Điểm Báo Pháp – 3-6-2015
Chuẩn bị họp báo sau vòng đàm phán thứ tư Mỹ-Cuba tại Washington ngày 22/05/2015.- REUTERS/Yuri Gripas
Đối lập Cuba trước đà bình thường hóa quan hệ La Habana–Washington
Cuba đang ở trước ngưỡng cửa bình thường hóa quan hệ với Mỹ hứa hẹn nhiều thay đổi sau bước ngoặt lịch sử này. Hòn đảo nằm giữa vùng biển Caribe đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Nhật báo Le Monde số ra ngày 03/06/2015, dành sự quan tâm với đối lập Cuba trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị cho những biến chuyển. Bài viết có tựa đề: «Những lựa khó khăn của đối lập Cuba ở thời điểm tan băng».
Le Monde ghi nhận đến lúc này, chế độ Castro tiết tục trấn áp ly khai hiện đang chia rẽ trong thời khắc chuyển tiếp hiện nay của đất nước.
Le Monde dẫn lời những nhà hoạt động đối lập với chính quyền để tìm hiểu suy nghĩ hành động của họ trước tình hình mới của đất nước. Bà Miriam Leiva, một trong những người lập ra hội «Những phụ nữ áo trắng», phong trào tập hợp những phụ nữ thân nhân của tù chính trị Cuba, cho biết bảo vệ nhân quyền giờ không đủ, đối lập phải đưa ra được chương trình cho tương lai.
Bà nói: «Chính quyền đã phá hủy xã hội dân sự, triệt tiêu tập quán chính trị. Trong vòng một nửa thế kỷ, người Cuba chỉ phải tuân thủ mọi thứ, vì việc làm, nhà ở, việc học hành của con cái, tất cả đều lệ thuộc vào Nhà nước».
Một nhân vật ly khai khác, ông Manuel Cuesta Morua, một người theo chủ trương xã hội dân chủ, cũng nhận thấy đối lập đang đứng trước bước ngoặt lịch sử của chính mình.
Đối lập là diễn viên hay khán giả của đổi mới ở Cuba?
Theo le Monde, nhà đấu tranh ngoài năm mươi tuổi này cho rằng, có ba chủ đề có thể gắn kết những nhà hoạt động đối lập với người dân Cuba vào thời điểm chủ nghĩa Xã hội Nhà nước phát triển theo hướng một nền kinh tế hỗn hợp, đó là: Quyền hội họp lập hội, quyền sở hữu và cải cách bầu cử nhằm tạo điều kiện cho sự xuất hiện đại diện đa nguyên.
Một nhân vật khác được Le Monde tiếp cận đó là ông Roberto Veiga, chưa đầy 50 tuổi, hiện đang điều hành một nhóm tư vấn mang tên Cuba Possible, tập hợp các nhà cải cách có xuất thân khác nhau, trong đó có cả những người đã từng gắn bó nhiều năm với chế độ.
Quyền lập hội và cải cách bầu cử là hai chủ đề được ông rất quan tâm. Lãnh đạo quốc gia phải được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Trong khi đó, năm 2018 Chủ tịch Raul Castro sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 84, phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, 55 tuổi, ngay từ giờ đã được chỉ định như là người kế tục. Thủ tục còn lại chỉ là tên ông được thông qua ở Quốc hội, một cơ quan có thể gọi là bù nhìn của đảng Cộng sản.
Còn cựu đảng viên Cộng sản Cuba, nay đã nghỉ hưu, ông Pedro Campos thì khẳng định nếu có bầu cử tự do hai vòng, chính phủ hiện nay sẽ không thể thắng được.
Liên quan đến ý tưởng các nhà đối lập có thể tham gia tuyển cử, ông Antonio Rodiles nhận định: «Có vài nhà đối lập ở Quốc hội chẳng thay đổi được gì». Vì quan điểm về thời kỳ chuyển tiếp dân chủ Cuba vẫn còn nhiều dị biệt trong đối lập: «Người này thì nghĩ, như Obama, là thay đổi kinh tế sẽ kéo theo những biến chuyển chính trị, trong khi chúng tôi cho rằng chế độ Castro có thể duy trì dưới hình thức toàn trị mới, giống như ở một số nước cộng sản hiện nay».
