Trao đổi với ô. Pascal Boniface: Nga hung hăng trên hồ sơ Ukraina chỉ để hù dọa?
Pascal Boniface, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS (RFI)
Theo RFI – Mai Vân – 6/3/2014
Trên vấn đề này, ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS, cho rằng Tổng thống Putin dư hiểu là cái giá mà Nga phải trả nếu thôn tính vùng Crimée sẽ rất nặng nề. Trả lời câu hỏi của RFI về khả năng Nga thực thụ can thiệp quân sự vào Ukraina, ông phân tích:
Pascal Boniface: Không! Tôi nghĩ rằng chính ra ông Putin muốn tránh bị buộc phải can thiệp võ trang, vì điều đó không có lợi cho ông ấy. Theo tôi, ông Putin muốn đảo ngược tương quan lực lượng sao cho có lợi cho ông, và động thái huy động lực lượng là một cách dùng lãnh thổ để bắt bí, để cho thấy là ông ta nắm được vùng Crimée, và nếu chính quyền ở Kiev tiếp tục không có quan hệ thân thiện với Nga, thì vùng Crimée sẽ trở thành độc lập đối với Ukraina.
Không có nguy cơ Nga thôn tính Crimée, vì cái giá trên bình diện chính trị cũng như chiến lược sẽ quá nặng nề.
Chúng ta nên nhớ lại kịch bản Gruzia, khi mà Tbilissi chống đối Matxcơva, thì có hai vùng của Gruzia đã ly khai khỏi nước này, với sự giúp đỡ của người Nga tại chỗ, cũng như của quân đội Nga.
RFI: Tình hình Gruzia lúc đó phải chăng cũng không khác gì hoàn cảnh Crimée hiện nay, với cư dân nói tiếng Nga và thân Nga ủng hộ một hành động can thiệp quân sự của Putin?
Pascal Boniface: Đương nhiên, hay chính xác hơn là đối với 60% người dân Crimée nói tiếng Nga. Còn số 12% người gốc tartares thì chưa biết. Có lẽ họ muốn dựa vào Kiev hơn là tùy thuộc vào Matxcơva.
Nhưng nếu có một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị, điều đã được dự kiến, thì có lẽ sẽ được đa số dân chúng tán đồng.
RFI: Người ta đã nghe Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu ông Putin tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Yêu cầu này của Mỹ cũng như của cộng đồng quốc tế sẽ được lắng nghe hay không, sẽ có ảnh hưởng đối vơi ông Putin, trên chính sách của ông hay không?
Pascal Boniface: Không, hoàn toàn không có tác dụng gì cả, bởi vì ông Putin chỉ tin vào việc đọ sức và ông ta biết rằng về mặt quân sự, các nước phương Tây sẽ không làm gì. Do không muốn có rủi ro là phải đối mặt với những leo thang quân sự, ông Putin cho triển khai lực lượng, bằng cách củng cố các lực lượng quân sự đã có mặt trong khu vực Crimée. Ông ta muốn nhìn xem phản ứng của Obama. Việc Tổng thống Mỹ đe dọa không tham dự Thượng đỉnh G8, theo tôi, ít có tác dụng đối với ông Putin ».
RFI: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp bàn về Ukraina, thế sẽ có quyết định gì hay không?
Pascal Boniface: Cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 01/03 chỉ là một cuộc thương lượng, không đi dến quyết định gì. Một quyết định không thuận lợi cho Matxcơva dứt khoát bị Nga phủ quyết, và không chỉ Nga, mà còn có Trung Quốc. Tuy không có quyết định cụ thể nào, nhưng cuộc họp cho phép đối thoại trực tiếp giữa Nga với Mỹ, Anh, và Pháp. Họ có thể thảo luận với nhau và đó là điều tốt nhất có thể làm lúc này.
RFI: Nhưng người ta đã hiểu là Putin đang thị uy. Thế thì ông Putin chờ đợi gì nơi nền ngoại giao quốc tế khi cho dàn binh ở vùng biên giới ? Ông ấy muốn thu hoạch gì với những trò ngoại giao, quân sự hiện nay?
Pascal Boniface: Ông Putin muốn là quyền lợi Nga trong vùng này được tôn trọng, ông ấy vẫn còn nhớ mối nhục thảm bại ở vùng Balkan với cuộc chiến tranh Kosovo, và cũng còn nhớ chiến thắng của Nga năm 2008, trong cuộc chiến Gruzia, kết thúc với kết quả không phân thắng bại, và việc Abkhazia và Ossétia tách rời khỏi Gruzia trên thực tế.
Putin muốn khẳng định quyền lợi của mình, ông đánh giá là tiếng nói phản đối của Nga không được cả phương Tây lẫn người Ukraina ở Kiev lắng nghe, trong giai đoạn xẩy ra các biến cố gần đây. Lần này ông muốn người ta nghe rõ hơn tiếng nói của ông, với một tương quan lực lượng thuận lợi hơn cho ông.
RFI: Ông nói là được lắng nghe hơn, có nghĩa là sẽ có thỏa thuận của cộng đồng quốc tế cho Crimée được ly khai, phải thế không?
Pascal Boniface: Không phải là ly khai. Điều mà Nga muốn là một hình thức theo đó phương tây và Nga cùng quản lý hồ sơ Ukraina. Theo Nga, Ukraina là một nước đang phá sản, không còn phương tiện để tự túc. Một số người Nga còn nêu ví dụ Hy Lạp, được Liên Hiệp Châu Âu quản lý từ bên ngoài, và Nga cho rằng trên bình diện ngân sách, Ukraina cần được Châu Âu và Nga cùng quản lý, vì một mình Châu Âu không gánh nổi Ukraina, và một mình Nga cũng không làm được vì cũng không đủ sức. Nga muốn quyền cùng quản lý của họ được Châu Âu và Hoa Kỳ công nhận.
RFI: Riêng về Châu Âu thì sao? Người Ukraina xuống đường vì muốn được đến với Châu Âu và dẫn tới kết cục hôm nay. Hiện nay có thể nói đây là thắng lợi của ảnh hưởng của Châu Âu?
Pascal Boniface: Người ta có thể nói thỏa thuận chính trị dẫn đến việc Ianoukovitch phải ra đi và thành lập chính phủ mới ở Ukraina là một thành công của ngoại giao Châu Âu. Châu Âu ghi được một điểm tốt. Nhưng bây giờ chúng ta ở trong một cục diện mới. Và có một thực tế là Châu Âu không có khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraina. Cho nên chỉ có một giải pháp tập thể, và để chuẩn bị cho giải pháp tập thể có lợi cho mình, Nga đã phô trương võ lực như vây.
RFI: Có nghĩa là theo ông thì Nga sẽ giảm dần giọng điệu hung hăng và sẽ ôn hòa hơn?
Pascal Boniface: Nếu mà Nga đánh giá là được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu lắng nghe. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không được như thế, Châu Âu và Hoa Kỳ trước mắt muốn giảm ảnh hưởng của Nga ở Ukraina. Nga đã thấy rõ cho nên đã phản ứng như chúng ta thấy. và điều đó cũng hạn chế hành động của phương Tây.