Việt Nam có 40,000 người chết hàng năm vì thuốc lá
Ngày 31/05 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế không hút thuốc lá. Nhân dịp này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cho tới năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong và tình trạng bất lực, với hơn 10 triệu nạn nhân hàng năm. Hơn nữa, thuốc lá gây nên nhiều ca tử vong hơn cả bệnh Sida, ung thư, tử vong ở thai phụ, tai nạn xe hơi, tự vẫn…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc là là nguyên nhân dẫn tới 6 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 600.000 người không hút thuốc, song do sống chung hoặc tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc. Nếu không có hành động gì, thì từ nay tới năm 2030, con số tử vong sẽ lên tới hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó, hơn 80% trường hợp tử vong có thể xảy ra tại các nước có thu nhập thấp hay trung bình.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm Việt nam có khoảng 40,000 ca tử vong, trung bình 100 người chết mỗi ngày, vì hút thuốc. Nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70,000 người vào năm 2030.
Vẫn theo điều tra của tổ chức trên, vào năm 2010, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.
Theo báo điện tử Le Courrier du Việt Nam, ông Jeffery Kobza, quyền trưởng đại diện văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới, nhận định, Việt Nam sẽ phải chịu gánh nặng về kinh tế và sức khỏe do các vấn đề liên quan tới thuốc lá với chi phí điều trị các bệnh liên quan được thẩm định lên tới hơn 1 tỉ đô la mỗi năm.
Liên quan tới tình trạng này tại TC, chính quyền Bắc Kinh đã ra quyết định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như nhà hàng, văn phòng làm việc, phương tiện giao thông công cộng, khu vực xung quanh trường học hay bệnh viện.
Quy định này có hiệu lực từ ngày mai, 01/06/2015. Những người vi phạm sẽ bị phạt tới 200 nhân dân tệ (khoảng 29 euro). Trong trường hợp tái phạm tới lần thứ ba, tên của người vi phạm sẽ bị nêu lên trong vòng một tháng trên một webside của chính phủ. Các doanh nghiệp không áp dụng quy định mới trên có thể sẽ bị phạt tới 10,000 nhân dân tệ (1,455 euro).
Tại Liên Hiệp Châu Âu, theo một cuộc điều tra của Eurobaromètre được công bố 29/05 vừa qua, năm 2014, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm nhẹ trong khối này, nhưng vẫn chiếm tới 26% dân số. Trái lại, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng lên.
Pháp vẫn là nước có tỷ lệ người hút thuốc cao hơn so với mức trung bình của Liên Hiệp. Năm 2012, con số này là 32%, thì dù đã giảm xuống vào năm 2014, vẫn có 28% người Pháp hút thuốc. Hy Lạp có số lượng người hút thuốc cao nhất, chiếm 38% dân số, tiếp theo là Bulgary, chiếm 35%. Hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan có số lượng người hút thuốc ít nhất trong Liên Hiệp, chiếm lần lượt là 11% và 19% dân số. – Theo RFI