Cuối cùng Le Monde trích dẫn ông Elizardo Sanchez, 70 tuổi, thành viên Liên đoàn quốc tế về nhân quyền, một gương mặt ly khai kỳ cựu. Ông tỏ ra bi quan về các cải cách và các quyền tự do ở Cuba. Theo ông, chính quyền «chỉ muốn câu thêm thời gian». Trong khi đó Antonio Rodiles, đại diện cho thế hệ đối lập khác thì đặt câu hỏi: «Liệu những nhà đối lập sẽ là diễn viên hay khán giả của sự thay đổi này?».
Sepp Blatter rơi vào thế việt vị
Chuyển sang thời sự nóng nhất của các báo hôm nay, đó là sự kiện đúng 4 ngày sau khi tái đắc cử, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới Fifa, nhiệm kỳ thứ 5 liên tục, ông Sepp Blatter chiều qua đã bất ngờ thông báo từ chức giữa lúc các chỉ trích nhằm vào ông không ngớt cùng với cơn bão điều tra tham nhũng tiếp tục đánh tới tấp vào tổ chức quản lý bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Mặc dù thông tin rơi xuống vào cuối giờ chiều qua, khi mà hầu hết các báo đã lên khuôn chuẩn bị đưa qua nhà in nhưng các trang báo Pháp ra sáng nay vẫn phủ kín cái bài viết về diễn biến bất ngờ chưa từng có ở Fifa.
Nhật báo Libération chạy tựa «FIFA: Sepp Blatter rơi vào thế việt vị» và tờ báo mỉa mai: «Blatter khả kính, ông sẽ còn cho chúng ta tức cười đến cùng: Bốn ngày sau thắng lợi rực rỡ trong cuộc bầu cử giành được nhiệm kỳ thứ 5 liên tục, Papy Sepp hôm qua thông báo sẽ từ chức Chủ tịch FIFA ngay khi đại hội bất thường bầu người kế nhiệm».
Tại sao lại có chuyện từ chức này? Đơn giản là sức ép lên vị Chủ tịch này ngày càng lớn. Libération nhắc lại diễn tiến gần nhất: «Hôm thứ Hai, tờ báo New York Times trực tiếp cáo giác cánh tay phải của Sepp Blatter là Tổng thư ký FIFA, Jérôme Valcke, là người đã chỉ đạo việc rót 10 triệu đô la vào cá tài khoản của Jack Warner, một trong những quan chức của FIFA đang bị đặt trong tầm ngắm điều tra của tư pháp Mỹ. Theo cáo giác, vụ chuyển tiền này ẩn chứa nghi vấn tham nhũng liên quan đến việc Nam Phi được quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2010».
Còn báo le Figaro chạy tựa: «Blatter từ chức mở ra một kỷ nguyên mới cho FIFA trong bối cảnh khủng hoảng».
Trong khi chờ đợi những phát hiện mới có thể bung ra trong thời gian tới, sự ra đi của Blatter là «một tin tuyệt vời cho bóng đá thế giới», báo le Figaro hoan hỉ. Tờ báo bình luận: «với sự ra đi của ông chủ tịch quyền năng tuyệt đối, tại vị từ năm 1998, bóng đá thế giới cuối cùng có thể hy vọng phát động một chiến dịch thực sự làm sạch, cải tổ, tái thiết và thậm chí có thể còn gọi là cách mạng».
Chưa hết le Figaro tiếp tục với lời lẽ phấn khích: «được cả hành tinh yêu cầu, nhiều nhà lãnh đạo chính trị cũng như các nhà tài trợ hối thúc, vụ từ chức này, với những người phản đối, hiển nhiên là một thắng lợi lớn về mặt đạo đức. Thắng lợi này còn là của ông Michel Platini, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu, từng kêu gọi «ông bạn cố tri» của mình ra đi, đã thắng lợi». Và tờ báo nhận định «Còn một trận đấu nữa, ông Platini còn một thách thức cao nhất đó là kế tục Blatter. Ông có thể và phải ra ứng cử chức chủ tịch để cứu bóng đá thế giới».
