Họp mặt của các quốc gia liên-kết chống Nhà Nước Hồi-Giáo tại Paris – Nhữ Đình Hùng
Trong ngày thứ ba,02.06.2015, một cuộc họp giữa những nước liên-kết chống lại Nhà Nước Hồi Giáo đã được tổ-chức tại Paris. Các quốc-gia này, kể từ mùa hè năm 2014, đã tổ-chức các cuộc không-tập nhắm vào lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo trải rộng trong vùng bao gồm một phần lãnh thổ Syrie và một phần lãnh thổ Irak. Tuy thế, các cuộc không-tập đã không ngăn được sức tiến của Nhà Nước Hồi Giáo, trong những ngày cuối tháng 05.2015, lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo đã chiếm được thành-phố Palmyre của Syrie và Ramadi của Irak. Chính vì thế mà cuộc họp giữa các nước liên kết đã được triệu-tập để duyệt xét lại chiến-lược. Sách-lược hiện nay là dùng không-quân oanh-tạc các lực-lượng của NNHG, trong khi trên chiến-trường vẫn dựa vào các lực lượng quân-sự của Irak và các quân peshmergas của Kurdistan.
Cuộc họp ngày 02.06 tại Paris lẽ ra được chủ tọa bởi ngoại trưởng Mỹ Kerry và thủ tướng Irak, Haider al-Abadi. Nhưng Kerry bị thương vì tai nạn xe đạp, bị gãy chân, đã được đưa về Mỹ chữa trị.
Trong cuộc họp báo trước khi tham-dự buổi họp, thủ-tướng Irak đã cáo-giác sự thất-bại của cộng-đồng quốc-tế trong việc chống lại Nhà Nước Hồi Giáo (E.I hay Daesh), lực lượng của NNHG đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng nằm vắt ngang qua biên giới Syrie và Irak. ‘ Tôi nghĩ rằng đây là một thất-bại của cộng-đồng quốc-tế. Về việc hỗ-trợ cho Irak, nói thì nhiều mà trên diện địa làm chẳng bao nhiêu’. Ông nói lực lượng quân-sự của Irak không được giúp đỡ nhiều nhất là về vũ khí và đạn dược! Được biết sau cuộc thất thủ ở Ramadi, Hoa Kỳ đã chỉ trích Irak không có quyết tâm chiến đấu. Điều chỉ trích này không hẳn là thiếu căn cứ: trong việc tháo chạy ở Mossoul, quân Irak đã để lại quân trang,vũ khí và 2300 xe bọc sắt. Với lực lượng xe bọc sắt này dàn hàng tấn công quân E.I, việc ngăn chặn là điều có thể nếu không phải là chắc chắn!
Ông al-Abadi cũng đòi quyền được mua các vũ khí của Nga, phần lớn các khế ước đã được chánh-phủ trước ký kết nhưng do việc Nga bị tây phương phong toả kinh-tế, Irak đã không thể trả tiền để nhận vũ khí. Al-Abadi nói ‘Chúng tôi không xin vũ khí nhưng hãy để cho chúng tôi dễ dàng trong việc mua vũ khí’. Ông này cũng nhấn mạnh việc có nhiều người ngoại-quốc trong hàng ngũ E.I, ước lượng là 60% người quốc và chì có 40% là người Irak và đặt câu hỏi ‘tại sao lại có chừng đó quân khủng bố đến từ Arabie Saoudite, vùng Vịnh,Ai-Cập, Syrie, Thổ và những nước Âu Châu..Chúng tôi cần đến một việc làm chánh-trị của những nước đối-tác trong hàng ngũ liên-minh về đề tài này.’
Kể từ tháng 10.2014 cho đến nay,liên-quân chống EI đã thực-hiện hơn 4000 cuộc không tập nhắm vào các vị trí của NNHG, tuy nhiên, quân của NNHG vẫn mở rộng được vùng kiểm-soát ( bài học oanh tạc bằng không lực chiến lược B.52 tại VN hình như vẫn chưa được rút tiả kinh nghiệm!)
Theo thủ tướng Irak,’việc yểm-trợ từ trên không không đủ..Việc kiểm soát quá ít. Quân NNHG di động và bằng những toán nhỏ’. Kinh nghiệm của quân Kurde ở Kobané không được dùng đến, với sự yểm-trợ trên không và một lực lượng dưới đất, quân NNHG đã bị quân kurde đẩy lùi khỏi Kobané. Gần đây, quân NNHG cũng bị các dân-quân theo Thiên Chúa Giáo đẩy khỏi nhiều vùng theo Thên Chúa Giáo ỏ Assyrie…Thủ tướng Irak đưa ra một chương trình nhằm thu hồi lại các vùng lãnh thổ bị quân NNHG chiếm, nhưng các kế-hoạch quân sự và chánh-trị không được nói ra. Dự đoán là các thị tộc sunnite ở al-Anbar sẽ được vận-đông để chiến đấu chống NNHG, các nhóm quân tham-chiến trong số có các dân quân chiite sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Thủ Tướng. Tại Irak hiện vẫn còn có sự nghi kị giữa người Irak chiite và Irak sunnite. Các chiến-lược quân-sự nhằm thu hồi các vùng bị mất về tay quân NNHG sẽ không thể tách khỏi việc thực hiện một chánh-sách hoà-giải dân-tộc trong đó có việc hội-nhập người sunnite vào guồng máy quân-sự và chánh-trị.
