Le Monde trích dẫn bản thông cáo do Vatican công bố sau 50 phút hội kiến: khuyến khích «Tổng thống Nga tái xây dựng không khí đối thoại» và Tòa thánh kêu gọi «các bên cam kết thực hiện hiệp định Minks».
Thủ tướng Pháp chưa thoát khỏi vùng «chấn động khí quyển»
Sự kiện Thủ tướng Manuel Valls sử dụng phi cơ công vụ cùng hai con trai bay sang Berlin dự trận chung kết vẫn tiếp tục là đề tài bình phẩm của báo chí Pháp mặc dù ông đã nhìn nhận sai lầm và trả lại công quỹ 2.500 euro.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro đề tựa: Valls nhìn nhận «sai lầm» nhưng «không phạm lỗi». Nhật báo cánh tả Liberation không nhân nhượng: thủ tướng hoàn trả công luận để giới hạn thiệt hại. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, hơn 70% dân chúng tỏ ra bất bình hành động sai sót này của nhân vật dứng đầu chính phủ trong khi nhiều hồ sơ cải cách quan trọng đang chờ và nạn thất nghiệp vẫn đe dọa hàng triệu công dân.
Libération chất vấn Thủ tướng: khi ông nói «không làm như thế nữa» có nghĩa là gì? Sẽ không bỏ hội nghị đảng đi xem đá banh? Không dẫn con đi theo bằng máy bay công vụ? Hay là phải chờ đến 4 ngày mới nhận lỗi?
Còn theo Le Monde, trong những ngày gần đây, Thủ tướng Valls đã thay đổi tâm tính. Ông rất dễ nóng giận và ít muốn lắng nghe ai. Trước khi sang Berlin xem chung kết trận Barcelona và Juventus, có người đã khuyên can ông đừng đi nhưng thủ tướng bất chấp. Một trong những lý do chính trị giải thích tình trạng này là ông biết khó có thể ra tranh cử tổng thống năm 2017 vì đương kim tổng thống François Hollande đã giành sân.
Một thông tin thời sự khác của Pháp được tất cả các báo bình luận rộng rãi là kế hoạch của bộ Ngoại giao thu hút 100 triệu du khách hàng năm kể từ năm 2020. Ngành du lịch mang lại cho nước Pháp một nguồn lợi nhuận gần 7,5%. Tổng sản lượng quốc gia được Ngoại trưởng Laurent Fabius gọi là báu vật quốc gia. Với 84 triệu du khách ghé thăm, nước Pháp là địa điểm du lịch đứng hàng đầu về số lượng, nhưng hàng thứ ba trên thế giới về doanh thu từ du khách sau Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Bốn lãnh vực được cải cách là dịch vụ kỹ thuật số, đón tiếp, đào tạo nhân sự và đầu tư.
Bá tước Dracula lìa trần
Trong lãnh vực nghệ thuật, một ngôi sao điện ảnh vừa tắt lịm. Christopher Lee, nổi danh trong vai bá tước Dracula đã về chốn tuyền đài, tựa của Liberation với chân dung diễn viên điện ảnh chuyên đóng các vai ác hay nhân vật phản diện trên phông nền màu đen. Ông mất hôm Chủ nhật tại Luân Đôn nhưng gia đình mới thông báo hôm qua 11/06.