Trong khi đó tờ báo L’Est Républicain hoan hô tư pháp Mỹ. Tờ báo giải thích: «Sepp Blatter đã không bị một số nhóm ủng hộ bỏ rơi vì trong đó ông luôn biết gắn kết giữa lá phiếu và ân huệ… Nhưng không, một cách gián tiếp, ông ta đã bị cản phá không thương tiếc bởi bộ máy tư pháp «made in USA», nơi duy nhất có thể đối mặt với các tổ chức thế thao mang tầm vóc đa quốc gia vẫn tự đặt mình trên luật pháp. Đừng bao giờ hy vọng các lãnh đạo của tổ chức này tự quét dọn. Các vụ bê bối lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua đã chứng minh điều đó. Trong cái thế giới mà chỉ có mỗi trái bóng là còn quay tròn, môn giải trí đơn thuần giờ đây được dùng làm sân chơi cho sự thèm khát vô độ quyền lực và tiền bạc».
Một vấn đề tất nhiên được đặt ra sau sự kiện hôm qua: Ai sẽ thay thế Blatter trong vài tháng tới? Nhật báo thể thao L’Equipe không ngần ngại khẳng định: «đại lộ đang mở rộng cho Platini (…) Dường như tất cả điều kiện đều hội tự để giúp ông trong cuộc cạnh tranh». Từ tối qua, trong giả thuyết Platini ra ứng cử, nhiều quan chức bóng đá của châu Âu và của Pháp lên tiếng ủng hộ. Chúng ta sẽ biết rõ hơn ý định của Michel Platini trong những ngày tới.
Miễn dịch trị liệu: Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư
Chuyển qua nhật báo Công giáo La Croix với hy vọng mới cho điều trị căn bệnh hiểm nghèo ung thư. Tờ báo có bài viết «Miễn dịch trị liệu, một vũ khí mới chống ung thư».
Tại hội nghị quốc tế về ung thư vừa mở ra tại Chicago cuối tuần qua, nhiều nhà y học Pháp đã rất vui mừng với những tiến bộ mới đạt được trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu. Phương pháp điều trị mới kích thích hệ miễn dịch ở người tỏ ra rất hứa hẹn trong việc điều trị bệnh ung thư, trước mắt là đối với các bệnh nhân mắc ung thư da.
Có phải chúng ta đang có được bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư với phương pháp miễn dịch trị liệu? Đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học tham dự hội nghị quốc tế về ung thư Asco, đang diễn ra tại Chicago, quy tụ hàng năm hàng nghìn bác sĩ và các nhà nghiên cứu trên thế giới để cùng nhau trao đổi đưa ra các phương hướng điều trị mới chống ung thư.
Tại hội nghị năm nay, miễn dịch trị liệu của các nhà nghiên cứu ung thư Pháp thu hút toàn bộ sự chú ý. Giáo sư François Sigaux, thuộc Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp ( INCa) đánh gia phương pháp trị liệu miễn dịch với bệnh ung thư: «Tôi thực sự cảm thấy chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới với hy vọng vững chắc vào tương lai».
Vũ khí điều trị ung thư cho đến giờ vẫn là hóa trị liệu và xạ trị. Hai phương pháp này tấn công trực tiếp vào khối u để phá hủy tế bào ung thư. Hiệu quả đến giờ vẫn còn rất hạn chế trong việc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Còn phương pháp miễn dịch trị liệu chủ yếu đánh thức hệ miễn dịch giúp nó tự vệ hiệu quả hơn trước căn bệnh và có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính hoàn toàn mà không gây tác hại tới sự tồn tại của các tế bào lành tính.
Theo giáo sư Sigaux: «Phương pháp này không mới. Đã từ hàng chục năm qua người ta thử triển khai nhưng vẫn thất bại nhiều. cách đây dăm năm tôi vẫn còn không tin». Nhưng đến năm 2010, một bước ngoặt đã xảy ra với sự xuất hiện của thế hệ chế phẩm kháng thể mới.
Hiện tại miễn dịch trị liệu đã chữa thành công một số trường hợp ung thư da. Dù kết quả chỉ là sơ khởi nhưng các nhà khoa học hy vọng liệu pháp này có thể thành công trong những trường hợp ung khó điều trị nhất như ung thư phổi.