Trong cuộc họp của liên quân chống EI tại Paris, điểm đáng nói là Thủ tướng Irak đã ‘nhắc khéõ đến vai trò của Nga , có thể coi đó là một dấu hiệu mở đường cho việc Nga trở lại trong G8.
Sự ổn-định ở Irak cũng tuỳ thuộc vào tình-hình Syrie,do đó, vấn đề Syrie xem chừng cũng có cơ giải quyết. NNHG không phải chỉ chiếm một phần lãnh thổ Irak mà còn chiếm cả một phần lãnh-thổ Syrie. Các thành viên của liên-quân chống NNHG trong thông cáo chung ghi-nhận ‘sự không khả năng và việc thiếu quyết-tâm của chế-độ Bachar al Assad trong việc chống lại NNHG’ và kêu gọi việc thực-hiện một tiến trình chánh-trị được đặt dưới sự giám sát của LHQ nhằm thi-hành các nguyên-tắc được đề ra trong thông cáo ở Genève.Theo thoả thuận được ký ở Genève vào tháng sáu 2012, một chánh-quyền chuyển tiếp có đầy đủ thẩm quyền hành-pháp sẽ được thành-lập với sự đồng-thuận giữa chánh quyền Damas và phe nổi dậy. Cho đến nay, phe ‘nổi dậy ôn-hoà’ luôn luôn đòi ông al-Assad phải từ chức. Dưới mắt các chuyên gia phân-tích hiện nay, ông al-Assad là quân cờ chính trong nổ lực chống NNHG, các phe nổi dậy, ngoài thành-phần nổi dậy được coi là ôn-hoà phần lớn gồm các sĩ quan và binh sĩ trước đó của chế độ Damas, phần còn lại – có thực-lực- là những nhóm djihadhistes như Front Al-Nosra, NNHG..Như vậy, chánh quyền chuyển tiếp nếu thực hiện được, sẽ chỉ gồm phe chế độ Damas và phe nổi dậy ôn-hoà. Ông al-Assad vừa được tái đắc cử vào chức vụ tổng thống qua một cuộc phổ thông đầu cử trong khi phe nổi dậy là thành phần li khai. Việc chấp nhận vai trò lãnh đạo của ông al-Assad là điều phải thảo luận và cho đến nay, ông al-Assad được sự ủng hộ của Iran, Nga.. Và dù muốn dù không, việc thi hành thoả ước Genève về Syrie năm 2012 đòi hỏi sự hiện-diện của Nga. Phải chăng G7 sẽ sắp trở lại thành G8 như trước đây?
Trong khi các đại biểu của 24 quốc-gia thuộc liên-quân chống Daesh (NNHG) đặt lại vấn đề chiến lược, các chuyên gia về Irak hay Trung Đông đã đưa ra nhiều nhận định về tình-hình.
David Rigoulet-Roze, thuộc học viện phân tích chiến-lược Pháp (IFAP=institut français d’analyses stratégiques) nói rằng ‘cần phải ghi nhận một số điểm bế tắc và sửa chữa nó bằng cách xét lại chiến-lược là không thể chỉ đơn giản giới hạn vào chiến-dịch không tập. Mà, có một số các biến-số phụ thuộc phải xét tới, với các mâu-thuẫn tiềm ẩn, nhất là về vấn-đề vai trò của Iran, thiết yếu vì Iran tham dự trực tiếp vào cuộc chiến đấu trên đất để chống lại NNHG, đặc biệt là tại Irak.Ở đó, người ta tìm thấy sự mâu thuẫn trong cái gọi là liên quân trong chừng mực mà các thành viên của liên quân coi Iran như là kẻ thù được chỉ danh. Đó có thể là lý do giải thích các thất bại liên quan đến chiến lược đang được thực hiện cho đến nay. Nghĩa là nó tập-hợp các tác-nhân không có cùng chung các lợi ích, kể cả việc có những lợi ích đối chọi nhau và như thế đã phần nào đem ‘thế chấp’ sự thành công của chiến-lược chống NNHG.’
Về việc gởi quân tham-chiến trên đất liền, chánh-quyền của ông Obama không chủ trương việc này! Theo Kenneth Weinstein, giám-đốc viện Hudson, một viện nghiên-cứu thân phe bảo-thủ, ‘việc can-thiệp của Hoa-Kỳ là giải pháp duy nhất! ‘Đó là một sai lầm khổng lồ việc không có một thoả-hiệp về các lực-lượng quân-sự ở Irak….Chiến-lược duy nhất đối với tôi là khả dĩ, đó là việc không-kích bằng các phi-cơ tự-hành (drones) và các lực lượng Mỹ và đồng-minh, nhắm trước hết vào NNHG và cũng như việc có thể gởi một số lượng quân đến Irak nhằm ngăn cản việc bành-trướng thực sự của NNHG và làm đổ thắng lợi của họ.Chính thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã nói đến 10.000 người, như thế không phải là một lực lượng khổng lồ nhưng là một lực lượng tối thiểu’.
Một nhà phân tích chánh-trị khác của Pháp, bà Myriam Benraad, một chuyên-gia về Irak ở Ceri-Sciences Po, trong một cuộc phỏng-vấn của France 24 , đã coi cuộc họp của liên-minh chống NNHG tại Paris là một hình thức lập đi lập lại, ‘muá may quay cuồng mọi hướng’! Các thành-viên trong liên minh chống NNHG đã không ăn nhịp với nhau, có những lịch trình khác nhau, đã hãm đà hoạt động của lực lượng chống NNHG và cuộc chiến dành bá quyền khu vực vượt qua cuộc chiến chống NNHG!