Thượng đỉnh G7 sắp khai mạc ở Đức
Đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối G7 trước khi hội nghị Thượng đỉnh khai mạc
Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nhân cơ hội này để duy trì sức ép đối với Nga xung quanh cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và cách đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu cũng nằm trong nghị trình. Nga đã bị loại ra khỏi nhóm các nước này, vốn trước đây là G8, kể từ khi họ sát nhập bán đảo tự trị Crimea của Ukraine hồi năm ngoái.
‘Nga không là mối đe dọa’
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là một mối lưu tâm chính tại kỳ Thượng đỉnh này do có những quan ngại rằng ông đang cố tình gia tăng sức ép quân sự ở miền đông Ukraine. Đức, Anh và Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận để hỗ trợ cho bất cứ quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nào muốn không muốn tiếp tục ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow vốn đang làm cho kinh tế Nga bị thiệt hại. Phương Tây đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước Đông Âu để đáp trả lại sự can thiệp của Nga vào Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin hôm 6/6 đã nói rằng Nga ‘không phải là một mối đe dọa’ và nước này ‘có nhiều thứ khác phải lo’. Ông nói với nhật báo Corriere della Sera của Ý rằng: “Chỉ có người mất trí và chỉ có trong mơ mới có ý nghĩ rằng Nga sẽ bất thình lình tấn công Nato.” “Thế giới đã thay đổi quá nhiều đến nỗi những ai có đầu óc bình thường đều không thể tưởng tượng về một cuộc chiến tranh quy mô lớn ngày nay,” ông nói thêm. Trước khi Thượng đỉnh G7 khai mạc, hàng ngàn người biểu tình đã tập hợp ở thị trấn Garmisch- Partenkirchen gần đó để phản đối. Đã xảy ra xung đột lẻ tẻ với cảnh sát.
Một số người biểu tình được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị thương nhưng tình trạng bạo lực xảy ra là không đáng kể so với những kỳ Thượng đỉnh G7 trước đây. Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Thủ tướng Canada Stephen Harper với sự hiện diện của 17.000 cảnh sát. Bà Merkel cũng hy vọng nhân kỳ thượng đỉnh này bàn thảo về kế hoạch của bà cải cách triệt để những phản ứng toàn cầu đối với những dịch bệnh như Ebola. Bà muốn cải cách lại Tổ chức Y tế Thế giới, vốn bị nhiều người đánh giá là thiếu sự chuẩn bị khi dịch Ebola bùng phát, và phát triển một đội ngũ bác sỹ và các nhà khoa học quốc tế dự bị để triển khai trong những lần khủng hoảng trong tương lai. Vào thứ Hai ngày 8/6, các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về những mối đe dọa từ những nhóm phiến quân như Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram với các nhà lãnh đạo các nước Nigeria, Tunisia và Iraq.